Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

42/22 CỦA QUÝ DỌC ĐƯỜNG / Nhịp Cầu Tương Tri



CỦA QUÝ DỌC ĐƯỜNG
Đây là chuyện tôi nghe:
Một phụ nữ trên đường đi qua miền núi hoang vắng tình cờ nhặt được viên ngọc thạch rất đẹp nơi dòng suối cạn. Viên ngọc nằm ở đó lâu lắm rồi. Dòng nước âm thầm lặng lẽ trôi qua bao tháng năm đã thay cho bàn tay người thợ khéo không ngừng mài giũa, đánh bóng lớp mặt ngoài, để lộ ra những đường vân tinh xảo. Săm soi vật quý một lúc, chị nhét nó vào túi vải đeo ngang hông rồi tiếp tục lên đường.
Đến một tàn cây chơ vơ giữa ngã ba đường mòn, chị gặp một thầy tu đang dựa lưng vào gốc cây nghỉ mệt. Nhìn vẻ tiều tụy, hốc hác của lữ khách, chị biết thầy đang rất cần được ăn được uống. Chị mau mắn ngồi xuống cạnh thầy, mở túi vải san sẻ lương khô và nước uống. Thầy tu cảm động tạ ơn và đón nhận những vật thực quý báu không chút do dự.
Trong lúc soạn thức ăn thức uống chia cho thầy tu, chị vô tình làm viên ngọc lăn ra ngoài túi vải. Thầy tu nhìn thấy, nhặt giúp chị, và tiện thể đã ngắm nghía nó một lúc, rồi trả chị.
Cơn đói khát qua đi, thầy tu tươi tỉnh bắt chuyện. Thầy tự giới thiệu mình đang trên đường hành hương về ngôi đền thiêng. Rồi thầy khen chị có một báu vật hiếm có. Thầy bảo, nếu không phải là vật gia truyền thì ắt hẳn chị đã phải trả rất nhiều tiền mới mua được.
Chị cười hồn nhiên, bảo chị thật sự chẳng biết nó đáng giá bao nhiêu vì mới tình cờ nhặt được dọc đường, thấy đẹp thì cất vào túi, chứ cũng chưa biết sẽ dùng nó vào việc gì.
Ánh mắt thầy tu vụt sáng lên. Thầy rụt rè mở lời:
- Nếu chị không cần thì hãy cho tôi xin…
Ngập ngừng một chút, thầy nói tiếp:
- Khi đến ngôi đền thiêng tôi sẽ dùng làm lễ vật dâng cúng…
Thầy chưa kịp nói thêm “và tôi sẽ cầu nguyện cho chị” thì viên ngọc thạch đã nằm gọn trong bàn tay thầy rồi.
Hai người chia tay, rẽ hai hướng khác nhau. Thầy tu lòng hân hoan ngập tràn. Thầy không ngờ mình may mắn đến thế, không ngờ có thể sở hữu một vật quý dễ quá như thế.
Nhưng rồi, càng đi niềm vui của thầy càng giảm sút. Một nỗi cắn rứt bắt đầu xâm lấn. Lòng thầy giờ đây như đang trĩu nặng, trì níu từng bước đi không còn nhẹ nhàng nữa.. Một tiếng nói nào đó âm thầm bỗng đồng vọng bên tai thầy: “Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục…” ([1])
Người phụ nữ đang thong thả theo lộ trình của mình thì nghe phía sau có tiếng chân huỳnh huỵch, mỗi lúc một rõ dần. Quay lại, chị ngạc nhiên thấy thầy tu cố sức chạy đuổi theo mình. Chị đứng chờ, tự hỏi còn chuyện gì nữa đây.
Khi đã lấy lại hơi thở bình thường, thầy tu giúi viên ngọc vào tay chị. Thầy nói:
- Vật này rất quý, nhưng xét lại tôi thấy mình không thể cầm giữ. Xin chị hãy bảo cho tôi biết một điều còn quý báu hơn. Thưa chị, điều gì trong con người chị đã khiến chị có thể dễ dàng tặng nó cho tôi không chút đắn đo?
22-12-2009
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1739, ngày 01-01-2010
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.  61-62.



([1]) Đức Lý Bạch, Thánh Ngôn Hiệp Tuyền, thánh giáo ngày 21-7-1926.

