VÀI BIỆN PHÁP TU TỪ TRONG THÁNH GIÁO CAO ĐÀI
Kinh điển các tôn giáo truyền
từ nước ngoài vào Việt Nam thường phải qua một hoặc vài lần phiên dịch, thí dụ,
dịch từ tiếng Ấn Độ (Sanskrit hay Pali) sang tiếng Hán, rồi từ
Hán dịch sang Việt; dịch từ tiếng Hebrew sang La-tinh, rồi từ La- tinh
dịch sang tiếng Việt...
Là tôn giáo ra đời ở Việt Nam
từ những năm 20 thế kỷ 20, đạo Cao Đài qua phương tiện cơ bút, đã trực tiếp
dùng tiếng Việt dạy đạo cho người Việt. Đó là một trong nhiều yếu tố cho thấy
tính dân tộc của đạo Cao Đài. Nhà ngôn ngữ học có thể khảo sát dòng tiếng Việt
này và phát hiện ít nhiều đặc trưng độc đáo, chẳng hạn như một số biện pháp tu
từ.
1. Biện pháp
nhấn mạnh bằng một mạo từ
Chỉ sự vật cụ thể và một số
động vật, người Việt dùng mạo từ cái, thí dụ:
- cái nhà, cái
ghế (tĩnh vật);
- cái cò, cái
vạc, cái kiến (động vật, côn trùng)...
Với danh từ trừu tượng, không
dùng mạo từ cái, thí dụ: sự học, việc học, chuyện
công danh, sự công danh, sự nợ nần, việc
nợ nần...
· Cái đứng trước danh từ trừu tượng để nhấn mạnh, thí dụ:
- Cái học ngày nay đã
hỏng rồi... (Tú Xương)
- Cái công danh là cái
nợ nần. (Nguyễn Công Trứ)
- Người ta hơn tớ cái
phong lưu... (Tản Đà)
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Thương thân phải kíp tu
trì,
Để đem cái Đạo bù chì nước non.()
- Ta mến ta thương mới chỉ
truyền,
Giáo Tông tạm gác cái uy quyền;
Chỉ còn sư đệ tình
hơn thiệt,
Tâm đó, lòng đây,
bởi vạn duyên.()
2. Biện pháp
nhấn mạnh bằng hai mạo từ
· Tiếng Việt
chấp nhận dùng cùng lúc hai mạo từ để tăng thêm ý nhấn mạnh, thí dụ:
- Cái điều bạc
mệnh có chừa ai đâu? (Nguyễn Du)
- Tớ cũng hơn ai cái
sự nghèo. (Tản Đà)
- Cái thứ mưa dầm ở
Huế... (Nguyễn Tuân)
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Trước tiên mình phải hiểu
mình,
Sinh trong cái cõi nhân sinh làm gì? ()
- Xuống lên trong cái
cõi đời,
Dễ chi gặp đặng một
thời xá ân.()
3.
Biện pháp nhấn mạnh bằng một mạo từ kèm với một từ chỉ lượng (lượng từ)
Chỉ lượng xác định, người Việt
nói một, hai, ba..., thí dụ: một người, một nhà, hai
ngày, ba năm....
Chỉ lượng bất định, người Việt
nói những, thí dụ: những người, những nhà, những
ngày, những năm...
· Một
và những còn dùng để nhấn mạnh, thí dụ:
- Cả một đời
Mạnh Tử khổ công làm việc nghĩa.
- Họ đi vắng, không còn một
ai cả.
- Bé thế mà ăn được những
năm sáu chén cơm à!
- Đêm ngày lòng những
giận lòng... (Nguyễn Du)
- Khi mơ những tiếc
khi tàn... (Đoàn Thị Điểm)
· Trong thánh
giáo Cao Đài, cái và một, những được kết hợp để “gấp đôi” ý nhấn
mạnh, thí dụ:
- Chỉ một cái tâm,
tâm vũ trụ,
Thoát ly vạn tướng
phục nguơn thần.()
- Rằng ta là một cái ta chung,
Lớn rộng bao la ở khắp cùng...()
- Những cái tầm
thường là những tầm thường chung của mọi người. Những cái phi
thường cũng vẫn là phi thường chung của tất cả, chớ không dành riêng cho nữ
hoặc nam.()
4.
Biện pháp tách từ
Tiếng Việt có rất nhiều từ
kép (thí dụ: ân oán, hạnh phúc) và từ láy (thí dụ: vui vẻ,
buồn bã) để lời nói được êm tai, làm cho tiếng Việt rất giàu nhạc điệu.
