Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

100/5. BÌNH GIẢNG THÁNH GIÁO: MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý / Đôi Điều Về Bình Giảng Thánh Giáo


BÌNH GIẢNG THÁNH GIÁO
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý

Trong lúc tìm hiểu ý nghĩa bài thánh giáo, người giảng thường gặp nhiều khó khăn liên quan tới văn bản. Để xử lý những trở ngại này, người giảng cần có kinh nghiệm đọc thơ phú và hiểu biết khá nhiều về kinh điển Tam Giáo, giáo lý Đại Đạo, v.v… Không thể tổng kết nơi đây tất cả mọi loại khó khăn về văn bản, tôi tạm nêu một số trường hợp cần lưu ý. Các thí dụ minh họa được đánh số liên tục.
1. Từ đồng âm khác nghĩa trong bài thi xưng danh
Nhiều bài thi quán thủ xưng danh dùng từ đồng âm (theo giọng miền Nam, miền Trung) nhưng khác ý nghĩa.
Thí dụ 1: HOÀN, HOÀNG giọng miền Nam, miền Trung đọc giống nhau. Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934), Đức Chí Tôn xưng danh:
NGỌC chỉ ban ra dạ nghẹn ngùng
HOÀNG cầu thế giới vẫn trời chung
THƯỢNG cờ quy nhứt minh chơn đạo
ĐẾ mạng chừ ai gánh vác cùng?
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, HOÀNG là vua.
Theo nghĩa câu hai, phải viết HOÀN cầu mới đúng.
Gặp trường hợp này, lúc trình bày văn bản nên viết: HOÀN(G) cầu thế giới vẫn trời chung.
Người giảng thánh giáo có thể giải thích lý do vì sao viết HOÀN(G) để tín hữu chưa quen dễ hiểu.
Thí dụ 2: Tại Tòa Thánh Hậu Giang, ngày 15-02 Đinh Sửu (27-3-1937), Đức Chí Tôn xưng danh:
NGỌC Kinh mở cửa để chờ con
HOÀNG cảnh trần gian đạo đức tròn
THƯỢNG chí hạ lưu tu đức chính
ĐẾ dân khỏi thẹn với sông non.
Giải thích:
Theo nghĩa câu hai, phải viết HOÀN cảnh mới đúng.
Gặp trường hợp này, lúc trình bày văn bản nên viết: HOÀN(G) cảnh trần gian đạo đức tròn.
Thí dụ 3: TÁT, TÁC giọng miền Nam, miền Trung đọc giống nhau. Tại thánh thất Trung An, ngày 14-7 Đinh Hợi (29-8-1947), Đức Từ Hàng Phổ Độ Quan Âm Bồ Tát xưng danh:
TỪ mấy mươi năm Đạo hoát khai
HÀNG bao nhiêu độ giáng trần ai
PHỔ truyền chơn giáo dìu sanh chúng
ĐỘ rỗi thiện căn khỏi nghiệt đài
QUAN quả buồn trông đoàn nữ phái
ÂM thầm đoái tưởng nẻo tương lai
BỒ đoàn cho biết hồi tê tái
TÁT họa vì đâu kẻ phản hồi.
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, HÀNG là danh từ, có nghĩa con thuyền. TỪ HÀNG 慈航 là con thuyền từ bi (boat of mercy), được Bồ Tát dùng để cứu vớt chúng sinh thoát ra khỏi biển khổ trầm luân, đưa sang bến bờ giải thoát.
Theo nghĩa câu hai, HÀNG là phó từ (adverb), đồng nghĩa với HẰNG, diễn tả một sự việc, hành động diễn ra thường xuyên theo một tần số. Ta hay nói: Hàng (hằng) giờ, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, v.v...
Theo cách đọc quán thủ, câu thơ thứ tám viết là TÁT . Thuật ngữ Bodhisattva (tiếng Sanskrit) được người Hoa chuyển chữ (transliterating) thành Bồ Đề Tát Đóa 菩提薩埵, rồi rút gọn thành Bồ Tát 菩薩.
Theo nghĩa câu tám, phải viết TÁC mới đúng. TÁC ha 作禍 là gây ra tai họa.
Gặp trường hợp này, lúc trình bày văn bản nên viết: TÁT (TÁC) họa vì đâu kẻ phản hồi.
Người giảng thánh giáo có thể giải thích lý do vì sao viết TÁT (TÁC) để tín hữu chưa quen dễ hiểu.
Thí dụ 4: QUAN, QUANG giọng miền Nam, miền Trung đọc giống nhau. Tại thánh thất Thái Hòa, ngày 01-01 Ất Mùi (24-01-1955), Đức Quan Thánh xưng danh:
QUAN cảnh ngày xuân cảnh mỹ miều
THÁNH tâm mới được thấy cao siêu
ĐẾ truyền nhơn chúng tuân cơ vận
QUÂN tử biết thời chớ thắng kiêu.
