Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

4. CỔ ĐỘNG NÔNG VIỆN / PTG XƯA VÀ NAY


PHAN THANH GIẢN NAY
Tôi trích lục sau đây sáu thánh giáo do Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ:
A. Ngài dạy đạo ở miền Trung (do các tiền khai Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thông công). Có ba thánh giáo:
1. CỔ ĐỘNG NÔNG VIỆN. Thứ Tư 08-02-1939, ở Đà Nẵng, Đức Phan Thanh Giản giáng cơ tại thánh thất Trung Thành (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
2. NÊN QUÊN MÌNH XẢ THÂN CẦU ĐẠO. Thứ Tư 11-7-1945, ở Đà Nẵng, Đức Phan Thanh Giản giáng cơ tại thánh thất Trung Thành.
3. PHẢI HOÀN TOÀN CÁI DANH TU NIỆM. Thứ Sáu 13-4-1956, ở Phú Yên, Đức Phan Thanh Giản giáng cơ tại thánh thất Minh Đức (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài).
B. Ngài dạy đạo ở miền Nam (do bộ phận Hiệp Thiên Đài thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công). Có ba thánh giáo:
4. HÃY TÌM ĐẠO LÝ Ở TÌNH THƯƠNG. Thứ Bảy 22-01-1966 (mùng 2 Tết Bính Ngọ), ở Vĩnh Long, Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ tại Trúc Lâm Thiền Điện (Hội Thánh Di Lạc).
5. ĐI VỀ ĐÂU VIỆT NAM ƠI! Chủ Nhật 02-5-1971, ở Vĩnh Long, Đức Phan Thanh Giản giáng cơ tại Trúc Lâm Thiền Điện.
6. HÃY TRỞ VỀ TRUYỀN THỐNG CHA ÔNG. Thứ Ba 03-10-1972, ở tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh), Đức Phan Thanh Giản giáng cơ tại Chí Thiện Đàn (thuộc Minh Đức Nho Giáo).
Các thánh giáo này được đánh số thứ tự từ 1 tới 6, và tôi chú thích một số từ ngữ.
Nhan đề sáu bài thánh giáo do tôi tạm đặt, nương theo ý chánh của Đức Phan Thanh Giản hàm chứa trong mỗi bài.
Ngoài phần chú thích, cuối mỗi bài thánh giáo, tôi viết thêm những dòng Suy Niệm, gọi là chia sẻ với quý đạo hữu chút ít thấm thía từ lời dạy của Đức Phan Chơn Thánh.
Những chú thích trong sách này cũng như mấy lời Suy Niệm khó mà tránh khỏi sai sót trong muôn một. Kính mong quý đạo hữu hoan hỷ góp ý để tôi sửa chữa khi có duyên lành tái bản.
Trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.
Huệ Khải
 *
CỔ ĐỘNG NÔNG VIỆN

Thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng)
ngày 20-12 Mậu Dần (Thứ Tư 08-02-1939)
PHAN THANH GIẢN
Lão Thần ([1]) chào chư Thiên mạng,([2]) chào đồng bào nam nữ khắp cả trung đàn.([3])
Đồng bào ôi! Lão Thần không ngờ rằng hôm nay còn có thể đến trước mặt đồng bào để cùng nhau tỏ bày những nỗi thương tâm thảm mục ([4]) từ lâu. Lão Thần những tưởng bảy thước thân sinh ([5]) này đã đành phụ nghĩa non sông, một bầu tâm sự này đã đành quên dòng quên giống đi rồi. Không! Không đâu! Lão vẫn còn, còn thương còn tiếc, còn thở còn than.
Còn con còn cháu Hồng Bàng
Còn trời còn đất, Lão còn như xưa.([6])
THI
Phong trào ([7]) Âu, Á sắp nghiêng chinh
Danh lợi gây nên cuộc bất bình
Tư bản, bần dân tranh đấu mãi
Nam bang ([8]) đạo đức hóa ([9]) quần sinh.([10])
Sinh giữa thời gian lắm núng nao ([11])
Việt Nam thay đổi mấy phong trào
Thiệt thòi nông nỗi ([12]) ai hay biết
Biết phải làm sao, phải tính sao?
BÀI
Sao vạn quốc ([13]) liệt cường ([14]) phú túc ([15])
Sao ngũ châu sắp ([16]) cuộc chiến tranh
Biết lo kinh tế thực hành
Kém phần đạo đức mà thành thế ư?
