PHẢI HOÀN TOÀN CÁI DANH TU NIỆM
Thánh thất Minh
Đức (Phú Yên)
ngày 03-3 Bính Thân (Thứ Sáu
13-4-1956)
THI
Miễn lễ. An tọa.
Đạo rộng khai trong hồi mạt kiếp
Cuối hạ nguơn Thượng Phụ mở Tam Kỳ
Đức vô lượng từ bi chứa chan cho sanh chúng.
Đạo Tam Kỳ là đại ân xá lần ba
Được gặp rồi, tiến bước, giữ gìn tu.
Giờ nầy Lão đến đây để thăm và nói qua đôi chuyện.
Hiện giờ người tu hành cần trước phải tu tâm kiến tánh, trau dồi đức hạnh thuần
lương, giữ được tâm lành ý thiện.
Các hiền nơi đây kể cũng khá đông, mà chỉ tưởng tu là
lập công cho nhiều, nói đạo cho giỏi, xiển luận ([15]) cho hay, độ
người ([16]) cho khá mà thôi,
chớ chưa chú trọng tới điểm tu là sửa.([17])
Đạo hữu từ nay phải chuyên lo học tập, lập đức từ bi,
lòng bác ái, chuyên luyện công phu để mà hoàn toàn ([18]) cái danh tu
niệm.
Ban Cai Quản hãy cố gắng xây đắp một thánh thể yêu
thương, một tâm hồn Thượng Đế, giúp tín đồ giới giữ quy gìn,([19]) và phải xây dựng
cho mọi người được một đức tin rắn rỏi, một đạo hạnh hoàn toàn để kịp thời mà
đạt phẩm Thần Tiên.
Các hiền có hiểu chữ thánh thất nghĩa là chi không?
Thánh thất là một chỗ ngự trụ to lớn của các bậc thiêng liêng và cũng là một
nơi học hỏi của tín đồ tất cả. Nó là một nơi của tín đồ giao cảm ([20]) cùng Thần Tiên
mà cũng là nơi Thần Tiên dạy đạo cho tín đồ.
(…)
Thôi, Tệ Lão chào chư hiền. Lão lui.
SUY NIỆM 3
3.1. Đức Chơn Thánh Phan Thanh Giản giáng cơ
dạy bài này tại thánh thất Minh Đức ngày 03-3 Bính Thân (Thứ Sáu 13-4-1956),
lúc ấy nhà thánh còn rất đơn sơ, chưa đủ ba đài (xem ảnh, tr. 79).
Ban sơ, thánh thất tên là Phước Lâm, hình thành trong khoảng nửa sau
thập niên 1930, từ tâm huyết của một vài người dân Phú Yên đi vào Tây Ninh xin nhập
môn (trong đó có tiền bối Võ Hóa, sau được Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh phong làm
Chánh Trị Sự rồi về quê gầy dựng họ đạo, lập thánh thất).
Hiện nay thánh thất Minh Đức (có đủ ba
đài, khánh thành năm 2013) tọa lạc tại thôn Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện
Đông Hòa,([21]) tỉnh Phú Yên. Mặc
dù thánh thất Minh Đức thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, nhưng có lẽ do cái
“duyên” với Tây Ninh trong buổi sơ khai, nên khi thánh thất được cất mới, họ
đạo Minh Đức đã lấy mẫu của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, thay vì theo mẫu của
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (xem ảnh).
3.2. Trong bài tứ tuyệt mở đầu, Đức Phan Chơn Thánh nêu ra
điều kiện để người môn đệ Cao Đài được thọ nhận hồng ân của Đức Chí Tôn ban bố.
Điều kiện đó là những đức tánh mà người tu phải chú ý trau dồi, gồm có: lễ, trí, thanh liêm, nhơn, nghĩa, ôn, lương,
cung, kiệm, hòa. Những đức tánh này, bình sinh ngài Phan Thanh Giản đã có
đủ (xem lại Đức độ ngài Phan Thanh Giản, tr. 21-38).