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, câu một viết QUAN .
Theo nghĩa câu một, phải viết QUANG cảnh 光景 mới đúng.
Gặp trường hợp này, lúc trình bày văn bản nên viết: QUAN(G) cảnh ngày xuân cảnh mỹ miều.
Người giảng thánh giáo có thể giải thích lý do vì sao viết QUAN(G) để tín hữu chưa quen dễ hiểu.
Thí dụ 5: Đức Quan Thánh Đế Quân còn có một tôn hiệu là Phục Ma Đại Đế. Tại tỉnh đạo Thừa Thiên, ngày 02-03 Mậu Tuất (20-4-1958), Đức Phục Ma Đại Đế xưng danh:
PHỤC hưng chánh pháp độ quần nhân
MA luyện người nên Phật Thánh Thần
ĐẠI phước ngộ kỳ khai thánh đức
ĐẾ Quân sắc lệnh đoạn tâm thân.
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, câu hai viết MA , nghĩa là ma quỷ, ma quái, tà ma...
Phc MA 伏魔: Khuất phục, chế ngự yêu ma quỷ quái.
Theo nghĩa câu hai, MA nghĩa là mài giũa.
MA luyện 磨煉: Mài giũa và tôi luyện (rèn đúc).
Người giảng cần nói rõ chữ MA trong tôn hiệu quán thủ khác nghĩa với chữ MA trong câu hai.
2. Từ Hán Việt trong câu thơ quốc ngữ
Thí dụ 6: Tại Phước Huệ Đàn, ngày 08-11 Kỷ Hợi (07-12-1959), Đức Ngôi Hai xưng danh:
NGÔ thị Ngôi Lời xuống thế gian
ĐẠI đồng lập pháp dựng Nam bang
TIÊN phàm ai biết làm sao biện
GIÁNG giáng thăng thăng Phước Huệ Đàn.
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, danh từ NGÔ là họ NGÔ. (Ngoài ra, họ NGÔ còn viết là .)
Trong câu một, động từ TH có nghĩa . Thí dụ:
Tha thị học sinh. 他是學生 (Nó là học sinh.)
Đại từ (pronoun) NGÔ nghĩa là ta.
NGÔ TH Ngôi Lời... (Ta là Ngôi Lời...).
Ngôi Lời (Logos) cũng là Ngôi Hai. Theo nhiều thánh giáo Cao Đài, Đức Ngô Minh Chiêu là Ngôi Hai Giáo Chủ, do đó Ngài giáng cơ xưng danh là Ngôi Hai, Ngôi Lời, Christ...
Thí dụ, tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 09-9-Bính Thân (12-10-1956), Đức Ngô Đại Tiên xưng danh:
CHRIST đến lần ba
NGÔ Đạo mở sơn hà
ĐẠI đồng quy vạn giáo
TIÊN Phật cũng là Ta.
Giải thích:
Theo cách đọc quán thủ, danh từ NGÔ là họ NGÔ.
Theo nghĩa câu hai, NGÔ Đo là Đạo của Ta.
Thí dụ 7: Tại thánh thất Trung Nguyên, ngày 28-4 Kỷ Hợi (04-6-1959), Đức Lý Bạch Đại Tiên dạy:
Ai còn lo chủ trương cứu thế
Phải dừng chân mà để xét suy
Cho rành nhĩ ngã, thị phi
Ta đi đường ấy, người đi đường nào?
Giải thích:
TH PHI 是非: Đúng sai, phải trái.
NHĨ NGÃ 你我: người và ta.
Thí dụ 8: Tại Phước Huệ Đàn, ngày 16-3 Kỷ Hợi (23-4-1959), Đức Ngô Đại Tiên dạy:
Không có Thầy tối tăm khốn khổ
Có Thầy rồi nhứt lộ đồng đăng
Thầy là manh mối tìm phăng
Thầy là lẽ thật con đàng vĩnh sanh.
Giải thích:
NHỨT L ĐỒNG ĐĂNG 一路同登: Cùng đi chung một con đường, tức là cùng tu theo một đường lối giải thoát, cùng theo một đạo (tôn giáo).
Thí dụ 9: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 20-01 Kỷ Hợi (27-02-1959), Đức Phục Ma Đại Đế (Quan Thánh) dạy:
Người tự giác phải lo công quả
Quả công dày tội quá trừ xong
Xong rồi Bồng Đảo thong dong
Nương mây cỡi gió khỏe lòng chi hơn.
Giải thích:
Phân biệt Q (quốc ngữ) có nghĩa là rất, lắm. Thí dụ: Tội quá! (Đáng thương quá! Tội nghiệp quá!)
