Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

2. NIÊN BIỂU PTG / PHAN THANH GIẢN XƯA VÀ NAY


PHAN THANH GIẢN XƯA


Nói về Phan Thanh Giản Xưa, tôi trình bày giản lược sau đây hai nội dung:
1. Niên Biểu Về Phan Thanh Giản. Phần lớn các mốc năm tháng trong tiểu sử, các chức quan của ngài, tôi căn cứ theo sách ông Nguyễn Duy Oanh: Phan Thanh Giản: Cuộc Đời & Tác Phẩm (bản in tháng 8-2003 của tạp chí Xưa & Nay thuộc Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam liên kết Đại Học Hồng Bàng).
2. Đức Độ Ngài Phan Thanh Giản. Tôi trích nguyên văn một tích trong sách ông Nguyễn Văn Dần: Vĩnh Long Nhơn Vật Chí. Sài Gòn: Imprimerie Viêt, tháng 8-1925. Mười lăm tích khác, tôi trích nguyên văn trong sách ông Thái Hữu Võ: Phan Thanh Giản Truyện, Sài Gòn: Nhà in Xưa Nay, 1927.
3. Các ghi chú về việc đổi tên đường phố, tôi tham khảo sách ông Nguyễn Đình Tư: Đường Phố Nội Thành TpHCM (bản in tháng 12-1994).
4. Tôi biết ơn tất cả các vị khuyết danh đã có công sưu tập để tải lên Internet các ảnh tài liệu mà tôi in lại trong sách này. Tôi cảm ơn chị Bùi Thụy Đào Nguyên đã cho phép mượn ba ảnh màu chị chụp rất đẹp để làm phụ bản.
*
1. NIÊN BIỂU VỀ PHAN THANH GIẢN
LƯỢC GHI MỘT SỐ SỰ KIỆN NÊN BIẾT
1796: Phan Thanh Giản (PTG) chào đời giờ Thìn, ngày Thứ Năm 11-11-1796 (12-10 Bính Thìn), tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (sau đổi là làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long; nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Cha PTG là Phan Thanh Ngạn (1768-1842), mẹ là Lâm Thị Búp (1776-1802).
Mồ côi mẹ (1802), PTG được mẹ kế (Trần Thị Dưỡng) cho học chữ với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa Phú Ngãi.
1815: Cha bị vu cáo, phải ở tù một năm tại Vĩnh Long. Hằng ngày vào khám nuôi cha, PTG được quan Hiệp Trấn (tên là Lương) quý mến, giúp đỡ và khuyến học.
1816: Cha mãn tù. Theo lời khuyên của Hiệp Trấn Lương, PTG ở lại Vĩnh Long thọ giáo quan đốc học họ Võ (không biết tên). Bà quả phụ Nguyễn Thị Ân giúp PTG ăn học.
1825: PTG thi Hương tại trường thi Gia Định, đậu cử nhơn.
1826: PTG thi Đình, đậu tiến sĩ trong số mười người. Nam Kỳ lần đầu tiên có tiến sĩ. PTG thọ chức Hàn Lâm Viện Biên Tu.
1827: PTG thọ chức Hình Bộ Lang Trung.
1828: PTG thọ chức Tham Hiệp tỉnh Quảng Bình.
1829: PTG làm thay (quyền nhiếp) chức Tham Hiệp tỉnh Nghệ An, rồi về Huế thọ chức Phủ Doãn tại Thừa Thiên.
1831: PTG thọ chức Hiệp Trấn tỉnh Quảng Nam. Vì dẹp loạn mà thua trận ở Chiên Đàn, PTG bị cách chức xuống làm Tiền Quân Hiệu Lực nhưng vẫn ở lại Quảng Nam.
1832: PTG thọ chức Kiểm Thảo, rồi làm Hàn Lâm Kiểm Thảo sung Nội Các Hành Tẩu.
1833: PTG thọ chức Hộ Bộ Viên Ngoại Lang, quyền ấn phủ Thừa Thiên, rồi Hồng Lô Tự Khanh, làm Phó Sứ sang Trung Quốc.
1834: PTG thọ chức Đại Lý Tự Khanh ở Bộ Hình, sung Cơ Mật Viện Đại Thần.
1835: PTG thọ chức Kinh Lược coi Trấn Tây (từ Hà Tiên tới Nam Vang). Khi trở về qua tỉnh Bình Thuận, PTG dẹp được loạn. PTG thọ chức Bố Chánh tỉnh Quảng Nam, hộ lý Tuần Phủ Quan Phòng.
1836: PTG dâng sớ can vua Minh Mạng tuần du Quảng Nam để dân chúng khỏi phải khổ nhọc. Vua sai Võ Duy Tân điều tra. Bởi vì Tân sàm tấu, PTG bị giáng chức, phải làm việc quét dọn công đường tỉnh Quảng Nam. Hai tháng sau, PTG thăng Nội Các Thừa Chỉ, rồi Hộ Bộ Thị Lang, sung Cơ Mật Viện Đại Thần.
1838: PTG ra Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa xem duyệt binh. Trở về triều, vì sơ sót việc đóng dấu, PTG bị giáng chức làm Lang Trung Biện Lý Hộ Vụ. PTG vào Chiên Đàn (Quảng Nam) coi khai mỏ vàng, rồi đi Thái Nguyên coi khai mỏ bạc.
1839: PTG về Huế, thọ chức Phó Sứ Thông Chánh Ty, rồi thăng Hộ Bộ Thị Lang.
1840: PTG làm Phó Chủ Khảo trường thi Thừa Thiên. Do sơ ý trong chấm thi, PTG bị giáng một cấp, sau thăng Binh Bộ Thị Lang.
1841: PTG thăng Binh Bộ Tham Tri, sung Cơ Mật Viện Đại Thần. PTG làm Chánh Chủ Khảo trường thi Hà Nội.
1848: PTG thọ chức Lại Bộ Thượng Thơ.
1849: PTG thọ chức Giảng Quan ở Tòa Kinh Diên, rồi làm Tả Ky Kinh Lược Đại Sứ.
1851: PTG thọ chức Nam Kỳ Kinh Lược Phó Sứ, lãnh Gia Định Tuần Vũ.
1852: PTG được vua Tự Đức thưởng khánh vàng có bốn chữ: Liêm Bình Cần Cán. PTG xin trả bớt chức tước, chỉ giữ lại một, nhưng bị bác.
1853: PTG về Huế, thọ chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, lãnh Binh Bộ Thượng Thơ.
1856: PTG làm Chánh Tổng Tài ở Quốc Sử Quán để soạn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
1862: PTG cứu linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) khỏi bị vua Tự Đức trị tội vì điều trần rằng việc cấm đạo Thiên Chúa là sai. PTG làm Chánh Sứ vào Sài Gòn điều đình với Pháp về ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.
1863: PTG làm Chánh Sứ đi Paris (Pháp) xin chuộc lại ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Sau đó sứ bộ qua Madrid (Tây Ban Nha).
1864: PTG thọ chức Lại Bộ Thượng Thơ.
1865: PTG xin về hưu, nhưng bị bác. PTG thọ chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ Hộ Bộ Thượng Thơ, sung Kinh Lược Sứ ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
1866: PTG xin về hưu, nhưng bị bác.
1867: Xét thấy không thể chống trả nổi giặc Pháp, PTG buộc phải giao ba thành Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên để tránh cho quan quân và dân chúng đổ máu. PTG tự xử bằng cách uống thuốc độc quyên sinh vào Chủ Nhật 04-8, sau khi đã tuyệt thực liên tục kể từ Thứ Sáu 19-7.