42/21 CÔ GIÁO CŨ / Nhịp Cầu Tương Tri



CÔ GIÁO CŨ
Đây là chuyện tôi nghe:
Suốt bốn năm đầu cấp trung học anh học Văn với một cô giáo trẻ. Dạy rất giỏi mà cũng rất nghiêm khắc. Thương tất cả học trò, nhưng riêng đối với anh, cô dành một cảm tình đặc biệt.
Hôm ấy, anh không nhớ ra duyên cớ, đứa bạn cùng lớp hỏi:
- Thưa cô, cô nghĩ gì về người Do Thái?
Cô điềm đạm đáp:
- Cô yêu người Do Thái. Chúa Cứu Thế của cô là người Do Thái.
Sau đó, lúc có dịp đi ngang qua bàn cô, anh dừng lại, nói khẽ:
- Đức Giêsu cũng là Chúa Cứu Thế của em.
- Cô biết.
- Ủa! Sao cô biết?
Cô mỉm cười.
Trong cuộc thi hùng biện nhà trường tổ chức hàng năm, cô rèn anh rất kỹ. Cô nói rõ chỉ muốn anh chiến thắng. Hai năm liền anh chiếm giải. Cô khuyên:
- Kiêu hãnh khiến Luxiphe bị hất ra khỏi Thiên Đàng.
Hồi ấy anh nghĩ mình sẽ làm một nhà khoa học, nhưng cô khuyên anh hãy làm nhà truyền giáo. Đó cũng là lý do cô tận tụy rèn luyện anh thi hùng biện. Sau này, có lần cô bảo anh:
- Thượng Đế thật sự có thể dùng em nếu em luôn giữ mình là chiếc bình chứa tinh khiết.
Năm anh tốt nghiệp trung học cũng là lúc cô rời trường chuyển đi nơi khác để học lấy bằng tiến sĩ. Cô không dự lễ tốt nghiệp của anh nhưng gửi thư khen ngợi. Ngày lấy chồng, cô cũng gửi thiệp báo tin. Anh bất cẩn, làm mất tấm thiệp ấy, mất địa chỉ mới của cô, và rồi mất luôn liên lạc.
Khi đã trở thành nhà truyền giáo, anh luôn khao khát mong có cơ hội gặp lại cô. Để được thổ lộ với cô lòng biết ơn sâu đậm mà chưa bao giờ anh bày tỏ. Mấy năm học đó cô đã dưỡng nuôi anh phần tâm linh, góp phần rèn luyện cho anh thành người hữu dụng để Thượng Đế sai phái. Và anh nhớ hoài lá thư cô viết để an ủi khi anh bại trận trong kỳ thi hùng biện năm thứ ba:
“Nếu em không đoạt được giải thưởng dẫu em biết mình xứng đáng thì cũng đừng thất vọng. Thượng Đế biết khi nào em thật sự xứng đáng.
Trên thế gian này không phải người tốt nào cũng được tôn vinh, bởi lẽ khi người đời khen thưởng ai, vẫn có quá nhiều điều họ nào hiểu hết.
Thế nên mỗi khi em thất bại hay nghĩ rằng mình thua đậm, hãy nhớ rằng Chúa Cứu Thế của ta toàn thiện toàn mỹ biết bao, thế mà phần thưởng của Ngài lại là cây thánh giá.
Và hãy nhớ giùm, hỡi người bạn nhỏ của cô, khi em đi qua cõi đời này và chịu đựng tất cả những xung đột cũng như tội lỗi của thế gian, em sẽ là người chiến thắng nếu như em biết làm Chúa vui lòng.” ([1])
14-5-2008
Huệ Khải
CGvDT số 1657, ngày 16-5-2008
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 59-60.



([1]) Mượn ý Joseph E. Falkner, Thank You, Miss Evridge, 1997.


