Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

CHRISTNA HAY KRISHNA? / DI LẠC CHƠN KINH SƠ GIẢI

 


3. CHRISTNA HAY KRISHNA?

I. KHÁI NIỆM VỀ THÔNG CÔNG TẠI ĐÀN CƠ CAO ĐÀI

Trong một đàn cơ, vừa chú ý lắng nghe đồng tử xuất khẩu hay nghe độc giả đọc các chữ từ ngọn cơ viết ra, điển ký vừa chép lại thành văn bản (giống như học trò tiểu học viết chánh tả trong lớp).

Phần đông bộ phận thông công (đồng tử, độc giả, điển ký) là người miền Nam, lúc phát âm không phân biệt được các từ. Thí dụ, sáu chữ oan/oang, hoan/hoang, quan/quang, bà con mình chỉ đọc một giọng y như nhau là [waƞ].

Chẳng hạn, nói về quan/quang, trong kinh cúng tứ thời của đạo Cao Đài, bài Quế Hương nội điện, Văn Thỉ thượng cung . . . được tiền khai Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch, 1890-1947) mượn trong Văn Xương Đại Đỗng Chân Kinh 文昌大洞眞經 của đạo Lão.([1]) Hai câu chót theo bản gốc chữ Hán là / . Lẽ ra phải đọc và viết phân biệt là Trừng chơn chánh quan (quán) / Bửu quang từ tế Thiên Tôn; nhưng xưa nay bổn đạo vẫn đọc, và các bản kinh vẫn in là Trừng chơn chánh quang / Bửu quang từ tế Thiên Tôn. Đây chỉ là một trong nhiều sai sót chữ nghĩa mà người đạo Cao Đài chưa quan tâm khắc phục.

Do đặc điểm giọng miền Nam, gặp từ Hán Việt, hoặc không hiểu rõ nghĩa từ ngữ, điển ký dễ chép sai mà bộ phận kiểm duyệt của Hiệp Thiên Đài sơ ý sẽ để lưu hành một bản thánh giáo có chỗ chép sai nên khó hiểu, hoặc khiến hiểu sái nghĩa.

Nếu bộ phận thông công không có người rành ngoại ngữ (Anh, Pháp chẳng hạn) thì chắc chắn việc chép thánh giáo càng dễ mắc lầm lỗi về ngoại ngữ như đã xảy ra với bài Di Lạc Chơn Kinh. Nhân đây xin kể một trường hợp Thiêng Liêng ban ơn cho một vị biết tiếng Anh bổ sung vào ban điển ký giữa buổi hầu đàn:

Năm 1959 có hai vị nổi tiếng trong giới Thông Thiên Học (Theosophical Society) thế giới là ông Geoffrey Hodson (1886-1983, người Anh) và cô Sandra Chase (người Úc) ghé Sài Gòn để thăm Hội Thông Thiên Học Việt Nam (trụ sở ở Phú Nhuận, trên đường Võ Di Nguy nối dài).([2]) Dịp này, để tìm hiểu cơ bút Cao Đài, ông Hodson và cô Chase cùng một số hội viên Hội Thông Thiên Học ở Phú Nhuận đã xin hầu đàn tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân, Bến Vân Đồn, quận Tư, Sài Gòn).

Thế là vào giờ Tý ngày 15-8 Kỷ Hợi (Thứ Năm 17-9-1959), đàn cơ được thiết lập với bộ phận thông công thuộc Hiệp Thiên Đài của Văn Phòng Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt, gồm có các tiền bối: Hải Thần (pháp đàn); Huệ Đức (chứng đàn); Huệ Thanh (đồng tử). Ban điển ký có các tiền bối: Thái Quới, Bạch Mai, Hoa Thọ (chép phần tiếng Việt), sau đó bổ sung Thiên Vương Tinh (chép phần tiếng Anh).([3])

Đàn hôm ấy Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Thái Bạch giáng cơ. Sau khi dạy một số việc đạo bằng tiếng Việt, trong lẽ tùy duyên hóa độ, trước lúc thăng, Đức Lý từ bi để lời dạy riêng hai người khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Bởi thế, Đức Giáo Tông ban ơn cho một vị cũng đang hầu đàn hôm ấy được làm điển ký.

Trích lời dạy của Đức Lý:

... Nhưng giờ đây Lão muốn cho chư hiền nội bộ cũng như tân khách (4) được thỏa mãn một phần tế vi; còn cơ huyền bí là điều rất khó, muốn thấu đạt phải lắm công phu và nhiều khổ hạnh, chư hiền khá hiểu.[4] Vậy, Thiên Vương,([5]) hiền đệ lãnh nhiệm vụ điển ký để Lão dạy đôi lời gọi là kỷ niệm buổi hôm nay.