Chẳng hạn, nói “nắng mai ấm” cũng đủ nghĩa, nhưng nói “nắng
mai ấm áp” thì nghe cân đối, nhịp nhàng và nhiều ấn tượng hơn. Ngoài
tính cân đối này, người Việt còn tách từ để thể hiện tính đối xứng, tạo sự hài
hòa về ngữ âm, có được tiết điệu và tăng thêm sức nhấn mạnh, thí dụ:
4.1. Một từ xen giữa từ kép hay từ láy, thí dụ:
- Thấy nó học với
hành mà chán! [với + từ kép học hành]
- Còn đắn với đo làm
gì nữa! [với + từ láy đắn đo]
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Lẩn quẩn, loanh quanh,
lên lại xuống,
Trong vòng luân
chuyển khổ cho thân.()
[lại + từ kép lên
xuống]
- Chỉ có trường đời tranh
với cạnh,
Hiền ngu, khôn dại
với hơn thua.()
[với + từ kép cạnh
tranh]
4.2. Một từ “cài răng lược” với từ kép hay từ láy, thí dụ:
- sống khổ sống sở [sống
/ sống + từ kép khổ sở]
- ăn vội ăn vàng [ăn
/ ăn + từ láy vội vàng]
- Làm người phải đắn
phải đo,
Phải cân nặng nhẹ,
phải dò nông sâu. (Ca dao)
[phải / phải + từ láy đắn
đo]
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Mặt nhựt hồi mô thấy xẻ
hai,
Có thương mới biết
đấng Cao Đài;
Cũng con cũng cái đồng môn đệ,
Bụng muốn phân chia
hỏi bởi ai? ()
[cũng /
cũng + từ kép con cái]
4.3. Hai từ có quan hệ đối ứng “cài răng lược” với từ kép hay từ láy,
thí dụ:
- nay thương mai nhớ
[từ đối ứng nay / mai +
từ kép thương nhớ]
- hồn xiêu phách lạc; xiêu
hồn lạc phách
[từ đối ứng xiêu / lạc +
từ kép hồn phách]
- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây
giờ nhớ ai? (Ca dao)
[từ đối ứng ra / vào +
từ láy ngẩn ngơ]
- đi lẻ về loi [từ đối
ứng đi / về + từ láy lẻ loi]
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Hỡi các
con ơi ráng chí bền,
Trước dìu sau dắt ráng cho nên.()
[từ đối ứng trước / sau
+ từ kép dìu dắt]
- Cõi vô thường kẻ đến trước
người đến sau, kiếp nhơn sanh nay về mai ở.()
[từ đối ứng về / ở + từ kép nay mai]
Nhận xét: Lẽ thường phải nói nay ở [sống] mai về [chết], mượn
ý câu sinh ký tử quy (sống gửi thác về). Tuy nhiên, cách nói nay về
mai ở hoàn toàn phù hợp với kiểu nói “trớ trêu” của người Việt, như: con
ông cháu cha, cao chạy xa bay, tai ngơ mắt điếc...
Lưu ý: Trong thánh giáo Cao Đài, có một dạng khác hơn các biện pháp tu từ
“cài răng lược” nói trên, đó là:
(a) xen kẽ một từ kép với từ
láy;
(b) xen kẽ một từ kép với từ
đối ứng, hay là
(c) xen kẽ một từ kép với một
từ kép khác.
Thí dụ:
- Mẹ vẫn biết các con đứa
nào cũng đã lỡ mang duyên trần nghiệp tục, sớm liệu chiều lo.()
[từ kép duyên nghiệp +
từ kép trần tục;
từ đối ứng sớm chiều +
từ kép lo liệu]
- Vì sao xẻ mún chia manh,
Đã chia thì khó, khó đành mượn vay.()
[từ kép xẻ chia + từ láy
manh mún]
- Đó là nguyên nhân nảy sinh
ra nhiều hình thức hành đạo mà ngày nay các em hằng nói là chia chi rẽ
phái.()
[từ kép chia rẽ + từ kép
chi phái]
5. Đảo trật tự
từ kép hay từ láy
· Một số từ
kép hay từ láy không thể đảo ngược trật tự thành phần của nó, thí dụ: bâng
khuâng, giang san, bàng hoàng không thể đảo ngược thành khuâng bâng, san
giang, hoàng bàng.
Nhưng nhiều từ có thể đảo
ngược, thí dụ: xuyến xao / xao xuyến, suy nghĩ / nghĩ suy, soi sáng / sáng
soi, giữ gìn / gìn giữ, non nước / nước non... Biện pháp đảo ngược này làm
câu văn nhịp nhàng, hài hòa vần điệu, có giá trị nghệ thuật, thí dụ:
- Ai ơi trẻ mãi ru mà,
Càng đo đắn lắm càng già mất duyên. (Ca dao)
Không thể nói “đắn đo”
vì câu thơ bị sái luật bằng trắc.
