Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

TỪ TỨ CÚ KỆ ĐẾN KHAI KINH KỆ / DI LẠC CHƠN KINH SƠ GIẢI

 


1. TỪ TỨ CÚ KỆ ĐẾN KHAI KINH KỆ

Kệ là bài tụng có vần điệu, đọc ngân nga. Thuật ngữ này gốc tiếng Phạn (Sanskrit) là gāthā và chuyển âm Hán là cà đà 伽陀, cà tha 伽他, kệ đà 偈陀/偈佗, gọi tắt là kệ; hoặc ghép âm Phạn với nghĩa Hán gọi là kệ cú 偈句, kệ ngôn 偈言, kệ ngữ 偈語, kệ tụng 偈頌, kệ văn 偈文. Tiếng Anh thường dịch là hymn, verse, hoặc mượn luôn gốc Phạn là gatha.

I. TỨ CÚ KỆ 四句偈 gồm bốn câu (mỗi câu có bốn, năm, hay bảy chữ). Thí dụ:

1. Kinh Pháp Cú tóm lược hết giáo lý nhà Phật trong bốn câu kệ (mỗi câu bốn chữ) như sau:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.

(Các điều ác chớ làm

Vâng làm các điều lành

Giữ tâm ý trong sạch

Là lời chư Phật dạy.)

2. Đức Phật kết thúc Kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ (mỗi câu năm chữ) như sau:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

(Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng

Như sương, như chớp lóe

Hãy quán chiếu như thế.)

3. Bài kệ nổi tiếng của Đức Lục Tổ Huệ Năng (638-713) chép trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Hành Do phẩm đệ nhất), gồm bốn câu (mỗi câu năm chữ) như sau:

Bồ đề bản vô thụ

Minh kính diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

(Bồ đề chẳng phải cây

Gương sáng chẳng phải đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào vướng trần ai?)

4. Bài kệ của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư (?-1018) dạy môn đệ trước khi liễu đạo gồm bốn câu (mỗi câu bảy chữ) như sau:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Hòa thượng Thích Mật Thể (1913-1961) dịch:

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời

Sá chi suy thịnh việc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

5. Theo Đoàn Trung Còn (Tự Điển Phật Học, quyển 3), tứ cú kệ chứa đựng hết ý nghĩa đạo lý tóm lược trong bốn câu. Chư Phật, chư Tổ thường dùng tứ cú kệ truyền cho đệ tử hoặc để khai ngộ hay để phó chúc. Người hữu duyên nghe một tứ cú kệ, có thể giác ngộ, tu cho tới lúc thành đạo.

II. KHAI KINH KỆ 開經偈 là tứ cú kệ được đọc trước khi tụng một quyển kinh hay một bài kinh theo nghi thức tụng kinh Phật. Nghi thức này có thể thay đổi nội dung tùy theo tụng kinh gì, và tùy theo chư tăng mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn nghi thức tụng Kinh Kim Cương ở Đài Loan ([1]) có chút khác biệt với nghi thức được ghi trong bản dịch Kinh Kim Cương của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) tại Việt Nam.([2]) Kể vắn tắt như sau:

1. Trước tiên chắp tay (合掌 hợp chưởng) tụng bài Lô Hương Tán 爐香讚 (tán lư nhang): Lô hương sạ (xạ) nhiệt, v.v… (爐香乍爇, v.v…) Rồi niệm ba lần: Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (南無香雲蓋菩薩摩訶薩.)

2. Đọc ba lần Tịnh Thân Nghiệp Chân Ngôn 淨身業真言. Bản Thích Trí Tịnh không có.

3. Đọc ba lần Tịnh Khẩu Nghiệp Chân Ngôn 淨口業真言.

4. Đọc ba lần Tịnh Ý Nghiệp Chân Ngôn 淨意業真言. Bản Thích Trí Tịnh không có, nhưng lại có “Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn”. (Tam nghiệp: Ba nghiệp thân, khẩu, ý.)

