Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

7. HÃY TÌM ĐẠO LÝ . . . / PTG XƯA VÀ NAY


HÃY TÌM ĐẠO LÝ Ở TÌNH THƯƠNG
Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long)
Ngọ thời, ngày 02-01 Bính Ngọ (Thứ Bảy 22-01-1966)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Pháp Đàn: Huỳnh Chơn.
Đồng Tử: Hoàng Mai. Độc Giả: Huệ Chơn, Bạch Tuyết.
Điển Ký: Ngọc Kiều, Diệu Long. Chưởng Nghiêm Pháp Quân: Thiện Bảo. Chứng đàn: Huệ Lương, Thiện Chơn. Hầu đàn: Ban Hành Sự và thiện tín Trúc Lâm Thiền Điện.
TIẾP ĐIỂN
THI
Tang thương ([1]) biến đổi mấy sông non
Tuế nguyệt trường lưu ([2]) chí chẳng mòn
Xuân sắc đượm nhuần trời đất đẹp
Trở về trần tục gọi lòng son.([3])
Tiền trào ([4]) PHAN THANH GIẢN
Bổn Thánh chào chư hiền đệ, hiền muội. Bổn Thánh vâng chỉ Tam Giáo Tòa đến viếng Thiền Điện Trúc Lâm để cùng chư hiền đệ, hiền muội đôi lời tâm huyết. Miễn lễ. Đồng an tọa.
Bổn Thánh xin tựa vào đề tài của Đức Thiên Tôn ([5]) để minh định ([6]) thêm ý nghĩa giữa tình chủng tộc nước non.
Chư hiền đệ, hiền muội thân mến! Dân là hồn của nước, ví như Đạo là hồn của đời. Nếu dân không đồng tâm nhứt trí, dân sanh bất lực, dân trí suy đồi, dân tâm loạn lạc, thì nước phải nguy vong. Đạo chẳng xương minh chánh pháp,([7]) sáng tỏ lý chơn, thì đời phải lạc lầm, mê tín. Nên chi ([8]) trải bốn ngàn năm có lẻ,([9]) dân tộc chúng ta đã hấp thụ từ bi Phật Giáo, nhơn luân Thánh Giáo,([10]) bác ái Tiên Giáo, lẽ thì ([11]) nước Việt Nam nhỏ nhen,([12]) dân tộc thiểu số này phải được thạnh cường an định. Nhưng hiện tình xứ sở ta đã bị tang thương cốt nhục, cắt đất phân ranh, cũng do chánh đạo chẳng thực hành, mà tinh thần dân chúng bị sụp đổ, nên chi chịu những trạng huống ([13]) ngày nay, Bổn Thánh thực đau lòng.
Nhân dịp xuân sang, cơ Trời biểu lộ,([14]) Bổn Thánh cũng muốn cho Đại Đạo sớm trung hưng ([15]) để cứu đời trong nguy ngập, nên khuyên tất cả chư hiền đệ, hiền muội cũng như toàn dân, cố gắng kiểm điểm lại từng hành vi trong thường nhựt, tìm đạo lý ở tình thương, để tránh khỏi những điều tàn khốc xảy ra trong nền đạo giáo.([16])
Bổn Thánh rất vui nhận thấy những sự hy sinh của chư hiền đệ, hiền muội sở tại,([17]) đã không vì công lực,([18]) chẳng ham vật chất của tiền, biết sử dụng vật chất để đưa lòng người vào nẻo đạo. Chỉ còn một điều rất đáng quan tâm là hướng đạo ([19]) phải nên trang hướng đạo, tìm chánh nghĩa định chánh tâm, để chánh giáo được trung hưng, mới có thể vãn cứu lại tình thương của gia đình, xã hội. Trong khi ấy, từ ảnh hưởng của cá nhân đến quần chúng sẽ lan tràn khắp cả năm châu bốn biển, mới mong mưu cuộc thanh bình cực lạc cõi thế gian.
