BÌNH GIẢNG THÁNH GIÁO: KẾT CẤU MỘT BÀI GIẢNG
Sau đây chỉ là một gợi ý về cách kết cấu một bài bình giảng thánh giáo, thường gồm ba phần chánh.
Để minh họa cho việc miêu tả từng phần kết cấu của bài giảng, các thí dụ sau
đây được đánh số liên tục, trích từ hai tập Một
Dòng Bát Nhã (của Huệ Khải), và Ơn
Cứu Độ (của Diệu Nguyên).
1. Giới thiệu thánh giáo
Cho biết thánh giáo do Đấng nào dạy? Dạy ở đâu? giờ nào? ngày nào? (Nếu biết
rõ thì nói thêm nguyên do hay hoàn cảnh nào mà có thánh giáo này.)
Thí dụ 1:
Trong buổi bình giảng thánh giáo tại thánh tịnh Minh Kiến Đài, chiều 01-4
Nhâm Thìn (21-4-2012), người giảng mở đầu ngắn gọn như sau:
Hôm nay chúng ta cùng
ôn học bài thánh giáo Đức Quan Âm Bồ Tát dạy tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện
Minh Tân) vào đêm 29-5 rạng 01-6 Ất Tỵ (28 rạng 29-6-1965).
Thí dụ 2: Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại
Đạo, trong buổi bình giảng thánh giáo sáng ngày 01-9 Kỷ Sửu (18-10-2009), người
giảng liên hệ tới kinh Phật thời Nhị Kỳ Phổ Độ trước khi nói tới thánh giáo Tam
Kỳ Phổ Độ:
Trong kho
tàng kinh Phật truyền lại từ Nhị Kỳ Phổ Độ, có Bát Nhã Tâm Kinh là một
bài kinh ngắn rất nổi tiếng, được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Riêng bản dịch chữ
Hán (của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đời Đường, thế kỷ thứ Bảy) gồm hai trăm
sáu mươi chữ, mở đầu như sau:
“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật
đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.”
Nghĩa là:
Đức Bồ Tát Quán Tự Tại lúc thực hành thâm sâu bát
nhã ba la mật, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ nạn.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh lại có câu này:
“Bồ đề tát đóa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô
quái ngại…”
Nghĩa là:
Đức Bồ Tát vì thế nương theo bát nhã ba la mật
đa, tâm không chướng ngại…
Bồ Tát Quán Tự Tại
cũng là Bồ Tát Quán Thế Âm. Tự tại là tự do. Tâm vô quái
ngại hay tâm vô ngại là tâm không bị chướng ngại,
không bị cản trở.
Dòng tư tưởng bát nhã rất cô đọng của Phật Giáo
Nhị Kỳ Phổ Độ giờ đây lại được chính Đức Quán Thế Âm giảng giải bằng tiếng Việt
trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Thật vậy, thánh giáo của Đức Bồ Tát tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất
thời, 15-7 Đinh Tỵ (29-8-1977) cho thấy ngoài dòng bát nhã xa xưa, hiện nay còn
có một dòng bát nhã khác đang chảy trên quê hương Việt Nam trong Kỳ Ba cứu thế.
2.
Bình giảng: Phân bài thánh giáo ra từng đoạn nhỏ
Chia bài thánh giáo thành từng khổ
thơ, từng đoạn tản văn; rồi giải nghĩa từ ngữ khó, điển tích. Có thể trích dẫn
thêm kinh điển phù hợp để làm sáng tỏ lời giảng của mình.
Thí
dụ 3: Tại thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà, chiều 15-6 Quý Tỵ
(22-7-2013), người giảng bình giảng thánh giáo Đức Chúa Giêsu dạy tại Huờn Cung
Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân) vào đêm 24 rạng 25-12-1965.
a. Người giảng trích bốn câu thi xưng danh mở đầu
thánh giáo ấy:
PHÊRÔ giáng bút trước đàn tiền
Nam nữ đồng tâm lãnh lịnh truyền
Lẳng lặng nghiêm trang hầu Giáo Chủ
Giáng trần chứng lễ rưới ân Thiên.
