ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN GIÁO TỪ GÓC NHÌN MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI
I. Đối thoại liên tôn giáo trong lịch sử triết giáo thế giới
Các tôn giáo chân chính
ra đời đều có một cứu cánh giống nhau là trao cho kiếp người trần thế một con
đường thoát khổ. Tùy hoàn cảnh lịch sử hình thành, tùy không gian địa lý và văn
hóa bản địa của cái nôi xuất phát mỗi tôn giáo, mà mỗi vị giáo chủ kiến tạo nên
một con đường riêng để dẫn dắt trước tiên cộng đồng chúng dân ở quê hương của
vị giáo chủ ấy, trước khi con đường ấy có thể dẫn dắt các dân tộc khác.
Đạo là con đường. Con đường ấy trước khi được tượng trưng
bằng một thiết chế tôn giáo (a religious
institution) thì chính vị giáo chủ là hiện thân của con đường cứu độ. Nói
như Đức Giêsu: “Thầy là con đường…”
(Gioan 14:6)
Các con đường hay các đạo giáo dù khác nhau, nhưng rồi sẽ dẫn
con người về một đích điểm chung. Chân lý này vào nhiều thế kỷ trước Công Nguyên
đã được minh định trong Dịch Kinh (Hệ
Từ Hạ): “Đường tuy muôn nẻo, một chỗ cùng
về.” (Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ. 天下同歸而 殊途.)
Sống ở Giao Châu vào cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ
ba, tác giả Lý Hoặc Luận 理惑論 là Mâu Bác 牟博 (Mâu Tử 牟子) cũng nói tương tự: “Xe và thuyền không đi cùng một lối, nhưng
đều đưa người tới chốn.” (Chu dư dị lộ câu
trí hành lữ. 舟輿異路俱致行旅.)
Ở phương Tây, người ta cũng từng biết cái lẽ “đồng quy nhi
thù đồ”. Thế nên một nhà thơ kiêm thần học gia người Pháp là Alain de Lille
(sinh khoảng năm 1128, tạ thế năm 1202 hay 1203) khẳng định: “Vạn nẻo đường muôn đời đều đưa về Rôma.”
Hai trăm năm sau đó, nhà thơ kiêm triết gia Anh là Geoffrey Chaucer (khoảng
1343-1400) xác quyết na ná như vậy: “…
những con đường khác nhau đều đưa những người khác nhau cùng đi đến đúng chỗ
Rôma.” [1]
Kinh Dịch phương Đông nói đồng quy, nhưng quy về đâu thì
không khẳng định. Trái lại, hai tác giả phương Tây nói trên khẳng định rằng
phải quy về Rôma chứ không phải một nơi nào khác hơn. Éo le là chỗ đó, có lẽ vì
thế mà lịch sử thế giới phương Tây phải tốn nhiều giấy mực ghi chép những cuộc
chiến tranh được cho là liên quan tới tôn giáo trong các thế kỷ thứ 7, 8, 11,
13, 16 và 17…
Tuy nhiên, những nguyên nhân thật sự của xung đột tôn giáo
dẫn đến chiến tranh tôn giáo có lẽ không đơn giản. Trong nhiều nguyên nhân đó,
ắt hẳn có sự ngộ nhận, hiểu sai lẫn nhau giữa các tôn giáo. Thế thì, để tránh
chiến tranh tôn giáo, con người khác tôn giáo cần hiểu biết nhau, cảm thông và
tương kính nhau. Đối thoại liên tôn giáo hay nói tắt đối thoại liên tôn (interfaith dialogues) vì thế là một cần
thiết để bắc nhịp cầu thông cảm, tương giao, tương kính giữa các tôn giáo.
Những thiện chí đối thoại liên tôn giáo đã có rất lâu, tuy
những người có sáng kiến đề xuất đã không gọi đó là “đối thoại liên tôn (giáo)”
như mấy năm gần đây ở Việt Nam chúng ta bắt đầu nghe quen tai.
Thật vậy, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các triết gia,
học giả, nhà thần học, v.v… đã tạo nhiều cơ hội để đại biểu các tôn giáo có thể
ngồi lại với nhau chia sẻ, trao đổi về tôn giáo của mình, giúp con người thuộc
các tôn giáo khác nhau có thể gần gũi nhau trong tư tưởng đại đồng, bỏ qua
những tiểu dị để tránh đi ngộ nhận và xung khắc, xung đột đáng tiếc. Cuối thế
kỷ 19 có hai sự kiện đáng kể:
- Năm 1893, Đại Hội Tôn
Giáo Thế Giới [2] được tổ chức lần đầu tại
thành phố Chicago (bang Illinois , Hoa Kỳ). Ở tuổi ba mươi, Đại Sư Vivekananda (người Ấn, 1863-1902) lần đầu tiên qua Mỹ với tư cách đại biểu đạo
Hindu (Ấn Giáo) dự Đại Hội này.
- Năm 1900, Hội Nghị
Quốc Tế Lần Thứ Nhất Về Lịch Sử Tôn Giáo [3] được tổ chức tại Paris
(Pháp) dưới quyền chủ tọa của nhà thần học Tin Lành người Pháp là Giáo Sư
Albert Réville (1826-1906).
