Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

100/6. TÀI LIỆU HỌC TẬP THÁNH GIÁO / ĐÔI ĐIỀU VỀ BÌNH GIẢNG THÁNH GIÁO


TÀI LIỆU HỌC TẬP THÁNH GIÁO


Đối với Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Thánh Truyền Trung Hưng là một kho báu đang chờ đợi được khai thác hiệu quả nhờ vào Đoàn Phổ Tế Lưu Động.
Có thể lựa trong kho báu này mười hai bài thánh giáo rồi kết thành từng tập sách nhỏ làm tài liệu học tập thánh giáo dùng cho từng tháng trong từng năm. Tín chúng tại các họ đạo, cơ sở đạo được nhận tài liệu này sẽ thuận tiện nghiên cứu, theo dõi mỗi khi Đoàn Phổ Tế Lưu Động ghé đến địa phương theo định kỳ.
Khi thực hiện tài liệu học tập thánh giáo đừng chọn bài thánh giáo dài quá vì bình giảng không đủ giờ, nhưng đừng chọn bài thánh giáo ngắn quá.
Cần hiệu đính chánh tả, cách chấm câu. Sai chánh tả, chấm câu sai sẽ dẫn tới hiểu sai nội dung, hoặc khó hiểu.
Cần kèm thêm phần chú thích từ ngữ sau mỗi bài thánh giáo.
Có thể soạn sẵn một, hai câu hỏi thảo luận phổ biến trước cho tín chúng, hoặc in sẵn trong tài liệu.
Công tác tu thư chu đáo sẽ giúp vợi bớt gánh nặng trên vai đoàn viên Phổ Tế Lưu Động.
CẨM NANG PHỔ TẾ LƯU ĐỘNG
Các thành viên của Đoàn Phổ Tế Lưu Động có người mạnh mặt này mà yếu mặt khác. Để bổ sung cho nhau, thống nhất một cách hiểu và giảng giải cho tín chúng, cần tổ chức tập huấn cho các đoàn viên trước khi quý huynh tỷ này tản về các họ đạo, cơ sở đạo ngõ hầu thi hành nhiệm vụ bình giảng thánh giáo.
Sau mỗi buổi giảng và thảo luận tại địa phương, các đoàn viên nên phản ánh với Trưởng, Phó Đoàn Phổ Tế Lưu Động những vướng mắc và đề xuất cách xử lý.
Việc họp mặt thường bất tiện (vì các đoàn viên phân tán ở nhiều địa phương gần xa), do đó có thể dùng hộp thư điện tử (e-mail) để trao đổi ý kiến giữa nội bộ Đoàn.
Dùng thư điện tử rất tiện lợi, vì Đoàn dễ lưu trữ các thông tin. Sau một thời gian, Đoàn kết tập các vấn đề lại, biên soạn thành cẩm nang Phổ Tế Lưu Động, dành riêng cho nội bộ Đoàn tham khảo.
NHỊP CẦU TÂM GIAO & THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT
Tuy không đầy đủ, nhưng các trường hợp khó khăn khi đọc thánh giáo (như đã trình bày trong những trang sách trên đây) cho thấy rằng từ chỗ hiểu được một bài thánh giáo tới chỗ bình giảng thánh giáo ấy được rõ ràng, hấp dẫn là cả một khoảng cách.
Xác định như vậy để thận trọng mỗi khi tìm hiểu, nghiên cứu, bình giảng thánh giáo. Khó khăn quả thật chẳng ít, nhưng nào phải là không vượt qua được.
1. Nhịp cầu tâm giao
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đã xuất bản NGHỆ THUẬT THUYẾT TRÌNH GIẢNG ĐẠO, trong đó soạn giả Đơn Tâm hướng dẫn nhiều nguyên tắc viết bài và thuyết đạo có thể áp dụng rất hiệu quả cho người đoàn viên Phổ Tế Lưu Động để bắc được nhịp cầu tâm giao với thính giả tín chúng, và đó là sự thành công tốt đẹp của buổi bình giảng thánh giáo.
Ngoài ra, khi về một thánh sở bình giảng thánh giáo, nếu như biết được tâm tư hay nỗi lòng bổn đạo địa phương và khéo léo tìm cách kết hợp với bài giảng để có một đôi điều gần gũi hoàn cảnh họ đạo thì rất hay. Tín chúng cảm thấy bài giảng không viển vông. Nhưng nếu không có được sự kết hợp như mong muốn thì đừng gượng ép.
