2. DI
LẶC HAY DI LẠC?
I. Nhị Kỳ Phổ Độ gọi là Di Lặc
Maitreya (tiếng
Phạn, Sanskrit) có nghĩa là thân
thiện hay nhân từ (friendly, benevolent).([1])
Người Hoa khi
dịch hồng danh Maitreya hay Metteyya (tiếng Pali) ra chữ Hán đã viết
là 彌勒. Người Việt đọc và viết là Di Lặc. Đây là truyền thống kinh điển
Phật Giáo Hán tạng trong Nhị Kỳ Phổ Độ.
Cách dịch của
người Hoa không liên quan chi tới nghĩa thân
thiện, nhân từ của từ Maitreya. Bản
thân chữ lặc này trong chữ Hán có
nhiều nghĩa như sau:
1. (Danh từ) Cái dàm
để chằng đầu và mõm ngựa. Thí dụ, mã lặc
馬勒 (bridle): Dây cương ngựa.
2. (Động từ) Ghì,
gò. Thí dụ, lặc mã 勒馬 (reining in a horse): Ghì (gò) cương ngựa
cho đi chậm lại. Từ nghĩa này, có thêm các nghĩa như:
2.1. (Động từ) Kềm chế, bắt buộc. Thí dụ, giáo lặc tử tôn 教勒子孫 (disciplining one’s offspring): Dạy dỗ, kềm chế con cháu (bắt chúng
vào khuôn phép).
2.2. (Động từ) Đè
nén, áp chế (throttling, supressing);
bóp cổ cho chết ngạt (strangling).
Thí dụ, lặc tử 勒死 (strangling, throttling): bóp cổ hoặc thắt cổ cho nghẹt thở đến
chết.
3. (Động từ) Khắc
chữ (carving, engraving). Thí dụ, lặc thạch 勒石 (carving words
in stone): Khắc chữ lên đá; lặc bi
勒碑 (carving a stele): Khắc chữ lên bia.
4. (Động từ) Cầm
quân. Thí dụ, lặc binh lai kinh 勒兵來京 (leading soldiers to the capital); Thống lĩnh quân binh kéo về kinh thành.
Qua những nghĩa dẫn
trên, quả thật chữ lặc 勒 không liên quan gì tới hồng danh Maitreya. Người Hoa khi nói mí lè (Di Lặc) có lẽ cũng chả nghĩ gì
tới bộ cương ngựa hay ý nghĩa trói buộc, áp bức hàm chứa trong đó.
Vậy, nói hay viết
DI LẶC, tức là noi theo truyền thống kinh điển Phật Giáo Hán tạng trong Nhị Kỳ
Phổ Độ.
II. Tam Kỳ Phổ Độ gọi là Di Lạc
1. Trong Tam Kỳ Phổ
Độ, thánh ngôn và thánh giáo Cao Đài thoát ra khỏi cách dịch trong kinh Phật Hán
tạng, mang lại cho hồng danh Maitreya
(Metteyya) một ý nghĩa đẹp. Thật vậy:
- Di 彌 có những nghĩa này: Trọn, đầy (full,
complete); khắp cả (everywhere);
lâu dài (lasting); thêm hơn (more).
- Lạc 樂 là vui
sướng (cheerful, happy).
Theo kinh điển từ
Nhị Kỳ Phổ Độ sang qua Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lạc làm chủ mở Hội Long Hoa, lập
đời thánh đức, nhân loại thái hòa. Thế thì Di Lạc mà mang nghĩa sướng vui tràn đầy, lâu dài, khắp cả thì
rất phù hợp.
2. Trong đạo Cao
Đài, nhiều lần Đức Di Lạc giáng cơ, xưng danh qua các bài thơ quán thủ (khoán
thủ) hay quán tâm (khoán tâm). Những dịp đó, Ngài dùng chữ Lạc theo nghĩa vui sướng như nói trên. Chẳng hạn:
2.1. Vào năm Ất Hợi
(1935), Ơn Trên ban cho quyển kinh Thánh Đức Chuyển Mê. Ngày 03-6 Ất Hợi (Thứ Tư 03-7-1935), Đức Di
Lạc Thiên Tôn giáng đàn, xưng danh qua bài thơ quán tâm như sau:
Đạo đức DI truyền máy nhiệm sâu
Huyền vi LẠC cảnh đạt cơ mầu
Hào quang THIÊN mạng soi trần tối
Chiếu sắc TÔN oai diệt tận sầu.
Trong câu 2, LẠC là vui; lạc cảnh
樂景 là cảnh vui (cheerful
scenery).
