2. ĐỨC ĐỘ
NGÀI PHAN THANH GIẢN
Tháng 8-1925 ông Nguyễn Văn
Dần xuất bản Vĩnh Long Nhơn Vật Chí,
76 trang ruột, in lần thứ nhất tại imprimerie Viêt (Sài Gòn), giá bán một đồng.
Ngoài bìa sách cho biết Vĩnh Long Tương Tế Hội ở số 251 đường Lagrandière, Sài Gòn.([1]) Ở
trang không đánh số, ngay sau trang bìa giả (title page) in chân dung ông Nguyễn Văn Dần và cho biết ông là Chủ
Hội của Vĩnh Long Tương Tế Hội, nhà số 115 đường Verdun, Sài Gòn.([2]) Nơi trang
20 cuốn sách xưa này ông Dần có kể lại tích cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) ghé
thăm thầy học cũ rất hay. Tôi trích lại nguyên văn, giữ nguyên cách chấm câu
của người xưa, chỉ sửa lỗi chánh tả và vài chỗ viết hoa, đồng thời chú thích ba
chỗ cần thiết. Nhân đây, tôi xin cảm ơn hiền hữu Trần Văn Chánh đã cho mượn bản
sách xưa nay đã thuộc vào loại quý hiếm. (Huệ Khải, 26-8-2018)
► Trích sách ông NGUYỄN VĂN DẦN
(Xem chú thích cuối bài về hai ảnh trên.)
(Xem chú thích cuối bài về hai ảnh trên.)
Năm Tự
Đức thứ mười lăm (1862) cụ [Phan Thanh Giản] vâng mạng hoàng đế vào trọng nhậm
chức Kinh Lược ba tỉnh hướng Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Khi
đến tỉnh Gia Định cụ ghé lại Gò Vắp ([3])
để viếng thăm tôn sư là cụ Võ tiên sanh.([4])
Lúc gần đến chòi tranh của thầy ở, thì cụ truyền xếp võng điều và lọng lại,
xuống đi bộ vào bái thăm thầy. Thầy trò gặp gỡ nhau chẳng xiết vui mầng,([5])
vì cách nhau đã nhiều năm! Hỏi thăm việc hàn huyên xong rồi, cụ bái tạ mà đi
Vĩnh Long và dâng lại cho tôn sư hai nén bạc để uống trà. Khi ấy tôn sư đáp lại
cho cụ Phan một chục trái bắp! Cụ Phan thọ lãnh món vật của tôn sư cho, bèn bổn
thân xách lấy bắp, chẳng để cho quân lính cầm. Đoạn đi bộ một đỗi xa xa mới
truyền sửa võng lọng mà lên lại. Thiệt là người học trò có tư cách và hiếu
nghĩa với thầy! Rất vẻ vang cho đạo học nhà Nam! Rất đúng đắn với câu: “Gặp vận vinh vang thêm toại chí, nhớ thương
sư phụ phận con em!”
*
Năm 1927 ông Thái Hữu Võ xuất bản Phan Thanh Giản Truyện, 73 trang ruột, in tại nhà in Xưa Nay, số
62-64 boulevard Bonard, Sài Gòn.([6]). Đây là nhà
in của ông Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941), một bậc sĩ phu Nam Kỳ, và là bổn đạo
Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh.([7])
Tháng 8-1927, tại Ba Tri, ông Võ viết Lời Tựa cho sách trên. Ngay đầu trang 1,
ông tự giới thiệu là tri phủ hạng nhứt hưu trí, thăng hàm đốc phủ sứ. Ông sinh
tại làng An Bình Đông, tổng Bảo An, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm hai mươi bốn
tuổi ông làm cai tổng Bảo An.
Ngoài Lời
Tựa, sách ông Võ gồm hai phần: Phan
Thanh Giản Truyện (trang 3-55), và Tây
Phù Nhựt Ký (trang 56-73).([8])
Trong phần Phan Thanh Giản Truyện, tác
giả không phân đoạn thành các tiểu mục, nghĩa là sau nhan đề thì ông Võ trình
bày luôn một mạch. Trừ ảnh ngài Phan mặc triều phục in ở trang bìa, trong ruột
sách không kèm một hình ảnh nào hết.