Tuy nhiên, trong câu hai, từ Hán Việt TI QUÁ nghĩa là ti lỗi.
Quả công dày tội quá trừ xong: Người tu cố gắng tạo cho được thật nhiều công quả để chuộc lại tội lỗi thì tiêu trừ hết tội, sạch tội.
Thí dụ 10: Tại thánh thất Vĩnh Xuân, ngày 08-9 Mậu Tuất (20-10-1958), Đức Lê Sơn Thánh Mẫu xưng danh:
LÊ la ngày tháng đắm trần gian
SƠN động ngồi trông lệ mấy hàng
THÁNH vức trẻ sao chưa trở gót
MẪU Đường giận trách đám con hoang.
Giải thích:
Trong câu ba, VC là cõi, khu, vùng đất. Thí dụ: Hải vực 海域 (vùng biển), cương vực 疆域 (bờ cõi).
Người Việt quen đọc trại VỰC thành VỨC. Thí dụ: Thánh vức: Thánh vực, cõi thánh, miền đất thánh.
Trong câu bốn, danh từ ĐƯỜNG là tiếng gọi mẹ người đối diện. Thí dụ: Tôn đường 尊堂 (mẹ ngài), lệnh đường 令堂 (mẹ ông). Do đó, nói MẪU ĐƯỜNG 母堂 là nhắc tới Đức Mẹ Diêu Trì.
Thí dụ 11: Tại thánh thất Vĩnh Xuân, ngày 08-9 Mậu Tuất (20-10-1958), Đức Lê Sơn Thánh Mẫu dạy:
Mê vật chất quên lời giáo huấn
Đắm lợi danh hờ hững lòng tu
Muốn ham chừng mấy cho phu
Quê xưa vị cũ làm lu làm mờ.
Giải thích:
Trong câu ba, PHU đủ. Thí dụ:
- Nhập bất phu xuất 入不敷出 (Nhập không đủ xuất).
- Lương thảo bất phu 糧草不敷 (lương thảo không đủ). (Lương là thức ăn cho người; thảo là cỏ cho ngựa ăn. Câu Lương thảo bất phu dùng trong quân đội ngày xưa.)
Muốn ham chừng mấy cho phu: Con người thường tham muốn không giới hạn (có voi đòi tiên); do đó lòng tham không đáy, bao nhiêu cũng không đủ. Câu thơ thứ ba khuyên con người phải tri túc (biết đủ) để khỏi phung phí đời người chạy theo dục vọng, dành thời gian quý báu của kiếp người ngắn ngủi mà lo tu hành giải thoát luân hồi.
Thí dụ 12: Tại Ngũ Hành Sơn, ngày 09-01 Mậu Dần (08-02-1938), Đức Chí Tôn dạy:
Nhưng các con ơi thời dĩ đáo
Nên Thầy giáng chỉ trước đàn tiền
Giải thích:
DĨ ĐÁO 已到 là đã tới rồi.
Thí dụ 13: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-01 Nhâm Tuất (01-02-1982), Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long dạy:
Ai nấy cũng hết lòng vì Đạo
Phải tiểu tâm chu đáo mọi bề
Thị thành, miền tỉnh, thôn quê
Bửu Tòa, thánh thất nhất tề ngoài trong.
Giải thích:
Người Việt hiểu TIỂU TÂM là bụng dạ hẹp hòi, nhỏ mọn; kẻ tiểu tâm thì tính nết nhỏ nhen.
Tuy nhiên, đọc câu Phải tiểu tâm chu đáo mọi bề thì phải hiểu TIỂU TÂM 小心 theo chữ Hán, có nghĩa là thận trọng, không khinh suất.
3. Tiếng Việt cổ
Tiếng Việt cổ (archaic) là những lời ăn tiếng nói hiện nay không còn thông dụng trong đời sống, do đó không được giải thích trong phần lớn các từ điển xuất bản sau này (khoảng từ giữa thế kỷ 20 trở đi).
Đọc thánh giáo, nếu gặp những từ ngữ lạ, khó hiểu (nhưng không phải là từ Hán Việt), người giảng nên nghĩ tới tiếng Việt cổ. Bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (hai quyển) của Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907), in tại Sài Gòn hai năm 1895 và 1896, có thể giúp người giảng tra cứu ý nghĩa một số tiếng Việt cổ.
Thí dụ 14: Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934), Đức Chí Tôn dạy tiền bối Trần Công Ban:
BAN nặng gánh đôi vai trịu trịu
Khó nỗi trung, nỗi hiếu, nỗi tình
Đường dê chân bước gập ghình
Dầm mưa dãi gió thân mình quản chi.
