Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

99/2. TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA VỚI TÂM TÌNH MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI


TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA
VỚI TÂM TÌNH MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI
I. TRÍCH DỊCH NOSTRA AETATE
TUYÊN NGÔN
VỀ QUAN HỆ CỦA GIÁO HỘI
VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÔNG PHẢI KITÔ GIÁO
NOSTRA AETATE (TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA)
DO ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI
CÔNG BỐ NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 1965
1. Trong thời đại chúng ta, khi ngày từng ngày loài người đang được kéo xích lại gần nhau hơn, và những quan hệ giữa những dân tộc khác nhau đang trở nên bền chặt hơn, Giáo hội xem xét kỹ hơn mối quan hệ của mình với các tôn giáo không phải Kitô giáo. Trong nhiệm vụ thúc đẩy sự hòa hiệp và và tình yêu thương giữa con người, thực ra là giữa các dân tộc, ở Tuyên ngôn này trước tiên Giáo hội xem xét con người có chung điều gì và điều gì kéo con người đến với tình hữu nghị.
Cộng đồng tất cả các dân tộc là một, nguồn gốc của họ là một, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể loài người sinh sống trên mặt địa cầu.[1] Mục đích sau cùng của họ cũng là một - Thiên Chúa. Sự quan phòng của Ngài, những hiển bày của Ngài về sự lành, và kế hoạch cứu độ của Ngài mở rộng cho tất cả con người,[2] cho đến khi những người được chọn lọc sẽ được hiệp nhất ở Thành Thánh, là nơi rực rỡ ánh vinh quang của Thiên Chúa, nơi các dân tộc sẽ bước đi trong ánh sáng của Ngài.[3]
Con người kỳ vọng các tôn giáo khác nhau giải đáp những bí ẩn chưa có giải đáp về thân phận con người, những bí ẩn mà hôm nay, thậm chí cả trong thuở xưa, vẫn khuấy động sâu thẳm tâm hồn con người: Con người là gì? Ý nghĩa và mục đích cuộc đời chúng ta là gì? Thiện lương là chi và tội lỗi là chi? Do đâu mà có đau khổ và có khổ đau để làm gì? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự? Cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết là gì? Cuối cùng, sự huyền nhiệm tối hậu không thể diễn tả vốn luôn bao trùm cuộc tồn sinh của chúng ta là gì? - Chúng ta từ đâu đến và chúng ta sẽ đi về đâu?
2. Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy giữa các dân tộc khác nhau có một nhận thức nào đó về quyền năng ẩn tàng ấy, nó quanh quất, lảng vảng trong quá trình chuyển biến của vạn vật và trong những biến cố của lịch sử con người; thỉnh thoảng một số người quả thật đã đi đến chỗ thừa nhận sự hiện hữu của một Đấng Tối Cao, hay thậm chí là một Người Cha. Nhận thức và sự thừa nhận này nhuần gội những mảnh đời của họ một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc.
Tuy nhiên, các tôn giáo gắn bó với một nền văn hóa cấp cao đã cố gắng giải đáp những thắc mắc nói trên bằng những khái niệm tinh tế hơn và bằng một ngôn ngữ phát triển hơn. Thế nên trong Ấn giáo, con người suy niệm về huyền nhiệm thiêng liêng và diễn tả huyền nhiệm ấy bằng vô vàn thần thoại phong phú và bằng truy vấn triết học. Họ tìm phương thoát khỏi nỗi thống khổ của thân phận con người chúng ta, hoặc bằng những cách tu hành khổ hạnh, hoặc bằng cách thiền định thâm sâu, hoặc bằng cách chạy nhanh đến Thượng Ðế với lòng yêu thương và tin cậy. Ngoài ra, gồm nhiều tông phái khác nhau, Phật giáo nhận thức sự bất túc căn bản của cõi đời biến dịch này; đạo Phật dạy một con đường cho những ai tín thành sùng mộ, bằng những nỗ lực của chính bản thân hoặc nhờ Ơn Trên hộ trì, có thể hoặc thành tựu giải thoát trọn vẹn hoặc đạt được giác ngộ vô thượng. Cũng thế, các tôn giáo khác có mặt ở mọi nơi đều cố gắng giải trừ nỗi bất an trong tâm hồn con người; theo cách thức riêng của mình, mỗi tôn giáo đều đưa ra “các con đường”, bao gồm giáo lý, quy tắc sống đời, và các nghi lễ thiêng liêng.