Đem kỷ sử ([17]) đọc từ thượng cổ
Mở địa đồ xem chỗ vạn bang ([18])
Đã sanh trên đống đất vàng
Cái mầm tan hiệp, hiệp tan âu đành.([19])
Tạo nên nước, nước thành nước bại
Đúc ra người, người dại người khôn
Trách sao lò Tạo ([20]) không công ([21])
Hễ sanh giống trắng thì không giống vàng.
Hỡi than ôi Nam bang một thẻo ([22])
Bốn nghìn năm kẻ kéo người lôi
Non sông bồi đắp, đắp bồi
Lập rồi lại xóa, xóa rồi lập lên.
Liếc mắt trông trên nền quốc giới ([23])
Mở miệng kêu này hỡi đồng bào
Cớ sao mà tại vì sao
Dân ta hèn yếu, phong trào kéo xoay.
Cũng tai mắt, mặt mày như kẻ ([24])
Cũng uống ăn, sinh đẻ như người
Á Đông cũng một phương trời
Riêng chi Úc, Mỹ, chi người Tây Âu.
Cũng đồng sinh trong bầu Tạo Hóa ([25])
Cũng sống chung trên quả địa cầu
Người sao dân mạnh nước giàu
Có tàu vượt bể, có tàu lên mây.
Chế máy móc dựng gầy công nghệ
Lập thương nông, cứu tế,([26]) quốc phòng
Nào là điện tín, phi công
Nghe xa nghìn dặm, đi không đầy giờ.
Dân tộc ta sao khờ sao dại
Nước nhà ta sao bại sao hư
Không nghề nghiệp, không thiên tư ([27])
Văn minh công nghệ ai chừ ([28]) khuếch trương? ([29])
Sĩ trau chuốt văn chương thi phú
Nông kể chi bần phú tương thân ([30])
Rồng bớt cẳng, rắn thêm chân
Công tư vét sạch phần dân của làng.
Mạnh hiếp yếu lòng toan gớm ghiếc
Giàu dọa nghèo chi xiết rên than
Hỡi ôi con cháu Hồng Bàng
Cũng là máu đỏ, da vàng, đầu đen.
Cướp giựt nhau vì ăn vì mặc
Chém giết nhau vì ghét vì thương
Còn chi đạo lý luân thường ([31])
Cửa nhà xiêu đổ, phong cương ([32]) suy đồi.
Đọc quốc sử dầu sôi sục sục
Xem … … ([33]) lửa đốt phừng phừng
Sống chưa đẹp, thác chưa ưng
Thôi thôi nhơn sự vui buồn cười khuây.
Dại vì dại mà gây cấu xé
Khôn vì khôn mà đẻ thị phi
Khốn thay khôn dại ra gì
Dại khôn, khôn dại ích chi chăng là.
Trên thượng giới thiết tha ([34]) kinh khủng
Dưới hạ dân bủn rủn tinh thần
Cái mầm vạn quốc chiến tranh
Bởi không đạo đức mà sanh dập dồn.
Tính cũng tính bảo tồn dân tộc
Lo cũng lo bồi đắp dân sinh
Chế ra máy móc thực hành
Không ngờ tư bản tung hoành tóm thâu.
Đứng lên hỡi, kẻ sau người trước
Ngồi xuống than, này nước này non
Cám lòng ([35]) thương lũ con con
Ăn chi mà chịu hao mòn thân sinh.
Ruộng bỏ hoang cây giành cỏ đoạt
Chẳng thiếu chi mỏ bạc mỏ vàng
Không lo khai phá mở mang
Để lo rỉa góc vạt đàng gọi khôn.
Đồng bào ơi quốc hồn ([36]) xiêu đổ
Đồng bào ơi thẹn hổ ([37]) non sông
Vì thất học, vì thiển nông ([38])
Suy ngoài xác thịt, kém trong linh hồn.
Kìa Tây Trúc,([39]) Phật tôn Thiên Đạo ([40])
Kia Đông Châu,([41]) Nho giáo nhân luân ([42])
Trọng Ni ([43]) kiến thiết đại đồng
Đại đồng gốc bởi rèn lòng tu thân.
Thân tu đặng xử xong gia đạo ([44])
Gia đạo tề ([45]) hoài bão ([46]) quốc phong ([47])
Quốc phong lên đến đại đồng ([48])
Còn đâu phân giống chia dòng mối manh.([49])
Nước nước thảy ([50]) Trời Xanh ([51]) chưởng quản
Dân dân đồng bè bạn ruột rà ([52])
Nga là Đức, Đức là Nga
Nam là Pháp đó, Pháp là Nam đây.