Để làm tươi vui bài giảng, cần vận dụng những mẩu chuyện đạo phù hợp và kể lại trong buổi bình giảng thánh giáo. Hướng tới mục đích này, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đã xuất bản một số tập sách như sau:
- BẮC CẦU TÂM LINH
- CÂU CHUYỆN ĐỨC TIN
- DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN
- HÒA ĐIỆU LIÊN TÔN
- NẺO VỀ TÂM LINH
- NGỌN NẾN NÀO KHÔNG TẮT
- NHỊP CẦU TƯƠNG TRI
Thật vậy, đừng quên kể chuyện trong khi bình giảng thánh giáo, nhưng phải chọn lựa những chuyện thích hợp. Nữ nghệ sĩ kiêm tác gia danh tiếng Erin Morgenstern (người Mỹ, sinh năm 1978) nói về hiệu ứng (tác dụng) kỳ diệu của việc kể chuyện như sau:
Quý bạn có thể kể một câu chuyện và chuyện đó ngự trị trong tâm hồn người nghe, trở thành máu của họ, bản thân họ, và mục đích đời họ. Câu chuyện đó sẽ làm họ xúc động, sẽ thúc đẩy họ, và ai mà biết được họ có thể hành động vì nghe câu chuyện đó, vì những lời lẽ bạn kể. Đó là vai trò của quý bạn, món quà của quý bạn.
(You may tell a tale that takes up residence in someone’s soul, becomes their blood and self and purpose. That tale will move them and drive them and who knows that they might do because of it, because of your words. That is your role, your gift.)
2. Thiên nhân hiệp nhất
Để vượt qua khó khăn, trở ngại trong lúc thi hành đặc nhiệm, người Phổ Tế Lưu Động không bao giờ đơn độc.
Ơn Trên từ bi ban trao vô vàn thánh giáo để cứu độ chúng sanh, lại cần con người tận tụy bình giảng thánh giáo để phổ truyền thánh giáo. Không có con người phổ truyền thánh giáo thì cả kho báu lời Tiên tiếng Phật không được xương minh, không phát huy được công dụng diệu mầu.
Thế nên, Thiêng Liêng lúc nào cũng cần có con người hợp tác để cùng nhau vận chuyển bánh xe tiến hóa của càn khôn thế giới; đồng thời, con người trên đường phụng sự Thiên cơ luôn luôn được Thiêng Liêng soi dẫn và phù trợ.
Thật vậy, tu học và hành đạo trong đạo Cao Đài luôn luôn có sự ứng nghiệm mầu nhiệm của quy luật Thiên nhân hiệp nhất theo hai chiều hỗ tương từ Trời đến người và từ người đến Trời.
Từ người đến Trời:
Tại thánh thất Trung Quang, ngày 02-5 Mậu Dần (30-5-1938), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Có Trời cũng có người thêm sức
Người hiệp cùng Trời mới đủ tay.
Từ Trời đến người:
Tại thánh tịnh Đại Thanh, ngày 01-8 Giáp Tuất (09-9-1934), Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Gánh mối Đạo, hy sinh vì Đạo
Thương nhơn sanh hoài bão nhơn sanh
Trời đâu phụ kẻ tâm thành...
Hãy tin chắc như vậy trong suốt quãng đời tu học và hành đạo. Trọn lòng hy sinh cho Đạo, không ngừng khiêm tốn học hỏi để trau dồi năng lực, luôn luôn rèn luyện tâm hạnh cho được thuần chân vô ngã để dâng hiến trọn vẹn tâm lực, tài tuệ của mình phụng sự đặc nhiệm Phổ Tế, chắc chắn người con áo trắng sẽ nhận được ơn Trời.
“Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy.” Đức Chí Tôn, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 30-12 Giáp Dần (10-02-1975)

Trên bước đường thi hành đặc nhiệm được Hội Thánh tin cậy phó thác, xin hãy luôn luôn cầu nguyện cho nhau để xứng đáng tiếp nhận được ơn soi dẫn và phù trì của Thầy Mẹ cũng như hằng hà Thần Thánh, Tiên Phật trong Kỳ Ba đại ân xá.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.