Bổn Thánh nhớ lại:
THI
Đổi dời lắm lúc mấy sơn hà
Xuân vẫn riêng tình với cỏ hoa
Sắc lẫn hương xuân phơi rỡ rỡ
Mây lồng ánh nguyệt chiếu lòa lòa
Rau vi thà trọn ơn Thương Quốc
Độc dược cho nên nghĩa Kiến Hòa ([20])
Hết hạ thu đông, xuân cũng đến
Trời xuân xuân khắp cả bao la.
Bổn Thánh rất mừng, trong buổi loạn ly của đời, rẽ chia của đạo,([21]) Đấng Thượng Đế lại ban rải hồng ân (…) thì cơ hội nầy là cơ hội hổ thoát lưới rập,([22]) chim được sổ lồng. Nếu chẳng biết rằng trời dài đất rộng thì điều tận diệt ắt phải cam.
Hỡi chư hiền đệ, hiền muội! Hỡi toàn dân! Hỡi nhân loại! Bổn Thánh cùng tất cả đều là chơn linh của Thượng Đế,([23]) thì nào có khác chi. Cứ vững một niềm tin tu thân hành đạo, rồi sẽ còn nhiều cơ hội gặp gỡ và sẽ kết quả cùng nhau ở cảnh Thiên Đàng Cực Lạc chẳng sai đâu.
(…)
Chư hiền đệ, hiền muội và toàn đạo thân mến! Bổn Thánh đến với ngày xuân, có một lời chúc xuân không gì hơn là tình thương của dân tộc sẽ được lan rộng để thực hành đúng lẽ Trời là tình thương Thượng Đế, và tu thân hành đạo đúng theo chơn lý ngàn xưa, để hoằng dương ([24]) khắp hết năm châu bốn biển, cho thế giới an bình, nhân loại hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn.([25]) Những điều ấy là do từ cá nhơn cho đến quần chúng trong đạo hay ngoài đời, sẽ đạt đến kết quả. Bổn Thánh sẽ chứng minh ([26]) và luôn luôn tá trợ ([27]) tâm thành của đạo tâm nam nữ, hãy vững vàng tiến bước.
Bổn Thánh ban ơn lành toàn tất ([28]) và ban phước huệ bộ phận Hiệp Thiên Đài được vui vẻ lo tròn sứ mạng. Thăng.

SUY NIỆM 4
4.1. Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ dạy bài này tại Trúc Lâm Thiền Điện. Tên gọi đầy đủ của thánh sở này là Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện (thuộc Hội Thánh Di Lạc), nay ở số 61/10 đường Mậu Thân, phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Chữ trúc người miền Nam còn nói là trước; do đó, cũng gọi nước Ấn Độ là Thiên Trúc, Thiên Trước 天竺. Tên gọi Trúc Lâm 竹林 hay Trước Lâm có nghĩa là rừng trúc (bamboo forest), ngụ ý là nơi ẩn tu của người tâm chí thanh cao.


Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện còn gọi là chùa Di Lạc vì trong chánh điện có đại tượng Đức Di Lạc. Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, các cao tăng Trung Quốc chuyển âm (transliterating) hồng danh Maitreya (tiếng Sanskrit) sang chữ Hán là 彌勒, đọc mí lè, tức Di Lặc. (Lặc nguyên nghĩa là cái dàm chằng đầu và mõm ngựa; còn có nghĩa là kềm chế, cưỡng bách, chạm khắc…)
Sang Tam Kỳ Phổ Độ, đạo Cao Đài không dùng lại tên gọi Di Lặc mà gọi là Di Lạc 彌樂, với ý nghĩa vui vẻ tròn đầy và dài lâu (complete and lasting happiness).