Dụng khoa học trước gầy đạo đức ([53])
Toan đại đồng cần nhất tu thân
Khuếch trương học nghiệp canh nông ([54])
Đồng bào ai có biết không đồng bào?
Mấy nghìn năm phong trào điên đảo ([55])
Chưa dịp nào chánh giáo phục khai
Thích, Nho, Gia, Lão nước ngoài ([56])
Ngày nay mới thấy Cao Đài Nam bang.([57])
Cơ hội này Lão toan tận lực
Quyết làm cho hết sức bình sanh
Làm cho Nông Viện ([58]) đạt thành
Làm cho nòi giống khỏi giành giựt nhau.
Kêu một tiếng đồng bào ai hỡi
Đưa tay lên giúp với Lão Thần ([59])
Kẻ lo của, người lo công
Gầy chung cái cuộc đại đồng sau đây.
Người Nam Bắc, Đông Tây mau lại
Khách trẻ già, trai gái bươn vô ([60])
Nào ai đã thác ([61]) xuống mồ
Cũng mau dậy giúp cơ đồ ([62]) canh nông.
Hỡi than ôi! Có không, không có
Có cùng không ai nỏ riêng chi ([63])
Này Trung, Nam, Bắc ba kỳ
Đại đồng muốn đến quản gì công lao.([64])
Có ai nào
Hỡi anh hào ([65])
Phải làm sao?
Làm sao dân đặng no lòng
No lòng ấm cật ([66]) còn mong mỏi gì.
Thôi, Ta chào lui.
SUY NIỆM 1
1.1. Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ dạy bài này tại thánh thất Trung Thành vào Thứ Tư 08-02-1939 (20-12 Mậu Dần). Bấy giờ thánh thất ở trên đường Đỗ Hữu Vị,([67]) nay là đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Địa điểm này từ năm 1960 là thánh tịnh Trung Tông. Thánh thất Trung Thành hiện nay (đủ tam đài) tại số 101 đường Lê Đình Dương,([68]) quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, được khánh thành năm 1998 (xem ảnh dưới). 

Vào năm 1960, khi từ đường Đỗ Hữu Vị dời ra đấy (số cũ là 43 đường Lê Đình Dương), thánh thất chưa đủ tam đài (xem ảnh dưới).


Ban sơ, các bậc hướng đạo Cao Đài ở Trung Kỳ mua được khu đất (khoảng 4.000 thước vuông) trên đường Đỗ Hữu Vị. Tiền khai Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946) thay mặt bổn đạo đứng tên làm chủ khu đất và dùng họ tên theo giấy tờ tùy thân của ngài là Hà Văn Thuần (thật ra đây là tên một người khác). Năm 1937 các vị hướng đạo Trung Kỳ cất ba gian nhà gỗ lợp tranh để tạm làm thánh thất Trung Thành. Gian giữa thiết trí Thiên Bàn, phía sau có phòng khách, và nơi ngơi nghỉ của tiền khai Trần Đạo Quang. Đông  lang dành cho phái nữ và nhà bếp. Tây lang dành cho các hướng đạo và khách phương xa lưu trú.
Thánh thất Trung Thành sau đó được xây dựng kiên cố và khánh thành ngày 14-4 Mậu Dần (Thứ Sáu 13-5-1938) theo thánh lịnh Đức Chí Tôn. Ngày hôm trước, đại hội Long Vân Đệ Bát do Liên Hòa Tổng Hội tổ chức được khai mạc tại thánh thất này (xem ảnh trên).
1.2. Trước nỗi dân trí yếu kém, dân sinh sa sút, và đất nước cứ mãi lạc hậu so với các nước phương Tây, Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ than thở như sau:
Cũng đồng sinh trong bầu Tạo Hóa
Cũng sống chung trên quả địa cầu
Người sao dân mạnh nước giàu
Có tàu vượt bể, có tàu lên mây.
Chế máy móc dựng gầy công nghệ
Lập thương nông, cứu tế, quốc phòng
Nào là điện tín, phi công
Nghe xa nghìn dặm, đi không đầy giờ.
Dân tộc ta sao khờ sao dại
Nước nhà ta sao bại sao hư
Không nghề nghiệp, không thiên tư
Văn minh công nghệ ai chừ khuếch trương?
