4. TỤNG 54 HỒNG DANH ĐỂ TU THÂN
I. Tụng kinh tìm lý
Chơn Ngôn Yếu Quyết 真言要訣 (quyển thứ nhứt) có câu này: Độc kinh giả vi cầu kỳ lý. 讀經者為求其理. (Người đọc kinh là tìm lý lẽ của
kinh.) Quyển này lại nói thêm: Bất giải độc kinh cầu lý dĩ chiếu tâm, hà kỳ ngu tai! 不解讀經求理以照 心, 何其愚哉! (Không hiểu rằng đọc
kinh là tìm lý lẽ của kinh để soi sáng lòng mình, kẻ ấy sao ngu muội vậy!)
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, người xưa nói như trên tuy nặng lời,
nhưng chỉ vì từ bi muốn soi sáng lòng chúng sanh, giúp bá tánh hiểu rõ mục đích
thật sự của việc tụng kinh.
Sang Tam Kỳ Phổ Độ, tại Giáo Hội Tiên Thiên
Minh Đức, ngày 20-9 Đinh Mùi (Thứ Hai, 23-10-1967), Đức Nhị Trấn Oai Nghiêm
Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai giáng cơ dạy như sau:
Sách kinh là đuốc rọi đàng
Dạy đời
học đạo hành tàng thế nao.
Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu
Đọc kinh
coi Phật biểu làm chi
Ráng làm ăn ở cho y
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.
Đọc kinh rồi hiểu lời Phật dạy
Thì chớ làm trái lại sách kinh . . .
Đức Bồ Tát nhắc nhở như thế bởi vì hầu
như phần đông tín hữu tuy thuộc lòng từng câu từng chữ, tuy siêng năng tụng
kinh trong các thời cúng, nhưng hầu như ít người hiểu rõ ý nghĩa (nhất là các
kinh hoàn toàn dùng từ Hán Việt), do đó miệng đọc ra tiếng mà trong trí rất mơ
hồ. Đức Bồ Tát nêu rõ chỗ đáng thương này của bổn đạo như sau:
Tụng kinh như thể nói vè
Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.
Chẳng khác nào như ong vò vẽ
Tiếng nhỏ
to thỏ thẻ vu vu
Tụng nhiều
mới gọi rằng tu
Đọc nhiều
cho Phật công phu mới nhiều.
Đó là tu theo chiều mê tín
Biết bao giờ tâm thánh mở mang . .
.
Nói cách khác, tụng kinh là để noi theo
kinh cố gắng sửa đổi tâm phàm tánh tục trở nên tâm thánh tánh hiền, bằng cách
hiểu rõ nghĩa câu kinh mà ứng dụng cho bản thân. Tụng kinh thật ra là tụng cho
mình, nào phải tụng cho Phật Trời, Tiên Thánh nghe. Đức Bồ Tát Quan Âm xác
định:
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe . . .
Thế thì, khi tụng 54 hồng danh Phật, Bồ
Tát trong Di Lạc Chơn Kinh nào phải
để xưng tán công đức các Đấng. Các Đấng cần chi những xưng tán ấy. Trái lại,
mỗi hồng danh đều có một ý nghĩa. Tụng một hồng danh tức là tự nhắc nhở rằng
muốn tu thành Tiên Phật thì bản thân người tín hữu cần nói, nghĩ và làm đúng
theo ý nghĩa ẩn chứa trong hồng danh ấy.
Sau đây là chút ý thô thiển, thử đề nghị tín hữu chúng
ta cùng suy niệm về nghĩa lý từng hồng danh. Với công trình tu tập sâu dày và
công phu tịnh luyện tinh nghiêm, mỗi vị tín hữu Cao Đài sẽ tự khám phá thêm
nhiều lẽ sâu kín.
II. Nam mô là gì?
1. Khi chắp tay thành kính niệm một hồng danh,
chúng ta mở đầu với hai chữ Nam mô. Hai chữ này do tiếng Sanskrit là Namaḥ, tiếng Pali là Namo. Tiếng Anh thường không dịch,
mà mượn luôn tiếng Pali là Namo.
Theo Trung Anh Phật Học Từ Điển (中英佛學辭典 A
Dictionary of Chinese Buddhist Terms), của William Edward Soothill và Lewis
Hodous, Nam mô có nghĩa như sau:
Nam mô 南無 đồng nghĩa với quy mạng 歸命. Quy mạng là dâng hiến sinh mệnh của
mình cho Đức Phật, phó thác đời mình cho Đức Phật, vâng theo lời Đức Phật dạy (devoting
one's life to Buddha, entrusting one’s life to Buddha, obeying Buddha's
teaching). Nam mô Phật 南無佛 nghĩa là “Con xin phụng hiến trọn vẹn bản
thân con cho Đức Phật.” (I devote myself
entirely to Buddha.)