Giải thích:
Theo bộ Quấc Âm Tự Vị của Paulus Của, ĐƯỜNG DÊ là đường trường xa cách, đường rừng rú. Theo ngữ cảnh bài thơ dẫn trên, nên hiểu là đường gian khó, hiểm trở.
Thí dụ 15: Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934), Đức Chí Tôn dạy:
Nay các con thân trai nặng nợ
Chí tang bồng mựa chớ đơn sai
Tuần hoàn con ác xoay xoay
Non sông rồi cũng có ngày lạc quan.
Giải thích:
MAđừng, chớ (từ dùng khi ngăn cấm); có lẽ do chữ Hán là MẠC . Người xưa khuyên: Mc đãi lão lai phương học đạo... (Chớ đợi tuổi già đến mới học đạo...).
ĐƠN SAIgiả trá, không trung thực. Trong truyện Kiều, để quảng cáo cửa hàng Châu Thai, Bạc Bà khoe với nàng Kiều: Cửa hàng buôn bán Châu Thai / Thực thà có một, đơn sai chẳng hề.
Thí dụ 16: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-4 Mậu Dần (24-5-1938), Đức Mẹ dạy:
Bứt rứt đòi phen dạ chẳng đành
Giáng trần chi sá trược cùng thanh
Con ôi! Miễn độ qua bờ giác
Mẹ há nài chi sự nhọc nhành.
Giải thích:
ĐÒI PHENnhiều phen, lắm phen, nhiều khi.
Thí dụ 17: Tại thánh thất Thái Hòa, ngày 13-9 Ất Mùi (28-10-1955), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:
Thánh Đạo muốn nên tua học đạo
Nương theo quyền pháp đến Long Hoa.
Giải thích:
TUAnên, hãy nên, do chữ Hán là TU .
Thí dụ 18: Tại thánh thất Nam Thành, ngày 29-9 Ất Mùi (13-11-1955), Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo dạy:
Hỡi hướng đạo ra tay vùa giúp
Hỡi nhơn sanh nỗ lực tham gia       
Nam Trung âu cũng một nhà
Một Thầy một Đạo đâu là Nam Trung?
Giải thích:
VÙAgiúp đỡ, thường nói VÙA GIÚP (hai từ đồng nghĩa).
Thí dụ 19: Tại thánh thất Trung Kiên, ngày 01-7 Mậu Tuất (15-8-1958), Đức Lê Sơn Thánh Mẫu dạy:
Cuộc biến loạn trẻ thường mục kích
Biết bao lần di dịch đổi thay
Đời người sống chết trở tay
Khi sang hơn chúa, khi cầy hơn chi?
Giải thích:
CẦY thường được hiểu là con chó. Thịt cầy là thịt chó. Ca dao có câu: Mèo ngao cắn cổ con cầy / Con cầy vật chết cả bầy mèo ngao.
Nhưng trong câu bốn, CẦY (tiếng Việt cổ) nghĩa là không có gì, trống rỗng, trống trơn. Theo Paulus Của, THUA CẦY là thua [cờ bạc] sạch cả tiền; TRỐNG CẦY là trống rỗng, trống không; RƯƠNG TRỐNG CẦY là rương không có một xu, một đồng nào trong đó.
Vậy, KHI CẦY HƠN CHI nghĩa là khi nghèo trắng tay, không còn tí ti của cải thì có hơn chi đâu.
4. Thuật ngữ tu đơn (tu thiền) trong đạo Lão
Thí dụ 20: Tại Phước Huệ Đàn, ngày 15-4 Kỷ Hợi (22-5-1959), Đức Ngô Đại Tiên dạy:
Cứ ngơ ngẩn chưa toàn chí nguyện
Cứ so đo chưa luyện đơn khuê
Lòng đang tính toán mọi bề
Mười phương cũng có, muôn nghề cũng ưng.
Tương tự, tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-8 Canh Tý (05-10-1960), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:
BẢO chị em ta sớm trở về
THỌ truyền bí pháp luyện đơn khuê
THÁNH phàm hai nẻo cân đo kỹ
NƯƠNG cậy cùng nhau trọn chữ thề.
Giải thích:
ĐƠN KHUÊ (đan khuê) 丹圭 cũng gọi đơn dược (đan dược) 丹藥 ám chỉ pháp môn tu thiền, tu tịnh, tịnh luyện.
LUYN ĐƠN KHUÊ: Luyện đạo, tu thiền, tịnh luyện.
5. Thuật ngữ Kinh Dịch
Thí dụ 21: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-7 Canh Tý (25-8-1960), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy mười điều, trong đó điều thứ tư như sau:
Bốn nghe ta chớ hờn chớ trách
Ở thời Khuê qua Cách còn xa
Cách sao danh nghĩa Bửu Tòa
Trung Hưng sứ mạng nơi ta vẫn còn.
