Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

9. HÃY TRỞ VỀ . . . / PTG XƯA VÀ NAY


HÃY TRỞ VỀ TRUYỀN THỐNG CHA ÔNG

Chí Thiện Đàn (Minh Đức Nho Giáo, Vĩnh Bình)
Tuất thời, ngày 26-8 Nhâm Tý (Thứ Ba 03-10-1972)
Thông công: Hiệp Thiên Đài Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức (Mỹ Tho)
THI
THẦN thị vô phương nãi diệu huyền
HOÀNG Hà cổ đại, Đạo thư truyền
BỔN căn do tại minh minh đức
CẢNH đối ư tâm lý nhứt nguyên.([1])
THẦN HOÀNG BỔN CẢNH
Chào liệt vị Thiên ân hướng đạo. Chào toàn thể đàn trung. Bổn Thần vâng lịnh báo tin có Đức Đại Công Thần ([2]) Phan Thanh Giản lai cơ.([3]) Vậy đàn trung ([4]) thành tâm tiếp điển. Bổn Thần xin xuất ngoại hộ đàn.
THI
Một dải giang sơn dệt gấm hoa
Ngàn năm văn hiến tổ tiên ta
Nền xưa vun đắp nhờ con cháu
Cho rạng năm châu, rạng Đạo nhà.([5])
PHAN THANH GIẢN
Lão Thần ([6]) chào chư Thiên mạng hướng đạo ([7]) Tam Kỳ Phổ Độ. Chào toàn thể nam nữ lương giáo hiện tiền.([8]) Nhân ngày kỷ niệm Đức Văn Tuyên Khổng Thánh,([9]) Lão Thần giáng cơ để trần tố ([10]) ít dòng cùng chư nam nữ. Vậy mời đồng đẳng ngồi.
THI
Trở lại trần gian giữa cảnh này
Tang thương ([11]) còn đó, núi sông đây
Tâm trường ([12]) gởi gắm tay Thiên mạng
Dựng lại nhà xưa ở Đạo Thầy.
Lão Thần rất vui mừng được chứng kiến sự hiện diện đông đủ trước điện giờ nay, để hết tâm thành hiến dâng lên Đấng Vạn Thế Sư Biểu,([13]) và để thể hiện tình tương hòa tương ái ([14]) giữa những người đồng bào, đồng đạo.
Cũng trong tinh thần ấy, Lão Thần gởi nơi đây một vài hàng, những mong toàn thể chư Thiên mạng và đạo hữu gẫm suy.
THI BÀI
1. Trước bửu điện trầm hương nhẹ thoảng
Lòng với lòng vẹt áng vô minh ([15])
Để thông rõ những lối nhìn
Nhìn người rồi lại nhìn mình thế nao.([16])
2. Người vô lượng ([17]) sóng xao biển cả
Đang vẫy vùng thoát họa trần la ([18])
Thì mình chế ngự cái ta ([19])
Để đem chí nguyện ([20]) mà ra độ đời.
3. Đời chịu lắm chơi vơi hố thẳm
Vì tinh thần còn đắm bể sâu
Tạp ô ([21]) ý thức đeo sầu
Bỏ quên truyền thống nhiệm mầu cha ông.
4. Cha ông dạy biết dòng biết giống
Tổ tiên truyền sự sống văn minh
Hòa đồng huynh đệ chi tình ([22])
Thuần phong ([23]) rạng vẻ hy sinh sáng màu.
5. Để vơi bớt niềm đau nỗi khổ
Để thêm nhiều sinh lộ ([24]) tinh thần
Cùng nhau bảo trọng ([25]) tứ dân ([26])
Cùng nhau xây dựng căn phần ([27]) quy nguyên.([28])
6. Có dẹp hết ưu phiền tự nội ([29])
Có vun bồi gốc cội tình thương
Không phân thành thị thôn hương
Không phân sang cả hay phường cùng đinh.
7. Chỉ có một tấm tình Tạo Hóa
Mà không hai nhân ngã ([30]) hẹp hòi
Từ nơi tốt giống đẹp nòi
Đến nơi nhơn loại cùng khơi nhơn hòa.
