Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

42/4. BÍ NHIỆM HUMAITA (a) / Nhịp Cầu Tương Tri




BÍ NHIỆM HUMAITA (a)
Người ở thế mấy ai khỏi lỗi
Biết lạc lầm sám hối tội căn
Tu tâm sửa tánh ăn năn …
Kinh Sám Hối
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Charles W. Colson (sinh năm 1931) là trợ lý đặc biệt của Tổng Thống Richard Nixon (1913-1994). Do liên can vụ bê bối Watergate (1974), ông phải ngồi tù bảy tháng.
Ra tù, ông lập Prison Fellowship (Hội Ái Hữu Nhà Tù) vào năm 1979 và dành hết phần đời còn lại của mình để tận tụy giúp đỡ các tù nhân đang thụ án, cựu tù nhân, và gia đình họ về nhiều mặt, trong đó chú trọng đến việc nâng đỡ đức tin và tâm linh. Ngày nay Hội này trở thành một tổ chức quốc tế có chi hội ở một trăm mười hai quốc gia.
Năm 1981 Colson giao cho Baker Book House xuất bản quyển Life Sentence (Án Tù Chung Thân), trong đó ông có thuật lại lần đến thăm nhà tù Humaita ở thành phố São José dos Campos, thuộc bang São Paulo, nước Brazil.
Trước kia Humaita do chính phủ trông coi, ngày nay nó do chi hội Prison Fellowship ở Brazil điều hành theo nguyên lý tình yêu của Chúa và lòng tôn trọng con người. Nơi đây không có lính gác vũ trang hay biện pháp an ninh ứng dụng kỹ thuật cao. Nhà tù chỉ có hai nhân viên làm việc trọn thời gian. Công việc nhà tù được phân cho bảy trăm ba mươi tù nhân đang thụ án vì các tội cướp giật, hành hung, mua bán ma túy, giết người. Mỗi tù nhân chịu trách nhiệm về một bạn tù. Mỗi người được chọn một người ở ngoài nhà tù làm cố vấn trong thời gian thụ án lẫn sau khi ra tù. Trong tù họ được học giáo lý và tu dưỡng nhân cách.
Khi Colson đến, mở cổng cho ông vào là một tù nhân có nụ cười tươi tỉnh. Đi thăm nhà tù, Colson nhìn thấy mọi nơi đều sạch sẽ, tù nhân hiền lành và làm việc chăm chỉ. Trên các bức tường là những câu Kinh Thánh và châm ngôn khuyến thiện. Chỉ có bốn phần trăm cựu tù Humaita tái phạm, trong lúc tỷ lệ này là bảy mươi lăm phần trăm ở các nhà tù khác tại Brazil. Vì sao Humaita lập được thành tích kỷ lục này? Colson viết:
“Tôi có được câu trả lời khi người tù dẫn đường đưa tôi thăm một phòng biệt giam. Người tù nói nơi ấy lâu nay vẫn luôn cầm giữ một người duy nhất. Đến cuối hành lang dài, tra chìa khóa vào ổ xong, người tù còn hỏi: Ông vẫn muốn vào xem chứ?
Tôi nôn nóng đáp: Hẳn nhiên rồi. Tôi từng tới nhiều phòng biệt giam trên khắp thế giới.
Người tù từ tốn đẩy cánh cửa to sầm mở toang ra, và tôi nhìn thấy người tù mãi mãi vẫn chịu biệt giam trong đó: pho tượng gỗ mỹ miều đang giăng tay trên thập giá.
Người tù dẫn đường cho tôi trầm giọng xuống: Chúa đang hy sinh đời mình để cứu lấy cuộc đời còn lại của chúng tôi.”
16-10-2007
Huệ Khải
CGvDT số 1629, ngày 19-10-2007
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 21-22.