1868: PTG bị vua Tự Đức tước hết các chức tước, phẩm hàm, bị đục tên trên bia tiến sĩ, bị án trảm giam hậu.
1885: PTG được vua Đồng Khánh phục hồi hàm Hiệp Tá Đại Học Sĩ.
1924: Thứ Hai 25-8, vua Khải Định ban sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một, phụng thờ PTG là Thần.
1925: Tháng 8, ông Nguyễn Văn Dần (Chủ Hội của Vĩnh Long Tương Tế Hội ở số 251 đường Lagrandière,([1]) Sài Gòn) xuất bản Vĩnh Long Nhơn Vật Chí (76 trang ruột), in lần thứ nhất tại imprimerie Viết (Sài Gòn), giá bán một đồng. Sách dành các trang 4-23 viết về PTG và một ít bài thơ về ngài.
1927: Ông Thái Hữu Võ (tri phủ hạng nhứt hưu trí, thăng hàm đốc phủ sứ, người làng An Bình Đông, tổng Bảo An, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre) xuất bản Phan-Thanh-Giảng [sic] Truyện, in tại nhà in Xưa Nay (số 62-64 boulevard Bonard, Sài Gòn, 73 trang). Ông Võ viết (tr. 50): “Có nhiều khi thỉnh tiên, cũng có ngài [PTG] xuống mà phụ cơ, ai có xin việc chi, thì ngài cũng cho thi [thơ].”
1933: Chủ Nhật 10-9, vua Bảo Đại ban sắc cho thôn Long Hồ, tổng Bình Long, quận Đệ Nhứt, tỉnh Vĩnh Long, phụng thờ PTG là Thần.
1939: Thứ Tư 08-02, ở Đà Nẵng, Đức PTG giáng cơ tại thánh thất Trung Thành (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
1941: Phan-Thanh-Gian (1796-1867) et sa famille d’après quelques documents annamites,([2]) sưu tập, dịch và chú thích của Pierre Daudin với sự cộng tác của Lê Văn Phúc được xuất bản (Sài Gòn: Imprimerie de l’Union, Nguyễn Văn Của).
1945: Thứ Tư 11-7, ở Đà Nẵng, Đức PTG giáng cơ tại thánh thất Trung Thành (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
Tại Cần Thơ, tháng 8, collège de Cần Thơ (lập năm 1917, trong trường có tượng bán thân PTG) đổi tên thành trường trung học PTG. Con đường chạy qua cổng trường là đường PTG.