Vừa mở
đầu bài thánh giáo, tại sao Đức Thánh Phan lại sớm nêu ra mười đức tánh như
thế? Tại sao là mười mà không là con
số khác?
Mười (thập 十) có
nghĩa là hoàn toàn, trọn vẹn (perfect).
Do ý nghĩa này, người ta nói thập toàn 十全 (hoàn
hảo, trọn vẹn; perfect, complete), thập thành 十成 (đủ
đầy; complete). Người Việt nói mười phân vẹn mười cũng theo nghĩa ấy. Khi
tả chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Nguyễn Du hạ bút viết: Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Bởi mười (thập) có ý nghĩa hay như vậy, cho nên
Ơn Trên thường đặt để mười đề mục cho người tu noi theo đó mà rèn luyện. Tạm kể
ba ví dụ:
- Đức
Ngô Minh Chiêu dạy môn sanh Chiếu Minh Thập
Thanh Điều (trích): MỘT khuyên giảm
khẩu bớ con / HAI khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn / (...) MƯỜI khuyên lập nết ôn
hòa độ dân.
- Tại
thánh thất Minh Trung (Phú Yên), ngày 02-12 Mậu Tuất (Thứ Bảy 10-01-1959), Đức
Ngô Đại Tiên dạy Mười Khuyên (trích):
MỘT là tu cho người trông cậy / HAI là
làm đời thấy kỉnh tin / (...) CHÍN
phải lo tu thành tâm pháp / MƯỜI khuyên nhau đóng góp tình thương (...).
- Tại
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), ngày 15-7 Canh Tý (Thứ Hai 05-9-1960), Đức Bảo
Thọ Thánh Nương dạy Mười Điều Ghi Nhớ (trích):
MỘT nghe ta thanh thanh tịnh tịnh (...)
/ HAI nghe ta hết lòng hoài bão (...) /
BA nghe ta Đông Tây lập chí (...).
Trở lại
với lời Đức Phan Thanh Giản dạy, mười đức tánh ngài nêu ra trong bài tứ tuyệt là
đề mục để người môn đệ Cao Đài dụng công trau dồi, sửa chữa bản thân cho trở
nên hoàn toàn, hoàn hảo. Điều này được ngài nhắc lại rõ ràng trong phần tản
văn:
Các hiền nơi đây kể cũng khá đông, mà chỉ tưởng tu là lập
công cho nhiều, nói đạo cho giỏi, xiển luận cho hay, độ người cho khá mà thôi,
chớ chưa chú trọng tới điểm tu là sửa.
Đạo hữu từ nay phải chuyên lo học tập, lập đức từ bi,
lòng bác ái, chuyên luyện công phu để mà hoàn toàn cái danh tu niệm.
3.3. Đức Phan Chơn Thánh dạy: “Đạo hữu từ nay phải chuyên lo học tập, lập đức từ bi, lòng
bác ái (...).” Lời dạy này nhắc chúng ta nhớ tới lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy tại thánh thất Nam Thành (quận 1, Sài Gòn), ngày 14-10 Canh
Tuất (Thứ Năm 12-11-1970):
Chư hiền đệ muội! Ai cũng thường cầu nguyện
Thiêng Liêng Trời Phật phò hộ cho mình, cho gia đình được an bình hạnh phúc,
nhưng có bao giờ cầu nguyện cho mình đủ dạ từ bi để sẻ chia, để
thông cảm, xử sự với tha nhân như Đức Chí Tôn đối với chư hiền đệ muội
không?
3.4. Đức Phan Chơn Thánh dạy môn đệ Cao Đài phải tu tập sao
cho hoàn toàn cái danh tu niệm. Tức là
cái danh (tên gọi) người tu phải đúng với phẩm chất (đạo hạnh) người tu.
