5. VÀI NÉT VỀ ĐỨC DI LẠC XƯA VÀ NAY
1. Theo
tiếng Phạn, hồng danh Đức Phật là Maitreya, do gốc maitrī nghĩa là từ ái (loving-kindness).([1]) Nhưng khi dịch âm Maitreya
thành Di Lặc 彌勒
người Hoa đã không giữ được ý nghĩa này của từ gốc (xem thêm
Phụ Đính 2, tr. 81).
Đức Di Lạc
là Đức Phật vị lai theo giáo thuyết về hạ nguơn mạt kiếp,([2]) nói rằng từ cõi trời Đâu Suất (兜率天: Tuṣita Heaven) một Đấng Bồ Tát sẽ giáng sanh cõi thế gian, giác ngộ
viên mãn, và trung hưng chánh pháp. Là Đức Phật kế tiếp Đức Thích Ca Mâu Ni, Ngài
cai quản toàn thế giới tương lai.
Lời tiên
tri về thế giới hoàng kim của Ngài được nói tới rất sớm trong quyển kinh Phật
tiếng Phạn (Sanskrit) nhan đề Maitreyavyākaraṇa. Tam Tạng
Pháp Sư Nghĩa Tịnh 義淨 (635-713) phụng mệnh vua Đường dịch
sang chữ Hán là 佛說彌勒下生成佛經 (Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật Kinh). Kinh này miêu tả thế giới hoàng kim tương lai trong thời đại Đức Di Lạc
làm chủ như sau:
Chúng sanh ở cõi ấy / Đầy đủ và sung mãn / Cõi nước
giàu, tốt đẹp / Không hình phạt, tai nạn / Các nam nữ cõi này / Sanh ra từ
thiện nghiệp / Đất không có gai góc / Cỏ xanh mọc mềm mại / Như trải thảm nhung
êm / Người đi rất vừa ý / Tự nhiên sanh gạo thơm / Đầy đủ chất thơm ngon / Các
cây sanh y phục / Màu sắc đều tốt đẹp / Cây cao ba câu xá ([3]) / Hoa quả rất sum suê / Người
trong cõi nước này / Tuổi thọ tám vạn năm / Không có các bệnh khổ / Thân tâm
thường an lạc / Đủ các tướng đoan nghiêm / Sắc lực đều viên mãn, v.v…([4])
2. Tuy thế giới hoàng kim của Đức Di Lạc chưa hình
hiện, nhưng khi Đức Chí Tôn mở đạo Cao Đài thì trong số rất nhiều Đấng thiêng
liêng giáng trần, mượn cơ bút dạy đạo Kỳ Ba có Đức Di Lạc. Tại Trước Lâm Thánh
Đức Thiền Điện (Vĩnh Long), đàn cơ giờ Tuất ngày 17-7 Tân Hợi (Thứ Hai 06-9-1971),
Đức Di Lạc Thiên Tôn giáng lâm dạy đạo. Dịp này Ngài giảng về lý do Di Lặc
thời xưa đổi thành Di Lạc ngày nay. Đức Di Lạc Thiên Tôn dạy về lẽ biến
dịch ấy như sau (trích):
Thật sự câu Phật pháp bất ly thế gian pháp [佛法不離世 間法] là một câu có giá trị muôn đời. Vậy, Phật pháp là chi? Và thế gian
pháp là chi?
Chư hiền đệ ôi! Nếu nói là pháp, dù thế gian
pháp hay Phật pháp đều phải vướng mắc trong vòng luân chuyển biến thiên. Bởi
chữ pháp, nếu phát xuất từ Đạo vô thượng mà thị hiện xuống thế gian thì trở
thành cái pháp tùy thời tùy lúc để giúp cho các pháp của thế gian đi đúng chiều
hướng của nó trong định luật thiên nhiên.
Tại sao pháp 法 phải biến đổi
không ngừng? Vì nó viết lên bởi chữ thủy氵là nước và
chữ khứ 去 là đi. Dòng nước cứ
mãi mãi trôi đi từ thời gian này đến thời gian khác, từ nơi này đến nơi kia,
nên đời thường nói dòng thế sự, dòng thiên diễn, dòng định mệnh. Tất cả những
hình thái ấy không hẳn cố định một nơi. Đến cả cái pháp của Phật thể hiện bên
ngoài là giới luật, là điều quy, nào Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Diệu Đế, và Bát
Chánh Đạo, v.v... cũng tùy thời gian và tùy địa phương mà ứng nghiệm.
Còn thế gian pháp là chi? Là những sự nghiệp
giả tạm của cõi đời nhiều ý tưởng tham dục – những ý tưởng tham dục ảo hóa ngự
trị trong tâm hồn nhơn loại. Nếu nó không được gần gũi với Phật pháp, hay nếu
Phật pháp ly thế gian pháp thì nhơn loại muôn đời vẫn phải luân hồi trong sáu
nẻo trầm kha khổ lụy và không thiết đến sự quay về với căn rễ của con người,
của điểm linh quang sáng suốt nơi Thượng Đế phát ban.
Chư hiền đồ thấy chăng? Danh hiệu của Thiên
Tôn từ lâu thì gọi là Di Lặc, và ý
nghĩa trong nó có khác, ngoài cái tên để gọi một vị Phật. Rồi ngày nay ở ven
trời này nhiều người lại gọi là Di Lạc.
Nếu phân tích nội dung nghĩa lý thì có khác – ngoài hai tiếng gọi tên một vị
Phật đó – cho chư hiền đồ thấy vạn pháp đều biến đổi không ngừng như dòng nước,
như dòng đời, như dòng thiên diễn.
(Pháp
đàn: Thiện Đức. Đồng tử: Thanh Căn)
HUỆ KHẢI
([1]) Shuhmacher, Stephan, and Gert Woerner. The
Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion: Buddhism, Hinduism, Taoism,
Zen.