Những dòng thánh thi tha thiết này khiến chúng ta nhớ lại vào năm 1863 quan đại thần Phan Thanh Giản làm chánh sứ dẫn đầu sứ bộ sang kinh đô Paris hoa lệ của Pháp. Nhờ vậy ngài có dịp tận mắt nhìn thấy và được dài ngày trải nghiệm những tiến bộ khoa học - kỹ thuật của phương Tây.
Thật vậy, Quan Phan và đoàn sứ thần đã biết thế nào là tàu thủy tân tiến của Pháp thời đó khi lần lượt đi nhờ các tàu của họ từ cảng Đà Nẵng vào cảng Sài Gòn (ngày 21-6), từ đấy ghé cảng Alexandrie (Ai Cập, ngày 04-7), cập cảng Toulon (phía nam nước Pháp, ngày 09-9), được thăm xưởng đóng tàu và cuộc diễn tập thủy chiến của họ, rồi dừng ở cảng Marseille (phía nam nước Pháp, ngày 12-9).
Sau đó, sứ bộ Việt lần đầu tiên được đi xe lửa trên hành trình từ Marseille đến Paris (ngày 13-9). Trong thời gian lưu lại Paris để chờ yết kiến hoàng đế Napoléon, sứ bộ được đưa đi thăm xưởng dệt thảm, nhà máy, v.v…([69])
Nhưng một sự kiện rất ấn tượng với sứ bộ có lẽ là việc các vị được chụp ảnh. Trong sáu thập niên đầu thế kỷ 19, từ Nicéphore Niépce (1816, Pháp) tới James Clerk Maxwell (1861, Tô Cách Lan), kỹ thuật nhiếp ảnh dần dần được các nhà khoa học nối tiếp nhau cải thiện, để đến năm 1863 thì những ông quan Việt Nam vốn chỉ biết nghệ thuật vẽ truyền thần phương Đông đã sửng sốt khi mục kích những tấm ảnh chụp diện mạo, hình dáng của họ sắc sảo như thể được tạo ra bằng ma thuật. Và người chụp ảnh cho quan Phan và sứ bộ tại kinh thành Paris chính là Jacques-Philippe Potteau (Pháp, 1807-1876).
Những ấn tượng về tiến bộ khoa học - kỹ thuật của Pháp (hay phương Tây) trong nhiều lãnh vực đã khiến quan Phan khi hồi hương, vào triều tấu trình mọi việc với vua Tự Đức đã kết luận bằng hai câu ngắn gọn:
Bá ban xảo kế, tề thiên địa
Duy hữu tử sanh, Tạo Hóa quyền.([70])
(Mọi nghề khéo léo ngang trời đất
Chỉ riêng sống chết phải nhường Trời.)
Đã trông rộng thì ắt nhìn xa. Quan Phan hẳn thấy trước cái họa vong quốc của Việt Nam, nên đã tâu lên vua Tự Đức những việc cần kíp phải làm ngay, canh tân ngay những chính sách thủ cựu. Thế nhưng triều đình đều bỏ ngoài tai tất cả. Vị lão thần rốt cuộc đành cam than thở:
Từ ngày đi sứ đến Tây kinh ([71])
Thấy việc Âu châu phải giật mình
Kêu rủ đồng bang ([72]) mau thức dậy
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.
Rõ ràng, lúc vận nước lâm nguy, quan Phan đã lãnh vai trò một nhà “tiền hô” (precursor), nhưng thất bại.
1.3. Trong thánh giáo này, cả thảy có bốn lần Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản tự xưng Lão Thần; chỉ duy lúc chào lui thì ngài mới xưng Ta.
Lão Thần nghĩa là người bề tôi già. Sau bảy mươi hai năm, từ khi nâng chén đắng rời xa cơn trường mộng, lúc giáng cơ năm 1939, Đức Thánh Phan không còn là vị quan cao tuổi với áo mão cân đai; vậy sao ngài vẫn tự xưng Lão Thần?
Đừng nghĩ lầm rằng một anh linh đã rũ bỏ xác thân tứ đại, bấy lâu đã tự tại tiêu dao nơi non Bồng nước Nhược mà còn “luyến” chút danh vị hư ảo trần ai. Không, không phải thế đâu.