42/20 CON KỲ LÂN TUYỆT CHỦNG / Nhịp Cầu Tương Tri



CON KỲ LÂN TUYỆT CHỦNG

Sheldon [Allan] Silverstein (người Mỹ, 1930-1999) là nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ biếm, viết kịch bản. Khi viết truyện thiếu nhi ông dùng bút danh Chú Shelby (Uncle Shelby). Sách ông được dịch ra hai mươi ngôn ngữ, bán ra trên hai mươi triệu bản. Con người tài hoa này có viết một bài thơ bốn mươi bốn câu nhan đề Con Kỳ Lân (The Unicorn).
Kỳ lân là con vật huyền thoại ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Nó chỉ xuất hiện trong văn học, truyền thuyết, hội họa, điêu khắc... Chưa một nhà khảo cổ nào tìm thấy di tích chứng minh sự hiện hữu của nó trên trái đất. Nó đã tuyệt chủng trước khi được đưa vào sách đỏ chăng?
Mở đầu bài thơ, Sheldon Silverstein nhắc lại thuở tạo thiên lập địa xa xưa, trái đất còn xanh tươi, chưa ô nhiễm cả về tinh thần lẫn vật chất. Thượng Đế tạo ra đủ loại chim loại thú và chúng tự do vui chơi thỏa thích trên không, trên bờ dưới nước. Nhưng, xinh đẹp nhất trong muôn thú ấy duy chỉ có loài kỳ lân.
Thế rồi đến ngày Thượng Đế nhìn thấy thế gian đã thoái hóa cùng cực. Ngài muốn làm trận đại hồng thủy để rửa sạch thế gian trước khi tạo dựng cõi đời mới. Thượng Đế sai ông Nôê làm một vườn bách thú có thể nổi trên nước, và lệnh cho ông phải chuyển vào đó từng cặp trống mái, đực cái của mỗi loài, để nòi giống chúng khỏi tuyệt chủng. Và Thượng Đế nhắc nhở ông Nôê không được quên loài kỳ lân.
Ông Nôê vâng lịnh thực thi nhiệm vụ thiêng liêng này rất tốt đẹp. Chỉ trừ một việc không như Thượng Đế muốn, đó là dù kêu gọi, tìm kiếm đủ mọi cách vẫn bặt dạng đàn kỳ lân. Bởi lẽ đàn kỳ lân mải rong chơi khắp chốn, chúng phớt lờ mọi lời khẩn trương cảnh báo hãy lên thuyền thoát khỏi cơn đại hồng thủy sắp diễn ra kinh hoàng.
Khi những cơn bão táp và sóng thần bắt đầu đổ tới, muôn thú sợ hãi cùng nháo nhào giục giã ông Nôê phải nhổ neo giong tàu đi thật gấp để khỏi chết chùm cả đám. Cũng lúc đó, mấy con kỳ lân cuống cuồng cầu cứu thì đã quá trễ rồi. Chúng bị bỏ lại. Đó là lý do loài kỳ lân tuyệt chủng. Bài thơ kết thúc như thế.
*
Đọc câu chuyện bằng thơ Sheldon Silverstein viết cho thiếu nhi, chúng ta nhận ra nó hàm tàng một dụ ngôn dành cho người lớn.
Thật vậy, những tôn giáo như Cao Đài và Hòa Hảo thường dạy về Hội Long Hoa, nói rằng đời hạ nguơn mạt kiếp sẽ tận diệt thế gian (tận thế). Những ai biết tu hành chân chánh sẽ được Trời Phật chuyển qua thời thượng nguơn thánh đức sống cảnh thiên đàng trên cõi thế. Đó là thời hoàng kim (golden age) mới mẻ của nhân loại, mà phương Tây còn gọi là millennium. Chính vì chủ trương có Hội Long Hoa như lược kể đây mà đạo Cao Đài và Hòa Hảo được các học giả phương tây mệnh danh là các tôn giáo thiên niên kỷ (millenarian religions). Gốc chữ millenarian millennium. Các thuyết nói về thời hoàng kim thánh đức sắp tới của nhân loại được gọi chung là millenarianism (hay millenarism).
Cũng theo giáo lý dạy về Hội Long Hoa, những ai quá ham vui, mải chạy theo dục vọng (như đàn kỳ lân của Silverstein), họ cứ tiếp tục làm ngơ trước những hồi chuông thức tỉnh của Trời Phật, hậu quả tất yếu là họ sẽ bị bỏ lại, không được đi sang thế giới mới.
Đàn kỳ lân ham chơi trong dụ ngôn của Silverstein cũng ví như những người mê ngủ không chịu tỉnh thức (Phật gọi là vô minh, không giác ngộ), vì thế họ bưng tai trước tiếng gọi cứu rỗi của Thiên Chúa, nên rốt cuộc họ sẽ bỏ lỡ cơ hội để đón Chúa bước vào nhà mình.
Đạo lý tương đồng này chúng ta học được trong Kinh Thánh Tân Ước:
“Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Ðã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến.” (Rôma 13:11-12)
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải Huyền 3:20)
29-12-2010
Huệ Khải
CGvDT số 1789, ngày 01-01-2011
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 57-58.