4.2. Trong cặp luận bài thơ bát cú, câu 5 nói: Rau vi thà trọn ơn Thương Quốc.
Rau vi là một loại dương xỉ (royal fern), danh pháp khoa học là Osmunda regalis. Thương Quốc 商國 là nước Thương, tức nhà Thương. Triều đại này kế tiếp nhà Hạ và sau cùng bị nhà Chu thay thế. Nhà Thương bắt đầu với vua Thành Thang 成湯 (minh quân) và kết thúc vào đời vua Ðế Tân 帝辛 (hôn quân). Đế Tân quá tàn ác, bất nghĩa nên bị gọi là vua Trụ . (Trụ là người tàn ác, bất nghĩa.)


Bá Di 伯夷 và Thúc Tề 叔齊 là con vua Á Vi 亞微 nước Cô Trúc (chư hầu nhà Thương). Khi Cơ Phát 姬發 (cũng là chư hầu nhà Thương) mang quân đánh vua Trụ, hai anh em Bá Di và Thúc Tề cùng can gián vì cho rằng Cơ Phát bất trung với nhà Thương. Cơ Phát diệt Trụ, lên ngôi thiên tử, lập ra nhà Chu, tức là Chu Vũ Vương. Vì trước kia đã trót can Cơ Phát đừng đánh Trụ, nên Bá Di và Thúc Tề thề không ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi Thủ Dương 首陽 ở ẩn, hái rau vi ăn qua bữa. Có người bắt gặp, bảo rau vi ấy cũng mọc trên đất nhà Chu, hai anh em bèn nhịn ăn, chịu chết đói trên núi Thủ Dương.
Có thể nói Bá Di, Thúc Tề là hai người tiêu biểu cho lòng ngu trung (blind loyalty: trung thành mù quáng). Tuy nhiên, cổ văn dùng hình tượng Bá Di, Thúc Tề (hay rau vi) không phải để đề cao ngu trung mà cốt mượn tích xưa như kiểu ẩn dụ (metaphor) ngõ hầu nói bóng gió tới tiết tháo kẻ sĩ. Chẳng hạn, Nguyễn Trãi (1380-1442) trong bài Côn Sơn Ca 崑山歌 có hai câu này: Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề / Thủ Dương ngạ tử bất thực túc? 又不見: 伯夷與叔齊 / 首陽餓死不食粟? (Lại chẳng thấy ư: Bá Di cùng Thúc Tề không ăn thóc, chết đói trên núi Thủ Dương?)
Câu thơ Rau vi thà trọn ơn Thương Quốc của Đức Chơn Thánh nên hiểu theo nghĩa ẩn dụ ấy: Thương Quốc ở đây hàm nghĩa nước Việt nhà Nam; rau vi ở đây ám chỉ việc nhịn đói chờ chết. Câu thơ nhắc lại sự kiện ngài Phan Thanh Giản tuyệt thực liên tục từ Thứ Sáu 19-7 tới Chủ Nhật 04-8-1867, quyết lấy cái chết tự xử trọng tội mình đã để ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) rơi vào tay giặc. Rau vi thà trọn ơn Thương Quốc có ẩn ý là quyết lấy cái chết để báo ơn nước Việt, tỏ rõ một lòng trung thành với sông núi nhà Nam chứ không phải phường buôn dân bán nước, tham sống sợ chết.
4.3. Trong cặp luận bài thơ bát cú, câu 6 nói: Độc dược cho nên nghĩa Kiến Hòa.
Nhịn đói hơn nửa tháng vẫn chưa chết, ngài Phan Thanh Giản pha cho mình chén độc dược. Theo nhiều trang sử cũ, thuốc độc ấy là á phiện hòa với giấm thanh. Huình Tịnh Paulus Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) giải thích giấm thanh là giấm thiệt chua mà dịu.
Trong phép đối của cặp luận, câu 5 nói Thương Quốc thì qua câu 6 chúng ta phải hiểu Kiến Hòa cũng là một địa danh. Vậy, cho nên nghĩa Kiến Hòa tức là cho thành nghĩa khí, cho trọn đạo nghĩa của người con đất Kiến Hòa. Nhưng Kiến Hòa là đất nơi đâu?