Qua phần Đức Độ Ngài Phan Thanh Giản trên đây, chúng ta biết rằng khi ghé qua làng Hanh Thông thăm bạn học cũ là Phan Dĩ Thử, để giúp bạn hiền xóa bỏ nỗi ái ngại vì khoảng cách giữa một nông phu thanh bần và một đại thần phẩm cao tước trọng, ngài Phan đã nói thế này:
Cái phẩm tước ấy là để mà chầu chực nơi chốn triều đình, và để mà vỗ trị trong hàng dân dã, chớ lẽ nào dùng cái phẩm tước ấy mà khoe với thân tộc họ hàng, và cũng chẳng phải đem nó ra mà dùng với người thân bằng cố hữu.(tr. 32)
Quả thật, ngài vốn chẳng xem phẩm tước triều đình là cái để mà cao ngạo, để mà vênh vang như phần đông thói tục. Bình sinh đã thế, thì lúc từ cõi trời trở lại hồng trần, há đâu Đấng Chơn Thánh lại dễ dàng vướng bụi.
Vậy, khi tự xưng Lão Thần trên ngọn linh cơ, phải chăng ngài ngầm gởi gắm chúng ta một ẩn ý? Vâng, có hai ẩn ý.
Một là, ngài muốn chúng ta hiểu rằng tuy đã thoát tục, nhưng ngài vẫn luôn nặng lòng với tình dân nghĩa nước như thuở nào mảnh thân già mãi oằn vai gầy một gánh giang sơn. Thế nên, trước khi dạy đạo, Đức Thánh Phan bộc lộ can tràng:
Lão Thần những tưởng bảy thước thân sinh này đã đành phụ nghĩa non sông, một bầu tâm sự này đã đành quên dòng quên giống đi rồi. Không! Không đâu! Lão vẫn còn, còn thương còn tiếc, còn thở còn than.
Còn con còn cháu Hồng Bàng
Còn trời còn đất, Lão còn như xưa.
Hai là, ngài được Thiên Đình ban ơn cho phép trở lại với con dân nước Việt để tiếp tục nghĩa vụ một “nguyên công dân” (ex-citizen). Thế thì, những môn đệ Cao Đài đang quỳ trước ngọn linh cơ há có thể quên bổn phận công dân trong thời ly loạn, nhà tan nước mất hay sao? Những người con áo trắng luôn tự hào với sứ mạng Kỳ Ba há có thể thờ ơ được chăng trước tiếng gọi tha thiết của ngài?
Kêu một tiếng đồng bào ai hỡi
Đưa tay lên giúp với Lão Thần
Kẻ lo của, người lo công
Gầy chung cái cuộc đại đồng sau đây.
Người Nam Bắc, Đông Tây mau lại
Khách trẻ già, trai gái bươn vô
Nào ai đã thác xuống mồ
Cũng mau dậy giúp cơ đồ canh nông.
Trên dải đất Trung Kỳ thiên nhiên khắc nghiệt, nơi mà hầu như thường xuyên lâm vào cảnh mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn,([73]) thì tất nhiên phải ưu tiên chăm lo vấn đề dân sinh trước hơn dân trí và dân đức (có thực mới vực được đạo); thế nên Đức Thánh Phan nêu ra mục tiêu cụ thể:
Làm sao dân đặng no lòng
No lòng ấm cật còn mong mỏi gì.
Và trong một xã hội vốn có truyền thống lâu đời là dĩ nông vi bản, để giải quyết vấn đề dân sinh phải lấy canh nông làm đầu mối. Đó là lý do khi dạy bổn đạo Trung Kỳ bài này, Đức Phan Chơn Thánh đã cổ động Nông Viện:
Cơ hội này Lão toan tận lực
Quyết làm cho hết sức bình sanh
Làm cho Nông Viện đạt thành
Làm cho nòi giống khỏi giành giựt nhau.
1.4. Về Nông Viện của bổn đạo miền Trung thuở trước, khái quát mấy nét cần ghi nhớ như sau:
Quyền Hội Thánh Trung Kỳ (tiền thân của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, hình thành năm 1956) ra đời ngày 15-01 Kỷ Mão (Chủ Nhật 05-3-1939). Nhưng giữa năm Mậu Dần (1938), Ơn Trên đã giáng cơ hướng dẫn việc tổ chức Nông Viện (nằm trong Cửu Viện), giao tiền bối Trần Nguyên Chất (1893-1950) phụ trách. Nông Viện có nhiệm vụ phát triển dân sinh, xây dựng đời sống mới trong cộng đồng Cao Đài.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo giáng cơ, dạy tìm địa điểm để thiết lập nông trang hay nông xã (là cơ sở của Nông Viện). Các bậc hướng đạo miền Trung chọn được ở quận Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) vùng đất Cờ Vĩ (rộng 250 mẫu), thuộc làng Phước Hội (dân địa phương gọi là Sé), cách làng Tứ Trung (dân địa phương gọi là Tý) một khe sông. Nơi đây sẵn có bổn đạo Thiên bàn Tứ Trung hậu thuẫn,([74]) có sông Thu Bồn thuận lợi cho việc vận chuyển.