Hai sự kiện nói trên đã mở đường cho những hoạt động trong
các thập niên kế tiếp của thế kỷ 20 nhằm cổ vũ cho một lý tưởng hòa đồng tôn
giáo. Chẳng hạn:
- Năm 1904, Hội Nghị
Quốc Tế Lần Thứ Hai Về Lịch Sử Tôn Giáo được tổ chức tại Basel (Thụy Sĩ)
dưới quyền chủ tọa của Giáo Sư Conrad C. von Orelli.
- Năm 1908, Hội Nghị
Quốc Tế Lần Thứ Ba Về Lịch Sử Tôn Giáo được tổ chức tại Viện Đại Học Oxford
(Anh).
- Năm 1939, Giáo Sư Radhakrishnan (người Ấn, 1888-1975) bắt
đầu dạy Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative Religion) tại Viện Đại Học
Oxford.[4]
- Năm 1955, Hội Nghị
Tôn Giáo Thế Giới [5] tổ chức tại Tokyo (Đông
Kinh, thủ đô Nhật Bản) từ ngày 01 đến 05 tháng 8. Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh và
Cơ Quan Truyền Giáo Cao Đài ở Đà Nẵng (sau này là Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài) đều cử chức sắc cấp cao tham dự.
- Năm 1959, Viện Văn Hóa Pháp và Viện Đại Học Paris hợp tác mở Khoa Tôn
Giáo Đối Chiếu.
- Năm 1960, Hội Nghị
Quốc Tế Lần Thứ Mười Về Lịch Sử Tôn Giáo được tổ chức tại Viện Đại Học
Marburg (Đức).
- Năm 1961, Viện Đại Học Chicago và Viện Đại Học Yale (Hoa
Kỳ) xuất bản các tập san định kỳ làm diễn đàn nghiên cứu, đối chiếu, và tổng
hợp triết giáo.
- Năm 1963, Viện Đại Học Sorbonne (Pháp) mở khoa Triết Lý Đối
Chiếu, v.v…
- Quan trọng hơn cả, Công Đồng Vatican II (do Giáo Hoàng
Gioan XXIII khai mạc ngày 11-10-1962 và Giáo Hoàng Phaolô VI bế mạc ngày
08-12-1965) đã mời gọi đối thoại liên tôn giáo giữa Công Giáo và các tôn giáo
khác trên thế giới.[6]
Văn kiện chính thức được Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành tại
Vatican ngày 28-10-1965 gọi là Trong Thời
Đại Chúng Ta, hay gọi đầy đủ là Tuyên
Ngôn Về Những Quan Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo.[7]
- Vào Chủ Nhật 17-5-1964, ngày lễ Hiện Xuống, Giáo Hoàng
Phaolô VI thiết lập một cơ quan đặc biệt của giáo triều Rôma, nhằm phụ trách về
các mối quan hệ với tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Thoạt đầu cơ quan này có
tên là Văn Phòng Về Những Người Không
Phải Kitô Hữu; từ năm 1988 đến nay, mang tên Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn.[8]
Tính tới cuối thế kỷ 20 và nối tiếp sang đầu thế kỷ 21, các
sự kiện mang tính đối thoại liên tôn giáo ở tầm kích quốc tế hoặc ở quy mô đa
quốc gia, tương tự như phần lược thuật trên đây, hãy còn khá nhiều. Để tạm kết
thúc sự liệt kê này, chúng ta có thể nhắc tới vài hoạt động rất gần đây như
sau:
- Hội Nghị Lần Thứ Ba
Mươi Tư Các Tôn Giáo Thế Giới [9] tổ chức ngày 28-9-2014
tại thành phố Guelph , tây nam tỉnh Ontario , nước Canada . Mục đích của Hội Nghị là
quy tụ các học giả và lãnh đạo thuộc nhiều truyền thống tín ngưỡng, triết lý,
và tôn giáo khác nhau hội ngộ trong tinh thần hòa bình, cảm thông, tôn trọng
lẫn nhau để cùng khám phá chủ đề Con Đường Đưa Tới Hòa Bình (the Pathway to Peace).
Tại Canada ,
Hội Nghị Các Tôn Giáo Thế Giới do một nhánh của Cộng Đồng Tín Hữu Islam
Ahmadiyya [10] ở Canada hàng năm
tổ chức. Cộng Đồng này là một phong trào của đạo Islam, thành lập ở Ấn Độ thuộc
Anh (British India )
lúc gần cuối thế kỷ 19. Hội Nghị Lần Thứ Ba Mươi Lăm sẽ tổ chức ngày
01-11-2015.
- Trên đây đã nhắc tới Đại Hội
Tôn Giáo Thế Giới được tổ chức lần
đầu tại thành phố Chicago (bang Illinois, Hoa Kỳ) năm 1893. Kể từ đó, Đại Hội
này vẫn duy trì cho tới nay, chẳng hạn: Tổ chức tại Cape Town (Nam Phi, 1999),
tại Barcelona (Tây Ban Nha, 2004), tại Melbourne (Úc, 2009), tại thành phố Salt
Lake (bang Utah, Hoa Kỳ, 2015).
Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới nhận định: Tôn giáo vốn dĩ hay bị lợi
dụng để làm công cụ rẽ chia và gây ra bất công, phản bội các lý tưởng và giáo
lý của mỗi tôn giáo. Nhưng tôn giáo lại có khả năng tập hợp con người để sẻ chia đức
tin và cách tu hành. Các cộng đồng tôn giáo khác nhau cùng cộng tác hòa hiệp để
xây dựng cái thiện hảo chung thì chúng ta có hy vọng sẽ cải sửa được thế giới.
Đại Hội này tự đặt để cho họ một sứ mạng như sau: Vun trồng
sự hòa hiệp giữa các cộng đồng tâm linh và tôn giáo thế giới, để đạt tới một
thế giới công bằng, hòa bình, và bền vững. Họ mong muốn:
(a) Các cộng đồng tâm linh và tôn giáo sống hòa hợp và cùng
góp phần xây dựng nột thế giới tốt hơn; (b) Lòng thù nghịch hay ghét sợ tôn
giáo sẽ được thay thế bằng sự hiểu biết và tôn trọng; (c) Những khác biệt phong
phú giữa các tôn giáo sẽ được kết dệt thành sự sống mang tính cộng đồng, dân
sự, xã hội, và toàn cầu, v.v…[11]
II. Đối thoại liên tôn
giáo trong lịch sử Việt Nam
1. Trong mười chín thế kỷ
trước đạo Cao Đài
Trong lúc ở phương Tây tiếng nói đối thoại liên tôn giáo có
cơ hội cất lên muộn màng thì tại Việt Nam , từ rất sớm trong lịch sử đã có
tinh thần hòa đồng tôn giáo. Tiếng nói đối thoại liên tôn giáo trong phạm vi
Tam Giáo ở Việt Nam
đã được ghi lại không ít trong sách sử từ xưa truyền lại mà sau đây là một số
trường hợp tiêu biểu.[12]
a. Viên Chiếu (999-1091)
Thiền sư Viên Chiếu sống dưới đời Lý, thế danh Mai Trực,
thuộc đời thứ bảy dòng thiền Quán Bích (Việt Nam ). Khi được hỏi về ý nghĩa của Phật
và Thánh (Nho), thiền sư đáp:
Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh.
晝則金烏照 / 夜來玉兔明.
(Ngày thì mặt nhựt sáng soi
Đêm về vằng vặc khung trời ánh trăng.)
Thiền sư ngụ ý bảo tuy ứng dụng của Phật và Thánh (Nho) trong
đời khác nhau, nhưng đều nhằm đem lại cho đời ánh sáng (giác ngộ). Để làm rõ ý
này, thiền sư cho ví dụ: Ban ngày cần ánh sáng mặt trời (kim ô: quạ vàng), còn ban đêm cần ánh sáng vầng trăng (ngọc thố: thỏ ngọc).
b. Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258)
Nhà vua tên thật là Trần Cảnh, quê làng Tức Mặc, phủ Thiên
Trường (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam
Định sau này). Mang tinh thần hòa đồng tôn giáo, trong bài “Phổ Khuyến Phát Bồ Đề
Tâm”, vua viết:
Vị minh nhân vọng phân
Tam Giáo
Liễu đắc để đồng ngộ nhất
tâm.
未明人妄分三教 / 了得底同悟一心.
(Chưa ngộ, người lầm lẫn phân biệt Tam Giáo
Hiểu rõ gốc rồi cùng ngộ một tâm.)
Trong bài “Giới Sát Sinh Văn”, vua nêu lên chỗ tương đồng của
Tam Giáo về mặt hành thiện:
“Sách Nho dạy làm điều
nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn
giới cấm sát sinh…”
c. Hương Hải (1631-1718)
Thiền sư thế danh là Tổ Cầu, người làng Áng Độ, huyện Chân
Phúc (sau là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông làm tri phủ Triệu Phong
(sau là tỉnh Quảng Trị), rồi tu ở cù lao Chàm (Quảng Nam ), hiệu Huyền Cơ Thiện Giác,
pháp tự là Minh Châu Hương Hải.
Trong một bài thơ, thiền sư viết: Nguyên lai Tam Giáo đồng nhất thể. 原來三教同一体. Như vậy, thiền sư khẳng định Tam Giáo cùng một bản thể, nghĩa là
cùng một nguồn gốc phát sinh.
Trong bài “Lý Sự Dung Thông”, thiền sư Hương Hải cũng dùng
hình ảnh xe, thuyền của Mâu Bác để so sánh hai khía cạnh phương tiện và công
dụng của Tam Giáo trong đời. Thiền sư kết luận Tam Giáo ví như ba cỗ xe cùng đi
đến một đích.
Đối chiếu cặp phạm trù Tam Cương, Ngũ Thường (của Nho) với
Tam Nguyên, Ngũ Khí (của Lão), và với Tam Quy, Ngũ Giới (của Phật), thiền sư có
bài thơ như sau:
Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước, sửa
nhà, trị dân
Đạo thời dưỡng khí an
thần
Thoát cửu huyền thất tổ
siêu phương
Nho dùng Tam Cương, Ngũ Thường
Đạo gìn Ngũ Khí, giữ
giềng Ba Nguyên
Thích giáo nhân Tam Quy,
Ngũ Giới
Thể một đường xe phải
dụng ba.
d. Lê Quý Đôn (1726-1784)
Ông tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê làng Duyên Hà (hay Diên
Hà), huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình).