Lời văn người xưa ở Nam Kỳ, như ông Thái Hữu Võ
chẳng hạn, ngày nay đọc lại tôi thấy chứa nhiều thú vị. Tôi trích lại đây
nguyên văn một số trang trong sách ông Võ, giữ nguyên cách ông chấm câu, cách
xuống hàng sau mỗi đoạn, chỉ sửa các lỗi chánh tả ([9])
và mấy chữ viết hoa. Chỗ nào cần giải thích, tôi soạn thêm cước chú. Khi trích
lại sách ông Võ, tôi thêm các tiểu mục (in chữ đậm) để bạn đọc tiện theo dõi.
Nhân đây tôi xin cảm ơn hiền hữu Trần Văn
Chánh đã cho mượn bản photocopy trọn quyển sách xưa mà ngày nay thuộc vào loại
hiếm. Nhờ vậy, chúng ta có được một góc nhìn về bậc hiền nhân Phan Thanh Giản
(1796-1867), theo cách nhìn của lớp tiền bối hãy còn khá gần gũi thời đại cụ
Phan. (Huệ Khải, 21-8-2018)
► Trích sách ông THÁI HỮU VÕ
1. Vác giáo ra trận
[Trang 8] Năm Minh Mạng thứ mười hai
(1831), đổi ngài làm Hiệp Trấn tỉnh Quảng Nam, kế trong tỉnh có giặc mọi, tên
Cao Gồng dấy loạn, cướp phá xứ Chiên Đàn, tục kêu là Nguồn Đèn. Ngài đem binh
đánh giặc bị thất trận. Vua nói tại quan tỉnh hành chánh bất nghiêm, nên sanh
giặc giã, ngài bị cách xuống làm tiền quân hiệu lực, rồi cũng còn ở đó đặng đái
công thục tội,([10])
mỗi khi đi đánh giặc, ngài cứ vác giáo đi trước, các quan sợ ngài chết, biểu
ngài đi sau, ngài nói: “Vua biểu sao thì tôi làm như vậy”, ngài cũng cứ việc đi
trước, đến chừng giặc mọi yên rồi, ngài mới đặng bổ về kinh ([11])
tùng hiệu lực bá công vụ, đoạn sai ngài đi coi làm cỏ trong đền (…).
[Trang 9] Năm Minh Mạng thứ mười sáu
(1835), ngài thăng chức thiệt thọ đại lý tự khanh, kiêm biện hình bộ sự vụ,
sung Cơ Mật Viện [trang 10] đại thần.
(…) Khi ấy có chỉ vua sai ngài đi kinh lược Trấn Tây,([13])
đặng sắp đặt các phủ huyện (…).
Khi ngài
phụng chỉ đi, thì ngài có gởi thơ trước cho cha ngài hay rằng: “Con mắc lo việc
nước lâu ngày nhớ cha, xin mời cha lên tại tỉnh Vĩnh Long mà chơi, chờ khi con
đi Trấn Tây trở về, con sẽ lên đó lạy mừng cha cho thấy mặt, con chịu mạng vua ([14])
đương đi việc nước, không dám quanh đường ghé tắt đặng viếng cha thăm nhà.”
Đến khi
ngài sắp đặt việc Trấn Tây xong rồi, ngài trở về ghé tại tỉnh Vĩnh Long một
ngày hầu bái cha ngài rồi, ngài lên đường về tới tỉnh Bình Thuận kế có giặc
mọi, ngài ở lại đó dẹp cho xong giặc rồi, mới trở về triều bái mạng,([15])
kế vua sai ngài ra làm Quảng Nam bố chánh, hộ lý tuần phủ quan phòng.
3. Bị chặn ghe ở đồn Ba Lai
[Trang 15] Năm Thiệu Trị thứ hai (1842),
tháng Sáu, cha ngài mất tại làng Bảo Thạnh, vua có ban vàng bạc cho ngài về
tống táng cho cha, trong khi ngài đi đường cũng giữ theo phận có tang, không
cho ai biết mình là quan lớn,([16])
không cho quân lính hầu hạ chi hết. Lúc ban đêm ngài đi ngang qua đồn Ba Lai
thì có cai đồn tên Vân, triệc ([17])
ghe ngài lại đặng tra xét, thì mấy người chèo ghe nói rằng ghe của quan lớn.
