Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

42/18 CON CHIÊN LẠC / Nhịp Cầu Tương Tri



CON CHIÊN LẠC

Buổi chiều cuối tuần, cầm tờ tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1761 mới phát hành, vừa ra khỏi tòa soạn một đỗi, tôi tình cờ gặp mấy người bạn đang ngồi uống nước ở quán cóc ven đường. Thế là ơi ới gọi vào. Rồi tờ báo được chuyền tay nhau, ai cũng ngắm nghía cái bìa. Thế là có chủ đề trao đổi. Và đây là chuyện tôi nghe:
Một anh khen bìa đẹp. Anh thích cách thể hiện Chúa như thế, vì anh nhìn thấy ở đây hình ảnh Chúa thật mộc mạc, thật gần gũi con người, không giống như nhiều tranh khác diễn tả Chúa là một Đấng siêu phàm.
Anh thứ hai tán thành, nói thêm rằng rất ưng cách họa sĩ vẽ Chúa vác con chiên trên vai. Hình ảnh này nhắc anh nhớ tới dụ ngôn về con chiên lạc được chép trong Phúc Âm, ở Matthêu và ở cả Luca. Theo anh, quả thật đây chính là tranh minh họa đoạn Luca (15:4-5). Rồi anh đọc luôn một mạch: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.”
Anh thứ nhất, người “có công” khơi mào chủ đề trao đổi liền nói xen vào. Theo anh, dụ ngôn mà anh thứ hai vừa đọc vanh vách không hề nói tới chiên đen hay chiên trắng, cớ sao họa sĩ chọn con chiên đen. Phải chăng để cho “nổi”, nghĩa là tương phản hẳn với màu áo Chúa đang mặc.
Là thầy dạy tiếng Anh, anh thứ ba ngẫm nghĩ một lúc rồi thủng thỉnh góp lời. Theo anh, óc sáng tạo của họa sĩ này thật tuyệt vời. Ông ta đã “nhân đôi” ý nghĩa dụ ngôn của Chúa.
Mọi người lặng thinh, có vẻ phân vân.
Hiểu ý, anh thầy giáo bèn “tới” luôn. Trong một bầy cừu trắng tình cờ có một con lẻ loi sanh ra mang bộ lông đen vì cái mà di truyền học gọi là tính lặn (recessive trait). Khi làm len thì lông cừu đen không thể nhuộm màu được như lông cừu trắng, do đó lông cừu đen bị chê vì không có giá trị thương mại. Người Anh thế kỷ 18, 19 xem cừu đen như một dấu hiệu của quỷ sứ. Về sau, trong tiếng Anh, cừu đen (black sheep) là thành ngữ (idiom) diễn tả một phần tử bị cộng đồng, phe nhóm, tập thể, gia đình… cho ra rìa, bị phân biệt đối xử. Như vậy, họa sĩ tài hoa này không chỉ đơn thuần vẽ con chiên đi lạc; hơn thế nữa, ông hàm ngụ rằng nó còn là con chiên hẩm hiu vì bị bầy đàn lạnh nhạt, hắt hủi, tẩy chay, o xịt...
14-6-2010
Huệ Khải
CGvDT số 1762, ngày 18-6-2010
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr.  51-52.