Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

42/11. CÂN SỨC KHỎE / Nhịp Cầu Tương Tri


CÂN SỨC KHỎE

Hãy có dạ kỉnh già thương khó
Kinh Sám Hối
*
Cô em họ ngoài Bắc vào thăm chị, ở chơi mấy hôm đã tới lúc chuẩn bị hành lý bay về. Cô rủ chị ra chợ tìm mua vài thứ làm quà phương Nam. Ở bìa nhà lồng, cô dợm bước tới sạp xoài thì chị đã nhẹ nhàng níu tay giữ lại.
Gầy gầy, móm mém, bà lão ngồi gọn gàng ở góc chợ, bên lối hẹp đông người qua. Đôi mắt bình thản hướng ra phía trước, không nhìn ai mà bà cũng chẳng chào mời ai.
Tới bên bà, chị bỏ guốc ra, cẩn thận đặt hai bàn chân trắng trẻo lên cái cân nhỏ, vuông vắn bày trên mặt đất, gần sát hai bàn chân trần xương xẩu, đen nhẻm của bà. Nhẹ nhàng bước xuống, xỏ lại guốc, chị cúi người, mái tóc đen dày mượt hạ thấp ngang với đầu tóc trắng như bông. Chị giúi vào bàn tay nhăn nheo của bà tờ giấy bạc cuộn gọn sẵn lúc nào, giọng khẽ khàng: “Cháu gửi bà ăn trầu.”
Trong lúc lựa xoài, cô em bỏ nhỏ bên tai chị:
- Béo hay gầy thêm mấy ký? Sao không thấy chị nhìn số ở mặt cân?
Chị mỉm cười, lặng thinh.
Về nhà, cô em lè lưỡi nhìn những gói lũ khủ chờ bỏ vào thùng các-tông cột lại.
- Chẳng biết ngần ấy món là bao nhiêu ký. Không khéo lại phải trả cước quá tải.
Cô ngẩng nhìn chị, nói như ước vu vơ:
- Giá mà sẵn cân lúc này thì hay quá nhỉ?
Cô ngạc nhiên thú vị khi thấy chị lôi trong gậm giường ra cái cân vuông nhỏ, thứ mà các bà giữ eo ngày nay hay dùng để sáng sáng thức dậy tiện theo dõi sức khỏe. Cô định trêu chị về việc ấy thì bỗng nhớ ra, ngỡ ngàng hỏi:
- Chị lạ thật! Nhà có sẵn sao còn đi cân ở chợ cho phí tiền?!
Chị lại mỉm cười, lặng thinh.
16-3-1999
Huệ Khải
CGvDT số 1542-1543, ngày 20-01-2006
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 35-36.