Tên cai đồn không nghe triệc lại, thấy chiếc ghe tầm thường quá mới quở mấy
thằng chèo ghe rằng “Sao dám nhè tôi mà nói gạt, quan lớn gì đi ghe như vậy”?
Ngài lên trình đồn thì ngài năn nỉ nói với chú cai rằng “Bạn ([18])
nó nói dại, chú đừng có chấp, xin thương tôi già cả”. Tên cai đồn cho ngài
xuống ghe đi.
Đến
chừng ghe ngài về tới đồn Bảo Thạnh, thấy làng tổng chực rước ngài đông, thì
ngài hỏi: ngài không có cho ai hay, sao biết ngài về mà chực rước? Làng nói mỗi
khi quan lớn về thì cọp dưới rừng lên trên giồng kêu om một hai đêm, đến chừng
hôm sau thôi kêu, thì bữa đó có quan lớn về, mấy lần trước quan lớn về cũng
vậy, nên làng tôi biết chừng mà đi hầu đón.
4. Hòa hảo với xóm giềng
[Trang 15] Đến khi về tới nhà, ngài biểu
quan huyện Bảo An đòi tên cai đồn Ba Lai đến cho ngài biểu. Tên cai đồn vào
thấy ngài [trang 16] thì sợ đã chết
điếng, ngài day lại nói với tên ấy rằng: ngươi biết làm việc bổn phận chín chắn
như vậy, ta cũng khá khen, nếu ta nói ta là quan lớn mà ta đi đặng thì người
khác nói quan lớn thì họ đi cũng đặng. Rồi ngài thưởng cho nó một trăm quan
tiền, đãi một bữa cơm và cho lên chức chánh đội trưởng. Còn những người trong
làng đến thăm, chẳng luận già trẻ, ngài cũng chào hỏi lễ nghĩa rồi ngồi mà
nói chuyện, thì ngài khuyên những việc thờ cha kính mẹ, nhỏ lo học hành, lớn lo
làm ăn, cần kiệm ở đời, không nên du hí du thực. Còn những con nít đến coi,
làng tổng đuổi đi, ngài cũng không cho, ngài nói để nó coi đặng nó bắt chước
mình.
5. Sui
gia không lạy nhau
[Trang
16] Có ông Phạm Văn Miêng ở tổng Bảo Thuận, làng Tân Trang, khi ngài làm
quan ở kinh, thì ở nhà bà lớn ([19]) có
gởi thơ cho ngài hay rằng, bà lớn cưới con gái của ông Miêng cho cậu ba tên là
Phan Liêm, khi ngài về thì ông Miêng có đến thăm và bước ra lạy mừng thì ngài
bước xuống nắm tay đỡ lên và nói rằng: “Mấy đời sui gia mà lạy nhau bao giờ,”
rồi ngài mời lên ngồi nói chuyện với ngài, làng tổng đều khen rằng: quan lớn
thật người lễ nghĩa. Trong
khi để tang, thì ngài mặc đồ vải to,([20])
chủ việc ai bi tế lễ đủ phép, không cho làm việc phô trương, còn nhạc lễ cũng
bày ra đủ mà để hầu chớ không cho đánh và điện,([21])
bổn thân ngài bưng từ món([22])
quỳ dâng lên rồi lạy khóc. Trong lúc tống táng rồi, ngài còn ở lại nhà, ban
ngày lên làm cỏ mấy cái mộ của tiên nhơn, bổn thân ngài nhổ cổ, gánh đất đắp
mộ, tối về coi sách cho tới mười hai giờ.
Khi ngài
làm cỏ trên mộ có mấy người làng tổng thấy ngài làm, xin vô làm giùm, ngài
không cho, ngài nói rằng: “Việc bổn phận tôi, để tôi làm, cha mẹ sanh mình cực
khổ nhiều, còn mình làm như vậy không cực gì bao nhiêu.”