1950: Nam Xuân Thọ xuất bản Phan Thanh Giản 1796-1867 (Sài Gòn: Nxb Tân Việt). Tháng 9-1957, sách được in lần thứ hai (Sài Gòn: Nxb Tân Việt, 112 trang).
1955: Thứ Ba 22-3, tại Sài Gòn, chánh quyền nhập đường Legrand de la Liraye và đường Lizé thành một và đặt tên là đường PTG, kể từ bùng binh Ngã Bảy (đoạn cuối này là ranh giới quận 3 và quận 10; phía bên quận 10 có phường PTG cặp sát đường PTG) chạy suốt tới cầu PTG (bắc qua rạch Thị Nghè, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Gia Định với đô thành Sài Gòn).


1956: Thứ Sáu 13-4, ở Phú Yên, Đức PTG giáng cơ tại thánh thất Minh Đức (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
1963: Tại Hà Nội, trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử (số 55, tháng 10-1963, tr. 18-19), Viện Trưởng Viện Sử Học Trần Huy Liệu (1901-1969) tuyên án PTG đã “phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân”, có tội “dâng thành hiến đất cho giặc”, và kết luận: “Đối với PTG, công đức như thế là đã bại hoại rồi, mà công đức đã bại hoại thì tư đức còn có gì đáng kể?”
1965: Thứ Sáu 07-5, tại Sài Gòn, Phủ Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa có văn thư số 01523/QT/TU của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu (1905-1970) ([3]) kính gởi ông đại diện ban sáng lập đình Thần xã Vọng Thê, quận Huệ Đức, tỉnh An Giang (nhờ ông tỉnh trưởng An Giang chuyển giao). Nội dung văn thư như sau:
Thưa Ông,
Tôi được biết đồng bào xã Vọng Thê, quận Đức Hu[sic],([4]) có nguyện vọng tha thiết được tôn thờ Cụ PTG tại đình Thần xã nầy.
Cụ PTG là một vị công thần, suốt đời hy sinh cho Tổ Quốc. Khi nước nhà bị xâm lăng, Cụ đã chọn lấy cái chết hào hùng, chớ không chịu hợp tác với địch. Gương sáng của Cụ làm rạng danh tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, và đáng được muôn đời thờ kính.
Cụ PTG đương nhiên là một vị Thần trong lòng mọi người dân Việt.
Việc tôn thờ Cụ PTG tại đình Thần xã Vọng Thê là một việc làm tốt đẹp và đáng khen ngợi.
Kính thư,
(Chữ ký và con dấu Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa)
Phan Khắc Sửu


