Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

42/15. CHUYỆN LÒNG / Nhịp Cầu Tương Tri



CHUYỆN LÒNG
Trái oan nào khác mối tơ
Rối rồi không gỡ bao giờ cho ra
Kinh Sám Hối
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Chị hồi ấy mới bước qua tuổi hai mươi. Người mẹ nọ xấp xỉ sáu mươi. Bà đã rộng mở tấm lòng tiếp nhận chị như con dâu tương lai. Tình thương của hai người phụ nữ cùng yêu thương một người con trai đã thắt chặt mối quan hệ khăng khít của họ. Mỗi ngày một sâu đậm. Ngày cuối tuần bà hay gọi chị đến nhà cùng nấu ăn. Đi mua sắm món gì ngoài phố, cũng bảo chị đi cùng. Không biết mối quan hệ của họ, thấy cả hai gắn bó đằm thắm như thế, không ít người ngỡ là mẹ con ruột thịt. Không nói ra, nhưng bà và chị đều cảm thấy giữa họ dường như còn có một tình bạn.
Thế rồi chị xin hủy hôn ước. Dẫu biết như thế cũng là phá hủy tình bạn giữa hai người, nhưng trẻ người non dạ, chị lúng túng không biết sẽ phải nói năng thế nào cho phải phép với người đã từng yêu quý chị rất lâu. Rốt cuộc chị đành miễn cưỡng chọn cách chia tay lẳng lặng. Chị theo chồng, chuyển sang một thành phố khác.
Vài năm sau, chị vẫn không thể nào xóa bỏ hình ảnh người đàn bà ấy trong tâm tưởng. Chị biết rõ, nếu chưa kịp nói một lời xin lỗi trước khi bà qua đời thì lòng chị sẽ mãi âm ỉ một nỗi ăn năn, khôn nguôi hối hận.
Một hôm, chị bắt gặp trong cửa hàng nọ chiếc áo lụa thêu tay rất khéo. Món hàng đắt tiền đã khiến chị tần ngần đứng trước tủ kính một lúc lâu, và chị kín đáo lấy khăn giấy thấm giọt nước mắt âm thầm bất chợt. Chiếc áo gần như giống hệt món quà sinh nhật năm nào bà tặng chị.
Chị quyết định phải liên lạc với bà. Điện thoại cho em gái bà, chị biết bây giờ bà sống một mình, bệnh hoạn nhiều, và vẫn ở nhà cũ.
Một tuần trôi qua, chị không đủ can đảm quay trọn số điện thoại của bà. Có lần vừa nghe điện thoại đổ chuông ở đầu dây bên kia, chị liền luống cuống cúp máy. Cuối cùng, chị chọn cách viết thư. Chẳng dễ dàng gì khi phải dàn trải trên giấy nỗi niềm nhưng rồi cũng xong, và thư đã gởi đi. Những ngày chờ thư bà, chị băn khoăn tự hỏi: Liệu mình có được tha thứ?
Thư bà đến sau hai tuần. Nước mắt chị làm hoen nhiều chỗ trên những dòng chữ nghiêng ngả:
“Bác viết thư này trên giường bệnh, chữ xấu quá, chắc hơi khó đọc. Bác vui lắm khi nhận được thư con. Con không biết bác đọc đi đọc lại thư con bao nhiêu lần đâu. Rốt cuộc thì bác sẽ có thể gặp lại con. Bác vẫn nhớ con. Thỉnh thoảng bác nấu món gì đó mà con ưa thích, bác lại ao ước phải chi có con ở đây.
Bác gởi tặng con tấm ảnh cũ. Khi nào rảnh, con ghé thăm bác, con nhé!”
Tấm ảnh chụp bà và chị đứng trước một thác nước trong lần đi chơi Đà Lạt. Chị đứng nép sát bên bà. Cả hai cười tươi tắn. Một kỷ niệm xa vời trong ngần ấy năm không vui mà bà vẫn gìn giữ. Ấp tấm ảnh cũ lên ngực, chị bật khóc.
15-4-2009
Huệ Khải
Mượn ý Julie A. Saffrin, Mercy’s Time, (2001.)
CGvDT số 1703, ngày 17-4-2009
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 45-46.