6. Bị ngọn tre quẹt rách áo, trầy da
[Trang 16] Một ngày kia ngài đi lên mộ,
có tên Nguyễn Văn Cang vác tre đi trước không thấy ngài, đến chừng nó
quanh vô nhà thì ngọn tre đụng nhằm ngài rách áo, trầy da rướm máu, nó ngó lại
thấy ngài thì sợ quá. Ngài biểu nó để cây tre xuống, đưa cái mác cho ngài, thì
nó đứng chết điếng, ngài mới lấy mác trảy ([23])
mắt cây tre sạch sẽ, và chặt ngọn cho bằng, rồi biểu nó vác đi, kẻo để đụng nhằm
người khác nữa. Người ta thấy vậy đều khen rằng: “Quan lớn thiệt người
hiền đức từ hòa”.
7. Đang để tang cha, không gần vợ
[Trang 17] Năm ấy [1842], tháng Mười, có
chỉ vua đòi ngài trở về kinh, bà lớn thấy ngài sửa soạn đi, giả đò đau bụng,
thì ngài đứng ngoài cửa buồng mà hỏi thăm, rồi lấy thuốc bảo cậu hai ([24])
đem vô cho bà uống; đến khi ngài bước lên võng, bà lớn chạy ra níu võng, xin
ngài ở lại một bữa đặng nói chuyện nhà rồi sẽ đi, thì ngài nói rằng việc vua
chúa trên đầu không lo, chuyện vợ chồng chẳng hết gì khi, để cho ngài đi, bà
liền buông võng trở vô. (…)
Người ta
thấy vậy thì biết rằng trong lúc để tang, ngài không có gần đờn bà.
8. Một lòng thương dân
[Trang 23] Khi ngài trấn Nam Kỳ, đi tuần
vãng ([25])
các tỉnh, dân sự có việc chi oan ức muốn đón ngài mà thưa, lúc đi bộ thì ngài
ngừng võng, đi sông thì ngài dạy đình ([26])
thuyền, đặng tra xét việc ưng oan cho dân, xong rồi ngài mới đi. Các quan [trang 24] nhỏ đi theo ngài, bẩm với ngài
rằng: “Nếu dân sự có việc chi, quan lớn cứ bảo chúng nó phải đến tỉnh mà thưa,
chớ quan lớn làm như vậy thì cực cho quan lớn và mất ngày giờ đi tuần vãng.”
Ngài trả lời rằng: “Mình là người giữ đất chăn dân,([27])
kêu là cha mẹ của dân,([28])
nay chúng nó có việc oan ức mà mình không tra xét cho chúng nó thì sao cho phải,
còn để chúng nó đến tỉnh thì lâu ngày mà lại thất công ([29])
cho nó nhiều và mất sự trông muốn của dân”; nên ngài cũng cứ việc tra xét minh
oan cho dân. Ngài thường nói với dân sự rằng: “Vi tử tận kỳ hiếu, vi thần tận
kỳ trung,([30])
không đạo nào trọng cho bằng đạo thờ cha kính mẹ, không việc gì trọng cho bằng
nợ nước ơn nhà. Lúc còn nhỏ phải ráng mà học hành, lớn lên phải lo làm ăn đặng
mà đền bồi ơn cha mẹ và gánh vác việc nước nhà. Trong sáu tỉnh Nam Kỳ, ruộng
nhiều, đất tốt hơn các tỉnh, hột lúa ngày sau là hột ngọc xứ Nam Kỳ, phải ráng
mà mở rừng, vỡ ruộng cày cấy, gieo trồng, đặng nuôi dưỡng vợ con và mở mang bờ
cõi chẳng nên du hí du thực.”
9. Không để thương khách Trung Quốc hối lộ
[Trang 24] Lúc nào có tàu Trung Quốc qua
buôn bán, khi nhập cảng, thì mấy người chủ tàu đem lễ vật, gấm, nhiễu, dâng cho
ngài, ngài không lấy; mấy chủ tàu biết ngài là một vị quan thanh liêm, sau cứ
viết mực và sách sử chi lạ đem dâng cho ngài, thì ngài mới nhậm.