Ông làm quan đời Hậu Lê, lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng. Trong Kiến Văn Tiểu Lục, quyển IX: Thiền Dật,
Lê Quý Đôn đã bày tỏ lòng tôn kính Tam Giáo bình đẳng. Đối với một số nhà Nho thiển
cận có óc phân biệt Tam Giáo, ông khuyến cáo như sau:
“Đạo giáo của họ Phật, họ
Lão thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hệ lụy đến sự vật, đấy cũng là
đạo giáo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân; đến những lời bàn luận sâu
rộng về đạo đức, về hình thần, không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà
Nho chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên
không?”
e. Ngô Thì Sĩ (1726-1780)
Làm quan đời Hậu Lê, ông là cha của Ngô Thì Nhậm, nhạc phụ
của Phan Huy Ích. Ông tự là Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong Tiên Sinh, đạo hiệu Nhị
Thanh Cư Sĩ. Năm 1760, chùa Tam Giáo (làng Kim Bảng) được trùng tu, ông làm bài
văn bia nêu lên quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:
“Lời khuyên về tịnh độ
của nhà Phật, lời bàn về cảnh tiên của nhà Đạo, thuyết tích chứa điều lành có
thừa điềm tốt của nhà Nho, thảy đều đúng cả. Đạo Phật chủ trương từ bi, Đạo gia
thanh tịnh, Nho gia lấy thuyết nhân nghĩa, trung chính mở đường cương thường
của Trời để dựng nên một trật tự cho người. (…) Nhập thế và xuất thế, tác dụng
khác nhau mà thể tính thì cũng một. Tôi cho rằng đạo lý chỉ có một mà thôi. Tự
do, sáng suốt, không có phân chia đạo nọ đạo kia vậy. Liễu ngộ chỉ có bản tính
yên lặng, giữ lấy chỉ là tâm. Chỗ tịch diệt của Như Lai, chỗ hư vô của Lão Quân,
chỗ không muốn nói của Phu Tử đều là gom cái tâm mình về chỗ chánh mà thôi.”
f. Phan Huy Ích (1750-1822)
Ông là con rể Ngô Thì Sĩ, em rể Ngô Thì Nhậm. Ông tự Chi Hòa,
hiệu Dụ Am và Đức Hiên. Năm 1796, khi viết lời Tựa cho tác phẩm Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh (của
Ngô Thì Nhậm), Phan Huy Ích bày tỏ quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:
“Giáo lý Thích Ca tuy nói
là không tịch hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng lũy, thấy rõ
chân như. Cho rằng ‘minh tâm kiến tính’ là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh
với học thuyết ‘thành ý trí tri’ của nhà Nho ta, thật chẳng có gì là trái
ngược.”
g. Trịnh Tuệ (thế kỷ 18)
Trịnh Tuệ thi đậu Trạng Nguyên, làm quan Tể Tướng thời vua Lê
chúa Trịnh. Ông xưng là Trúc Lâm Cư Sĩ. Trình bày quan niệm Tam Giáo một nguồn,
trong bài “Tam Giáo Nhất Nguyên Thuyết”, có đoạn ông viết:
“Nhà Nho có Tam Tài, nhà
Phật có Tam Thế, nhà Đạo có Tam Thanh, cũng chẳng khác gì trời có mặt trời,
trăng, sao, như vạc ba chân, quan hệ mật thiết với nhau và không tách rời nhau
được.”
(…)
“Cho nên Tam Giáo vẫn là
một môn, ba dòng vẫn là một lý, vốn không phải như nước lửa, đen trắng, ngọt
đắng có tính chất chống lại nhau… Thế mới biết Nho tức là Thích mà Thích tức là
Nho. Đạo cũng là Nho mà Nho cũng là Đạo.”
Trịnh Tuệ kết luận:
Ai hay Tam Giáo bất đồng
Thích Ca, Lão Tử cùng
dòng Nho gia.
h. Toàn Nhật (1750?-1832?)
Thiền sư Toàn Nhật sống khoảng đời Tây Sơn. Thiền sư xem Tam Giáo
vốn là một nhà (Tam Giáo nhất gia), tuy công dụng ở đời có khác nhưng lại hỗ
trợ cho nhau trong việc giáo hóa, cứu độ, trị an dân chúng. Trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn, thiền sư viết:
Phép xưa gầy dựng roi
truyền
Nho ra sửa trị đời nên
thanh bình
Thích ra độ tử cứu sinh
Đạo ra tẩn diệt mị tinh
yêu tà
Thánh hiền phân chế làm
ba
Tam Giáo so lại nhất gia
khác gì.
Thiền sư quan niệm Tam Giáo không thể thiếu một, vì thiếu một
thì sẽ nguy hiểm. Tính bất khả phân ly này giống như chiếc vạc phải đủ ba chân,
bầu trời phải đủ mặt trời, mặt trăng và các vì sao (Tam Quang), xã hội phải có
Tam Cương. Thiền sư viết:
Cùng nhau tá trợ phò trì
Ra đời giáo hóa ích thì
lợi dân
Cũng như vạc có ba chân
Trên trời thì có Tam
Quang tỏ tường
Trong đời thì có Tam Cương
Nếu mà khuyết một ghê
đường gian nguy.
