Của HUỆ KHẢI (Dũ Lan Lê Anh Dũng)
Nhà xuất bản TÔN GIÁO (Hà Nội 2016)
GIAO CẢM
Theo từ điển Merriam-Webster,
tiền tố (prefix) non- có nghĩa là not (không phải); other than (khác hơn).([1]) Do đó, tuy các văn bản
phổ biến xưa nay trong Công giáo hầu như đều dịch non-Christian là “ngoài Kitô giáo”, tôi quen dịch non-Christian là “không phải Kitô giáo”.
Một lần nữa, trong bài viết này tôi dịch Nostra
Aetate: Declaration on the Relation of the Church to NonChristian Religions
là “Nostra Aetate: Tuyên ngôn về Quan hệ của Giáo hội với các Tôn giáo không
phải Kitô giáo”.
Bản tiếng Anh Nostra
Aetate trích lại nơi đây là bản được Vatican
chánh thức công bố trên Internet,([2]) và được truy cập ngày
28-10-2015, tức là đúng năm mươi năm sau ngày Thánh Giáo hoàng Phaolô VI
(1897-1978) công bố Tuyên ngôn này.
Nostra Aetate (Trong Thời đại Chúng
ta) bao gồm năm nội dung ngắn gọn đánh số từ 1 đến 5, trong đó số 3 và số 4 đặc
biệt nói riêng đến đạo Islam và đạo Do Thái. Trong bản tiếng Anh đã nêu trên,
không kể nhan đề và mười lăm chú thích cuối văn kiện, hai nội dung thứ ba và
thứ tư gồm 816 từ so với tổng số 1594 từ, tức là chiếm 51% nội dung Tuyên ngôn.
Trong bài viết này, tôi không dẫn lại hai nội dung ấy bởi lẽ tôi muốn hướng đến
một chiều kích đa tôn giáo thay vì một vài tôn giáo cụ thể nào đó.
Hội đồng Giám mục Đại kết và các Quan hệ Liên tôn (Bishops Commission for Ecumenism and
Inter-religious Relations) của Úc châu ngày 26-10-2015 đã phổ biến bài viết
kỷ niệm kim khánh Nostra Aetate.[3] Dẫn lại bài viết đáng
chú ý này của Hội đồng, mỗi khi thêm một chi tiết nào không có trong nguyên tác,
tôi đặt phần thêm đó trong dấu ngoặc vuông […].
Bài viết này của một tín hữu Cao Đài xin khiêm tốn góp lời
kính mừng kim khánh kỷ niệm bản Tuyên ngôn đã đóng dấu ấn vào lịch sử loài
người đương đại. Là tín hữu một tôn giáo bao dung, người đạo Cao Đài đương
nhiên tán thành và ủng hộ những đối thoại liên tôn của các cộng đoàn Công giáo
bắt nguồn từ Nostra Aetate. Riêng đối với cộng đồng tín hữu Cao Đài, tôi nghĩ
rằng những tri thức về Nostra Aetate rất hữu ích, giúp chúng ta hiểu rõ hơn lý
do và ý nghĩa những dịp người Công giáo tiếp xúc người Cao Đài. Chúng ta nên
sẵn sàng cho những gặp gỡ như vậy.
Sau khi bài viết này đăng trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc (số 250, tháng
10-2015), tôi sửa chữa một vài từ ngữ và dịch sang tiếng Anh. Tôi chân thành
bày tỏ lòng biết ơn thầy Tú Đoàn, một đồng nghiệp đáng kính đã đọc bản dịch và
góp nhiều ý kiến hữu ích.
Tôi cũng trân trọng cảm tạ tất cả quý vị Mạnh Thường Quân
luôn luôn nhiệt tâm tài trợ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo;
nhờ thế, hàng ngàn bản sách này được gởi đến đông đảo bạn đọc gần xa.
Chúng con thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến
tất cả ân nhân của chúng con và cửu huyền thất tổ những vị chúng con mãi mang
ơn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tháng 12-2015
Huệ Khải
[1]
http://www.merriam-webster.com/dictionary/non-
[2] http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/
documents/vat-ii_decl_19651028_nostra-aetate_en.html.
[3]
http://www.ccjr.us/dialogika-resources/documents-and-statements/roman-catholic/other-conferences-of-catholic-bishops/1352-australia-na.
(Truy cập 28-10-2015.)
► Quý đạo hữu gần xa
muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo
xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi
nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.
|