10. Quý trọng bạn cũ thanh bần
[Trang 24] Có một ngày kia ngài đi vãng
dân ([31])
ngang qua nhà người anh em bạn của ngài tên là Phan Dĩ Thử, ở làng Hanh Thông,
con cháu công thần, người nầy cũng học giỏi, mà không đi thi, nhà nghèo, ở một
cái chòi tranh mà chuyên nghề làm ruộng. Khi ngài đến nhà ông đó, ổng mắc đi
làm ngoài ruộng, không hay ngài đến, thì ngài nằm đó chờ cho đến tối ông ấy về
thấy ngài thì mầng rỡ, rồi lật đật dọn cơm cho ngài ăn, trên mâm chỉ có một dĩa
rau luộc và một dĩa mắm kho rồi day lại nói với ngài rằng: “Thưa ngài, ngày nay
ngài chẳng nài ([32])
khó nhọc giá lâm ([33])
đến đây mà viếng tôi, thì tôi rất muôn ngàn cảm tạ, nhưng tôi lấy làm hổ thẹn
cho phận tôi là một kẻ hàn vi mạt sĩ,([34])
cái lều cỏ nầy là một chỗ không xứng đáng mà rước một vị quan đại thần như ngài
vậy, và bữa cơm rau nầy cũng chẳng phải là vật thực của kẻ có tước phẩm triều
đình, mà nếu ngài không chê rằng nghèo hèn thì xin ngài vui lòng dùng cùng tôi
một bữa, đạm bạc lấy thảo.”
[Trang 25] Ngài nghe ông ấy nói như vậy
thì đáp lại rằng: “Cái phẩm tước ấy là để mà chầu chực nơi chốn triều đình, và
để mà vỗ trị ([35])
trong hàng dân dã, chớ lẽ nào dùng cái phẩm tước ấy mà khoe với thân tộc họ
hàng, và cũng chẳng phải đem nó ra mà dùng với người thân bằng cố hữu.([36])
Nay ông là kẻ cố hữu của tôi trong lúc tiền niên,([37])
dẫu rằng vách lá lều tranh, nhà cửa ông hẹp, tiền bạc ông nghèo, nhưng mà cái
tình nghĩa cố giao ([38])
của tôi với ông dầu cho ngàn năm cũng không nghèo đặng, vả lại xưa có câu rằng:
Bần tiện chi giao mạc khả vong! ([39])
Nay tôi đến đây mà ăn một bát canh rau cùng ông, tôi tưởng quý hơn là một mâm
cao lương của người giàu có, xin ông chớ ngại.” Ông kia nghe nói thì mỉn cười ([40])
rồi đáp rằng: “Bên Trung Quốc hồi đời Hán, có ông Tống Hoằng,([41])
chẳng dè Việt Nam ta ngày nay cũng có một ông Tống Hoằng nữa là quan lớn đó
vậy.” ([42])
11. Mười nén vàng giấu trong mười gói trà
[Trang 25] Có một người trong tỉnh Gia
Định, tên là bá hộ([43])
Vân, bị hàm oan về việc án mạng, ngài tra minh ra thì người ấy vô tội, người ấy
cám ơn ngài, bèn lấy mười nén ([44])
vàng, để trong mười gói trà mà cho ngài, ngài không chịu lấy, người đó nói
rằng: “Trà nầy quý lắm, xin quan lớn dùng lấy thảo với tôi.” Ngài biết ý
liền đáp rằng: “Trà chú quý bằng vàng mà tôi không quen dùng, chú đem đến, tôi
thấy đây cũng như uống rồi, tôi cám ơn, chú phải đem về.” Người ấy bưng trà về
nói lại với vợ con rằng: “Bấy lâu nay ta nghe nói quan Phan là người thanh
liêm, đến nay ta mới biết lời ấy là rất thiệt.”
12. Xử kiện ở Châu Đốc
[Trang 26] Khi ngài đến tỉnh Châu Đốc, có
một chỗ nước xoáy, tên Mạnh đố tên Hào lội đặng, thì nó cho một trăm quan tiền,
như lội không đặng, chết thì chịu. Hai đàng có làm tờ giao kèo với nhau; khi
tên Hào lội xuống đó thì nước xoáy mất biệt. Bà mẹ nó đi kiện tới đâu, quan
cũng cứ ([45])
tờ giấy giao kèo mà xử bà thất.([46])
Đến khi bà gặp ngài đi kinh lược([47])
đến đó, bà kiện với ngài, ngài xử tên Mạnh như vầy: “Người ta có một mẹ một
con, sao mi biết chỗ chết mà còn đố người ta lội, mi dĩ tài sát nhơn,([48])
vậy mi hãy nuôi bà nầy cho đến chết, và chừng bả chết mi phải tống táng bả cho
tử tế.” Tên Mạnh lạy ngài mà vâng theo lời ngài xử.