Giải thích:
Câu hai nhắc tới hai quẻ Dịch:
a. Hỏa Trch KHUÊ: Quẻ này gồm có quẻ Ly ở trên là Hỏa (lửa); và quẻ Đoài ở dưới là Trạch (đầm nước, ao hồ). Lửa thời bay lên, nước ao hồ thì lắng xuống; như vậy hai bên không bao giờ hợp tác cùng nhau được. Nói tới quẻ Khuê là ngụ ý chia rẽ, chống đối nhau, không hợp tác.
b. Trch Hỏa CÁCH: Quẻ này gồm có quẻ Đoài ở trên là Trạch (ao hồ, đầm nước); và quẻ Ly ở dưới là Hỏa (lửa). Nước đổ xuống có thể dập tắt lửa; lửa bốc lên có thể làm nước bốc hơi khô cạn. Sự xung đột giữa hai bên đã đến tột độ, ắt phải có sự đổi thay. Vì thế, chữ CÁCH là đổi thay, trừ bỏ, lột xác, đổi mới... Ta hay nói: cách tân, cải cách, cách mạng...
Nói tới quẻ Cách là ngụ ý đổi mới những gì vốn cũ kỹ, hủ bại. Trong câu hai, Đức Bảo Thọ Thánh Nương nhắc nhở rằng từ chỗ đang phân ly chia rẽ mà đi đến chỗ đổi mới hoàn cảnh để cùng nhau hợp tác hành đạo là cả một khoảng đường xa.
6. Điển cố (điển tích)
Khi thánh giáo nhắc tới một điển tích, người giảng kể lại tích đó thì chỉ mới làm xong phân nửa công việc. Phân nửa còn lại (mà quan trọng hơn) là hãy giải thích ý nghĩa câu thánh giáo có chứa điển tích đó.
Thí dụ 22: Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934), Đức Chí Tôn dạy tiền bối Bạch Phụng:
BẠCH PHỤNG con, mệnh Trời phụng lãnh
Gánh nhơn sanh là gánh chung cùng
Vì ai, ai đợi, ai trông
Cây ngô dấu phụng đã không thấy rồi!
Giải thích:
CÂY NGÔ: Cây ngô đồng.
DẤU PHNG: Bóng dáng chim phụng (phượng).
Theo truyền thuyết, xưa kia vua Phục Hy trông thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, và chim phụng (phượng) liền bay đến đậu trên cây ấy. Chim phụng là vua loài chim. Con trống là phụng , con mái là hoàng . Người xưa cho rằng chim phụng xuất hiện là điềm có minh vương ra đời. Suy ra, Cây ngô dấu phụng đã không thấy rồi có nghĩa là cuộc đời này không có minh vương!
Thí dụ 23: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-3 Mậu Dần (25-4-1938), Đức Mẹ dạy:
Con ôi! Nhìn kỹ nực cười
Khéo khen cho kiếp con người trớ trinh
Vì sao mà thế bất bình
Vì sao người chẳng nghĩa tình chi chi
Vì sao kẻ trí không tri
Vì sao bạn tácKỳ không Nha?
Giải thích:
TRỚ TRINH: Dối trá (tiếng Việt cổ).
BN TÁC: Bạn cùng trang lứa, ngang tuổi nhau.
KỲ, NHA: Sở Bá Nha (quan đại phu, giỏi đánh đàn) và Chung Tử Kỳ (người kiếm củi, biết thưởng thức tiếng đàn) là điển tích đã phổ biến. Trong khi bình giảng thánh giáo, tùy điều kiện thời gian, đối tượng tín chúng, v.v... mà người giảng kể lại tỉ mỉ, hoặc chỉ kể vắn tắt. Dù kể tắt hay chi tiết thì đều nhớ nhấn mạnh rằng tích Bá Nha, Tử Kỳ ám chỉ tình bạn tri âm tri kỷ. Thế nên, khi hỏi “Vì sao bạn tác có Kỳ không Nha?” có nghĩa tại sao trong số bạn bè cùng trang lứa, mình thiếu người tri âm tri kỷ, thiếu người hiểu rõ mình để mà hết lòng ủng hộ mình, giúp đỡ mình.
*
Thánh giáo Cao Đài rất phong phú các thể thơ phú. Người giảng cần hiểu biết về luật thơ (bằng trắc, cách gieo vần, phép đối, v.v...) để dễ lãnh hội ý nghĩa câu thơ. Câu thơ có khi không đọc từ trái sang phải như văn xuôi. Câu thơ có khi lược bớt chữ cho đúng với số chữ quy định theo luật thơ... Sau đây là vài thí dụ minh họa.