Thành tâm tiếp Chúa giáng. Thăng.
b. Người giảng giải thích ý nghĩa khổ thơ xưng danh:
Trên
đây là bài thánh thi của Thánh Phêrô báo tin có Đức Da Tô Giáo Chủ giáng đàn để
ban ơn lành và chứng cho lòng thành của các môn đệ Cao Đài đang tổ chức lễ kỷ
niệm mừng Chúa Giáng Sinh. Đồng thời, Thánh Phêrô cũng căn dặn quý vị hầu đàn
hôm ấy phải giữ thanh tịnh, yên lặng, nghiêm trang để hầu Đấng Giáo Chủ cứu
thế. Đây quả là một diễm phúc lớn lao không thể tưởng của hàng môn đệ Cao Đài
lúc bấy giờ: Trong lúc nhân loại toàn thế giới long trọng tổ chức lễ mừng Giáng
Sinh thì hàng môn đệ Cao Đài lại được trực tiếp đón nhận ân điển thiêng liêng
cùng những lời giáo huấn quý báu của Đức Giêsu Kitô.
Nhân
đây, chúng ta ôn lại khái quát về Thánh Phêrô. Ngài là tông đồ trưởng trong
mười hai Thánh tông đồ của Chúa Giêsu. Phêrô là tên Thánh do Chúa đặt cho ông,
là phiên âm của chữ Petros trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là đá. Ông được Chúa Giêsu trao cho quyền
cai quản Hội Thánh qua lời Chúa dạy (Matthêu 16:18-19):
“Thầy
bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây
Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho
anh chìa khóa Nước Trời…”
Do
đó Thánh Phêrô được xem là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo và là
vị Thánh giữ cửa Thiên Đàng.
Tháng 8 năm 64, hoàng đế Nero (sinh năm 37, trị vì La
Mã 54-68) bắt đầu bách hại giáo dân Công
Giáo. Phêrô quyết định đi lánh nạn, nhưng dọc đường ông gặp Chúa Giêsu
vác thập tự giá trên vai.
Ngạc nhiên, Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?”
Chúa Giêsu đáp: “Thầy
vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.”
Phêrô hiểu ra hàm ý của Chúa, nên quay trở vào thành và
chịu bị kết án đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, cảm thấy mình không xứng
đáng được chết như thầy Giêsu nên Phêrô đã yêu cầu được đóng đinh ngược đầu xuống.
Ngày nay, trong đạo Cao Đài, Thánh Phêrô thường đến trước
báo đàn mỗi khi Đức Chúa Giêsu giáng cơ dạy đạo.
Thánh
Phêrô giáng cơ lần đầu tiên ngày 01-01-1926 (17-11 Ất Sửu):
Thiên
đàng giữ cửa góc trời Tây
Truyền
đạo cho dân biết mặt Thầy
Cứu
chuộc đã gần hai ngàn tuổi
Cao Đài phú thác dắt dìu bây.
Thí dụ 4: Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại
Đạo, sáng ngày 01-6 Đinh Hợi (14-7-2007), người giảng bình giảng thánh giáo Đức
Thái Thượng Đạo Tổ dạy tại Cơ Quan vào Tý thời, ngày 15-02 Quý Sửu (18-3-1973).
a. Người
giảng trích một đoạn thánh giáo:
Nhân lòng
thành kính của chư môn sanh, Lão đáp lại câu Thượng đức bất
đức, hạ đức chấp đức, chấp trứ chi giả
bất minh đạo đức để giảng lại cho chư môn sanh ngõ hầu áp dụng trên
đường tu thân hành đạo.
b. Trong
đoạn thánh giáo đó, câu chữ Nho Thượng đức
bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trứ chi giả
bất minh đạo đức cần phải giải
nghĩa cho rõ ràng. Vì thế, người giảng chia câu chữ Nho này ra làm ba đoạn nhỏ
như sau:
1. Thượng đức bất đức: Bậc đức cao không theo quy ước đạo đức của thế tục (cách cư xử của các vị có thể không giống như
quy ước xã giao, luân lý thông thường của người đời).