Các bậc hướng đạo phụ trách Nông Viện khuyến khích những “lực nông” không có đất ruộng tham gia chương trình khuếch trương canh nông. Họ được tổ chức thành đội ngũ. Mỗi lực nông được cấp hai sào làm đất thổ cư và một mẫu làm đất canh tác. Cứ mười hai lực nông lập thành một tiểu nông xã, và họ cố gắng góp vốn, góp sức canh tác chung.
Mỗi tiểu nông xã được phân chia theo phép tỉnh điền 井田 như thời cổ; nghĩa là chia đất theo hình chữ tỉnh gồm chín khu: Khu chính giữa là đất chung của Hội Thánh; tám khu chung quanh là của các lực nông tham gia khai phá.([75])
Bao nhiêu nước chảy qua cầu, chương trình Nông Viện giờ đây chỉ còn vang bóng trong những trang sử đạo kiêu hùng của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, từng được viết lên bằng cả những dòng máu thắm đỏ của hàng hàng lớp lớp những người con áo trắng bất khuất, trung kiên với Thầy, với Đạo.
Ôn học, tìm hiểu thánh giáo Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản, và có dịp nhìn về những dấu chân phía trước của tiền nhân, liệu đàn hậu tấn có vương vấn chút tâm tư, tình cảm nào chăng?
Phú Nhuận, 25-9-2018
Huệ Khải



([1]) Lão Thần 老臣: Người bề tôi già. (Ngài Phan Thanh Giản sinh tiền làm quan, trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; đến năm 1865, tuy bảy mươi tuổi xin vua cho về hưu cũng không được.) Xem Suy Niệm 1.3. cuối bài thánh giáo này (tr. 56).
([2]) Thiên mạng (mệnh) 天命: Bậc hướng đạo đang nhận lãnh sứ mạng của Trời giao phó là thế Thiên hành hóa 替天行化 (thay Trời hành đạo để giáo hóa dân chúng tu hành).
([3]) trung đàn (đàn trung 壇中): Trong đàn cầu cơ.
([4]) thương tâm thảm mục 傷心慘目: Quá đau lòng khi nhìn thấy.
([5]) bảy thước thân sinh: Tấm thân bảy thước. Do thành ngữ thân trường thất xích 身長七尺 (thân cao bảy thước), có tính ước lệ, ngụ ý nói một người đàn ông đã trưởng thành.
([6]) còn như xưa: Vẫn còn nguyên tấm lòng yêu nước thương dân như thuở còn sống trên thế gian.
([7]) phong trào 風潮: Hoạt động lôi cuốn đông đảo người theo.
([8]) Nam bang 南邦: Nước Việt Nam, nước Nam.
([9]) hóa: Giáo hóa ; dạy đạo lý để thay đổi con người và xã hội từ xấu thành tốt.
([10]) quần sinh 群生: Chúng sanh 眾生, con người nói chung.
([11]) núng nao: Nao núng, lung lay, không còn vững vàng nữa.
([12]) nông nỗi: Cơ sự, hoàn cảnh, tình thế.
([13]) vạn quốc 萬國: Tất cả các nước.
([14]) liệt cường 烈強: Mạnh mẽ.
([15]) phú túc 富足: Giàu có đầy đủ.
([16]) sắp: Sắp bày, sắp đặt, tổ chức.
([17]) kỷ sử 紀史: Sử thành văn, lịch sử được ghi chép lại (written history).
([18]) vạn bang 萬邦: Vạn quốc 萬國, muôn nước, tất cả các nước.
([19]) âu đành: Cũng đành chịu vậy, không thể khác được.
([20]) lò Tạo: Lò Tạo Hóa, lò Trời. Do câu Thiên địa vi lô, Tạo Hóa vi công 天地為爐, 造化為工; ý nói trời đất (vũ trụ) là cái lò, Tạo Hóa (ông Trời) là người thợ; mọi việc trong trời đất đều do bàn tay Thợ Trời (Thiên Công 天工) nặn ra, cho tròn thì được tròn, bóp méo thì phải méo.
([21]) không công: Không công bình.