7. Đảo ngữ
Thí dụ 24: Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 24-7 Giáp Tuất (02-9-1934), Đức Chí Tôn dạy:
Cuộc dâu bể nay dời mai đổi
Mảnh thân sanh bảy nổi ba chìm
Xoay vần trên cõi Phù Diêm
Thạnh suy mấy lúc, cổ kim mấy lần.
Giải thích:
Theo thể thơ song thất lục bát, chữ chót câu lục (câu ba) phải vần với chữ CHÌM cuối câu thất phía trên (câu hai). Do đó, thay vì nói Diêm Phù phải đảo ngữ thành PHÙ DIÊM.
Cõi Diêm Phù tức là cõi ta bà, cõi người, thế gian.
Thí dụ 25: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 23-01 Mậu Tuất (12-3-1958), Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy:
BẢO toàn quyền pháp dựng Trung Hưng
THỌ mạng khai cơ tận độ cùng
THÁNH đức trau giồi xây thánh thể         
NƯƠNG thuyền bát nhã thoát ba trùng.
Giải thích:
Bài thơ xưng danh quán thủ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, luật bằng vần bằng. Chữ chót các câu một, hai, bốn vần với nhau. Do đó, thay vì nói trùng ba phải đảo ngữ là BA TRÙNG.
TRÙNG : Nhiều tầng, nhiều lớp. BA : Sóng nước. TRÙNG BA: Sóng lớp lớp, liên tiếp nhiều đợt. Có câu: Khổ hải vạn trùng ba. (Biển khổ, tức là cuộc đời, có muôn lượn sóng xô, làm con người chìm đắm.)
Thí dụ 26: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 01-3 nhuần Bính Tý (21-4-1936), Đức Kim Quang Thánh Mẫu dạy:
Hỡi chúng sanh! Chim lồng cá chậu
Kiếp mấy năm cũng dẫu tranh cường
Tang điền mà biến hải thương
Cũng vì vạn loại mến đường tà tây.
Giải thích:
Theo thể thơ song thất lục bát, chữ chót câu thất thứ hai (câu hai) phải là thanh bằng và vần với chữ chót câu lục (câu ba). Do đó, thay vì nói thương hải (thanh trắc) phải đảo ngữ thành HẢI THƯƠNG (thanh bằng).
Tang điền thương hải là do thành ngữ thương hải [biến vi] tang điền (biển xanh biến thành ruộng dâu), ám chỉ biến cố (thay đổi lớn lao) ở đời.
Thí dụ 27: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 22-02 Đinh Sửu (03-4-1937), Đức Chí Tôn dạy:
Trung Kỳ trước cần toan sắp đặt
Sắp đặt xong quy tắc rẽ rành
Vì mình mà có chúng sanh
Vì cơ Đạo chuyển tiến hành Đạo khai.
Giải thích:
Theo thể thơ song thất lục bát, chữ chót câu thất thứ hai (câu hai) phải là thanh bằng. Do đó, thay vì nói rành rẽ (thanh trắc) phải đảo ngữ thành RẼ RÀNH (thanh bằng).
Thí dụ 28: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 01-3 nhuần Bính Tý (21-4-1936), Đức Kim Quang Thánh Mẫu dạy:
Nơi Tiên bang động lòng thương chúng
Giáng Thanh Quang chỉ đúng cơ mầu
Dạy chư tín nữ hồi đầu
Dạy chư tín nữ đôi câu rẽ rành.
Giải thích:
Theo thể thơ song thất lục bát, chữ chót câu bát (câu bốn trên đây) phải là thanh bằng. Do đó, thay vì nói rành rẽ (thanh trắc) phải đảo ngữ thành RẼ RÀNH (thanh bằng).
· Tương tự: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 15-7 Quý Sửu (13-8-1973), Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy:
Đời mạt kiếp khiến tiêu đủ cách
Cơ lọc lừa thử thách trăm phương
Chọn người trung nghĩa hiền lương
Chánh chơn đạo đức, lập trường cố kiên.
Giải thích:
Thay vì nói kiên cố (thanh trắc) phải đảo ngữ thành CỐ KIÊN (thanh bằng).
Thí dụ 29: Tại thánh thất Trung An, ngày 20-7 Đinh Sửu (25-8-1937), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Nữ phái này con có biết chưa
Chị em dìu dẫn sớm cùng trưa
Con ôi! Bể khổ muôn điều thảm
Khuyên khá bền tâm chớ thớt thưa.
Giải thích:
Bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, luật trắc vần bằng. Chữ chót các câu một, hai, bốn vần với nhau. Do đó, thay vì nói thưa thớt phải đảo ngữ là THỚT THƯA.