13. Sửa lỗi sai của vợ
[Trang 26] Khi ngài về đến làng Bảo Thạnh
thăm nhà, có một tên Hưng ở lối xóm ngài, ngài hỏi thăm nó làm ruộng khá hay
không, thì nó bẩm rằng năm nay nó nghèo lắm, vì bị trâu của nó lội phá giếng
của tên Được, mà ở nhà, bà lớn dạy nó thường đám thuốc,([49])
cho tên Được hết năm chục quan tiền, vì vậy nên nó mới nghèo. Ngài bèn nói trâu
phá giếng thì vét giếng, chớ sao lại thường thuốc, ngài bảo quân vô buồng của
bà lớn nhắt ra một trăm quan tiền cho nó lại.([50])
Từ đây, ai thưa bẩm việc chi, bà lớn không dám xử nữa.
14. Cả nhà đạo đức
[Trang 29] Năm Tự Đức thứ mười bốn
(1861), vợ ngài là bà Trần Thị Hoạch chết tại làng Bảo Thạnh, thì ngài mắc ở
ngoài kinh. Bà nầy tánh tình hiền đức lắm, tuy chồng làm quan lớn, song bà
chẳng hề theo chồng mà dựa quyền ỷ thế, cứ ở nhà, kính thờ cha chồng, nuôi
dưỡng con trẻ, ở với xóm giềng cũng hiền hòa tử tế, nhà tuy nghèo, bà cũng giữ
sự cần kiệm, dệt lụa dệt vải, trồng rau tỉa bắp, dư chút đỉnh, bà có mua đặng
một miếng đất chỗ thổ mộ ([51])
tiên nhơn của ngài, chừng hai mẫu; trong làng xóm ai đói, thì bà cho gạo ăn, ai
đau bà cho tiền uống thuốc, còn ai đẻ con, mà nghèo nàn nuôi không đặng đem cho
bà, bà nuôi làm phước, đến khi khôn lớn, bà cho về với cha mẹ. Còn việc cúng
quải,([52])
thì bà cũng giữ tinh khiết, bà dạy con việc học hành lễ nghĩa, không cho xấc
xược chơi bời.
Khi ngài
còn ở tại kinh đô, bà lớn có kiếm cho ngài một người hầu thiếp tên là nàng
Thịnh, bà bảo cậu hai là Phan Hương đưa ra ngoài kinh đặng hầu ngài. Ngài không
chịu, ngài bảo nàng ấy về lấy chồng, và phải lựa người học trò hay là người làm
ruộng mà lấy, đừng lấy người du hí du thực; rồi đó ngài hỏi đồ nữ trang của ai,
nàng nói của bà lớn sắm cho, thì ngài cũng cho nàng ấy đồ nữ trang hết.([53])
[Trang 30] Đến chừng nàng Thịnh trở về
nhà bà lớn, thuật các đều ([54])
quan lớn dạy cho bà lớn nghe, thì bà lớn cũng bảo cứ lời quan lớn mà làm theo,
nàng ấy nói rằng: “Nên hư cũng một lần, tôi thấy đức hạnh bà lớn nhiều, tôi xin
ở với bà lớn, kết làm chị em cho có bạn.” Mỗi khi bà lớn đau, thì nàng bổn thân
bồng đỡ, cơm nước, thuốc thang, ngày đêm không rời, bà lớn thấy vậy cũng thương
yêu, đến khi bà lớn bịnh nặng, có kêu các con mà trối lại rằng: “Bà thứ
mẫu nầy không con, như sau mẹ có từ trần rồi thì các con phải kỉnh thờ bà thứ
mẫu nầy cũng như mẹ đẻ vậy.” Các cậu sau cũng giữ theo lời mẹ dạy chẳng
dám sai ngoa, còn bà thứ mẫu cũng thủ tiết cho đến chết.