2. Khi cúng trước Thiên Bàn, chúng ta làm dấu
trên trán, và niệm: Nam mô
Phật. Nam
mô Pháp. Nam
mô Tăng. Như vậy có nghĩa chúng ta quy mạng Tam Bảo, tức là đem cả thân và
tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Mà “Quy y là trở về để nương tựa”.()
- Nam mô Phật là quy y Phật, tức là trở về và nương tựa
vào Đức Chí Tôn.()
- Nam mô Pháp là quy y Pháp, tức là trở về và nương tựa
vào chánh pháp Thầy truyền dạy Kỳ Ba.
- Nam mô Tăng là quy y Tăng, tức là trở về và nương tựa vào các bậc Thiên ân hướng
đạo chơn tu giúp Thầy dìu dắt đàn em (các tín hữu). Chức sắc đủ đầy tâm, hạnh, đức, tài là Tăng
cho tín hữu trở về và nương tựa vào.
III. Thực
hành niệm hồng danh để tu thân
Khi chắp tay cung kính niệm hồng danh mỗi vị Phật, Bồ Tát trong Di Lạc Chơn Kinh, tức là người tín hữu
nguyện trở về và nương tựa vào mỗi Đấng để nói, nghĩ và làm theo ý nghĩa hồng
danh của Ngài. Mỗi hồng danh là một hạnh
để tu tập. Tụng Di Lạc Chơn Kinh là
thực hành 54 hạnh để tu thân.
1. Nam
mô Di Lạc Vương Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật là Vua
các điều vui sướng tràn đầy, lâu dài và rộng khắp. Vì vậy, con không gây tội lỗi để sống vui, và con còn biết làm
cho người khác được vui.
2. Nam
mô Brahma Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật là Đấng Sáng Tạo. Vì vậy, con không sát sanh, không hủy hoại
sự sống được Ngài tạo ra.
3. Nam
mô Shiva Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật là Đấng Hủy Diệt. Vì vậy, con luôn xem xét bản thân để hủy
diệt những lời nói, ý nghĩ, việc làm tà vạy.
4. Nam mô Krishna Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào
Đức Phật là Đấng Bảo Tồn. Vì vậy, con
luôn giữ cho chân thiện mỹ trường tồn.
5. Nam
mô Thanh Tịnh Trí Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách giữ
tâm trí con trong sạch.
6. Nam
mô Diệu Minh Lý Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách khéo
làm sáng lẽ Đạo để con hiểu rõ và giúp nhơn sanh hiểu rõ.
7. Nam
mô Phục Tưởng Thị Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách phục hồi cách nghĩ, cách nhìn của con đúng theo
chánh đạo.
8. Nam
mô Diệt Thể Thắng Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức
Phật bằng cách diệt cho xong những cám
dỗ của thể xác.
9. Nam
mô Phục Linh Tánh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn công phu để phục hồi tánh linh của con.
10. Nam
mô Trụ Thiện Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách sống với lời lành, ý lành, việc lành.
11. Nam
mô Ða Ái Sanh Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách rất yêu quý sự sống Đức Thượng Đế ban cho.
12. Nam
mô Giải Thoát Khổ Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn tu tập để giải thoát đau khổ cho con và cho người
khác.
13. Nam
mô Diệu Chơn Hành Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách thực hành lẽ thật huyền diệu để không trao cho đời bánh vẽ.
14. Nam
mô Thắng Giới Ác Phật. Con nguyện trở về và nương tựa vào Đức Phật bằng cách khéo ngăn ngừa con khỏi gây điều ác.
15. Nam
mô Nhiên Đăng Cổ Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh
tấn công phu để thắp sáng ngọn đèn trí huệ trong con.
16. Nam
mô Tiếp Dẫn Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tiếp nhận và dẫn
dắt người có tâm tu tìm được chánh đạo.
17. Nam
mô Phổ Tế Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách cứu giúp
rộng khắp.
18. Nam
mô Tây Quy Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh
tấn tu tập để linh hồn được trở về Tây phương cực lạc.
19. Nam
mô Tuyển Kinh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách chọn
lựa kinh sách đúng chánh pháp để tu học.
20. Nam
mô Tế Pháp Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách thực hành pháp
môn cứu độ.