42/19 CON ĐÃ GẶP CHÚA / Nhịp Cầu Tương Tri



CON ĐÃ GẶP CHÚA
Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến
với Đức Giêsu, để Người
đặt tay trên chúng và cầu nguyện.
Maccô 10:13
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Chị đang trò chuyện với con gái bốn tuổi. Những chuyện bình thường hợp với trẻ nhỏ. Đột ngột, con gái chị hớn hở khoe:
- Mẹ à, con đã gặp Chúa.
- Thế à? Con gặp Chúa ở đâu?
Chị âu yếm hỏi, và đinh ninh trẻ sẽ đáp là gặp trong giấc mơ, hay đã nhìn thấy trong một quyển sách ảnh nào đó.
- Con gặp Chúa trên trời, lúc con nằm trong bệnh viện.
Bệnh viện? Ký ức chị quay nhanh cuộn phim dĩ vãng.
Năm ấy chị mang bào thai song sinh. Nhưng rồi chị sẩy thai và một bé không giữ được. Các bác sĩ quyết định phải để chị sinh non thì may ra có thể cứu mạng bé còn lại. Chị đã mang thai được hai mươi lăm tuần và buộc phải nằm yên trên giường theo chế độ chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ và y tá đã cố gắng hết sức để giữ thai nhi trong bụng mẹ ít ra tới tuần lễ thứ ba mươi tư. Chị nghe lóm rằng cơ may của mẹ con chị là năm mươi phần trăm. Và chị cầu nguyện, cố gắng lạc quan, tin tưởng để giành giật cho con chị một đời sống.
Tuần lễ thứ hai mươi bảy, con gái chị lọt lòng mẹ. Chưa nặng đủ hai trăm năm mươi gam, dài bốn tấc, cái hình hài mỏng mảnh ấy phải đeo lủng lẳng rất nhiều ống nhựa. Bác sĩ bảo với ngần ấy tháng tuổi thì bé rất to, tuy nhiên lại quá yếu ớt. Phổi bé không phát triển. Bác sĩ phải thông hai ống vào ngực bé. Chị biết tính mạng con mình như chỉ mành treo chuông, nhưng dù sao chị thấy an ủi là bé vẫn đang sống. Và chị không cho phép mình tuyệt vọng.
Ngày chị trở về nhà thì con gái chị vẫn còn ở lại trong bệnh viện để tiếp tục được chăm sóc đặc biệt. Mỗi tuần hai lần vợ chồng chị được vào thăm con. Ít nhất hai lần mỗi ngày chị gọi điện thoại vào hỏi thăm sức khỏe của con. Chị khao khát mong đến lúc được bế con đu đưa trong vòng tay. Ngày hạnh phúc tràn trề ấy chưa đến, và chị không thôi cầu nguyện. Cuối cùng, chị cũng mang được bé về nhà. Sớm hơn dự kiến của các bác sĩ một tháng.
Bốn năm qua, bé phát triển bình thường. Dĩ nhiên cũng như mọi trẻ nhỏ khác, bé nhiều khi không tránh khỏi phải vào ra bệnh viện. Lúc ngắn ngủi, lúc vài ngày. Con chị đã gặp Chúa? Trong lần nào ở bệnh viện?
Trẻ hồn nhiên kể:
- Con ra khỏi bệnh viện và con lên trời. Chúa bước tới bế lấy con. Chúa bảo con khỏe rồi, phải về với mẹ. Con vâng lời, chào Chúa rồi về ngay với mẹ.([1])
06-01-2009
Huệ Khải
CGvDT số 1690, ngày 09-01-2009
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.  53-54.



([1]) Mượn ý Sandy J. Deters, Our Little Pink Blanket, 1998.



