Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

03. BAO LÂU TA TỚI NÚI? (Nhịp Cầu Tương Tri)



BAO LÂU TA TỚI NÚI?
Phật tử Trung Hoa tin rằng đất nước của họ có bốn ngọn núi linh thiêng: Núi Phổ Đà (tỉnh Chiết Giang) là nơi ngự của Bồ Tát Quán Thế Âm. Núi Cửu Hoa (tỉnh An Huy) là nơi ngự của Bồ Tát Địa Tạng. Núi Nga Mi (tỉnh Tứ Xuyên) là nơi ngự của Bồ Tát Phổ Hiền. Núi Ngũ Đài (tỉnh Sơn Tây) là nơi ngự của Bồ Tát Văn Thù.
Đây là chuyện tôi nghe:
Vào đời nhà Đường (618-907) có một vị sư cao tuổi từ phương xa tìm tới tỉnh Sơn Tây với mục đích lên núi Ngũ Đài chiêm bái Bồ Tát Văn Thù. Lão tăng tay ôm bình bát (patra), lưng đeo túi vải nhỏ, một mình bước qua muôn dặm. Hàng ngày sư vừa xin cơm bá tánh nuôi thân, vừa hỏi thăm đường dẫn về đỉnh núi thiêng.
Sau nhiều tháng nhẫn nại, cuối cùng, một sáng kia khi ngước lên nhìn, lão tăng thấy trên nền trời xa xa hiện rõ dáng núi Ngũ Đài. Bấy giờ bên vệ đường có một quán nhỏ bán nước trà. Lão tăng bước tới hỏi chủ quán:
- A Di Đà Phật, thí chủ cho bần tăng hỏi từ đây tới núi Ngũ Đài còn bao xa?
Bà cụ bán quán nhìn lão tăng từ đầu đến chân, miệng ậm ừ chi đó, nghe không rõ.
Lão tăng đón lấy chén nước trà trong tay bà cụ, thong thả uống cạn, rồi lặp lại câu hỏi. Bà cụ vẫn chỉ ậm ừ mấy tiếng vô nghĩa. Nhẫn nại hỏi đến lần thứ ba vẫn không kết quả gì, lão tăng nghĩ chắc bà cụ câm điếc, nên đành chắp tay xá chào rồi quay lưng bước đi, nhắm hướng núi Ngũ Đài.
Mới đi rảo chân chừng chục bước, lão tăng nghe sau lưng có tiếng gọi vói theo:
- Khoảng hơn hai ngày đường là tới núi.
Sửng sốt, lão tăng quày trở lại quán nước, chắp tay xá bà cụ rồi nói:
- Bần tăng hỏi ba lần, thí chủ cứ lặng thinh. Bần tăng trót nghĩ quấy rằng thí chủ bị câm điếc. Xin thành thật tạ lỗi. Nhưng sao lúc nãy không trả lời ngay cho bần tăng?
Bà lão điềm nhiên đáp:
- Mô Phật, thầy hỏi lúc thầy đang đứng yên tại đây. Con phải đợi thầy cất bước để nhìn thấy rõ chân thầy nhanh chậm thế nào, dáng thầy đi uể oải hay hăng hái. Có vậy con mới ước chừng được thời gian thầy tới núi chứ!
*
Người kể chuyện bình luận:
Con đường từ quán nước tới núi Ngũ Đài có một, nhưng những khách lữ hành vượt qua khoảng cách đó không có định mức thời gian cố định. Nhanh hay chậm là do bản thân mỗi người, tùy thuộc thái độ và quyết tâm của từng khách lữ.
Tương tự như thế, mỗi người chúng ta tìm Đạo, học tu, nhưng để tới chỗ đạt Đạo, đắc Đạo, thì thời gian “đầu tư” của từng người không giống nhau, vì còn tùy thuộc tác phong, thái độ của chính chúng ta khi đặt chân trên con đường đưa về với Phật, với Chúa, với Thượng Đế…
Huệ Khải
07-6-2011
CGvDT số 1811, ngày 10-6-2011