Bà lớn
có sanh đặng ba người con trai: Phan Hương, Phan Liêm và Phan Tôn, cả ba đều
học hành giỏi, tánh hạnh tốt.
15. Quân tử yêu hoa quỳ
[Trang 37] Khi ngài về tỉnh Vĩnh Long,
ngài có chở sách vở đem về nhiều lắm và ngài có làm một tập Lương Khê Thi Thảo 粱溪詩草.([55]) Nên thiên hạ đồn rằng: Quan lớn Phan là
người giàu sách vở, chớ không có giàu vàng bạc chi hết.
Còn nhà
thờ của tiên nhơn ngài ở tại làng Bảo Thạnh, cũng cất bằng cột mắm vách lá,
phên tre, xem đó thì đủ biết ngài là một vị quan rất thanh liêm. Tánh ngài ưa
sự sạch sẽ, ăn ngủ có chừng, mỗi đêm ngài thường coi sách cho đến mười hai giờ
khuya. Khi ngài coi sách thì ngài bịt khăn đen, mặc áo rộng, ngồi đàng hoàng tề
chỉnh mà coi, ấy là ngài có ý kỉnh trọng thánh hiền.
Từ khi
ngài thi đậu ra làm quan, thì cũng cứ việc học thêm hoài và những sách lạ,
truyện hay ngài đều có đọc, cho nên ngài thật là người bác lãm quần thơ.([56])
Mỗi khi ngài dùng cơm rồi, thì ngài đi đôi ba vòng, rồi ngài mới nghỉ; mỗi bữa
sớm mai, ngài thường đi chung quanh thành một vòng, đặng xem xét quân lính và
các dinh trại trong thành, buổi chiều cũng vậy. Tánh ngài ưa trồng bông quỳ
trước nhà công đường và nơi tư dinh của ngài ở. Khi ấy có quan tổng đốc Vĩnh
Long là ông Trương Văn Uyển, dinh ông nầy ở gần một bên dinh ngài, tánh ông ưa
dùng hầu thiếp nhiều lắm. Ngày kia ông đến thăm ngài, thấy ngài ở có một mình
thì mới hỏi: “Sao quan lớn không dụng hầu thiếp?” Ngài trả lời rằng: “Tôi không
có đủ ngày giờ mà lo việc quốc gia, có ngày giờ đâu mà lo việc hầu thiếp, tôi
có trồng bông quỳ chung quanh dinh nhiều lắm, khi nào tôi buồn ra xem nó chơi
cũng đủ vui, vả lại cái sắc nó tốt hơn sắc người, mà cái mùi nó hửi chơi cũng
thơm tho hơn cái mùi của đờn bà con gái, như vậy cũng đủ vui, lựa là ([57])
phải dùng hầu thiếp làm chi cho cực lòng rộn trí.”
([4]) tiên sanh (sinh) 先生:
Tiếng gọi thầy giáo. Năm 1816, theo lời khuyên của quan Hiệp Trấn tỉnh Vĩnh
Long (tên là Lương, không biết họ), nho sinh Phan Thanh Giản nán lại Vĩnh Long
thọ giáo quan đốc học họ Võ (không biết tên). Thầy Võ nói ở đây không phải là
xử sĩ Võ Trường Toản vì Võ xử sĩ tạ thế năm 1792; bốn năm sau (1796) Phan Thanh
Giản mới chào đời.
([19]) bà lớn: Tiếng gọi vợ quan lớn. Theo
Thái Hữu Võ (sách đã dẫn, tr. 6), bà
tên là Trần Thị Hoạch, người làng Đơn Vệ, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị, con
gái đầu lòng của ông Trần Công Án (quan án sát hưu trí). Bà kén chồng, mãi tới
năm ba mươi ba tuổi mới kết hôn với ngài Phan Thanh Giản, rồi về quê chồng
phụng dưỡng cha chồng luôn.