5. Đọc ba lần Án Thổ Địa Chân Ngôn 安土地真言.

6. Đọc ba lần Phổ Cung Dưỡng ([3]) Chân Ngôn 普供養真言.

7. Đọc một lần Phụng Thỉnh Bát Kim Cương 奉請八金 剛: Phụng thỉnh Thanh Trừ Tai Kim Cương, v.v… (奉請青除災 金剛, v.v…) Khi tụng kinh khác thì thay mục 7.

8. Đọc một lần Phụng Thỉnh Tứ Bồ Tát 奉請四菩薩: Phụng thỉnh Kim Cương Quyến Bồ Tát, v.v… (奉請金剛眷菩薩, v.v…) Khi tụng kinh khác thì thay mục 8. Như tụng Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh 藥師琉璃 光如來本願功德經, thì hai mục 7 và 8 này được thay bằng Phụng Thỉnh Thập Nhị Dược Xoa Đại Tướng 奉請十二 藥叉大將: Phụng thỉnh Cung Bì La Đại Tướng … (奉請宮毘羅 大將…)

9. Đọc một lần Phát Nguyện Văn 發願文: . . . Ngã kim phát hoằng nguyện / Trì thử Kim Cương Kinh . . . (. . . 我今發宏願 / 持此金剛經 . . .) Khi tụng kinh khác thì thay mục 9. Như tụng Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh, thì đọc: . . . Ngã kim phát hoằng nguyện / Trì thử Dược Sư Kinh . . . (. . . 我今發宏願 / 持此藥師 . . .)

10. Đọc một lần Vân Hà Phạm 云何梵: Vân hà đắc trường thọ / Kim cương bất hoại thân ... (云何得長壽 / 金剛不壞身...) Rồi niệm ba lần: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi tụng kinh khác thì thay mục 10. Như tụng Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh thì mục 10 không có. Sau đó đọc Khai Kinh kệ.

11. Đọc một lần Khai Kinh Kệ. Theo bản Thích Trí Tịnh, đọc xong thì niệm ba lần: Nam mô bát nhã hội thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát. Nhưng bản Đài Loan không có câu này.

12. Kế đến, bắt đầu tụng chánh văn Kim Cương Kinh: Như thị ngã văn 如是我聞

Tóm lại, theo nghi thức tụng kinh bên Phật Giáo, trước khi tụng một quyển kinh hay một bài kinh thì đọc Khai Kinh Kệ, và trước đó còn có một số mục nữa, được thay đổi tùy theo tụng kinh gì và tùy theo quy ước của từng nơi (thí dụ: ở Việt Nam làm hơi khác bên Đài Loan, như dẫn trên).

Nghi thức tụng Di Lạc Chơn Kinh trong đạo Cao Đài được giản lược rất nhiều, mở đầu chỉ tụng Khai Kinh Kệ, và bài kệ này có ba chữ khác hơn bài kệ bên Phật Giáo (câu 3, 4):

PHẬT GIÁO: Ngã kim kiến văn đắc thọ trì / Nguyện giải Như Lai ([4]) chơn thiệt nghĩa. (Kiến : Thấy.)

CAO ĐÀI: Ngã kim thính văn đắc thọ trì / Nguyện giải tân kinh chơn thiệt nghĩa.

Nhiêu Lộc, 04-9-2020

HUỆ KHẢI



([1]) http://www.muni-buddha.com.tw/buddhism/007.htm

([2]) https://thuvienhoasen.org/a758/kinh-kim-cang-bat-nha-ba-la-mat

([3]) Người Việt quen đọc cung dưỡngcúng dường.

([4]) Như Lai (Tathāgata): Một trong mười danh hiệu của Đức Phật Thích Ca. Kinh Kim Cương có câu: “Vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” 無所從來, 亦無所去, 故名如來. (Chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, nên gọi là Như Lai.)