42/18 CON CHIÊN LẠC / Nhịp Cầu Tương Tri



CON CHIÊN LẠC

Buổi chiều cuối tuần, cầm tờ tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1761 mới phát hành, vừa ra khỏi tòa soạn một đỗi, tôi tình cờ gặp mấy người bạn đang ngồi uống nước ở quán cóc ven đường. Thế là ơi ới gọi vào. Rồi tờ báo được chuyền tay nhau, ai cũng ngắm nghía cái bìa. Thế là có chủ đề trao đổi. Và đây là chuyện tôi nghe:
Một anh khen bìa đẹp. Anh thích cách thể hiện Chúa như thế, vì anh nhìn thấy ở đây hình ảnh Chúa thật mộc mạc, thật gần gũi con người, không giống như nhiều tranh khác diễn tả Chúa là một Đấng siêu phàm.
Anh thứ hai tán thành, nói thêm rằng rất ưng cách họa sĩ vẽ Chúa vác con chiên trên vai. Hình ảnh này nhắc anh nhớ tới dụ ngôn về con chiên lạc được chép trong Phúc Âm, ở Matthêu và ở cả Luca. Theo anh, quả thật đây chính là tranh minh họa đoạn Luca (15:4-5). Rồi anh đọc luôn một mạch: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.”
Anh thứ nhất, người “có công” khơi mào chủ đề trao đổi liền nói xen vào. Theo anh, dụ ngôn mà anh thứ hai vừa đọc vanh vách không hề nói tới chiên đen hay chiên trắng, cớ sao họa sĩ chọn con chiên đen. Phải chăng để cho “nổi”, nghĩa là tương phản hẳn với màu áo Chúa đang mặc.
Là thầy dạy tiếng Anh, anh thứ ba ngẫm nghĩ một lúc rồi thủng thỉnh góp lời. Theo anh, óc sáng tạo của họa sĩ này thật tuyệt vời. Ông ta đã “nhân đôi” ý nghĩa dụ ngôn của Chúa.
Mọi người lặng thinh, có vẻ phân vân.
Hiểu ý, anh thầy giáo bèn “tới” luôn. Trong một bầy cừu trắng tình cờ có một con lẻ loi sanh ra mang bộ lông đen vì cái mà di truyền học gọi là tính lặn (recessive trait). Khi làm len thì lông cừu đen không thể nhuộm màu được như lông cừu trắng, do đó lông cừu đen bị chê vì không có giá trị thương mại. Người Anh thế kỷ 18, 19 xem cừu đen như một dấu hiệu của quỷ sứ. Về sau, trong tiếng Anh, cừu đen (black sheep) là thành ngữ (idiom) diễn tả một phần tử bị cộng đồng, phe nhóm, tập thể, gia đình… cho ra rìa, bị phân biệt đối xử. Như vậy, họa sĩ tài hoa này không chỉ đơn thuần vẽ con chiên đi lạc; hơn thế nữa, ông hàm ngụ rằng nó còn là con chiên hẩm hiu vì bị bầy đàn lạnh nhạt, hắt hủi, tẩy chay, o xịt...
14-6-2010
Huệ Khải
CGvDT số 1762, ngày 18-6-2010
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.  51-52.



Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

42/17. CHIỀU CUỐI NĂM Ở MIỀN TÂY / Nhịp Cầu Tương Tri



CHIỀU CUỐI NĂM Ở MIỀN TÂY
Dạy trẻ, con toan trước dạy mình.
Đức Chí Tôn (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
*
Một chuyến công tác cuối năm cáng đáng thay cho bạn đồng nghiệp đã đưa anh về miền Tây. Về cái thị xã nho nhỏ mà anh chợt nhớ còn có một bạn học cũ nhiều năm chưa gặp lại.
Buổi chiều, lững thững bước ra cửa khách sạn, anh vẫy đại chiếc Honda ôm. Mang máng nhớ tên đường, chỉ có thể nói với cậu lái xe bụi bặm vài chi tiết khá mơ hồ. Loanh quanh một lúc cũng tìm ra. Nào ai hẹn trước, bạn không giấu vẻ mặt bất ngờ khi đón anh ở ngưỡng cửa. Còn anh thầm vui vui, thấy bộ nhớ bắt đầu già cỗi của mình chưa đến nỗi tệ.
Ra trường, bạn về quê nhà dạy học, ba mươi năm dư không dời chỗ. Căn nhà trệt giản dị, dường như lâu lắm rồi không chút gì thay đổi. Giống chủ nhà mãi chẳng chịu đổi dời, vẫn giữ cái nghề ba cọc ba đồng giữa nơi nửa quê nửa chợ. Anh nghĩ bụng, nếu tìm hình ảnh minh họa cụ thể cho đời sống thanh bạch, có lẽ chính là đây.
- Các cháu thế nào rồi?
Bạn cười:
- Chỉ một thôi. Lấy đâu ra nhiều mà hỏi mấy cháu.
- Nối nghiệp cha chứ?
- Rất muốn nó theo nghề giáo, nhưng không khuyên được. Mà chẳng nên ép.
- Nghề giáo chả còn gì hấp dẫn bọn trẻ.
- Đành thế. Nhưng nó thích hợp cuộc sống của tôi ...
Bạn ngần ngừ một chút rồi tiếp:
- Mình dễ tu, ông à.
Thuở học chung, bạn có tiếng là con mọt sách, hay tìm đọc triết lý, tôn giáo, mày mò tự tập ngồi thiền. Anh hiếu kỳ, thử bắt chước được thời gian rồi bỏ. Trải bao cơn gió bụi, bạn vẫn đeo đuổi con đường mà với anh thì mông lung quá.
Nắng tắt ngoài hiên. Trong nhà chưa mở đèn. Đối diện anh là gương mặt gầy gầy của người bạn cũ, hơi nhập nhòa vì thiếu ánh sáng, trông như gần như xa. Và lời tâm tình của bạn cũng khiến anh cảm thấy như xa như gần. Gần là gần lại ngày tháng cũ, giữa tuổi xuân bồng bột cùng hăng say bàn luận lời lẽ Thánh Hiền, ai cũng hồn nhiên tự thấy mình quả là kẻ đạt đạo. Xa là xa nhau trong nếp sống hiện tiền, anh sớm tách nẻo bước vào chốn phồn hoa, riêng bạn vẫn âm thầm trung thành với định hướng đã chọn.
Bạn thủng thỉnh:
- Thật ra có căn tu thì nghề gì cũng tu được. Tuy nhiên nghề giáo hợp tạng tôi. Vả lại, mình dạy trẻ học nhưng xét ra là dạy cho bản thân mình học. Ông biết không, nhiều hôm đứng lớp, đang ngon trớn rầy rà bọn trẻ lười biếng, không làm đúng lời mình căn dặn thì tôi liền khựng lại, hổ thẹn. Đó là lúc tôi sực nhớ rằng chính tôi cũng đang là kẻ học tu trên đường đạo, và bản thân tôi lắm phen hay làm biếng, không thực hành đúng những lời Đức Tôn Sư dạy tôi. Thành thử, đang cao giọng, định rầy rà bọn trẻ một phen cho đáng đời thì tôi bỏ lửng, trầm ngâm tự hối với lòng.
15-01-2008
Huệ Khải
CGvDT số 1641, ngày 18-01-2008
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 43-44.



42/16.CÓ MỘT CÁCH RIÊNG / Nhịp Cầu Tương Tri




CÓ MỘT CÁCH RIÊNG
Con có thánh tâm sẽ có Thầy
 Thầy là Cha cả của Đông Tây
 Tây Đông dầu biết hay không biết
 Thì đức háo sanh cũng thế này.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam,
15-01 Đinh Tỵ.
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Phủ nhận sự hiện hữu siêu hình, có lần anh kia tranh luận rất hăng với người chị họ sống thánh hiến theo ơn gọi. Kết thúc cuộc bàn cãi khó phân thắng bại, anh hỏi:
- Có bao giờ chị nghĩ là tôi sẽ tìm thấy Thượng Đế?
Chị im lặng.
Anh ra về, bước đến cửa thì chị nói vói theo:
- Có thể cậu sẽ không tìm thấy Thượng Đế nhưng chắc chắn Thượng Đế sẽ tìm thấy cậu.
Chưa qua tuổi ba mươi, anh biết mình bị ung thư với khối u ác tính. Kết quả xét nghiệm như xô anh ngã xuống từ một đỉnh cao. Những ngày tháng sau đó, nỗi đớn đau thể xác do nhiều lần hóa trị, xạ trị cũng không thể sánh một nỗi đau khác lớn nhanh trong tâm hồn, khi anh nhìn thấy tương lai đã hết mà quá khứ và hiện tại chẳng có gì đáng gọi là giá trị cho kiếp người ngắn ngủi.
Nắm níu cuộc sống tàn trong nỗi ám ảnh cái chết đang lan đến từng tế bào, anh chợt nhớ gương mặt thanh thản của chị họ. Dường như tâm hồn chị luôn phẳng lặng. Sự bình an anh từng coi thường lại trở thành nỗi khát khao. Anh thử cố tìm một đức tin như chị để bấu víu. Nhưng có lẽ đức tin không phải là cái gì cụ thể đang chờ sẵn đâu đó để anh tìm thấy và chiếm hữu.
Bỏ cuộc kiếm tìm Thượng Đế, anh nghĩ về những người ruột thịt của mình. Tuổi trẻ hiếu thắng và có phần ngạo mạn, bấy lâu anh là kẻ quá đỗi lạnh lùng, ương bướng trong ánh mắt quyến thuộc. Anh hiểu mình không thể rời khỏi cuộc đời này mà không kịp bày tỏ với những người thương yêu anh rằng anh cũng rất thương yêu họ, cho dù anh cứng lòng rắn dạ, khó bộc lộ tình cảm bằng cử chỉ hay lời nói như phần đông người khác.
Chị họ thăm anh bên giường bệnh, nhẫn nại nghe anh thổ lộ nỗi niềm:
 - Tôi thật sự hối tiếc ngần ấy năm qua đã không chia sẻ với cha mẹ, chị em trong nhà rằng tôi thương yêu mọi người. Đóng vai kẻ lãnh đạm, tôi coi khinh mọi biểu lộ tình cảm ủy mị. Đến chừng thắng được lòng kiêu ngạo và mở lòng mình ra, tôi khám phá sức huyền diệu của tình thương yêu và chứa chan hạnh phúc khi biết mọi người thương yêu tôi nhiều hơn tôi tưởng. Và chị biết không? Thế rồi bất chợt một hôm tôi cảm nhận thật rõ rằng Thượng Đế đang ở bên tôi. Sau đó tôi rất nhớ chị, nhớ câu chị nói vói theo buổi ấy…
Rút khăn giấy dịu dàng thấm những giọt lệ lặng lẽ lăn trên gò má hốc hác của anh, chị nhỏ nhẹ:
- Thượng Đế có cách riêng để ta tìm thấy Ngài. Cậu tìm thấy Ngài ở tình thương vì Thượng Đế là tình thương.([1])
30-10-2007
Huệ Khải
CGvDT số 1631, ngày 02-11-2007
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 49-50.