([41]) Tống Hoằng 宋弘: Đời Đông Hán, Tống Hoằng làm quan được vua
Quang Vũ rất quý trọng. Chị vua là Hồ Dương góa chồng. Khi nghe chị khen ngợi
Tống Hoằng, vua muốn chị cưới Tống Hoằng dù ông ấy đã có vợ. Vua vời Tống Hoằng
vào gặp để dọ ý, nên hỏi khéo: “Trẫm nghe nói Quý dịch giao, phú dịch thê 貴易交, 富易妻. (Sang đổi bạn, giàu đổi vợ.) Nói thế là ý
gì?” Tống Hoằng đáp: “Thần nghe nói Bần
tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường. 貧賤之交莫可忘, 糟糠之妻不下堂. (Bạn bè kết giao lúc nghèo hèn chớ quên, vợ
cưới lúc đói rách không thể hắt hủi.) Vua hiểu ý, không dám bảo ông cưới chị
mình.
([50]) “… ngài bảo quân vô buồng của bà lớn nhắt ra
một trăm quan tiền cho nó lại.”
Chữ nhắt này khó hiểu! Hơn nữa, chi
tiết cho lính vào buồng vợ lấy tiền cũng lạ. Có lẽ vì thế ông Nguyễn Duy Oanh
trong sách Phan Thanh Giản: Cuộc Đời
& Tác Phẩm (trang 88, bản in tháng 8-2003 của Xưa & Nay thuộc Hội
Khoa Học Lịch Sử Việt Nam liên kết Đại Học Hồng Bàng) chép khác hơn: “Ông bảo bà lớn cho nó hai trăm quan tiền đã mất vì tại bà xử sai.”
([53])
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) kể một chuyện tương tự về Vương An Thạch
(1021-1086), làm quan đời Tống. Một lần không hỏi ý chồng, vợ Vương kiếm cho
ông một nàng hầu. Khi nàng đó vào phòng chào, ông ngạc nhiên hỏi: “Chuyện gì
vậy?” Nàng đáp: “Bà lớn bảo cháu vào hầu ông lớn.” Hỏi: “Nhưng chị là ai?” Đáp:
“Bẩm chồng cháu ở trong quân đội, tải lương, lỡ để chìm một thuyền lúa. Chúng
cháu bán cả nhà cửa, vườn đất để đền mà không đủ, nên chồng cháu phải bán cháu
cho bà lớn.” Hỏi: “Bán được bao nhiêu?” Đáp: “Bẩm chín trăm đồng.” Vương cho
gọi chồng chị ta tới, bảo dắt vợ về và giữ lấy số tiền. (Tô Đông Pha. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr. 91-92.)
([57]) lựa là: Nào phải, can chi phải.
* * *
(Chú thích về ảnh bìa sách Vĩnh Long Nhơn Vật Chí, và chân dung tác giả Nguyễn Văn Dần.)
Quyển 119-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh
Sách Đại Đạo là tập sách của Huệ Khải, nhan đề PHAN THANH GIẢN XƯA VÀ NAY (Hà
Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, 128 trang 14,5x20,5cm).
Ở trang 22 sách này có in ảnh bìa quyển VĨNH LONG NHƠN
VẬT CHÍ (1925) và chân dung tác giả là ông NGUYỄN VĂN DẦN.
Hồi soạn sách PHAN THANH GIẢN XƯA VÀ NAY, HK mượn sách
VĨNH LONG NHƠN VẬT CHÍ (photocopy) của bạn hiền là Trần Văn Chánh, nên ảnh ở
trang 22 nói trên không đẹp.
Thời may, tình cờ ghé KHO SÁCH XƯA của ông Huỳnh Chiếu
Đẳng (Quán Ven Đường, Mỹ: http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoChuaSachCu.htm) thì
tìm thấy bản sách xưa (PDF) của ông Nguyễn Văn Dần, lưu trữ tại Bibliothèque
Nationale de France (Thư Viện Quốc Gia Pháp). Nhân đây, HK xin kính lời cảm ơn
ông Huỳnh Chiếu Đẳng (nguyên thầy giáo đất Mỹ Tho).
Sách PHAN THANH GIẢN XƯA VÀ NAY sẽ rất khó tái bản, nên
không thể thay thế hai ảnh minh họa kém chất lượng đã in năm 2018.
HK bèn chụp lại ảnh bìa sách ông Dần và chân dung ông, và
cập nhật hai ảnh này vào bản điện tử PHAN THANH GIẢN XƯA VÀ NAY tại blog
huekhai.blogspot.com.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.