Sau đó, Đức Lý dạy hai vị đạo hữu Thông Thiên Học (ông người Anh và cô người Úc) như sau:

Dear Geoffrey Hodson and Sandra Chase. What accident! What happiness! It isn’t this time, but several times I have come to you in some cases in which you should use your intuition to know that.

Certainly, the connections between you and I, and also between you and Christ are always mixed up in each other. If you know that your duty in this world is to help all creatures with your heart by the way to propagate religious dogmas of God, that is you establish a bridge on which you should come back to God.

I always live in your heart. Many times, you were astonished to know that. As soon as I come out, you have a good thought to help mankind. There is nothing which could last for ever on the earth, except religious dogmas and love. You help everybody, that is you help yourselves. You love everyone, that is you love yourselves and love God. God loves all and saves all. When mankind love one another, there is no more war and they live a peaceful life.

The meeting of today is a precious memory and an occasion for you to know some good friends of the same way. That is enough. I hope to meet you next time. Good-bye.

Bản thánh giáo in ronéo năm xưa chỉ chép phần tiếng Anh,([6]) Huệ Khải dịch như sau:

Geoffrey Hodson và Sandra Chase nhị hiền. Bất ngờ thay! Diễm phúc thay! Đây không phải là lần đầu tiên, mà đã nhiều lần Lão đến với nhị hiền trong vài trường hợp và nhị hiền nên lấy trực giác để biết điều ấy.

Quả thực, những mối liên lạc giữa Lão với nhị hiền, cũng như giữa nhị hiền với Đức Ki-tô ([7]) luôn luôn hòa quyện lẫn nhau. Nếu nhị hiền biết rằng nhiệm vụ của nhị hiền trên đời này là hết lòng trợ giúp tất cả chúng sanh bằng cách phổ thông phổ truyền lẽ đạo Trời, thì đó là nhị hiền bắc một nhịp cầu đưa nhị hiền trở lại với Thượng Đế.

Lão luôn luôn sống trong tâm nhị hiền. Nhiều phen, nhị hiền đã ngỡ ngàng khi biết ra điều đó. Rồi liền ngay khi Lão xuất ra, nhị hiền có được một tư tưởng lành để trợ giúp loài người. Chẳng có gì trường tồn miên viễn trên đời này, ngoại trừ đạo lý và tình thương. Nhị hiền giúp mọi người, đó là nhị hiền giúp bản thân mình. Nhị hiền yêu mọi người, đó là nhị hiền yêu mình và yêu Thượng Đế. Trời yêu thương tất cả và cứu độ tất cả. Khi con người thương yêu nhau, chiến tranh không còn nữa và họ sẽ sống thái bình.

Cuộc gặp gỡ hôm nay là một ghi nhớ quý báu và là một cơ hội để nhị hiền biết được một số bạn lành cùng chung đường lối. Thôi đã đủ. Lão hy vọng gặp nhị hiền lần sau. Chào nhị hiền.

*

Trở lại với đặc điểm của bộ phận thông công như trình bày ở đầu bài viết này. Rõ ràng là cách phát âm, khả năng ngôn ngữ của các vị trong bộ phận thông công ảnh hưởng rất nhiều tới việc ghi chép lời dạy của Thiêng Liêng qua cơ bút. Do đó, bản văn Di Lạc Chơn Kinh gồm 1051 từ Hán Việt, cùng với hai lần chép ba danh hiệu Brahma, Shiva, và Krishna đã không tránh khỏi chép nhầm chữ.

Nơi đây xin nói tới chữ Christna in sai trong các ấn bản đã lưu hành bao nhiêu năm qua.

II. CHRISTNA NÊN SỬA LẠI LÀ KRISHNA

1. Ấn Độ Giáo 印度教 (Hinduism) là tôn giáo của người Ấn, cũng là tôn giáo cổ xưa nhất hoàn vũ, nhưng không biết ai là giáo tổ sáng lập. Hiện nay tôn giáo này lớn vào hàng thứ ba trên thế giới, với hơn 1,25 tỷ tín đồ, chiếm khoảng 15-16% số dân toàn cầu.

Ấn Độ Giáo còn gọi là Bà La Môn Giáo 婆羅門 (Brahmanism). Thuật ngữ Brahmanism do giáo sĩ Dòng Tên (Jesuit) người Bồ Đào Nha là Gonçalo Fernandes Trancoso tạo ra trong thế kỷ 16. Trong hai thế kỷ 18 và 19, tiếng Anh dùng Brahmanism phổ biến hơn Hinduism. Ở đây, tạm coi Ấn Độ Giáo đồng nghĩa với Bà La Môn Giáo.