([1]) Mượn ý John Powell, Unconditional Love.



42/15. CHUYỆN LÒNG / Nhịp Cầu Tương Tri



CHUYỆN LÒNG
Trái oan nào khác mối tơ
Rối rồi không gỡ bao giờ cho ra
Kinh Sám Hối
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Chị hồi ấy mới bước qua tuổi hai mươi. Người mẹ nọ xấp xỉ sáu mươi. Bà đã rộng mở tấm lòng tiếp nhận chị như con dâu tương lai. Tình thương của hai người phụ nữ cùng yêu thương một người con trai đã thắt chặt mối quan hệ khăng khít của họ. Mỗi ngày một sâu đậm. Ngày cuối tuần bà hay gọi chị đến nhà cùng nấu ăn. Đi mua sắm món gì ngoài phố, cũng bảo chị đi cùng. Không biết mối quan hệ của họ, thấy cả hai gắn bó đằm thắm như thế, không ít người ngỡ là mẹ con ruột thịt. Không nói ra, nhưng bà và chị đều cảm thấy giữa họ dường như còn có một tình bạn.
Thế rồi chị xin hủy hôn ước. Dẫu biết như thế cũng là phá hủy tình bạn giữa hai người, nhưng trẻ người non dạ, chị lúng túng không biết sẽ phải nói năng thế nào cho phải phép với người đã từng yêu quý chị rất lâu. Rốt cuộc chị đành miễn cưỡng chọn cách chia tay lẳng lặng. Chị theo chồng, chuyển sang một thành phố khác.
Vài năm sau, chị vẫn không thể nào xóa bỏ hình ảnh người đàn bà ấy trong tâm tưởng. Chị biết rõ, nếu chưa kịp nói một lời xin lỗi trước khi bà qua đời thì lòng chị sẽ mãi âm ỉ một nỗi ăn năn, khôn nguôi hối hận.
Một hôm, chị bắt gặp trong cửa hàng nọ chiếc áo lụa thêu tay rất khéo. Món hàng đắt tiền đã khiến chị tần ngần đứng trước tủ kính một lúc lâu, và chị kín đáo lấy khăn giấy thấm giọt nước mắt âm thầm bất chợt. Chiếc áo gần như giống hệt món quà sinh nhật năm nào bà tặng chị.
Chị quyết định phải liên lạc với bà. Điện thoại cho em gái bà, chị biết bây giờ bà sống một mình, bệnh hoạn nhiều, và vẫn ở nhà cũ.
Một tuần trôi qua, chị không đủ can đảm quay trọn số điện thoại của bà. Có lần vừa nghe điện thoại đổ chuông ở đầu dây bên kia, chị liền luống cuống cúp máy. Cuối cùng, chị chọn cách viết thư. Chẳng dễ dàng gì khi phải dàn trải trên giấy nỗi niềm nhưng rồi cũng xong, và thư đã gởi đi. Những ngày chờ thư bà, chị băn khoăn tự hỏi: Liệu mình có được tha thứ?
Thư bà đến sau hai tuần. Nước mắt chị làm hoen nhiều chỗ trên những dòng chữ nghiêng ngả:
“Bác viết thư này trên giường bệnh, chữ xấu quá, chắc hơi khó đọc. Bác vui lắm khi nhận được thư con. Con không biết bác đọc đi đọc lại thư con bao nhiêu lần đâu. Rốt cuộc thì bác sẽ có thể gặp lại con. Bác vẫn nhớ con. Thỉnh thoảng bác nấu món gì đó mà con ưa thích, bác lại ao ước phải chi có con ở đây.
Bác gởi tặng con tấm ảnh cũ. Khi nào rảnh, con ghé thăm bác, con nhé!”
Tấm ảnh chụp bà và chị đứng trước một thác nước trong lần đi chơi Đà Lạt. Chị đứng nép sát bên bà. Cả hai cười tươi tắn. Một kỷ niệm xa vời trong ngần ấy năm không vui mà bà vẫn gìn giữ. Ấp tấm ảnh cũ lên ngực, chị bật khóc.
15-4-2009
Huệ Khải
Mượn ý Julie A. Saffrin, Mercy’s Time, (2001.)
CGvDT số 1703, ngày 17-4-2009
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 45-46.