Giáo hội Công giáo không bác bỏ những gì chân thật và thánh thiêng trong các tôn giáo này. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xem những cách thức hành xử và các nếp sống ấy, những giới răn và giáo lý ấy, mặc dù ở nhiều góc độ có khác biệt với những gì Giáo hội chủ trương và tuyên xưng, nhưng thường phản ánh một tia sáng của Chân lý, cái Chân lý soi rọi tất cả con người. Thật vậy, Giáo hội tuyên bố và phải không ngừng tuyên bố rằng Đức Kitô là “đường đi, sự thật, và sự sống” (Gioan 14:6), con người có thể tìm thấy ở Đức Kitô đủ đầy đời sống tôn giáo, và ở Đức Kitô, Thiên Chúa hòa giải vạn vật với chính Thiên Chúa.[4]
Vì thế, thông qua đối thoại và hợp tác với tín đồ các tôn giáo khác, được thực thi thận trọng trong yêu thương và làm chứng tá cho đức tin và đời sống Kitô hữu, Giáo hội thúc giục con cái Giáo hội thừa nhận, duy trì và cổ vũ những điều thiện hảo cả về tâm linh và đạo đức, cũng như những giá trị văn hóa - xã hội được tìm thấy giữa tín đồ các tôn giáo khác.
[Lược bớt số 3 và số 4, nói về Islam và Do Thái giáo.]
5. Chúng ta thật sự không thể kêu cầu Thiên Chúa, Cha của vạn loại, nếu chúng ta không chịu đối xử như anh em với bất kỳ một ai, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Liên hệ của con người với Thiên Chúa là Cha, và liên hệ của con người với con người là anh em mình, cả hai gắn kết nhau như Kinh Thánh nói: “Ai không thương yêu thì không biết Thiên Chúa.” (1 Gioan 4:8)
Vì vậy, bất kỳ một lý thuyết hay hành động nào dẫn đến kỳ thị giữa người và người hay giữa dân tộc và dân tộc, cho tới mức độ là nhân phẩm của họ và những quyền bắt nguồn từ nhân phẩm ấy, đều không có cơ sở để tồn tại.
Giáo hội không chấp nhận bất cứ sự kỳ thị hay quấy nhiễu nào chống lại con người vì phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, hay tôn giáo, bởi lẽ sự kỳ thị hay quấy nhiễu ấy trái nghịch tinh thần Đức Kitô. Ngược lại, noi theo bước chân Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, thượng hội đồng thiêng liêng này khẩn thiết mời gọi các Kitô hữu trung thành với lời dạy “duy trì tình anh em tốt đẹp giữa các dân tộc” (1 Phêrô 2:12), và nếu có thể được, hãy sống phần mình trong hòa bình với tất cả mọi người,[5] để cho họ có thể thật sự là con cái của đấng Cha Trời.[6]
II. TÌM HIỂU NOSTRA AETATE
1. Giới thiệu Nostra Aetate
Nhan đề tiếng Latin Nostra Aetate có nghĩa “trong thời đại chúng ta”. Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn (Bishops Commission for Ecumenism and Inter-religious Relations) của Úc châu viết:
“Năm nay đánh dấu kim khánh kỷ niệm Nostra Aetate, là Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II về Quan hệ của Giáo hội với các Tôn giáo không phải Kitô giáo. Văn kiện này đã thay đổi thái độ của Giáo hội đối với tín hữu các tôn giáo khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo hội đã nói một cách tích cực về các tôn giáo khác. Tuyên ngôn này được mọi người xem là một “bước ngoặt” trong các quan hệ giữa người Công giáo và tín hữu các tôn giáo khác. [Thánh] Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã gọi văn kiện này là Đại hiến chương (Magna Carta) về thái độ và cách tiếp cận của Giáo hội đối với các tôn giáo khác. Văn kiện này tiếp tục gây cảm hứng và hướng dẫn người Công giáo trong việc hình thành các quan hệ tương kính và hợp tác [với các tôn giáo khác].”