Theo Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo), có một thể ba ngôi (tam vị nhất thể 三位一體: trimūrti) là Brahma (tiếng Anh, tiếng Pháp), Vishnu (tiếng Pháp: Vishnou), và Shiva (tiếng Pháp: Çiva, Shiva).

Brahma là đấng minh triết sáng tạo vũ trụ càn khôn (the Creator of the universe). Người Hoa dịch Brahma là 梵天 (Phạm Thiên) hay 梵摩 (Phạm Ma). Ấn Độ Giáo minh họa đấng sáng tạo là một vị có bốn cái đầu, từ mỗi đầu này sinh xuất ra một quyển kinh Veda; do đó bộ kinh Veda gồm bốn quyển: Rig Veda, Yajur Veda, Sama Veda, Atharva Veda. Theo tiếng Phạn (Sanskrit), Veda nghĩa là minh triết (wisdom). Người Hoa dịch âm (transliterating) Veda吠陀 (Phệ Đà); Rig Veda 梨俱吠陀 (Lê Câu Phệ Đà); Yajur Veda 夜柔吠陀 (Dạ Nhu  Phệ Đà); Sama Veda 娑摩吠陀 (Sa Ma  Phệ Đà), Atharva Veda阿闥婆吠 (A Thát Bà  Phệ Đà).

Vishnu là đấng thứ hai, đấng bảo tồn vũ trụ càn khôn (the Preserver). Người Hoa dịch âm Vishnu là 毗濕奴 (Bì Thấp Nô).([8]) Vishnu có mười hóa thân 化身 (avatars); Krishna là một hóa thân của ngài. Do đó, người Ấn thờ Vishnu qua chính hình tượng Vishnu, hoặc thay bằng hình tượng Krishna. Người Hoa dịch âm Krishna奎師那 (Khuê Sư Na) hay 剋里希納 (Khắc Lý Hy Nạp).

Shiva là đấng thứ ba, đấng hủy diệt (the Destroyer). Người Hoa dịch âm Shiva là 濕婆 (Thấp Bà).

Sở dĩ gọi Brahma, Vishnu, Shiva là tam vị nhất thể hay nhất thể tam phân 一體三分 vì tuy ba mà một; cả ba không tách rời nhau. Vũ trụ luôn luôn diễn ra đồng thời cả ba lực (powers) sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt (creation, preservation, destruction).

Trong lần giáng cơ đầu tiên tại Tam Tông Miếu (Minh Lý Thánh Hội, 82 Cao Thắng, phường 4, quận 3), ngày 07-6 Tân Dậu (Thứ Tư 08-7-1981), ngài Quảng Đức Chơn Tiên, thế danh Trần Văn Quế (1902-1980), thánh danh Huệ Lương,([9]) dạy về ba lực sáng tạo, bảo tồn, và hủy diệt trong luật Trời (Thiên lý) như sau:

Dầu sáng tạo, bảo tồn, hủy diệt

Một mà ba, ai biết lẽ Trời . . .

2. Theo sử quan Cao Đài, Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo) ra đời vào Nhất Kỳ Phổ Độ, phát triển cho tới ngày nay.

Đức Cồ Đàm (Gautama) thuộc thị tộc Thích Ca (Śākya) xuất thân trong truyền thống Bà La Môn, nhưng ngài tự mình tìm ra con đường tu hành riêng. Sau khi đắc đạo, Đức Phật phổ truyền một giáo pháp khác. Ngài là giáo tổ sáng lập Phật Giáo (Thích Ca Giáo, Thích Giáo). Theo sử quan Cao Đài, Phật Giáo ra đời vào Nhị Kỳ Phổ Độ, phát triển cho tới ngày nay.

Trước khi đạo Cao Đài ra đời, thế gian chỉ mới quan niệm về Tam Giáo (Khổng, Lão, Thích; hay Nho, Tiên, Phật). Ngày nay đạo Cao Đài đưa ra quan niệm mới là Tam Giáo Đạo, gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo với ý nghĩa rộng hơn Tam Giáo. Chẳng hạn, sử quan Cao Đài xem Ki-tô Giáo (Thiên Chúa Giáo, Tin Lành…) và Hồi Giáo (Islam) cùng một hệ, gọi là THÁNH ĐẠO; xem Bà La Môn Giáo, Thích Ca Giáo, Pythagore Giáo (Pythagoreanism: Tất Đạt Ca Lạp Tư Giáo 畢達哥拉斯教) cùng một hệ, gọi là PHẬT ĐẠO.([10])

Do mở rộng thuật ngữ Tam Giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ thành Tam Giáo Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ, nên thành ngữ Tam Giáo Đồng Nguyên, hay Tam Giáo Quy Nguyên (nhắc tới Nho, Lão, Thích) ngày nay được giáo lý Cao Đài mở rộng thành mệnh đề: Từ Đại Đạo phát sinh Tam Giáo Đạo, từ Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo.