Cuối cùng, thiền sư ví Tam Giáo như ba ngả đường tuy khác nẻo
mà cùng dẫn về một đích điểm: “Đường tuy
ba ngả cùng về một nơi.”
Những ý kiến như dẫn trên cũng được phô diễn trong tác phẩm Tam Giáo Nguyên Lưu Ký của thiền sư:
Cho nên Tam Giáo Thánh Nhân
Tùy cơ thuyết pháp, ứng
thân cứu nàn
Hễ trời thì có Tam Quang
Đời có Tam Giáo ba giềng
tương thân
Ví như cái vạc ba chân
Nếu mà khuyết một ngả
nghiêng đâu còn
Vật trong vạc ấy chẳng
toàn
Ắt là trút đổ chỉn liền
hư hao
Nho gia tỏ rõ như sao
Chói lòa tinh đẩu ai nào
chẳng hay
Đạo gia dường nguyệt tròn
thay
Bắc nam ánh giải, đông
tây sáng ngời
Thích gia ví tợ mặt trời
Đâu đâu soi thấu đời đời
quang minh.
i. Giác Lâm (thế kỷ 19)
Tỳ kheo Giác Lâm sống dưới triều Minh Mệnh (trị vì
1820-1841), tu ở chùa Hồng Phúc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sư sáng tác Hồng Mông Tạo Hóa Chư Lục Bản Hạnh (gọi
tắt Hồng Mông Hạnh), trong đó đã bày
tỏ quan điểm hòa đồng Tam Giáo như sau:
Ba đạo cây cối một nhà
Chi chi diệp diệp hằng hà
vô biên
Những người thiểu học
thất truyền
Ngỡ là Nho Giáo, Phật,
Tiên khác dòng.
2. Trong
đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài ra đời ở Việt Nam vào những năm 20 thế kỷ 20. Tôn
giáo này từ khi mới hình thành đã chủ trương Vạn giáo nhất lý (Mọi tôn giáo chung một nguyên lý) và đề cao Tam Giáo một nguồn, không phân biệt.
Chính vì thế, trên bàn thờ của đạo Cao Đài, chẳng những Tam Giáo có mặt mà Kitô
Giáo cũng được tôn thờ, cho nên trong Cao Đài có khái niệm Tứ Giáo. Đạo Cao Đài tổng hợp mọi đường hướng tôn giáo kim cổ đông
tây lại thành năm con đường tu hành của nhân loại và gọi là Ngũ Chi Đại Đạo, gồm có: Nhân Đạo (con đường tu để làm Người), Thần Đạo (con đường tu để làm Thần), Thánh Đạo (con đường tu để làm Thánh), Tiên Đạo (con đường tu để làm Tiên), Phật Đạo (con đường tu để làm Phật).
Hòa đồng tôn giáo trong Cao Đài là một giá trị tự hữu và hằng
hữu. Điều đó cũng cho thấy bản sắc và tôn chỉ của đạo Cao Đài. Vì thế giáo lý
Cao Đài có câu:
Gặp gỡ nhau trên dòng
giáo lý
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao
Đài
Không còn chia biệt Đông
Tây
Ở Sài Gòn, đầu năm 1965 ra đời một tổ chức với tên gọi Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt
Nam; từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước thì đổi tên là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo và dùng cho tới nay. Với trụ sở
hiện thời đặt tại số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM, Cơ Quan này không phải là
một thánh thất và cũng không thuộc một Hội Thánh Cao Đài nào cả, nên không thâu
nhận tín đồ. Thành viên của Cơ Quan là người đạo Cao Đài đến từ các thánh thất
khác nhau.
Sở dĩ nhắc tới tổ chức này ở đây là vì Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý đã có một quá trình thực hành đối thoại liên tôn giáo trong nhiều năm. Tuy
nhiên, Cơ Quan không dùng khái niệm “đối thoại liên tôn (giáo)” mà dùng khái
niệm “tôn giáo đối chiếu” (comparative
religion).
Thật vậy, khởi sự vào năm 1978, Cơ Quan thành lập Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo,
sinh hoạt đều đặn vào mỗi chiều thứ Bảy, từ 16 đến 18 giờ. Hội Đồng gồm có tám
ban: Ban Bà La Môn Giáo, Ban Baha’i, Ban Cao Đài Giáo, Ban Kitô Giáo, Ban Lão Giáo,
Ban Nho Giáo, Ban Phật Giáo, và Ban Thông Thiên Học (Theosophy). Lại thêm ban thứ chín gọi là Ban Đối Chiếu Và Tổng Hợp.
Các ban phân công nhau mỗi tuần trình bày một đề tài tự do, mục đích chia sẻ
một số tri thức căn bản trong mỗi tôn giáo. Trong năm 1978 đã thực hiện được
hai mươi hai đề tài tự do về Bà La Môn, Baha’i, Cao Đài, Kitô, Lão, Nho, Phật,
và Thông Thiên Học.
Nhưng đáng kể là ngoài hai mươi hai đề tài tự do, Hội Đồng
Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo đã thực hiện ba vòng đối chiếu về ba chủ điểm: (a)
Giải Thoát; (b) Niết Bàn Hay Thiên Đàng; (c) Con Người. Hội Đồng cũng đối chiếu
các giáo lý và tổng hợp xong đề tài Vạn Giáo
Nhất Lý.