Trong đoạn văn dẫn trên, hai chi tiết sau đây nên chú ý:
(a) Lần đầu tiên trong lch sử, Giáo hội đã nói một cách tích cc về các tôn giáo khác.”
(b) “Tuyên ngôn này được mọi người xem là một ‘bước ngot’ trong các quan hệ giữa người Công giáo và tín hữu các tôn giáo khác.”
Theo quan điểm lịch sử của đạo Cao Đài, thời đại hiện nay của loài người thuộc về Tam kỳ Phổ độ. Trong kỷ nguyên này, mọi tôn giáo cần phải siêu vượt lên khỏi vỏ ốc tôn giáo cố hữu để đạt tới Đại Đạo. Đạo Cao Đài gọi đó là “về Nguồn (quy Nguyên)”, vì Đại Đạo là nguồn gốc chung của mọi tôn giáo.
Trên viễn trình về Nguồn, thay vì kỳ thị bởi các tiểu dị, hãy nhấn mạnh những giá trị vĩnh cửu mà các tôn giáo đều có chung; đồng thời, thái độ bao dung và cởi mở giữa các tôn giáo là đòi hỏi trước tiên và xuyên suốt.
Với Nostra Aetate, nhất là hai chi tiết (a) và (b) như lưu ý ở trên, từ Công đồng Vatican II trở đi, Công giáo Rôma đã và đang chuyển mình để phù hợp cơ Trời (tức là Thiên cơ, là kế hoạch của Thiên Chúa) cho kỷ nguyên mới của nhân loại.
2. Lược sử Nostra Aetate
Nostra Aetate ra đời như thế nào? Từ một phát biểu ngắn chỉ liên quan tới Do Thái giáo, văn kiện đã dần dần phát triển để gồm thêm đạo Islam, rồi cuối cùng bao hàm các tôn giáo khác. Tiến trình lịch sử này được Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu khéo léo tóm tắt như sau:
Nostra Aetate là một phần công cuộc đổi mới Giáo hội Công giáo của Công đồng Vatican II nhằm đưa Giáo hội vào mối tương quan với thế giới hiện đại. Căn nguyên hay nguồn gốc của Tuyên ngôn nằm trong tâm trí của [Thánh] Giáo hoàng Gioan XXIII, vị đã tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và đã dùng văn phòng lúc ấy của ngài làm Khâm sứ Tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ để tạo nên hành lang an toàn cho người Do Thái. Nhà sử học Jules Isaac [1877-1963] người Do Thái đã trình [Thánh] Giáo hoàng Gioan XXIII một văn kiện cho thấy giáo huấn của Giáo hội đã góp phần thế nào vào óc bài Do Thái (anti-Semitism), khích động Quốc xã Đức tàn sát mấy triệu người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau cuộc gặp gỡ ấy, vị Giáo hoàng nhân hậu chỉ đạo rằng sự thay đổi tình hình này phải được bao gồm trong những việc chuẩn bị cho Công đồng. Thoạt kỳ thủy, Tuyên ngôn là một tuyên bố chỉ nói tới người Do Thái, được gồm trong văn kiện về Giáo hội.