Thí dụ một, người thế gian xem chuyện
giao tế, thăm hỏi lẫn nhau là lễ nghĩa ở đời. Bậc thượng đức quý thời gian eo hẹp,
chỉ muốn dành hết ngày giờ để tu học, hành thiền (công phu) cho nên không chịu
giao du, hạn chế những sự thăm viếng phù phiếm.
Thí dụ hai, người thế gian xem chuyện khóc lóc thảm thiết trong
đám tang là hiếu, là thương nhớ kẻ qua đời (nên có nhà còn tốn tiền thuê người khóc mướn). Khi
ma chay, cúng giỗ thì sát sanh đãi đằng linh đình để trả nợ miệng. Bậc thượng đức
hiểu rằng tất cả các việc làm lầm lẫn đó đều trói buộc vong hồn vào vòng luân hồi,
không còn nẻo siêu thoát. Thế nên bậc thượng đức không làm đám tang rình rang
và không cúng giỗ với tiệc mặn linh đình theo kiểu dân gian.
Thí dụ ba, người thế gian xem chuyện sinh con nối dõi tông đường
là hiếu. Bậc thượng đức xem xuất gia tu hành mới là đại hiếu vì người tu có thể
cứu rỗi cho cửu huyền thất tổ, trái lại hôn nhân, con cái là ràng buộc. Thế nên, khi thái tử Cồ Đàm sinh con trai đầu lòng, Ngài bèn đặt tên là La Hầu La, có nghĩa là chướng
ngại và trói buộc. Sau đó, ngài mau mau trốn khỏi hoàng cung tìm đạo, sợ nấn ná thì sẽ có thêm một La
Hầu La khác!
Thí dụ bốn, người thế gian xem việc phá hoại hôn nhân của kẻ khác là ác
độc. Nhưng Đức Phật Thích Ca nghĩ khác. Khi biết em cùng cha khác mẹ của Ngài
là Nan Đà (Nanda) đang làm đám cưới, sợ Nan Đà vì việc này mà chìm đắm biển trần,
Phật liền rời tịnh xá, đi thẳng vào hoàng cung và đưa Nan Đà về tịnh xá quy y
ngay, bất chấp chú rể lẫn cô dâu dang dở việc trăm năm. Nhờ Phật hành xử theo bậc
thượng đức mà sau này Nan Đà thành chánh quả.
2. Hạ đức chấp đức: Kẻ đức thấp câu nệ vào
quy ước đạo đức của thế tục (tục đức).
Chấp trứ chi giả: Kẻ mà câu nệ (tục đức) như vậy. (Chấp trứ cũng đọc là
chấp trước.)
Bất minh đạo đức: Không hiểu rõ hai chữ đạo đức đúng nghĩa theo đạo
lý.
3. Nguyên ý
trong Đạo Đức Kinh (chương 38) là:
Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức. Hạ
đức bất thất đức, thị dĩ vô đức.
(Bậc đức
cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức đúng theo lẽ đạo, không phù phiếm.
Người đức thấp câu nệ vào tục đức, tuy không đánh mất tục đức phù phiếm, nhưng
vì thế mà lại không có được cái đức của bậc siêu phàm.)
Ở đây Đức Đạo Tổ nhắc lại ý Đức Lão Tử (một kiếp giáng
sinh của Ngài), phân tách thế nào là sống đạo đức chân chính và thế nào là sống
đạo đức giả tạo, phù phiếm (tục đức).
Sống đạo
đức chân chính là tu hành, lấy việc trau dồi tâm linh làm trọng, thuận theo lẽ
Trời, không câu nệ những hình thức giả tạo do quy ước xã hội bày ra (mỗi nơi,
mỗi thời, mỗi nền văn hóa đều khác nhau, nghĩa là tục đức chỉ có giá trị tương
đối trong không gian và thời gian).