2.2. Năm Bính Tý
(1936), Ơn Trên ban Thánh Đức Chơn Kinh. Trong một đàn
cơ (không ghi ngày), Đức Di Lạc Thiên Tôn giáng lâm, xưng danh qua bài thơ quán
thủ như sau:
DI luân chuyển động
mối cơ Trời
LẠC thú thông đồng đặng thảnh thơi
THIÊN võng khôi khôi
nào có lậu
TÔN truyền yếu nhiệm sửa cơ đời.
Trong câu 2, LẠC
là vui; lạc thú 樂趣 là thú vui, niềm
vui (pleasure, joy).
2.3. Cũng trong quyển Thánh
Đức Chơn Kinh này, bài thứ mười (nhan đề Chơn Truyền Đạo Giáo), Ngài
xưng hồng danh Di Lạc Tuyên Quang Phật như sau:
DI
truyền chơn giáo buổi tang thương
LẠC đạo nhàn tâm kẻ biết đường
TUYÊN bố mối giềng cùng
chúng khổ
QUANG minh chơn lý với tai
ương
PHẬT Đà pháp nhiệm chưa ai
rõ
Giáng thế huyền vi mấy kẻ
tường
Ngọc điệp lưu ly trau quý
giá
Đàn Tiên học tập lánh trần
dương.
Trong câu 2, LẠC (động từ) là vui; lạc đạo 樂道 là vui với đạo (feeling
pleasure in following righteous principles).
2.4. Đầu tháng 2 Mậu Dần (1938), Ơn Trên ban cho quyển kinh Thánh
Đức Chơn Truyền. Trong một đàn cơ (không ghi ngày), khi giáng dạy đề
tài Dại Khôn, Đức Di Lạc xưng danh
qua bài thơ bát cú với hai câu mở đề như sau:
DI truyền chơn giáo buổi Tam Kỳ
LẠC đạo tâm thành khả đắc tri . . .
Trong câu 2, lạc
đạo 樂道 cùng nghĩa như câu 2
bài 2.3 dẫn trên.
Tóm lại, nói hay viết DI LẠC là theo Tam Kỳ Phổ Độ,
với ý nghĩa Lạc là vui. Nghĩa vui này
cũng phù hợp với hình ảnh rất quen thuộc trong dân gian: Đức Di Lạc là vị Phật
dáng ngồi thoải mái, miệng cười rạng rỡ, như các ảnh tượng lưu truyền xưa nay
(và được chọn in lại rải rác trong tập Sơ
Giải này).
3. Tuy nhiên, cần
lưu ý: Khi viết DI LẠC ra chữ Hán, không thể lúc nào cũng viết Di là 彌 (tròn đầy, đầy
đủ: full, complete). Chẳng hạn, theo
chữ Di trong ba bài 2.1, 2.3. và 2.4 trên đây, thì Di 遺
là
lưu truyền, truyền lại (handing down).
Trong bài 2.2, có thể hiểu Di 移 là biến đổi, di dời, chuyển dịch (changing, moving, removing…).
Đạo
Cao Đài dùng tiếng Việt làm pháp ngữ (法語: Dharma language) để dạy đạo Kỳ Ba. Ơn Trên thường dùng từ Hán Việt
đồng âm dị nghĩa (homonymous) trong
các thánh thi xưng danh, mặc dù những từ Hán Việt đó viết chữ Hán khác nét và ý
nghĩa khác hẳn. Thí dụ:
Trên
đây giảng chữ Lạc trong Di Lạc là vui. Nhưng trong một đàn cơ tại Trúc Lâm
Thánh Đức Thiền Điện,([2]) giờ Tuất, ngày
17-7 Tân Hợi (Thứ Hai 06-9-1971), Đức Di Lạc Thiên Tôn ban cho bài thánh thi
xưng danh quán thủ như sau:
DI chúc ngàn năm để lại rồi
LẠC Hồng Viêm Việt chúng dân ôi
THIÊN nhân tác hợp càn khôn định
TÔN chỉ Cao Đài chỉ thế thôi.
Chữ Di
trong câu 1 trên đây cũng là Di 遺 trong ba bài 2.1, 2.3. và 2.4. Chữ Lạc trong câu 2 không phải là lạc 樂 (vui) đã nói ở 2.1, 2.2, 2.3, 2.4. Nơi đây, lạc 雒 là chim lạc 雒鳥 (lạc điểu); Lạc Hồng 雒鴻 là chim lạc, chim hồng. Thành ngữ con Lạc cháu Hồng là nói tới dòng giống
người Việt
Vài diễn giải như trên để chúng ta lưu ý tới cách dùng từ Hán Việt
(cùng âm khác nghĩa) trong các bài thánh thi xưng danh ngõ hầu có thể hiểu đúng
nghĩa.
Nhiêu Lộc, 20-9-2020
HUỆ KHẢI