“Hồng y Augustin Bea [1881-1968, Dòng Tên], đã lèo lái văn bản này qua nhiều bản nháp trong Công đồng Vatican II. Trong bầu khí bất ổn thuở ấy, sau khi Nhà nước Israel vừa thành lập không lâu [tháng 5-1948], các giám mục Trung Đông cảnh báo rằng một phát biểu chỉ nói về người Do Thái sẽ được xem như chọn một thái độ chánh trị và sẽ có hậu quả tiêu cực cho các nhóm thiểu số Kitô hữu. Vì vậy, Công đồng đã thêm vào một phần nội dung về đạo Islam và các quan hệ với tín đồ Islam. Các giám mục châu Á khi ấy xác định rằng Công đồng không chú ý tới hoàn cảnh rất khác biệt của các vị khi sống như một nhóm thiểu số giữa các tín đồ của các tôn giáo khác có tầm kích thế giới (world religions), vì thế nhiều phần nội dung nữa được bổ sung. Trong quá trình làm việc, bản tuyên bố trở thành một văn kiện riêng biệt với quyền hạn riêng của nó. Vào ngày 28-10-1965, trong phiên làm việc thứ tư cũng là phiên sau chót, các Nghị phụ tán thành bản dự thảo cuối cùng với một đa số áp đảo là 2.221 phiếu thuận và 88 phiếu chống. Sự đồng thuận mạnh mẽ này biến Nostra Aetate trở thành giáo huấn chánh thức của Giáo hội về các quan hệ với tín hữu các tôn giáo khác.”
3. Tóm lược nội dung Nostra Aetate
Mặc dù bản thân Nostra Aetate bao gồm năm phần ngắn gọn, để giúp chúng ta đọc lại Tuyên ngôn này, Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu khéo léo tóm lược nội dung văn kiện như sau:
“1. Một phát biểu về tính đơn nhất của loài người, nguồn gốc và định mệnh mà chúng ta cùng sẻ chia với các tôn giáo mang đến những giải đáp cho các câu hỏi chung của chúng ta về ý nghĩa cuộc sống, đau khổ, thiện ác, và điều gì nằm bên kia cái chết;
“2. Một miêu tả tôn giáo như là một câu trả lời cho một quyền năng ẩn tàng, có liên hệ tới cách tu hành và giáo lý của Ấn giáo và Phật giáo, nói rằng Giáo hội Công giáo không bác bỏ những gì chân thật và thánh thiêng trong các tôn giáo này;
“3. Một cách xử sự tích cực đối với những tương đồng của tín đồ Islam đối với giáo lý và cách tu hành của Công giáo, căn cứ theo một số trong [năm] Cột trụ [7] và tín điều của đạo Islam, đề nghị rằng các mối hiềm thù trong quá khứ hãy được bỏ qua một bên mà thay vào đó là sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác với nhau vì điều tốt lành chung;
“4. Một giải thích về các mối liên kết thiêng liêng giữa Kitô hữu và người Do Thái, để sửa sai những lời cáo buộc hàm hồ về trách nhiệm của người Do Thái về cái chết của Chúa Giêsu, khẳng định giá trị hiện hữu của Giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel, và bác bỏ lòng thù hận, sự bách hại và óc bài Do Thái vì chúng trái nghịch đức bác ái của Thiên Chúa;
“5. Một khẳng định sau cùng rằng vì chúng ta gọi Thiên Chúa là ‘Cha’, thì tất cả loài người đều là anh chị em, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, bởi vậy không nên có kỳ thị bất công mà các Kitô hữu nên sống hòa bình với tất cả mọi người.”
4. Đối thoại liên tôn là gì?