([22]) một thẻo: Một rẻo, một dải
([23]) quốc giới 國界: Biên giới một nước. Ở đây hiểu là lãnh thổ.
([24]) như kẻ: Như những kẻ khác.
([25]) bầu Tạo Hóa: Bầu vũ trụ.
([26]) cứu tế 救濟: Giúp đỡ; ở đây ý nói chung y tế và an sinh xã hội.
([27]) thiên tư 天資: Tài năng bẩm sinh (innate talent).
([28]) chừ: Lúc này, bây giờ, giờ đây.
([29]) khuếch trương 擴張: Mở mang (expanding, broadening).
([30]) bần phú tương thân 貧富相親: Kẻ nghèo và người giàu gần gũi, thân mến nhau.
([31]) luân thường 倫常: Những mối quan hệ đúng đắn con người phải luôn noi theo, gồm có ngũ luân (năm mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa anh chị em, giữa bạn bè) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).
([32]) phong cương: Phong hóa 風化 và cương thường 綱常. Phong hóa là tập tục (phong tục) đã được dạy bảo (giáo hóa) và trở thành đạo đức chung cho một nước (public morals). Cương thường là tam cương (ba mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng) ngũ thường.
([33]) Thiếu hai chữ vì đọc không rõ.
([34]) thiết tha 切磋: Đau lòng, rất thương xót.
([35]) cám lòng: Động lòng.
([36]) quốc hồn 國魂: Hồn nước.
([37]) thẹn hổ: Hổ thẹn, xấu hổ, tủi hổ.
([38]) thiển nông: Thiển là nông cạn. Thiển (chữ Hán) và nông (thuần Việt) đồng nghĩa.
([39]) Tây Trúc 西: Người Hoa gọi Ấn Độ là 天竺 Thiên Trúc. Nước này nằm về phương Tây nên cũng gọi Tây Trúc.
([40]) tôn : Tôn trọng (respecting). Phật tôn Thiên Đạo 佛尊天道: Phật đề cao đạo giải thoát (Thiên Đạo).
([41]) Đông Châu: Nhà Châu (Chu ) cai trị Trung Quốc cổ đại trong khoảng tám thế kỷ, phỏng từ năm 1046 tới năm 256 trước Công Nguyên (TCN). Từ năm 771 TCN trở về trước gọi là Tây Châu 西周. Từ năm 770 TCN trở về sau gọi là Đông Châu 東周. Thời Đông Châu lại chia làm hai thời kỳ nữa là Xuân Thu 春秋 (770–476 TCN) và Chiến Quốc 戰國 (475–221 TCN). Đức Khổng Tử (551-479 TCN) sống trong thời Đông Châu, trải qua nửa sau thời Xuân Thu. Do đó, thánh giáo dạy: Kia Đông Châu, Nho Giáo nhân luân / Trọng Ni kiến thiết đại đồng
([42]) nhân luân 人倫: Quan hệ đúng đắn giữa người và người (right relationships between humans). Cha ra cha, con ra con là nhân luân. Chồng ra chồng, vợ ra vợ là nhân luân. Thầy ra thầy, trò ra trò là nhân luân. Giáo : Dạy (teaching). Nho giáo nhân luân 儒教人倫: Đạo Nho dạy về nhân luân.
([43]) Trọng Ni 仲尼: Tự (style) của Đức Khổng Tử.
([44]) gia đạo 家道: Phép tắc, khuôn phép, nền nếp trong nhà. Thân tu đặng xử xong gia đạo: Ngụ ý nhắc tới nguyên tắc thân tu nhi hậu gia tề (trong sách Đại Học).
([45]) tề : Được ổn định, đặt để đâu vào đó.
([46]) hoài bão 懷抱:p ủ trong lòng (một lý tưởng hay ước vọng cao đẹp).
([47]) quốc phong 國風: Truyền thống tốt đẹp lâu đời của một nước. Gia đạo tề hoài bão quốc phong: Ngụ ý nhắc tới nguyên tắc gia tề nhi hậu quốc trị (trong sách Đại Học).
([48]) Quốc phong lên đến đại đồng: Ngụ ý nhắc tới nguyên tắc quốc trị nhi hậu thiên hạ bình (trong sách Đại Học).
([49]) Còn đâu phân giống chia dòng mối manh: Không còn đầu mối gây ra chia rẽ dòng giống.
([50]) nước nước thảy: Tất cả mọi nước; hết thảy các nước.