- Nhưng trong khoảnh khắc
ơ thờ ấy,
Thấy cả muôn đời
hận biệt ly. (Thế Lữ)
Nói thờ ơ thì câu thơ
nghe kém ngay, điều này có lẽ phải được “thẩm âm” bằng... lỗ tai thơ.
· Trong thánh
giáo Cao Đài, thí dụ:
- Chơn lý là gì? Một câu hỏi
vỏn vẹn chừng ấy mà hàm súc tất cả quan niệm về lý đạo triết minh.()
Nói minh triết, khi đọc
tiếng trắc (triết) ở cuối câu văn dài, nghe như bị “nghẽn” lại, câu văn
như “đoản hậu”.
· Một biện
pháp tu từ khác trong thánh giáo Cao Đài là kết hợp một từ đảo ngược (thí dụ: điên
đảo) cùng với nguyên thể (đảo điên) của từ đó. Thí dụ:
- Tử sanh, sanh tử đâu
là,
Nặng lo thể xác,
khó qua luân hồi.()
- Nhìn qua một lượt đời
người và muôn loại chẳng đặng an bình, mải xâu xé xé xâu, mải
trắng đen đen trắng...()
- Thế sự ngày nay không là
ngày xưa, cuộc diện đã đổi thay lại càng thêm thay đổi.()
- Đối cảnh sinh tình, tình
sinh phiền não, phiền não sinh oan nghiệt, oan nghiệt buộc trói con người vào
vòng vay trả trả vay.()
- Nhìn xem thế sự, trước mắt
bao nhiêu việc đổi thay thay đổi, luật tuần hoàn luân
chuyển chuyển luân...()
- Dòng đời cám dỗ rủ ren em,
Sanh tử tử sanh, ấy cũ mèm;
Lên xuống, xuống
lên, lên xuống mãi,
Luân hồi chuyển kiếp
khổ thân em.()
Biện pháp tu từ này có công
dụng: nhấn mạnh về lời và ý mà không phải điệp ngữ; tạo âm điệu cân xứng, làm
cho câu văn lời thơ thêm giàu nhạc điệu; diễn tả sự dai dẳng liên miên của một
tình thế; hoặc cho thấy một sự việc mãi lập đi lập lại, hoặc trong vòng lẩn
quẩn, hoặc mang tính ráo riết, ngày một gay go hơn.
6. Tạo hình
trong thánh giáo Cao Đài
Qua nghệ thuật tạo hình (tượng
hình) thánh giáo Cao Đài, đạo lý trừu tượng được thể hiện bằng những hình ảnh
cụ thể, tinh xác. Thí dụ:
- Đừng bao giờ con nhọc tâm
suy nghĩ đường này cao, nẻo kia thấp. Sự thấp cao chỉ ở trong lòng con
cũng như biển sâu non cao ở trong vũ trụ.()
- Hỡi các con, rừng
có cây cao cây thấp, con có đứa dở đứa hay...()
- Nhơn sanh là con
thuyền, thế đời là biển động.()
· Chân lý
tuyệt đối chỉ có một, là Đạo. Tất cả các tôn giáo dù khác nhau ở hình tướng
nhưng đều có công dụng là phương tiện để đưa con người tới cứu cánh là Đạo.