8. Thế nhơn hòa Kỳ Ba đã dựng
Để đem về chỗ đứng thanh bình
Cho người, cho Đạo, cho mình
Cho cùng vạn vật, chúng sinh một nguồn.([31])
Thôi, Đức Quan Thánh vừa đến. Lão Thần tạm biệt nơi đây. Chư Thiên mạng và toàn thể thành tâm nghinh tiếp [Đức Quan Thánh].
Lão Thần chào chung đàn nội.([32]) Thăng.
SUY NIỆM 6
6.1. Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ dạy bài này tại Chí Thiện Đàn (Khổng Thánh Miếu, thuộc Minh Đức Nho Giáo) ở tỉnh Vĩnh Bình. Thời Pháp thuộc, tên tỉnh là Trà Vinh,([33]) được đổi thành Vĩnh Bình do Sắc Lệnh số 143-NV của Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày Thứ Hai 22-10-1956. Sau tháng 4-1975 tỉnh trở lại tên cũ là Trà Vinh (địa giới cũ có thay đổi).


Minh Đức Nho Giáo hình thành qua cơ bút, khởi đầu từ năm 1932 tại Ba Động, làng Trường Long Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Người có công gầy dựng buổi ban sơ là tiền bối Ngô Nghiêm Sanh, thánh danh Chơn Minh Sanh, tạ thế năm 1980, đắc quả vị Thiên Minh Quang Bồ Tát. Cùng góp công đức gầy dựng là tiền bối Ngô Minh Bè (bào huynh tiền bối Sanh) đắc quả vị Huỳnh Quang Bồ Tát.
Do lịnh Ơn Trên qua cơ bút, Minh Đức Nho Giáo cất Khổng Thánh Miếu ở Trà Vinh, mở Chí Thiện Đàn (ở Trà Vinh) và Tân Dân Đàn (ở Nha Rộn, Bạc Liêu; sau dời về Sài Gòn) để Ơn Trên dạy đạo qua cơ bút.([34])
6.2. Đức Phan Chơn Thánh giáng đàn vào giờ Tuất, ngày 26-8 Nhâm Tý (Thứ Ba 03-10-1972); hôm sau là lễ kỷ niệm Đức Văn Tuyên Khổng Thánh được Minh Đức Nho Giáo tổ chức tại Khổng Thánh Miếu. Bởi vậy Đức Thánh dạy: Nhân ngày kỷ niệm Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, Lão Thần giáng cơ để trần tố ít dòng cùng chư nam nữ.
Trước khi Đức Phan Chơn Thánh lâm cơ, vị Thần trấn nhậm tại địa phương là Thần Hoàng Bổn Cảnh đến báo đàn, xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ, đọc theo âm Hán Việt. Lê Anh Minh chuyển sang chữ Nho, và giảng nghĩa như sau:
THẦN thị vô phương nãi diệu huyền 神是無方乃妙玄: Thần không có phương hướng cố định, đó là điều huyền diệu.
Kinh Dịch (Hệ Từ Thượng Truyện, Chương IV, Tiết 4) nói Thần vô phương, nghĩa là Thần không bị hạn chế nơi nào cả.
HOÀNG Hà cổ đại, Đạo thư truyền 黃河古代道書傳: Từ thời cổ, ở (sông) Hoàng Hà truyền sách dạy Đạo (tức là Hà Đồ trên thân con long mã).
BỔN căn do tại minh minh đức 本根由在明明德: Bản căn của ta do ở làm sáng cái đức sáng của mình. (Cái đức sáng của mình lâu nay bị che lấp; hễ mình làm sáng cái đức sáng ấy thì thấy được bản căn của mình. Bản căn cũng như bản thể, tự tánh, bản tánh...)
CẢNH đối ư tâm lý nhứt nguyên 境對於心理一元: (Khi thấy được bản căn thì) không còn phân biệt tâm và cảnh, giữa tâm và cảnh chỉ có một lý (nghĩa là tâm và cảnh không hai; tâm không còn bị cảnh chi phối).
Tại Vĩnh Nguyên Tự (xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), ngày 15-3 Bính Thìn (Thứ Tư 14-4-1976), Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy: 
Nếu tâm bị cảnh chi phối như dòng thác lũ cuốn lôi bao nhiêu cặn bã cuộc đời trôi theo cuồn cuộn, thì dầu tuổi đạo là bao, tuổi đời là mấy chăng nữa, có chi gọi là chơn thường chi tánh ([35]) của người hành giả đang tìm đường để tự giải thoát và giải thoát cho cuộc đời.