21. Nam
mô Chiếu Duyên Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách soi rọi các duyên,
noi theo duyên lành giúp con tinh tấn, tránh xa duyên không lành để khỏi vấp ngã
trên đường tu.
22. Nam
mô Phong Vị Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tu chứng để được Đức Chí Tôn ban phong ngôi vị thiêng liêng.
23. Nam
mô Hội Chơn Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách siêng chăm tu học để hiểu rõ các lẽ thật.
24. Nam
mô Kim Bàn Phật Mẫu. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật Mẫu bằng cách luôn ghi nhớ Đức Mẹ hằng trông ngóng
con tu chứng để về được Diêu Trì Cung dự Hội Yến Bàn Đào.
25. Nam
mô Quảng Sanh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách sống rộng mở.
26. Nam
mô Dưỡng Dục Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách nuôi dưỡng thân xác lành mạnh làm phương
tiện tu hành.
27. Nam
mô Chưởng Hậu Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách vun trồng lòng nhân nơi con và rộng rãi cứu giúp người hoạn nạn.
28. Nam
mô Thủ Luân Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách giữ gìn nhân luân trong đời sống.
29. Nam
mô Cửu Vị Nữ Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Chín Vị Nữ Phật Diêu Trì Cung để
được hộ trì.
30. Nam
mô Từ Hàng Bồ Tát. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Bồ Tát bằng cách góp sức chèo chống thuyền từ Kỳ Ba là tôn
giáo Cao Đài.
31. Nam
mô Ða Pháp Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tri hành các pháp.
32. Nam
mô Tịnh Thiện Giáo Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách siêng chăm tu học
để nắm được giáo lý hoàn toàn tốt đẹp.
33. Nam
mô Kiến Thăng Vị Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn tu tập để
tự lập cho con ngôi vị cao thăng.
34. Nam
mô Hiển Hóa Sanh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn tu tập
để biến đổi rõ ràng sự sống của con được nên thiện lành.
35. Nam
mô Trục Tà Tinh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách xua đuổi tà quái
yêu tinh ra khỏi lời nói, ý nghĩ, việc làm của con.
36. Nam
mô Luyện Ðắc Pháp Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tu luyện cho được
các pháp đã học.
37. Nam
mô Hộ Trì Niệm Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách bảo vệ và nâng đỡ
việc tụng niệm của người tu hành.
38. Nam
mô Khai Huyền Cơ Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật để được khải ngộ cơ Trời
huyền diệu.
39. Nam
mô Hoán Trược Tánh Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách thay đổi tánh
chất dơ bẩn nơi con trở thành trong sạch.
40. Nam
mô Ða Phúc Ðức Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách gây tạo được nhiều
phúc đức.
41. Nam
mô Chuẩn Đề Bồ Tát. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Bồ Tát bằng cách giữ lòng thanh tịnh.()
42. Nam
mô Phổ Hiền Bồ Tát. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Bồ Tát bằng cách tinh tấn tu tập cho nên tài đức để phụng
sự Đạo.()
43. Nam
mô Diệt Tướng Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách diệt trừ hình
tướng, không chấp các tướng.
44. Nam
mô Ðệ Pháp Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách truyền bá chánh pháp.
45. Nam
mô Diệt Oan Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách không gây oan
trái, sống công bình với mọi người.
46. Nam
mô Sát Quái Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tiêu trừ lời nói,
ý nghĩ, việc làm tà quái nơi con.
47. Nam
mô Ðịnh Quả Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn tu tập
để quyết định kết quả cho con.
48. Nam
mô Thành Tâm Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách thành tâm tu học
và sống thành thật với mọi người.
49. Nam
mô Diệt Khổ Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách diệt trừ những
nguyên nhân gây khổ cho con và con cũng không gây khổ cho người khác.
50. Nam
mô Kiên Trì Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách kiên trì vượt qua
mọi chướng ngại trên đường tu.
51. Nam
mô Cứu Khổ Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tinh tấn tu học để
cứu khổ cho con và cho người khác.
52. Nam
mô Xá Tội Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách tha tội cho người khác và xin Ngài tha tội cho con.
53. Nam
mô Giải Thể Phật. Con nguyện trở về
và nương tựa vào Đức Phật bằng cách giải thoát thân
thể con khỏi những trói buộc vì dục vọng.
54. Nam
mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Con nguyện trở về và nương tựa vào
Đức Chí Tôn bằng cách tôn kính bình đẳng các tôn giáo, và làm sáng tỏ lẽ thật
rằng Thầy đến Kỳ Ba để đưa Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo.()
Nhiêu Lộc, 22-9-2020
HUỆ KHẢI