Ngài Phan Thanh Giản sinh ra tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (sau đổi là làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long; nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Mộ của ngài hiện tại vẫn nằm ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Khi Đức Phan Thanh Giản giáng cơ dạy bài thánh giáo này thì Bến Tre đang là tỉnh Kiến Hòa.
Vào năm 1895, Nam Kỳ Lục Tỉnh (sáu tỉnh cũ của nhà Nguyễn: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên) bị Pháp chia nhỏ thành hai mươi mốt hạt (arrondissements). Do một Nghị Định ngày Thứ Hai 16-01-1899, hạt thay bằng tỉnh (provinces); đứng đầu mỗi tỉnh là chủ tỉnh (chef de province). Bấy giờ, riêng tỉnh Vĩnh Long cũ gồm ba tỉnh là Bến Tre, Trà Vinh, và Vĩnh Long.([29])
Tỉnh Bến Tre được đổi tên thành Kiến Hòa vào ngày Thứ Hai 22-10-1956, theo Sắc Lệnh số 143-NV của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Sau tháng 4-1975, tên tỉnh trở lại là Bến Tre như trước.
Độc dược cho nên nghĩa Kiến Hòa. Tuẫn tiết bằng thuốc độc để giữ trọn cái nghĩa của bậc sĩ phu. Tiết tháo này phải chăng là do nhà Nho Phan Thanh Giản đã thấm nhuần câu nói trong sách Mạnh Tử (Cáo Tử, Thượng)? Câu đó như sau: Sống, cũng là thứ ta muốn; nghĩa, cũng là thứ ta muốn. Không thể được trọn cả hai, thì bỏ sống mà giữ lấy nghĩa vậy.([30])
4.4. Năm 1865, khi cử ông quan văn sinh năm 1796 (bảy mươi tuổi ta) về miền Tây làm Kinh Lược Sứ ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, phải chăng vua Tự Đức đã đẩy vị lão thần ấy vào một bi kịch cuối đời?
Theo nhiều trang sử cũ, lý do quan Phan quyết định giao ba thành Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên cho quân Pháp là muốn cho dân chúng và quân binh trong thành khỏi phải chịu hy sinh thân mạng, thương vong thảm khốc nếu lâm vào cảnh giao tranh không cân sức mà thế yếu thì nghiêng về bên quân Nam.
Mất thành, mất đất, mất một phần xã tắc, làm trái lệnh vua sai đi giữ gìn ba tỉnh chỉ vì muốn ưu tiên giữ lấy người dân. Quyết định ấy của ngài Phan Thanh Giản nhắc chúng ta nghĩ tới câu nói trong sách Mạnh Tử (Tận Tâm, Hạ) mà chắc chắn nhà Nho Phan Thanh Giản đã thuộc lòng từ thuở: Dân là quý, xã tắc đứng sau, vua nhẹ hơn.([31])
Giữ lấy dân, đó giá trị nhân bản (humanistic value) của đạo Nho, cái Đạo ngài Phan suốt đời tu dưỡng. Giữ lấy sự sống cho dân và quân dưới quyền mình, đó đức nhân (thương người) của bậc đại quan. Và đức nhân đó được làm chứng bằng sự kiện ngài Phan tuẫn tiết. Cái chết tự chọn của ngài Phan nhắc chúng ta nhớ đến lời Đức Khổng Tử chép trong Luận Ngữ (15:9): Bậc chí sĩ và người có lòng nhân không thể ham sống mà làm hại đức nhân, chỉ có hy sinh tính mạng để hoàn thành đức nhân thôi.([32])
Phú Nhuận, 08-10-2018
Huệ Khải



([1]) tang thương 桑滄: Nói tắt thành ngữ thương hải [biến vi] tang điền 滄海[變為]桑田: Biển xanh biến thành ruộng dâu, ám chỉ biến cố (thay đổi lớn lao) ở đời (life’s vicissitude).
([2]) tuế nguyệt: 歲月: Năm tháng (years); thời gian (time). trường lưu 長流: Chảy hoài không dứt (flowing constantly). Tuế nguyệt trường lưu chí chẳng mòn: Thời gian trôi hoài không ngừng, (khiến thân xác càng già yếu nhưng) tâm chí vẫn không nhụt đi.