Thí dụ 30: Tại thánh thất Kim Quang Minh Đài, ngày 22-6 Canh Tuất (24-7-1970), Đức Ngô Tùng Châu dạy:
Đất linh kiệt, vẻ vang tốt đẹp
Sanh anh tài liên tiếp xưa nay
Để lo bảo vệ giống nòi
Non sông gấm vóc, đến ngày bình thanh.
Giải thích:
Bài thơ làm theo thể song thất lục bát. Trong câu bát (câu bốn trên đây) chữ thứ sáu và thứ tám đều phải là thanh bằng, nhưng chữ thứ sáu (NGÀY) là thanh bằng thấp (dấu huyền) thì chữ thứ tám phải là thanh bằng cao (không dấu), như thế câu thơ mới có nhạc điệu. Do đó, câu tám không thể viết là Non sông gấm vóc, đến ngày thanh bình (thiếu nhạc điệu, vì BÌNH là thanh bằng thấp), mà phải đảo ngữ thành Non sông gấm vóc, đến ngày bình thanh.
8. Biến đổi âm, đọc trại âm
Thí dụ 31: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 30-10 Mậu Tuất (10-12-1958), Đức Lý Thái Bạch xưng danh:
LÝ sinh tâm tánh thích thanh nhàn
THÁI vận đương chờ bước đạo sang
BẠCH Ngọc đổ rền kêu khách tục
Giáng thăng máy Tạo mấy ai tàng.
Giải thích:
Bài thơ xưng danh quán thủ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt, luật bằng vần bằng. Chữ chót các câu một, hai, bốn vần với nhau. Do đó, thay vì nói tường (hiểu rõ, biết rõ) phải biến âm là TÀNG.
· Hai trường hợp biến âm sau đây (32, 33) là để đúng theo quy ước thơ quán thủ.
Thí dụ 32: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 22-4 Mậu Tuất (09-6-1958), Đức Chí Tôn xưng danh:
NGỌC lành ráng luyện, giữ gìn con
HOÀNG bệ ngôi xưa trẻ vẫn còn
THƯỢNG chí lo tu đừng luyến tục
ĐẾ đầu sám hối được vuông tròn.
Giải thích:
Bài thơ xưng danh quán thủ là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ. Trong đó, ĐẾ là vua, là chúa tể vũ trụ càn khôn.
Trong câu bốn, ĐẾ ĐẦU phải hiểu là ĐÊ ĐẦU 低頭 (cúi đầu). ĐÊ (động từ) là cúi xuống. Thí dụ, thơ Lý Bạch: Đê đầu tư cố hương 低頭思故鄉 (Cúi đầu nhớ cố hương.)
ĐÊ (tính từ) là thấp, không cao. Thí dụ: đê xứ 低處 (chỗ thấp).
Một tính từ như HẠ, THƯỢNG, khi biến thành động từ thì đọc là HÁ, THƯỚNG. Thí dụ: Há sơn 下山 (xuống núi), há lâu 下樓 (xuống lầu); thướng đường 上堂 (lên thềm), thướng báo 上報 (đăng báo).
Do đó, thay vì đọc ĐÊ (động từ) mà đọc ĐẾ là điều chấp nhận được (dù từ điển không ghi nhận trường hợp này).
Thí dụ 33: Tương tự trường hợp 32, tại tỉnh đạo Phú Yên, ngày 28-3 Mậu Tuất (16-5-1958), Đức Chí Tôn xưng danh:
CAO thanh được hưởng phước cao dày
ĐÀI ngự bên Thầy báu trọng thay
THƯỢNG đạt noi gương người thánh triết
ĐẾ đầu sám hối được ơn Thầy.
9. Lược bớt chữ do giới hạn số chữ trong câu thơ
Thí dụ 34: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 08-4 Bính Tý (28-5-1936), Đức Thích Ca Phật Tổ dạy:
Trần gian ai thoát qua đò
Ai người hiểu thấu, ai dò cho thông.
Giải thích:
Không thể hiểu câu lục đúng theo từng chữ là thoát khỏi việc qua đò, vì vô nghĩa.
Câu lục đã lược bớt chữ. Nên hiểu thoát qua đò tức là bước lên đò bát nhã để thoát qua biển khổ.
Thí dụ 35: Tại thánh thất Minh An, ngày 04-4 Mậu Tuất (22-5-1958), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Tân toan ngày tháng nõ là bao
Tội phước nào ai có biết nào
Tình ý mống lên chi quấy phải
Ăn năn cho sớm kẻo sa nhào.
Giải thích:
NÕ LÀ BAO: Chẳng bao nhiêu.
MỐNG: Nảy sinh, phát khởi.
Câu ba đã lược bớt còn bảy chữ cho đúng theo luật thơ thất ngôn tứ tuyệt. Câu ba nên hiểu như sau: Tình ý [đã] mống lên [rồi thì chẳng còn đếm xỉa] chi [chuyện] quấy [hay] phải.