Hai thí dụ trên đây cho thấy rằng để có thể bình giảng tốt
thánh giáo Đức Chúa Giêsu, người giảng cần hiểu biết về Kinh Thánh, lịch sử đạo
Thiên Chúa. Tương tự, khi bình giảng thánh giáo Đức Thái Thượng Đạo Tổ, người
giảng cần hiểu biết về Đạo Đức Kinh.
3. Kết thúc bài giảng
Người giảng tóm tắt ý nghĩa trọng yếu của thánh giáo.
Thí dụ 5: Kết thúc buổi bình giảng thánh giáo
Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
vào Tý thời, ngày 15-02 Quý Sửu (18-3-1973), người giảng tóm tắt:
Tu Cao Đài là tu Tam Giáo, tu ba trong một. Đi xa khởi từ gần. Lên cao leo
từ chỗ thấp. Muốn làm bậc thượng đức thì người tu bắt đầu từ chỗ lập đức. Lập
đức khởi đầu bằng giữ Ngũ Giới. Ngũ Giới khởi đầu bằng mở lòng Nhân, không sát
sanh, học theo đức hiếu sanh của Trời. Thế nên nhập môn rồi thì phải tập ăn
chay. Chí ít giữ mười ngày chay cũng đủ điều kiện để xin thọ tâm pháp giải trần
lao trong Kỳ Ba đại ân xá.
Chủ đề đạo pháp Đức Đạo Tổ đưa ra rất lớn: Truyền cho môn sanh hãy học làm
bậc thượng đức và thực hành tâm pháp để giải thoát trần lao (luân hồi sanh tử).
Thế rồi Đức Đạo Tổ từ từ dẫn dắt môn sanh thực hành bằng cách đưa về Ngũ Giới,
thực thi Ngũ Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Đây là bước đầu rất căn bản mà ai
mới nhập môn cũng đều được chỉ dạy.
Như thế, con đường và pháp môn Đức Đạo Tổ ban cho trong thời pháp này dẫu
siêu việt, phi phàm nhưng vẫn không vượt khỏi khả năng của môn đệ chốn phàm
trần. Đến đây chúng ta ắt nhớ lời Đức Lão Tử (Đạo Đức Kinh): Ngô ngôn thậm dị
tri, thậm dị hành. (Lời ta rất dễ hiểu, rất dễ làm theo.)
Xin cầu nguyện cho tất
cả môn sanh trong Tam Kỳ Phổ Độ này thành tựu được tâm huyết mà Đức Đạo Tổ từ
bi ký thác.
Thí dụ 6:
Kết thúc buổi bình giảng thánh giáo Đức Chúa Giêsu dạy tại Huờn Cung Đàn
(Tam Giáo Điện Minh Tân) vào đêm 24 rạng 25-12-1965, người giảng tóm tắt:
Tóm lại, qua lời dạy
của Đức Da Tô Giáo Chủ, chúng ta có thể ghi nhớ ba nội dung chính sau đây:
1. Công bình là luật
của Trời. Đức Chí Tôn Thượng Đế ban rải tình thương yêu cho khắp cùng con cái
nơi thế gian một cách công bình, không phân biệt hay ưu ái riêng cho một giống
dân nào, đã tùy theo phong tục tập quán của mỗi xứ mà lập nên các nền tôn giáo
để cứu độ nhơn sanh.
2. Con người do lòng
tham dục nên đã gây ra biết bao tội tình vi phạm luật công bình của Đấng Cha
Trời. Do đó, Đức Từ Phụ đã cho các hàng giáo chủ xuống thế gian, hy sinh thân
mình để cứu độ nhân loại, bảo vệ lẽ công bình, và cũng để nhắc nhở tín đồ các
tôn giáo hãy noi theo gương hy sinh của các Ngài mà cứu độ chúng sanh.
3. Ngày nay, cơ Trời đã
đến lúc tái tạo cõi dinh hoàn, cơ sàng sảy ngày càng thêm ráo riết, luật Thiên
điều thưởng phạt rất công bình, những ai biết làm lành lánh dữ, sống trong phép
nhiệm của Trời thì linh hồn sẽ được cứu rỗi ngày cùng cuối.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.