([3]) lòng son (đan tâm 丹心): Lòng trung (loyal heart, loyalty). gọi lòng son: Kêu gọi những người trung thành với đất nước.
([4]) tiền trào (triều) 前朝: Thuộc trào vua trước (of the previous dynasty). Lúc Đức Thánh Phan giáng cơ (năm 1966) thì ba vị vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) mà sanh tiền quan Phan liên tiếp phụng sự đã qua đời từ rất lâu rồi.
([5]) tựa vào đề tài của Đức Thiên Tôn: Nương theo (dựa theo) đề tài dạy đạo của Đức Di Lạc Thiên Tôn. Đức Di Lạc lâm đàn vào giờ Ngọ, sau đó Đức Phan Thanh Giản giáng cơ dạy bài này.
([6]) minh định 明定: Xác định rõ ràng.
([7]) xương minh chánh pháp 昌明正法: Làm cho chánh pháp sáng tỏ rực rỡ.
([8]) nên chi: Vì vậy, bởi thế (therefore, thus).
([9]) bốn ngàn năm có lẻ: Hơn bốn ngàn năm văn hiến.
([10]) Thánh Giáo 聖教: Khổng Giáo (tức Nho Giáo).
([11]) lẽ thì: Lẽ ra, đáng lẽ thì.
([12]) nhỏ nhen: Nhỏ bé.
([13]) trạng huống 狀況: Cái tình cảnh bày ra trước mắt (situation).
([14]) biểu lộ 表露: Bày ra cho thấy (showing, revealing).
([15]) trung hưng 中興: Hồi phục lại sau thời kỳ suy yếu (recovering after a temporary decline).
([16]) đạo giáo: Tôn giáo (religions).
([17]) sở tại 所在: Tại chỗ (local).
([18]) công lực 功力: Thời gian và sức lực bỏ ra để làm một việc.
([19]) hướng đạo 向導: Người dẫn dắt đạo hữu (those who lead their coreligionists).
([20]) Xem Suy Niệm 4.2. 4.3. cuối bài thánh giáo này (tr. 91, 94).
([21]) đạo: Các tôn giáo nói chung (religions in general).
([22]) lưới rập: Lưới giăng và bẫy gài để bắt thú (nets and traps).
([23]) tất cả đều là chơn linh của Thượng Đế: Thượng Đế là Đại Linh Quang 靈光 (Macro Sacred Light), vạn vật và chúng sanh là tiểu linh quang 靈光 (micro sacred light); do đó, tất cả cùng chung bản thể là linh quang (ánh sáng thiêng liêng). Nguyên lý này được diễn tả là thiên địa vạn vật đồng nhất thể 天地萬物 一體 (muôn vật trong trời đất cùng chung một bản thể: myriads of things in the universe sharing the same substance).
([24]) hoằng dương 弘揚: Mở mang cho rộng lớn (developing and expanding).
([25]) ngày Nghiêu tháng Thuấn (Nghiêu thiên Thuấn nhật 堯天 舜日): Thuở thanh bình như đời vua Nghiêu, vua Thuấn thời xa xưa (piping days of peace).
([26]) chứng minh 證明: Cũng như chứng giám (nhìn thấy và chấp nhận: witnessing and accepting).
([27]) tá trợ 借助: Giúp đỡ (helping, assisting).
([28]) toàn tất: Toàn thể, tất cả mọi người (the whole of you).
([29]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài / Cochinchina as a Legal Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 8-9.
([30]) Sinh, diệc ngã sở dục dã; nghĩa, diệc ngã sở dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã. , 亦我所欲 ; , 亦我所欲也. 二者不可得兼, 捨生而取 義者也.
([31]) Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. 民為貴, 社稷次之, 君為輕.
([32]) Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân. 志士仁人, 無求生以害 , 有殺身以成仁.



 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.