Chúng ta
đều hiểu rằng một người bước chân vào cửa đạo dẫu lâu năm chăng nữa vẫn chưa dễ
dàng gột bỏ được hết tánh phàm tục của mình; thậm chí, có người đã thâm niên khoác
áo đạo, mang danh người tu, thế mà tánh hạnh lắm khi còn kém cỏi hơn cả những người
đời chưa tu.
Bởi vậy,
khi “độ” được một người mới
bước vào cửa thánh thất, những đạo hữu tinh tế, nhiều kinh nghiệm thường phải
dặn dò bạn mình: Đạo huynh (đạo tỷ) nhớ là vô đây mình tu với Ơn Trên chớ không
phải tu với mấy đạo hữu trong này; nếu họ có đối xử “kỳ cục” với mình thì đừng chấp mà bỏ thánh thất rồi ở nhà luôn
nhé.
3.5. Đang dạy tín hữu phải siêng chăm tu học, rèn luyện sao
cho hoàn toàn cái danh tu niệm, thì
qua hai đoạn ở phần cuối tản văn, Đức Phan Chơn Thánh chuyển ý, dạy về thánh thể, thánh thất:
- Ban Cai Quản hãy cố gắng xây
đắp một thánh thể yêu thương (...).
- Các hiền có hiểu chữ thánh thất nghĩa
là chi không? Thánh thất là một chỗ ngự trụ to lớn của các bậc thiêng liêng và
cũng là một nơi học hỏi của tín đồ tất cả. Nó là một nơi của tín đồ giao cảm
cùng Thần Tiên mà cũng là nơi Thần Tiên dạy đạo cho tín đồ.
Thật ra,
phẩm chất (đạo hạnh) người tu (gồm cả bậc hướng đạo và các tín hữu) có liên
quan mật thiết tới thánh thất (cũng là
thánh thể của Đức Chí Tôn). Đức Giáo
Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch dạy rằng thánh thất là hình thể Đạo và là thánh thể
của Đức Chí Tôn; và ngài khuyên: Đừng
để cho một tâm hồn nào phải thương xót trước một thánh thể của Chí Tôn.([22])
Nghĩa lý
sâu xa của lời Đức Giáo Tông như dẫn trên đã được trình bày trong quyển Ý Thức Hệ Cao Đài nên nơi đây không nhắc
lại nữa, mà chỉ gợi ý tham khảo thêm, để từ đó chúng ta lãnh hội vì sao Đức
Phan Chơn Thánh đang dạy môn đệ Cao Đài phải hoàn toàn cái danh tu niệm thì lại chuyển sang ý nghĩa chơn chánh
của thánh thất, khi ngài nói tới nỗ
lực xây đắp một thánh thể yêu thương.
Phú
Nhuận, 06-10-2018
Huệ Khải
([11]) lòng Bồ Tát (Bồ Tát chi tâm 菩薩之心 the Bodhisattva’s love): Bồ Tát là Đấng đại từ
đại bi, tuy tu đắc quả Phật nhưng không vào cõi Niết Bàn mà phát đại nguyện ở cận
kề, gần gũi chúng sanh đau khổ đang trầm luân trong trần thế, trong địa ngục, để
tùy duyên (tùy hoàn cảnh, cơ hội) dìu dắt họ tu hành. Lòng Bồ Tát ở đây là lòng Thầy (Cao Đài Tiên Ông). Đức Thượng Đế là
Thầy Trời, trong Kỳ Ba Phổ Độ xuống
thế gian xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ
Tát Ma Ha Tát. Mỗi khi niệm hồng danh này, sáu chữ Đại Bồ Tát Ma Ha Tát (Mahabodhisattva
Mahasattva) nhắc chúng ta nhớ đến
đại nguyện của Thầy khi xuống trần mở đạo:
“Nên hội Tam Giáo Công Đồng, Thầy
lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
Nếu các con chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”
(Đại Thừa Chơn
Giáo)
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.