Cũng với phương hướng đối chiếu giáo lý như vậy, mấy năm kế
tiếp Hội Đồng tổng hợp thêm các đề tài như: Thiên
Địa Vạn Vật Nhất Thể, Con Đường Phản Bổn Hoàn Nguyên, Phục Hồi Nhân Bản, v.v…
III. Vài suy nghĩ về đối
thoại liên tôn giáo trong điều kiện xã hội hiện nay
Vừa qua chúng ta có dịp lướt nhanh về các sự kiện đối thoại
liên tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam . Tuy không đầy đủ và không thể
đi sâu vào chi tiết, cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của Ban Tổ Chức (thể
hiện trong thư mời) là “kết hợp với việc
tham khảo và vận dụng kinh nghiệm quốc tế”, nhưng có lẽ cũng tạm cho phép
chúng ta thấy rằng đối thoại liên tôn giáo chẳng phải là hoạt động quá xa lạ
hay quá mới mẻ. Từ đó, chúng ta có thể quy chiếu về mục đích và yêu cầu của
cuộc hội thảo này như Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo đã nêu ra trong thư mời tham dự.
1. Trước hết, chúng ta có thể hoàn toàn đồng ý với Ban Tổ
Chức rằng “đối thoại liên tôn giáo còn
được xem như một giải pháp làm giảm đi xung đột tôn giáo, góp phần duy trì hòa
bình, ổn định ở nhiều nơi trên thế giới.” Đây cũng là ước vọng chung của
các cuộc đối thoại liên tôn giáo ở quy mô đa quốc gia trong hai thế kỷ 19 và 20
trên thế giới.
2. Thứ hai, Ban Tổ Chức hỏi: “Trong bối cảnh hiện nay, Nhà Nước giữ vai trò như thế nào trong đối
thoại liên tôn giáo?”
a. Chúng ta ắt hẳn đều nhớ rằng các cơ quan chức năng có thói
quen e ngại hai chữ “liên tôn”. Liên tôn dễ bị ngộ nhận là một mưu đồ cấu kết
hai hay nhiều tôn giáo để làm “quốc sự” gây tác hại cho trật tự trị an. Do đó,
về phía Nhà Nước, có lẽ cần nên giải tỏa thái độ hiềm nghi này. Có giải tỏa
được thì mỗi khi ở một thành phố nào đó, một tôn giáo, một trường đại học hay
trung tâm nghiên cứu tôn giáo, v.v… có thiện chí tổ chức đối thoại liên tôn
giáo (hay tương tự như thế), họ sẽ được các cơ quan chức năng xem là một sinh
hoạt bình thường, sẽ không cản trở hoặc hạn chế, v.v…
b. Đối thoại liên tôn giáo đòi hỏi người tham gia là nhà
chuyên môn hoặc đã có bề dày trải nghiệm thực tế. Hoạt động này sẽ được trợ
giúp tích cực nếu người tham gia có tri thức về khoa Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative Religion). Chúng ta đều biết
từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay các nước phương Tây vẫn giảng dạy về tôn giáo đối
chiếu, thế thì các trường đại học ở nước ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của
họ. Nhà Nước nên ủng hộ việc mở thêm ngành học này.
3. Thứ ba, Ban Tổ Chức hỏi: “Từ phía các tôn giáo, đối thoại liên tôn giáo sẽ bao gồm những nội
dung gì và quá trình đối thoại ấy cần dựa trên những cơ sở thực tiễn thiết yếu
nào?”
Chúng ta thấy rằng các tôn giáo có cái chung và cái riêng.
Đối thoại liên tôn nên làm nổi bật cái chung giữa các tôn giáo để xây dựng,
củng cố, và phát huy tình hòa ái, tương kính, hợp tác. Mặt khác, những cái
riêng nào có thể gây hiểu lầm, làm chia rẽ lẫn nhau, tạo nên hiềm khích, v.v…
thì nên khéo léo và thận trọng đối thoại để xử lý và hóa giải.
Thử lấy một thí dụ, thuật ngữ devas (Sanskrit, Pali) trong Phật Giáo nhằm chỉ những chúng sinh
sống trong thiện đạo, rất sung sướng, và có thọ mệnh rất dài, tuy nhiên các devas vẫn còn ở trong vòng luân hồi (samsara).
Chữ Hán dịch deva là
thiên 天,
nhưng rõ ràng thiên / deva không phải
là Thiên theo nghĩa Trời / Thượng Đế của Nho Giáo, Lão Giáo,
Cao Đài Giáo. Nói khác đi, thiên / deva
cũng na ná như chữ god không viết hoa
trong tiếng Anh, và có số nhiều là gods.
Nó hoàn toàn khác nghĩa chữ God viết
hoa, không bao giờ thêm số nhiều và cũng chẳng bao giờ có mạo từ (article) đứng trước.
Thế thì, nếu một vị bên Phật Giáo vì lý do nào đó, không tách
bạch chỗ đồng âm khác nghĩa (homonym)
của thiên / deva và Thiên / Trời / Thượng Đế để mà suy diễn
rằng Trời còn bị luân hồi, Phật không còn luân hồi, vậy Trời kém hơn Phật, Phật
cao hơn Trời (sic), thì sự suy diễn
đó hoàn toàn không có lợi cho tinh thần đối thoại liên tôn để sống hòa ái,
tương kính và hợp tác.