Đọc Nostra Aetate (bản tiếng Anh) do Vatican chánh thức phổ biến, chắc chắn chúng ta không tìm thấy thuật ngữ “đối thoại liên tôn”; thế nhưng chúng ta đều hiểu văn kiện này đã mở đường cho các hoạt động mục vụ đối thoại liên tôn của Giáo hội Công giáo. Vậy, do đâu phát sinh thuật ngữ này? Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu giải thích như sau:
“Cách mới để tiếp cận tín hữu các tôn giáo khác là ‘đối thoại’. Tên gọi và phương pháp này đã được đưa vào Giáo hội do [Thánh] Giáo hoàng Phaolô VI qua tông thư Ecclesiam Suam (Giáo hội của Chúa, 1964)…”
Ở Việt Nam từng có ngộ nhận rằng “liên tôn” là một mưu đồ chánh trị nhằm phá hỏng an ninh xã hội; vì thế “đối thoại liên tôn” dễ bị nhầm lẫn xem là nguy hại.[8] Để điều chỉnh sự hiểu lầm ấy, chúng ta có thể mượn định nghĩa của Hồng y Phanxicô Arinze (người Nigeria, sinh năm 1932):
“Đối thoại liên tôn là một gặp gỡ nhiều người theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong một bầu khí tự do và cởi mở, để lắng nghe nhau, để cố gắng hiểu tôn giáo của người khác, và hy vọng tìm kiếm những khả năng hợp tác. Chúng ta hy vọng rằng người đối thoại sẽ đáp ứng lại, bởi vì đối thoại nên là hai chiều chứ không phải một chiều.” [9]
5. Thực thi đối thoại liên tôn
Vào Chủ Nhật 17-5-1964, ngày lễ Hiện xuống, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập một cơ quan đặc biệt của giáo triều Rôma, nhằm phụ trách về các mối quan hệ với tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Thoạt đầu cơ quan này có tên là Văn phòng về những người không phải Kitô hữu; từ năm 1988 đến nay, mang tên Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại Liên tôn.[10]
Thiện chí đối thoại liên tôn trong thực tế được thực thi ra sao? Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu giải đáp như sau:
“Việc nghiên cứu các tôn giáo khác được thực hiện, những cuộc thăm viếng lãnh đạo và các nơi thiêng liêng của các tôn giáo khác được sắp xếp, các đoàn đại biểu của các tôn giáo khác được tiếp đón ở Vatican. Các giáo phận, các hội nghị giám mục cấp quốc gia và các tổ chức cấp khu vực thành lập các ủy ban nhằm giáo dục và huấn luyện giáo dân đối thoại liên tôn với tín hữu các tôn giáo bạn.”
6. Bốn cách thức đối thoại liên tôn
Năm 1984, Văn phòng về những người không phải Kitô hữu xuất bản Thái độ của Giáo hội đối với Tín hữu các Tôn giáo khác: Những Suy niệm và Định hướng về Đối thoại và Sứ vụ. Theo Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu, văn kiện này đưa ra bốn cách thức đối thoại liên tôn như sau:
Đối thoại về đời sống - chia sẻ những biến cố trong đời sống hàng ngày chúng ta trong gia đình, nơi làm việc và vui chơi với những hàng xóm láng giềng khác tôn giáo;
Đối thoại về hành động - căn cứ trên các giá trị tôn giáo và luân lý được chia sẻ, cùng nhau xử lý những vấn đề bận tâm chung về xã hội để cải thiện xã hội;
Đối thoại về trao đổi thần học - chia sẻ và thảo luận những đức tin tôn giáo của chúng ta để hiểu biết nhau rõ hơn và nhận thức chính xác hơn những gì chúng ta tương đồng và những khác biệt của chúng ta nằm ở đâu;
Đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo - chia sẻ về những cách thực hành tâm linh cũng như những kết quả của cầu nguyện và thờ phượng trong truyền thống các tôn giáo.”
Cũng theo Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu, đối thoại liên tôn không loại trừ một ai, vì thế:
“Tất cả các thành viên của Giáo hội Công giáo được mời gọi xây dựng các quan hệ với tín hữu các tôn giáo khác. Mỗi người hãy làm theo cách riêng của mình, tùy theo hoàn cảnh sinh sống, để đáp lại lời mời gọi chia sẻ sứ mệnh. Bằng cách thực hành một hay vài ba hình thức trong bốn hình thức đối thoại liên tôn được kể trên đây - đối thoại về cuộc sống, đối thoại về hành động, đối thoại về trao đổi thần học, và đối thoại về kinh nghiệm nghiệm tôn giáo - nhiều khả năng có thể mở ra.”
III. THAY LỜI KẾT
Tiến sĩ Hans Küng (người Thụy Sĩ, sinh năm 1928) là Giáo sư Thần học Đại kết kiêm Chủ tịch Quỹ Đạo đức Toàn cầu (the Foundation for a Global Ethic); vị linh mục lỗi lạc này từng khẳng định: “Sẽ không có hòa bình giữa các dân tộc nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu không có đối thoại giữa các tôn giáo.”
Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium) công bố ngày 24-11-2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô xác định: “Đối thoại liên tôn là một điều kiện cần thiết cho hòa bình trên thế giới, và vì thế nó là một nhiệm vụ đối với các Kitô hữu, cũng như đối với các cộng đồng tôn giáo khác.” (Chương IV, số 250).
Mọi tôn giáo trong thời đại này cần không ngừng thắt chặt mối quan hệ hòa ái, hợp tác để cùng nhau xây dựng một thế gian hòa bình. Đối thoại liên tôn vì thế rất thiết yếu cho lý tưởng chung này của các tôn giáo thế giới. Con người thời đại không thể làm ngơ đối thoại liên tôn, và bởi thế cũng đừng ngộ nhận rằng đối thoại liên tôn là chuyện riêng tư của Công giáo.
Trong diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II vào ngày 11-10-1962, khi nhắc tới quyết định triệu tập Công đồng, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII gọi đó là “một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột / a sudden flash of inspiration”. Tôi tin rằng chớp nhoáng cảm hứng đột ngột ấy không gì khác hơn là Thần Khí (Spirit) của Chúa Thánh Thần,[11] vì chỉ có Thần Khí ấy mới làm nên một phép lạ như Công đồng Vatican II để đóng một cột mốc lịch sử trên viễn trình tiến hóa tâm linh của loài người như Thiên cơ hoạch định.
Một khi thấu hiểu Nostra Aetate, là hoa trái có được từ Công đồng Vatican II, các cộng đồng Cao Đài sẽ sẵn sàng và chủ động nhiều hơn nữa trong các quan hệ liên tôn giáo nói chung, và với các cộng đồng Công giáo nói riêng. Mỗi cộng đồng Cao Đài sẽ ý thức mở rộng hợp tác với các cộng đồng Công giáo cũng như các tôn giáo bạn trong nỗ lực chung nhằm kiến tạo một xã hội phát triển bền vững đặt trên nền tảng nhân bản, an lạc,tiến bộ như đạo Cao Đài đề xuất.
Tháng 10-2015



[1] “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ.” (Công vụ Tông đồ 17:26).
[2] “Từ chân trời này, Đức Khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp.” (Khôn ngoan 8:1);
“Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui.” (Công vụ Tông đồ 14:17);
“Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời...” (Rôma 2:6-7);
“Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Timôthê 2:4).
[3] “Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. Các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó.” (Khải huyền 21:23-24).
[4] “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải.” (2 Côrintô 5:18-19).
[5] “Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người.” (Rôma 12:18).
[6] “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mátthêu 5:45).
* Các câu Kinh Thánh trong phần chú thích căn cứ theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh Phụng vụ. Trong Nostra Aetate (bản tiếng Anh) không trích dẫn chi tiết các câu Kinh Thánh.
[7] Năm cột trụ của đạo Islam gồm có: (a) Shahadah: Thành kính tuyên xưng đức tin của một tín đồ; (b) Salat: Cầu nguyện năm lần một ngày; (c) Zakat: Bố thí cho người nghèo và người cần được giúp; (d) Sawm: Nhịn chay trong tháng Ramadan (tháng chín theo lịch Islam); (e) Hajj: Hành hương tới thánh địa Mecca. (Huệ Khải chú)
[8] Huệ Khải, Đối thoại liên tôn giáo từ góc nhìn một tín hữu Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 26-27.
[9] Hồng y Arinze, Meeting Other Believers (Gặp gỡ tín hữu các tôn giáo khác, 1997), tr. 5. Trích dẫn theo Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn của Úc châu.
[10] The Secretariat for Non-Christians; PCID: the Pontifical Council for Interreligious Dialogue.
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_pro_20051996_en.html. Truy cập 19-8-2015.
[11] Xem thêm: Huệ Khải, “Nửa thế kỷ Công đồng Vatican II: Một chút tâm tình của người đạo Cao Đài”. Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1866-1867, ngày 06-7-2012; hoặc xem: Huệ Khải, “Nửa thế kỷ Công đồng Vatican II: Một chút tâm tình của người đạo Cao Đài”, in trong Hòa điệu liên tôn. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, 2013, tr. 79-88.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.