Mỗi một người tu là một thí sinh; thi đậu là thoát kiếp phàm phu, vào hàng Tiên Thánh. Mà đề thi của người tu là gì? Đức Bác Nhã Thiền Sư trả lời: Đề thi chỉ có tâm và cảnh / Thắng chủ rồi vào Thánh lên Tiên. ([36])
Thật ra, tâm và cảnh là một đề tài không thể nói quá sơ sài như trên.([37])
6.3. Qua bài thánh giáo này, Đức Phan Chơn Thánh nhắn nhủ người Việt Nam (trong đó có người đạo Cao Đài) hãy biết giữ gìn và vun đắp vốn cũ (nền xưa) của tổ tiên truyền lại, vì đó là tiền đề (precondition) để nước Việt Nam và đạo Cao Đài được rạng danh rỡ tiếng trong hoàn vũ: Nền xưa vun đắp nhờ con cháu / Cho rạng năm châu, rạng Đạo nhà.
Trước tệ trạng xã hội (Tạp ô ý thức đeo sầu), Đức Phan Chơn Thánh soi cho thấy nguyên nhân tác hại: Bỏ quên truyền thống nhiệm mầu cha ông.
Dù đã về cõi thiêng liêng hằng sống, Đức Phan Chơn Thánh vẫn mang mể tình dân nghĩa nước một thuở bình sanh. Giờ đây, qua ngọn linh cơ, ngài đem gan ruột tỏ bày, tha thiết nói với hàng hướng đạo Kỳ Ba đang thọ sứ mạng thế Thiên hành hóa: Tâm trường gởi gắm tay Thiên mạng / Dựng lại nhà xưa ở Đạo Thầy.
Bài thánh giáo này và bài Đi Về Đâu Việt Nam Ơi! (tr. 97) cùng chung một chủ đề tư tưởng cho thấy tính nhân bản Cao Đài (Caodai humanistic features):
Đi về đâu Việt Nam ơi!
Về nơi nhân bản của Trời trước kia.
Phú Nhuận, 11-10-2018
Huệ Khải



([1]) Xem Suy Niệm 6.2. cuối bài thánh giáo này (tr. 124).
([2]) đại công thần 功臣: Bề tôi rất có công.
([3]) lai cơ : Đến đàn cơ, cũng như lai đàn , giáng đàn , lâm cơ 臨乩, lâm đàn 臨壇.
([4]) đàn trung 壇中: Những người có mặt trong đàn cầu cơ.
([5]) Đạo nhà: Đạo Cao Đài, vì xuất sinh từ nước Việt Nam, không phải do nước ngoài truyền vào.
([6]) Lão Thần: Xem chú thích (1), tr. 41.
([7]) Thiên mạng hướng đạo: Bậc hướng đạo 向導 (người dẫn dắt đạo hữu) đang nhận lãnh sứ mạng của Trời (Thiên mạng 天命) giao phó là thế Thiên hành hóa 替天行化 (thay Trời hành đạo để giáo hóa dân chúng tu hành).
([8]) hiện tiền 現前: Đang ở trước mắt.
([9]) Khổng Thánh 孔聖: Đức Thánh họ Khổng (tức là Khổng Tử). Văn Tuyên 文宣: Một trong những tên thụy (tên cúng cơm, tên hèm; posthumous name) các vua Trung Quốc truy tặng Đức Khổng Tử.