4. Thứ tư, Ban Tổ Chức hỏi: “Các tôn giáo cần chuẩn bị những gì khi tham gia đối thoại?”
Về mặt tri thức, chúng ta thấy rằng khi một tôn giáo tham gia
đối thoại, họ nên biết được những nét đẹp, những chân giá trị của tôn giáo bạn.
Kế đến, mỗi tôn giáo nên biết khiêm tốn và lắng nghe. Khiêm tốn một cách thật
sự chứ không phải hình thức xã giao.
Trong cuộc đối thoại liên tôn giáo, mỗi bên nên có thiện chí tìm thấy cái hay của mình và cái hay của bạn để kết dệt thành tấm gấm mỹ
miều và thêu thêm những đường nét trang trí xinh tươi mà hiến tặng cuộc đời,
hiến tặng con người. Mượn lời Thánh tông đồ Phaolô trong Thư 1 Gởi Tín Hữu Côrintô (13:1), người tham gia đối thoại liên tôn
không nên sơ xuất trở thành thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng khi
bước vào cuộc đối thoại chỉ vì mong tranh hơn hay vì muốn thủ thắng.
Khi tham gia đối thoại liên
tôn giáo, có lẽ cũng cần nhớ lời Giáo Hoàng Phanxicô khi gặp Tổng Thống Thổ Nhĩ
Kỳ Erdogan tại Ankara ngày 28-11-2014: “Một
cuộc đối thoại như thế nên là cuộc trò chuyện cho phép chúng ta suy niệm một
cách có ý thức và trầm tĩnh về những khác biệt của chúng ta, rồi học hỏi từ
những khác biệt đó.” [16]
Thái độ trầm tĩnh rất cần thiết vì nó giúp người tôn giáo
giải trừ cho mình não trạng tự tôn. Còn nhớ, ba năm trước, tôi được mời tham dự
cuộc hội ngộ liên tôn giáo tại một thành phố lớn ở miền Nam . Phía tổ
chức là một tôn giáo lớn, tạm gọi tôn giáo A. Tham dự có đông đảo đại biểu là
chức sắc các tôn giáo khác. Trong chương trình, một chị tín hữu của tôn giáo A
bước lên bục để chia sẻ những tâm tình của người con gái về làm dâu một gia
đình theo tôn giáo B, cũng là một tôn giáo lớn. Bằng cách nói rất diễn cảm, chị
kể lể rành rọt những thống khổ mà mẹ chồng trút lên chị. Nhưng cuối cùng chị đã
chiến thắng, chẳng những mẹ chồng mà cả gia đình nhà chồng đều từ bỏ tôn giáo B
để đi theo tôn giáo A của chị. Hôm ấy trong hội trường có nhiều chức sắc của
tôn giáo B. Tôi nghĩ rằng đó là một tiết mục lẽ ra không nên có trong chương
trình hội ngộ liên tôn giáo.
5. Thứ năm, Ban Tổ Chức hỏi: “Ở phạm vi nào, các giá trị tôn giáo có thể đồng hành với các giá trị
thế tục để cùng phục vụ cuộc sống chung?”
Giáo Sư Archie John Bahm (1907-1996), dạy triết và tôn giáo
đối chiếu tại Viện Đại Học New Mexico (Mỹ), là tác giả quyển The World’s Living Religions (New York:
Nxb Dell, 1964). Trong sách này Giáo Sư Bahm có dẫn
lại ý kiến của Giáo Sư P.T. Raju, nguyên Trưởng Khoa Triết Viện Đại Học
Rajasthan (Ấn Độ), nói rằng “mặc dù có dị
biệt, các tôn giáo đều có cái chung, đó là con người”.[17]
Khi nói tới con người, hay
hạnh phúc và an sinh của con người, thì đó là điểm chung của các tôn giáo chân
chính và của mọi thể chế của dân, do dân, và vì dân. Vậy, các giá trị tôn giáo
hoàn toàn có thể đồng hành với các giá trị thế tục để phục vụ cuộc sống chung,
phục vụ con người khi tôn giáo và thế tục cùng lấy nhân bản, an lạc, tiến bộ vừa làm nền tảng vững bền và vừa là định
hướng xuyên suốt cho mọi chương trình, kế sách hoạt động. (Theo giáo lý Cao
Đài, nhân bản, an lạc, tiến bộ là ba
chân vạc để mọi xã hội được phát triển bền vững.)
6. Cuối cùng, Ban Tổ Chức hỏi:
“Vậy yếu tố khoan dung, bác ái, thấu
hiểu, tinh thần dấn thân và sự sẵn lòng hợp tác quan trọng như thế nào trong
việc đảm bảo đối thoại liên tôn giáo diễn ra hiệu quả và hài hòa?”
Chúng ta thấy rằng những đức
tính như khoan dung, bác ái, thấu hiểu,
tinh thần dấn thân, sự sẵn lòng hợp tác mà Ban Tổ Chức nêu ra sẽ quyết định
sự thành công mỹ mãn của mỗi cuộc đối thoại liên tôn giáo. Thiếu các đức tính
đó, thay vì đối thoại người ta sẽ tìm cách đối kháng, đối địch.