Phương Tây gọi tam vị nhất thể của Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo) là Triad Gods hay Triad Deities. Người Việt thường gọi ba vị là Thượng Đế Ba Ngôi. Ngày nay, đạo Cao Đài xem Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo) thuộc Phật Đạo, và Di Lạc Chơn Kinh gọi ba đấng thiêng liêng tối trọng của Ấn Độ Giáo (Bà La Môn Giáo) là Phật (Buddhas), gồm có: Brahma Phật, Shiva Phật, Krishna Phật.

Tóm lại, từ nay trở đi, khi tụng hay in ấn Di Lạc Chơn Kinh, thay vì CHRISTNA hãy sửa cho đúng là KRISHNA.

Nhiêu Lộc, 05-9-2020

HUỆ KHẢI



([1]) Để hiểu rõ hơn nguồn gốc bài kinh này, có thể tham khảo: Huệ Khải, Tìm Hiểu Hai Bài “Tiên Thiên Khí Hóa” Và “Quế Hương Nội Điện”. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, 2012.

([2]) Ngày 04-4-1985 đổi tên là đường Nguyễn Kiệm cho tới nay.

([3]) Pháp đàn (seance protector) giữ nhiệm vụ trấn đàn, họa phù (vẽ bùa) không cho tà quái xâm nhập, v.v… và chịu trách nhiệm chung trong buổi lập đàn. Những người chứng đàn (seance testifiers) có trách nhiệm làm chứng rằng đàn cơ đã lập và thánh giáo đã tiếp nhận được là chân thật, đúng như họ đã chứng kiến. Đồng tử có thể là một người (medium), nếu gồm hai người, gọi là song đồng hay đồng tử âm dương (pair of mediums). Đồng tử thủ cơ (cầm cơ), hoạt động như một điện đài (radio transmitter). Nếu đồng tử viết ra chữ trên mặt bàn (writing medium), thì cần một độc giả (dictating person) nhìn vào chữ, xướng lên rõ tiếng cho điển ký chép lại. Nếu là đồng tử xuất khẩu (speaking medium), chính miệng đồng tử phát ra tiếng nói, thì không cần độc giả. Một ban điển ký (jotting team) có nhiệm vụ chép lại những lời đồng tử xuất khẩu, hoặc độc giả xướng lên. Ban điển ký thường gồm từ hai tới bốn người, để ngay sau buổi lập đàn, đối chiếu các phần ghi chép mà hiệu chính cho khỏi sai sót. Trong đàn cơ ngày 17-9-1959 nêu trên, khi đồng tử xuất khẩu, chuyển sang nói tiếng Anh thì đương nhiên cần người biết tiếng Anh để ghi chép lại. Do đó ban điển ký lúc đầu chỉ có ba vị, sau được bổ sung vị nữa là tiền bối Thiên Vương Tinh.

([4]) Ông Geoffrey Hodson và cô Sandra Chase.

([5]) Thiên Vương Tinh (1924-2020).

([6]) Huệ Khải được tiền bối Chơn Tâm trao tặng thánh giáo này vào giữa thập niên 1980. Tiền bối thế danh Nguyễn Triệu Kha (1908-1995), thọ Thiên ân làm Phụ Tá Bảo Pháp Chơn Quân, thuộc Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Tiền bối được thăng lên Bảo Pháp Chơn Quân (1985), đắc quả Viên Thông Chơn Tiên (2009).

([7]) Jesus Christ: Đức Giê-su Ki-tô.

([8]) Còn dịch Vishnu là: 違紐 (Vi Nữu), 違紐天 (Vi Nữu Thiên), 毘紐 (Bì Nữu), 毘瑟紐 (Bì Sắt Nữu), 毘搜紐 (Bì Sưu Nữu), v.v…

([9]) Ngài Huệ Lương thọ Thiên ân giữ ba trọng nhiệm: a/ Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, b/ Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, c/ Vĩnh Tịnh Sư Minh Lý Thánh Hội.

([10]) Tham khảo: Lịch Trình Hành Đạo do Đức Lê Đại Tiên ban cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, giờ Tuất, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966).