Tuyên có nghĩa là bày ra (displaying), tuyên bố (proclaiming). Tôn hiệu của Đức Khổng Tử thường kèm theo chữ Tuyên. Vào năm 1 đầu Công Nguyên, vua Hán Bình Đế tôn Ngài là Bao Thành Hầu Tuyên Ni Công. Ni mượn từ tên tự của Ngài là Trọng Ni. Các thế kỷ sau đó, Ngài được tôn là Tuyên Ni hay Tuyên Phụ. Năm 739 vua Đường Huyền Tông tôn Ngài là Văn Tuyên Vương. William Frederick Mayers dịch Tuyên là lỗi lạc (illustrious); dịch Tuyên Ni CôngIllustrious Duke Ni; dịch Văn Tuyên là học vấn lỗi lạc (Illustrious Learning). Năm 1008, vua Tống Chân Tông tôn Ngài là Huyền Thánh Văn Tuyên Vương; năm 1012 lại tôn là Chí Thánh Văn Tuyên Vương. Ngài cũng được tôn là Tuyên Thánh. (Huệ Khải, Tìm Hiểu Hai Bài Tiên Thiên Khí Hóa Và Quế Hương Nội Điện. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 70.) Trong đạo Cao Đài, lễ kỷ niệm Đức Văn Tuyên Khổng Thánh được tổ chức hằng năm vào ngày 27 tháng 8 âm lịch.
([10]) trần tố 陳訴: Bày tỏ, bộc bạch rõ ngọn ngành sự việc.
([11]) tang thương 桑滄: Nói tắt thành ngữ thương hải [biến vi] tang điền 滄海[變為]桑田: Biển xanh biến thành ruộng dâu, ám chỉ biến cố (thay đổi lớn lao) ở đời (life’s vicissitude).
([12]) tâm trường 心腸: Tim và ruột; ý nói lòng dạ, nỗi niềm.
([13]) Vạn Thế Sư Biểu 萬世師表: biểu cùng nghĩa là khuôn mẫu để noi theo, mẫu mực để bắt chước (model, pattern to be imitated). Vạn thế là muôn đời (all ages). Đức Khổng Tử là đấng Vạn Thế Sư Biểu, tức là gương mẫu để cho muôn đời noi theo (a good example for ever).
([14]) tương hòa tương ái 相和相愛: Hòa hợp với nhau và thương yêu nhau.
([15]) áng vô minh: Vô minh 無明 là ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết (ignorant). Vô minh như áng mây che khuất ánh sáng, do đó nói là áng vô minh (the cloud of ignorance).
([16]) thế nao: Thế nào, ra sao.
([17]) vô lượng 無量: Không thể đo lường được (immeasurable), không thể đếm được (uncountable).
([18]) trần la 塵羅: Lưới trần (the world’s net). Trần gian như tấm lưới vây hãm con người trong mọi nỗi đau khổ và rất khó thoát ra được.
([19]) cái ta: Bản ngã của mình (ego).
([20]) chí nguyện 志願: Tâm chí và ước nguyện (will and aspiration).
([21]) tạp ô 雜汙: Lộn xộn, hỗn tạp và dơ bẩn (confused and dirty).
([22]) huynh đệ chi tình 兄弟之情: Tình anh em. Trong bài này ý nói tình đồng bào, xem nhau là anh em ruột thịt.
([23]) thuần phong 淳風: Phong tục tốt đẹp.
([24]) sinh lộ 生路: Con đường đem lại sự sống còn (a way to survive).
([25]) bảo trọng 保重: Giữ gìn và coi trọng (protecting and respecting).
([26]) tứ dân 四民 : Bốn hạng người trong xã hội là sĩ, nông, công, thương (the four social classes, i.e., scholars, peasants, artisans, and merchants).
([27]) căn phần 根分: Phần căn bản, phần nền tảng.
([28]) quy nguyên 歸源: Trở về nguồn cội.
([29]) tự nội 自內: Từ bên trong.
([30]) nhân ngã : Người khác và mình.
([31]) một nguồn: Một nguồn gốc sinh ra vạn vật, chúng sinh. Nguồn gốc này là Đạo, là Trời.
([32]) đàn nội : Cũng như đàn trung 壇中; những người có mặt trong đàn cầu cơ.
([33]) Xem Suy Niệm 4.3. (tr. 94).
([34]) Huệ Khải, Hồ Biểu Chánh Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 57.
([35]) chơn thường chi tánh: Tánh hằng thường, không biến dịch, không điên đảo.
([36]) Minh Lý Thánh Hội, 07-12 Nhâm Tý (Thứ Tư 10-01-1973).
([37]) Quý đạo hữu có thể tham khảo: Diệu Nguyên, “Đề Thi Chỉ Có Tâm Và Cảnh”, in trong Đại Đạo Văn Uyển, Tập Nguyên (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 83-101).



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.