Đối thoại liên tôn giáo là
cuộc trò chuyện vô vàn tế nhị. Bởi lẽ, cho dù là đang trò chuyện giữa những
đồng bào vốn cùng nói chung một quốc ngữ, một khi bắt đầu đối thoại liên tôn
giáo thì lại thấy cơ hồ anh em như khác dòng ngôn ngữ. Mỗi một thuật ngữ, một
khái niệm xa lạ sẽ dẫn dắt tới một cách hiểu không đúng. Do đó, thấu hiểu là rất cần thiết. Thế rồi,
giữa các tôn giáo vốn sẵn có một số dị biệt là hệ quả của thời đại lịch sử và
không gian văn hóa đã sản sinh ra từng tôn giáo, không thể vì các dị biệt đó mà
người khác tôn giáo muốn “loại trừ” lẫn nhau. Bởi vậy, khoan dung, bác ái là hai đức tính giúp người khác tôn giáo biết
nhẫn nại để dung chứa lẫn nhau thì mới có thể hợp tác với nhau.
IV. Thay lời kết
Trong lúc xã hội thế tục còn đang hăng say tranh
chấp thì các tôn giáo lại càng phải chủ động và tích cực hòa hiệp, hợp tác để
cùng góp phần giải trừ thực trạng tranh chấp ấy. Bằng ngược lại, các tôn giáo
chưa hoàn thành sứ mạng của mình. Với chủ trương vạn giáo nhất lý, và mang tinh
thần bao dung mọi tín ngưỡng, giáo lý Cao Đài xác định rằng “... tôn giáo hiện hữu còn tranh
chấp, là chưa tạo được một thực thể Đạo thuần chánh để cứu thế.” [18]
Đối thoại liên tôn giáo hiệu
quả và đúng đắn sẽ có thể góp phần hóa giải tranh chấp giữa các tôn giáo. Đây
là một hành trình dài mà mỗi người tôn giáo tham gia phải sẵn sàng bước ra khỏi
“cái tôi” của mình để đến với tôn giáo bạn một cách cởi mở.
Xác định đối thoại liên tôn
giáo là một hành trình dài để thấy rằng cuộc hội thảo khoa học lần này của Viện
Nghiên Cứu Tôn Giáo không thể dừng lại sau khi bế mạc. Viện có thể “nuôi dưỡng”
thành quả cuộc hội thảo này bằng cách thông qua tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo sẵn có của Viện thường xuyên ấn hành những số
chuyên đề về đối thoại liên tôn giáo, mời gọi nhiệt tâm đóng góp của giới tôn
giáo và không tôn giáo.
Phú Nhuận, 19-8-2015
HUỆ KHẢI
[1] Lille: A thousand roads lead men forever to Rome. Chaucer: … right diverse
paths lead diverse folk the right way to Rome .
[https://en.wiktionary.org/wiki/all_roads_lead_to_Rome]
[2] The World’s Parliament of Religions.
[3] The First International Congress for the
History of Religions.
[4] Radhakrishnan được bầu làm Phó Tổng Thống
đầu tiên của Ấn Độ (nhiệm kỳ 1952-1962), rồi được bầu làm Tổng Thống thứ nhì
của Ấn Độ (nhiệm kỳ 1962-1967).
[6] Giáo Hoàng Gioan XXIII được phong thánh ngày
27-4-2014 và Giáo Hoàng Phaolô VI được phong chân phước ngày 19-10-2014.
[7] Nostra Aetate (In our Times); The Second Vatican Council’s Declaration on
the Relations of the Church with Non-Christian Religions.
[8] The Secretariat for Non-Christians; PCID:
the Pontifical Council for Interreligious Dialogue.
http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/interelg/documents/rc_pc_interelg_pro_20051996_en.html.
Truy cập 19-8-2015.
[9] The 34th World Religions Conference.
[10] The Ahmadiyya Muslim Community.
[11]
http://www.parliamentofreligions.org/content/our-mission. Truy cập 19-8-2015.
[12] Các dẫn chứng trong phần này được mượn lại
từ: Huệ Khải, Tam Giáo Việt Nam: Tiền Đề
Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 67-78.
[13] Luyện đan: Ám chỉ việc tu thiền.
[14] Tam đồ khổ: Cái khổ khi
hồn người chết phải đi vào ba đường dữ để chịu hình phạt đền bù tội lỗi. Đó là:
Hỏa đồ (bị lửa thiêu đốt); Huyết đồ (bị sát hại và đổ máu); Đao đồ (bị dao kiếm đâm vào cơ thể).
[15] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Ất Tỵ (1965). Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 84.
[16] “Such a dialogue will allow us to reflect sensibly and serenely on
our differences, and to learn from them.”
http://www.news.va/en/news/pope-francis-interreligious-dialogue-can-help-end.
(Truy cập ngày 06-7-2015)
[17] “... despite all their differences, religions have something in common,
namely, man.” Archie J.
Bahm, The World’s Living Religions.
New York: Dell pub., 1964, p. 359.
[18] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Mậu Thân - Kỷ Dậu
(1968-1969). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 110.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.