Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

100/3. PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG: MỘT BIỆN PHÁP THIẾT THỰC / Đôi Điều về Bình Giảng Thánh Giáo


PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG: MỘT BIỆN PHÁP THIẾT THỰC

Nhiệm vụ phổ thông giáo lý cho tín chúng ở từng họ đạo thuộc các Hội Thánh trên toàn quốc bị bỏ trống suốt cả mấy mươi năm đăng đẵng bởi vì không đủ người có năng lực thuyết giảng. Đây là thực trạng chung của đạo Cao Đài. Muốn giải quyết thực trạng này, mỗi Hội Thánh cần thường xuyên tổ chức đào tạo một đội ngũ thuyết trình viên, giảng viên giáo lý chuyên nghiệp và đủ năng lực.
Riêng ở Trung Kỳ, khi thành lập một Hội Thánh mới (1956), Ơn Trên ban cho danh hiệu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Bản thân hai chữ Truyền Giáo đã xác định đặc nhiệm của Hội Thánh này.
Để thực thi đúng đắn và tốt nhất đặc nhiệm ấy, tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), Ơn Trên nhiều lần hướng dẫn, chỉ dạy Hội Thánh. Chẳng hạn:
a. Ngày 26-01 Mậu Tuất (15-3-1958), Đức Chơn Khai Đạo Sĩ dạy:
Mở trường đào tạo giáo sĩ dài hạn để tinh minh quyền pháp, tinh tường giáo lý, am hiểu cổ kim lịch sử tôn giáo, học thuyết.
Thăm nom an ủi, nhắc nhở đạo hữu, thuyết giảng giáo lý các ngày đàn lệ.
b. Trước đó, ngày 22-01 Mậu Tuất (11-3-1958), Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác dạy: Phổ Tế ngôn giáo…”
c. Gần hai năm sau, ngày 28-11 Kỷ Hợi (27-12-1959), Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch minh định: Phổ Tế giảng luận thuyết trình…”
Như vậy, đặc nhiệm của Hội Thánh Truyền Giáo lại là “gánh nặng” của Cơ Quan Phổ Tế. Bởi lẽ đó, tại Trung Hưng Bửu Tòa vào ngày 24-01 Mậu Tuất (15-3-1958), Đức Chơn Khai Đạo Sĩ dạy:
Cơ quan truyền đạo là một phần trọng yếu. Hội Thánh chia cắt cho Phổ Tế nhiệm vụ nặng nề.
Trải qua sáu mươi năm (1956-2016), tròn trịa một hoa giáp, công cuộc truyền giáo của Phổ Tế đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng đối với hàng hướng đạo trung kiên luôn ưu tư về tiền đồ Đại Đạo, đau đáu về đặc nhiệm của Hội Thánh, ắt không khỏi lắm phen than thở rằng lực bất tòng tâm, mà nguyên nhân chủ yếu có lẽ không ra ngoài lời dạy của Đức Chơn Khai Đạo Sĩ (thánh giáo ngày 15-3-1958 đã dẫn):
Lúc cơ đạo chinh nghiêng, bước đời loạn lạc, trong việc nội bộ chưa rồi, hàng ngũ còn rời rạc chông chênh…
*
Sinh trưởng ở miền Nam, thuở đôi mươi tôi chân ướt chân ráo bước vào đạo Cao Đài và sớm biết một số nét chủ yếu về Hội Thánh Truyền Giáo ở miền Trung qua những trang hồi ký hào hùng, sống động của tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982).
Nhiều năm sau, thường có dịp gần gũi các vị hướng đạo của Hội Thánh Truyền Giáo, ngoài niềm kính mộ sẵn có, tôi còn đồng cảm với các vị về đặc nhiệm Phổ Tế, luôn cầu mong nguyện ước sao cho “gánh nặng” này theo thời gian càng chóng trở nên nhẹ đi, nhờ vào những biện pháp hiệu quả và thích hợp.
Bởi vậy, khi được biết Đoàn Phổ Tế Lưu Động được hình thành và bắt đầu hoạt động, lòng tôi thật vui. Tôi nhận thức rằng đây là một biện pháp thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay để Cơ Quan Phổ Tế có thể mang giáo lý về tận các họ đạo, cơ sở đạo. Chánh pháp Cao Đài sẽ được xương minh bằng phương cách này hay phương cách khác. Có lẽ hai cách quen thuộc là thuyết minh giáo lýbình giảng thánh giáo.
1. Thuyết minh giáo lý
Giảng viên chọn một chủ đề, lập dàn bài, đọc thánh kinh hiền truyện trong Cao Đài và tôn giáo bạn, trích dẫn những câu những đoạn phù hợp để minh họa hay làm tăng sức thuyết phục cho bài viết của mình…
Trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, từ năm 2008 tới nay Ban Ấn Tống đã kết tập được nhiều bài thuyết minh giáo lý để xuất bản, tiện cho đồng đạo tham khảo. Chẳng hạn, sách của các tác giả:
a. Diu Nguyên:
- An Thuận Quả Duyên;
- Hành Trang Người Đạo Cao Đài;
- Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên.
b. Đơn Tâm:
- Danh Thầy Danh Đạo;
- Nói Chuyện Cao Đài;
- Sứ Mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
c. Hu Khải:
- Con Đường Hạnh Phúc;
- Điểm Tựa Tâm Linh;
- Lòng Con Tin Đấng Cao Đài;
- Luật Nhân Quả Theo Giáo Lý Cao Đài;
- Tu Cứu Cửu Huyền Thất Tổ.
d. Thanh Căn:
- Ba Món Báu Của Người Đạo Cao Đài;
- Giọt Ngọc Kim Bàn;
- Tìm Hiểu Ngũ Chi Đại Đạo.
Thuyết minh giáo lý đương nhiên không dễ. Đây là một trong nhiều lý do giải thích vì sao các họ đạo trong các Hội Thánh Cao Đài mấy mươi năm qua thường xuyên thiếu vắng giảng viên đến xương minh giáo lý trong hai ngày sóc vọng, hoặc trong những dịp đại lễ lạc thành, kỷ niệm… vốn thu hút đông đảo tín chúng. Điều này cũng có nghĩa là những cơ hội tốt để truyền giáo thường bị bỏ phí.
2. Bình giảng thánh giáo
Trong bước đầu thực thi trọng trách của Đoàn Phổ Tế Lưu Động, với ít nhiều kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng nên ưu tiên chn cách bình giảng thánh giáo.
Trao đổi với một số thành viên của Đoàn Phổ Tế Lưu Động, tôi được biết có tâm lý e ngại bốn chữ bình giảng thánh giáo, bởi lẽ một số huynh tỷ cho rằng bình là “phê bình, bình phẩm”. Vậy, theo quý huynh tỷ ấy, nói bình giảng thánh giáo là bất kính; phàm nhân không nên khen chê, phê bình thánh giáo do Ơn Trên ban truyền.
Tôi xin đính chính: Bình không hẳn là bình phẩm.
a. Trước kia, tôi nhiều lần được hầu đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Tôi chứng kiến, thí dụ, sau khi đã dạy đạo được một lúc lâu, Đức Mẹ truyền lệnh: “Ngọc Kiều, bình lại!”
Đạo tỷ Ngọc Kiều (1922-1987), là vị điển ký, lập tức rời khỏi ghế ngồi, quỳ xuống bên cạnh bàn viết, và đọc lại tất cả những phần văn xuôi, thi phú đã ghi chép được. Nếu đạo tỷ chép sai chữ nào, Đức Mẹ liền gõ đầu ngọn cơ xuống mặt bàn cơ, sửa lại ngay chữ đó… (Thế thì Đức Mẹ đâu có bảo đạo tỷ “bình phẩm” thánh giáo.)
b. Theo tiểu thuyết Lều Chõng của nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954), ngày xưa các cụ đồ rèn luyện học trò đi thi đều tổ chức các buổi bình văn, bình thơ. Người có giọng tốt, biết ngân nga trầm bổng sẽ được chọn để đọc thơ văn của đồng môn, và chỉ đọc cho mọi người thưởng thức chứ không bình phẩm, khen chê.
c. Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí, 1970, quyển Thượng, tr. 107) giải thích:
bình (động từ): … đọc lên có giọng.”
bình thơ (động từ): Ngâm và cắt nghĩa từng câu thơ.”
bình văn (động từ): Đọc lên bài văn và cắt nghĩa từng câu, từng đoạn.”
Như vậy, bình giảng thánh giáo nghĩa là đọc thánh giáo (có thể kết hợp ngâm thi phú) và giảng giải bài thánh giáo cho rõ nghĩa.
Một bài thánh giáo nếu giảng giải cho cặn kẽ, tới nơi tới chốn, đòi hỏi rất nhiều công trình tim óc. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã xuất bản hai tập sách nhỏ vốn là kết quả của bốn buổi bình giảng thánh giáo:
- Một Dòng Bát Nhã (của Huệ Khải, bình giảng thánh giáo Đức Thái Thượng Đạo Tổ và Đức Quan Âm Bồ Tát);
- Ơn Cứu Độ (của Diệu Nguyên, bình giảng thánh giáo Đức Quan Âm Bồ Tát và Đức Chúa Giêsu).


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.