([51]) Trời Xanh: Cao Xanh, Thượng Đế.
([52]) Dân dân đồng bè bạn ruột rà: Mọi dân tộc đều là bạn bè, anh em ruột thịt.
([53]) Dụng khoa học trước gầy đạo đức: Khoa học phải đặt trên tiền đề (hay nền tảng) đạo đức.
([54]) học nghiệp canh nông: Khoa học để phát triển nghề nông.
([55]) điên đảo 顛倒: Xáo trộn, rối loạn (confused).
([56]) Thích, Nho, Gia, Lão nước ngoài: Các tôn giáo như Thích (Phật), Nho (Khổng), Gia Tô (Thiên Chúa), Lão (Đạo Giáo) đều từ nước ngoài truyền vào Việt Nam.
([57]) Ngày nay mới thấy Cao Đài Nam bang: Ngày nay mới thấy đạo Cao Đài là tôn giáo có nguồn gốc Việt Nam. Cao Đài xuất phát tại Việt Nam nên được gọi là tôn giáo bản địa (indigenous), tôn giáo nội sinh (endogenous).
([58]) Nông Viện: Xem Suy Niệm 1.4. ở cuối bài này (tr. 59).
([59]) giúp với Lão Thần: Giúp Lão Thần với.
([60]) bươn vô: Hăng hái tham gia, ráng sức góp phần.
([61]) thác: Chết, qua đời.
([62]) cơ đồ 基圖: Sự nghiệp to tát (undertaking, career).
([63]) nỏ riêng chi: Chẳng riêng gì.
([64]) quản gì công lao: Ngại gì, nề hà chi tốn công mệt sức.
([65]) anh hào 英豪: Anh hùng hào kiệt, người tài giỏi.
([66]) ấm cật: Ấm lưng, tức là được mặc ấm. no lòng ấm cật: Được ăn no và mặc ấm, không bị đói lạnh.
([67]) Đỗ Hữu Vị sinh ngày 17-02-1883 tại Chợ Lớn, là con út của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương (1841-1914), người giàu hàng thứ nhì tại Nam Kỳ thuộc Pháp, đứng sau Huyện Sỹ Lê Phát Đạt (1841-1900). Năm 1904 ông Vị trúng tuyển vào trường võ bị Saint-Cyr (Pháp) và tốt nghiệp năm 1906 với hàm thiếu úy bộ binh. Khoảng năm 1910 ông học lái máy bay quân sự, được cấp bằng phi công (cơ phó) năm 1911. Sau vụ rớt máy bay năm 1915 ông mất sức, và chuyển sang bộ binh năm 1916 với hàm đại úy. Ngày 09-7-1916 trong khi giao chiến với quân Đức, ông tử trận tại chiến trường sông Somme (ở Picardy, miền bắc nước Pháp). Người Pháp đặt tên ông cho một con đường ở Đà Nẵng. Con đường Đỗ Hữu Vị ở quận 1, Sài Gòn, có từ ngày 29-3-1917, sau đổi thành đường Huỳnh Thúc Kháng từ ngày 22-3-1955.
([68]) Lê Đình Dương người làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là bào huynh bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969, cư sĩ nhà Phật). Ông Dương tốt nghiệp y sĩ (1915), làm việc tại bệnh viện Hội An, gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1916 thực dân Pháp bắt ông, giam ở Khánh Hòa, rồi đày lên Ban Mê Thuột. Chí sĩ Lê Đình Dương hy sinh trong tù năm 26 tuổi.
([69]) Nguyễn Duy Oanh, Phan Thanh Giản: Cuộc Đời & Tác Phẩm (bản in tháng 8-2003 đã dẫn), tr. 136-137.
([70]) / .
([71]) Tây kinh 西京: Kinh thành nước Pháp.
([72]) đồng bang 同邦: Người trong cùng một nước; đồng bào.
([73]) Trích lời trường ca Hội Trùng Dương, sáng tác của Phạm Đình Chương (1929-1991).
([74]) Ngày xưa hoàn cảnh tu học ở miền Trung còn quá khó khăn, nhiều đạo hữu không tiện lập Thiên bàn tại nhà. Để lễ bái, bổn đạo tập trung tại thánh xá của xã đạo (chưa phải là thánh thất của họ đạo). Khi tựu về thánh xá, bổn đạo quen nói là về Thiên bàn, nhưng ngầm hiểu là về thánh xá.
([75]) Phạm Văn Liêm, Trên Đường Thiên Lý. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 116, 123, 124.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.