Thí dụ 36: Tại thánh thất Trung Kiên, ngày 01-7 Mậu Tuất (15-8-1958), Đức Lê Sơn Thánh Mẫu dạy:
Cuộc biến loạn trẻ thường mục kích
Biết bao lần di dịch đổi thay
Đời người sống chết trở tay
Khi sang hơn chúa, khi cầy hơn chi?
Giải thích:
Bài thơ song thất lục bát, câu ba chỉ có sáu chữ, nên phải lược bớt chữ. Nói đầy đủ là: Đời người sống chết [nhanh như] trở [bàn] tay.
Thí dụ 37: Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 19-11 Kỷ Hợi (18-12-1959), Đức Thánh Nguyễn Chơn Khai dạy:
Đình danh đình lợi từ đây
Gắng công giúp Đạo tin Thầy mà tu
Công trình, công quả, công phu,
Dắt người ra khỏi bốn tù trầm luân.
Giải thích:
ĐÌNH : Dừng lại.
ĐÌNH DANH ĐÌNH LI: Không chạy theo danh vọng và quyền lợi nữa (để lo tu hành).
BỐN TÙ: Nói tắt thành ngữ bốn vách trần tù. Từ Hán Việt là tứ đổ (tứ đổ tường) 四堵牆(): Bốn vách. Thế gian có bốn thứ giam hãm con người trong ham muốn và nghiện ngập, khiến con người mất tự do, giống như bị nhốt trong bốn vách nhà tù (đổtường đều có nghĩa là vách tường). BỐN TÙ (tứ đổ tường) gồm có tửu, sắc, tài, khí 酒色財氣 (rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy).
Thí dụ 38: Tại thánh thất Trung Thành, 13-03 Bính Ngọ (03-5-1966), Đức Hải Triều Thánh Nhơn dạy:
Cuộc đời mãi mãi tân toan
Sống còn ai khỏi lầm than kiếp người
Muốn cho ngàn thuở yên vui
Phăng dây đạo pháp tới lui cửa lành.
Đây Bần Đạo chỉ rành cho biết
Phải có gan mà quyết lấy lòng
Rối ren mới gỡ được xong
Nếu còn dụ dự trong vòng tử sanh.
Giải thích:
Câu bốn là lời khuyên tu tịnh (tu thiền) để giải thoát.
Câu bảy nghĩa là gỡ được ràng buộc chằng chịt của luân hồi nghiệp báo.
Theo một số bản thánh giáo được lưu truyền, không có dấu phẩy ở câu chót. Nếu người giảng sơ ý, cứ đọc luôn một mạch (Nếu còn dụ dự trong vòng tử sanh) thì sai nghĩa, câu thơ chót không trọn ý. Cho nên phải thêm dấu phẩy (Nếu còn dụ dự, trong vòng tử sanh); khi đọc hay ngâm, phải ngưng lại sau hai chữ dụ dự. Khi giảng, phải nói rõ ý câu thơ là: Nếu còn dụ dự [chưa tu hành, thì vẫn còn ở] trong vòng tử sanh.
10. Đọc thánh giáo giữa hai hàng chữ
Người Anh khuyên phải biết đc giữa hai hàng chữ (reading between the lines). Thật vậy, lắm khi chữ in hiển hiện ràng ràng trên mặt giấy trắng lại không thể hiểu theo sát mặt chữ mà phải khám phá ra ẩn ý giấu kín trong từng con chữ. Đọc thánh giáo rất cần khả năng này để hiểu đúng và thấu đáo lời dạy của các Đấng thiêng liêng.
Thử nêu một thí dụ rất đơn giản: Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-02 Mậu Dần (26-3-1938), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Bể khổ vơi vơi tiếng khóc ai
Khóc người không mắt lại không tai...
Không thể hiểu sát mặt chữ (nghĩa đen) rằng Đức Mẹ khóc thương cho những người mù và dị tật (không có hai tai). Phải hiểu đúng rằng Đức Mẹ thương khóc những người vì quá đỗi mê muội cho nên có mắt mà như mù, có tai mà như điếc.
Tại sao có mắt như mù? Vì hàng ngày đều tận mắt chứng kiến thế gian nay còn mai mất (vô thường), không ai thoát khỏi bốn khổ (sanh, lão, bệnh, tử), nhưng con người vẫn không tỉnh ngộ để sớm lo tu hành giải thoát.

Tại sao có tai như điếc? Vì lời Tiên tiếng Phật hằng bao nhiêu năm dài không ngừng thức tỉnh con người hãy biết lo tu hành giải thoát nhưng con người vẫn không lay chuyển tấm lòng.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.