1966: Thứ Bảy 22-01 (mùng 2 Tết Bính Ngọ), ở Vĩnh Long, Đức Chơn Thánh PTG giáng cơ tại Trúc Lâm Thiền Điện (thuộc Hội Thánh Di Lạc).
1967: Quý ba và bốn, tập san Sử Địa do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn chủ trương, và được nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương (1926-2005) bảo trợ, ra số kép 7-8 (270 trang) với chủ đề Đặc Khảo Về Phan Thanh Giản (1796-1867).
1971: Chủ Nhật 02-5, ở Vĩnh Long, Đức PTG giáng cơ tại Trúc Lâm Thiền Điện (thuộc Hội Thánh Di Lạc).
1972: Phủ Quó̂c Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa (Sài Gòn) xuất bản Thư Mục Về Phan Thanh Giản (15 trang).
Thứ Ba 03-10, ở tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh), Đức PTG giáng cơ tại Chí Thiện Đàn (thuộc Minh Đức Nho Giáo).
1974: Nguyễn Duy Oanh xuất bản Chân Dung PTG (Sài Gòn: Bộ Văn Hóa, Giáo Dục Và Thanh Niên, 474 trang).
1975: Ở miền Nam, Thứ Hai 14-7, chánh quyền nhập chung đường PTG với đoạn xa lộ từ cầu Sài Gòn (bắc qua sông Sài Gòn) tới cầu PTG thành con đường dài khoảng 6,3 cây số và đặt tên là đường Điện Biên Phủ. Cầu PTG đổi tên là cầu Điện Biên Phủ. Ở mấy tỉnh, thành khác,([5]) hầu hết các trường học, đường phố mang tên PTG đều bị đổi tên, các tượng PTG đều bị dẹp bỏ.
1994: Tháng 11, hội thảo khoa học về PTG tổ chức tại Vĩnh Long với chủ đề “Nhận thức, thân thế, sự nghiệp cuộc đời Phan Thanh Giản”.
1996: Hoàng Lại Giang xuất bản Phan Thanh Giản Nỗi Đau Trăm Năm (Nxb Văn Học). Sách được tái bản nhiều lần.
2002: Tháng 12, tại Paris, Phan Thị Minh Lễ (hậu duệ của PTG) và Pierre Ph. Chanfreau xuất bản Phan Thanh Gian, patriote et précurseur du Vietnam moderne: Ses dernières années (1862-1867),(4) Editions L’Harmattan.
2003: Thứ Bảy 16-8 tại TpHCM, cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” được Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam và tạp chí Xưa & Nay tổ chức.
2008: Thứ Năm 24-01, Cục Di Sản Văn Hóa (Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch) ra công văn số 73/DSVH-DT, có đoạn viết: “Việc dựng lại tượng PTG cũng là một hình thức tôn vinh nhân vật này để ghi nhận những cống hiến của ông đối với lịch sử đất nước...”
Thứ Ba 05-8-2008, tại Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu tổ chức lễ giỗ thứ 141 của ngài PTG và đón nhận tượng đồng PTG (bán thân, cao 85cm, nặng 250kg) do Thủ Tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến trước khi qua đời (2008). Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam và tạp chí Xưa & Nay mời nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đúc tượng này.


Ảnh tượng đồng in trên bìa tạp chí Xưa & Nay, số 312, tháng 7-2008.



([1]) Ngày 30-4-1950 đổi tên là đường Gia Long. Sau 30-4-1975 đổi tên là đường Lý Tự Trọng.
([2]) Phan Thanh Giản (1796-1867) và gia đình ông theo vài tài liệu An Nam.
([3]) Thánh danh Huỳnh Đức, đắc quả Nguyệt Đức Thiên Tiên.
([4]) Nhân viên văn thư của Phủ Quốc Trưởng đánh máy sai; đúng ra là quận Huệ Đức. Con dấu chữ nhật của quận Huệ Đức áp lên công văn đến ghi ngày 17-5-1965; số công văn đến là 1135 (xem ảnh chụp công văn này trong Phan Thanh Giản - Trăm Năm Nhìn Lại, Hà Nội: Nxb Thế Giới và tạp chí Xưa & Nay, 2017, tr. 597). Quận Núi Sập thành lập ngày Thứ Tư 24-4-1957, đổi tên thành quận Huệ Đức ngày Thứ Tư 31-5-1961, và xã Vọng Thê là quận lỵ của Huệ Đức. Hiện nay xã Vọng Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
([5]) Bà Rịa, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Gò Công, Huế, Kontum, Nha Trang, Phan Thiết, Pleiku, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Trà Vinh, Vị Thanh, Vĩnh Long, Vũng Tàu.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.