Diễn tả tương quan tôn giáo và Đạo, thánh giáo Cao Đài có câu:
- Tôn giáo là con
thuyền đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Các con
thuyền cuối cùng cũng xuôi về bến đỗ.()
Lưu ý: Tiếng Việt mượn cách diễn tả thời gian của ngôn ngữ Trung Hoa, và
đã có cách ví: bóng câu cửa sổ, mượn từ chữ Hán bạch câu quá khích,
gọi tắt là câu ảnh, khích câu.([27]) Thí dụ:
- Tàn ác thời gian giục vó
câu. (Đinh Hùng)
Leo Tolstoy nhìn thời gian
chuyển động theo con mắt cơ giới, nên viết:
- Thời gian là sự
chuyển động khôn cùng chẳng một phút giây ngưng nghỉ. (Chiến Tranh
Và Hòa Bình) ([28])
Ralph Hodson có lẽ nặng tình du
cư nên diễn tả thời gian bằng hình ảnh như sau:
- Thời gian, ơi lão
già du cư,
Có bao giờ ngươi
dừng lại,
Có bao giờ ngươi
thử nán cuộc lữ dài,
· Góp phần
giàu đẹp cho tiếng Việt là cách thánh giáo Cao Đài tả thời gian, bằng hình ảnh
rất sáng tạo, thí dụ:
- Những hạt chuỗi
thời gian trôi qua theo ngón tay Tạo Hóa.()
Tạo Hóa đang lần tràng hạt thời
gian, đều đặn. Một hạt chuỗi lăn qua ngón tay Tạo Hóa, một đơn vị thời gian
trôi qua, không theo đường thẳng mà theo chuyển động vòng tròn, giáp hết một
vòng sẽ trở lại chỗ ban đầu.([31]) Hình tượng độc đáo này còn
được vận dụng linh hoạt như sau:
- Nếu con mãi lo âu thế sự,
Mang nghiệp trần lành dữ đeo đai;
Xuân sang xuân vẫn còn hoài,
Chuỗi đời đếm hạt không tài vượt qua.()
- Đông sắp mãn thì xuân lại
đến,
Hạt chuỗi đời định mệnh lần qua;
Trăm năm gẫm có bao
là,
Hỡi con sứ mạng Kỳ
Ba thế nào? ()
Nghiên cứu các biện pháp tu từ
trong thánh giáo Cao Đài, ngoài những điểm tiêu biểu nêu trên còn có thể thấy
thêm nhiều dạng khác, chẳng hạn:
7. Chuyển từ
loại
Thí dụ, danh từ [dt]
chuyển thành tính từ [tt]:
- Xuân đến lồng trong khắp
mọi người,
Sang hèn thanh
trược cũng vui chơi;
Lẽ đâu xuân [dt] chỉ xuân [tt] chừng ấy,
Mà nợ tang bồng
quên đấy thôi.()
- Thượng Đế Chí Tôn đã mở
con đường cho nhân loại trở về với Thượng Đế: con người [dt] cho
thiệt con người [tt].()
8. Cách điệp
ngữ nhấn mạnh
8.1. Kiểu liên châu, thí dụ:
- Ôi Thiên
cơ, Thiên cơ là huyền diệu... (Cao Đài Tiên Ông)
- ... thì các con,
các con phải hiểu thông lẽ Đạo ấy... (Vô Cực Từ Tôn)
- Nó là một lẽ, một
lẽ cố định từ vô thủy đến vô chung... (Quan Âm Bồ Tát)
- Nhắp chén trà sen vị ngọt
ngào,
Hương xuân nồng ấm
thú tiêu dao;
Kìa hoa, hoa nở vì ai đó,
Theo luật sinh tồn
Đấng tối cao.()
- Rằng ta là một cái ta chung,
Lớn rộng bao la ở khắp cùng;
Ta chẳng có ta mà vẫn có,
Có ta, ta cũng chỉ tâm trung.()
- Kìa xem, xem
lại cõi trần,
Triền miên giấc
mộng phù vân chập chùng.()
8.2. Kiểu gián cách bằng một từ nối, thí dụ:
- Đời sống con người là một
phức tạp rộng lớn, xã hội và xã hội quay quần xoay
động... (Đại Tiên Lê Văn Duyệt)
- Sự liên giao càng ngày
càng sâu rộng, tôn giáo và tôn giáo càng gần gũi
lại với nhau...()
*
Noah Webster (1758-1843), nhà
soạn từ điển người Mỹ, nói: “Ngôn ngữ, cũng như khả năng đàm thuyết, là tặng
vật gần gũi của Thượng Đế.” ([40]) Như thế, thánh giáo Cao
Đài đem lại cho người Việt một tặng vật ngôn ngữ với nhiều đặc trưng và không
ít sáng tạo độc đáo mà qua lịch sử non chín thập niên của nền Đạo, chưa có điều
kiện được lưu ý để nghiên cứu, xiển minh trọn vẹn trên phương diện ngôn ngữ.
Albert Dauzat (1877-1955), nhà
ngôn ngữ học người Pháp, viết: “Ngôn ngữ là vật di sản truyền từ đời nọ qua
đời kia. Mỗi thế hệ phải chịu trách nhiệm về di sản ấy đối với thế hệ sau.”
([41])
Hiểu theo tinh thần đó, trong bối cảnh riêng của cộng đồng Cao Đài, nghiên cứu
thánh giáo Cao Đài về phương diện ngôn ngữ - mà bài này chỉ mới tạm thời phác thảo rất sơ lược một vài cạnh
khía tiêu biểu - phải chăng
cũng là một việc không nhỏ?
Viết lại, 11-7-1996
Bổ túc 16-8-2011