42/14.CÓ MẶT! / Nhịp Cầu Tương Tri.



CÓ MẶT!
Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng;
Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh;
Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta
và trước mặt các Thiên Thần của Người.
Khải Huyền 3:5
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Gia đình anh chị rất ngoan đạo. Anh chị quan tâm bồi đắp cho con cái sớm ý thức về đời sống tâm linh. Không chỉ trình bày một chiều cho con trẻ dễ hiểu theo lứa tuổi, anh chị còn tạo cho trẻ một chiều phản hồi, để những tâm hồn ngây thơ có dịp tự diễn đạt bằng chữ nghĩa non nớt cái cách chúng cảm nghiệm về ơn cứu rỗi, về mối liên hệ giữa chúng với Chúa...
Một hôm, đến lượt cậu út bảy tuổi chia sẻ quan niệm của cháu về sự sống đời đời. Sau bữa cơm, cả nhà ngồi nán lại bên bàn ăn chờ đợi.
- Cả nhà mình cùng lên Thiên Đàng.
Chị cảm thấy con nhập đề kiểu ấy có vẻ không ổn. Nhưng đã thành nguyên tắc, không ai được xen ngang phần trình bày của “diễn giả”.
- Đúng giờ hẹn, một Thiên Thần to lớn hiện ra, mang theo một cuốn sổ dày rất lớn. Ai được vào Thiên Đàng đều có tên ghi trong đó. Thiên Thần điểm danh tới nhà mình. Ngài gọi tên bố. Bố liền trả lời: Có mặt. Ngài gọi tên mẹ: Mẹ cũng trả lời: Có mặt. Ngài gọi tên anh chị con. Anh chị con trả lời: Có mặt. Bây giờ Ngài lại gọi tên con. Nhưng con bé quá, bị người lớn đứng che khuất. Con sợ Thiên Thần không nhìn thấy, không nghe rõ tiếng con. Nên con ráng sức nhảy lên cho Ngài dễ thấy và con cố hét thật to: CÓ MẶT!
*
Sau đó ít lâu, con út của anh chị bị tai nạn giao thông. Trong phòng cấp cứu, mảnh hình hài bé bỏng nằm mê man, im lìm nhiều giờ liền bất chấp mọi nỗ lực của các thầy thuốc. Cả nhà đã cầu nguyện ngay bên giường cháu và rồi chỉ còn biết đớn đau chờ đợi.
Không dám rời mắt khỏi gương mặt bất động của con, chị chằm chằm nhìn, chỉ e vì lơ đễnh mà trót vuột mất một dấu hiệu mỏng manh nào đó. Thế rồi, hoàn toàn chẳng ngờ, chị thấy miệng con trẻ dường như mấp máy. Chị ra dấu cho cả nhà yên lặng, và cùng ghé đầu sát vào.
Rất ngắn gọn, một giọng nói đã vang lên, không lớn lắm, nhưng đủ cho mọi người nghe khá rõ:
- CÓ MẶT! ([1])
16-7-2007
Huệ Khải
CGvDT số 1616, ngày 20-7-2007
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 47-48.



([1]) Mượn ý Moments for Mothers.