Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

42/20 CON KỲ LÂN TUYỆT CHỦNG / Nhịp Cầu Tương Tri



CON KỲ LÂN TUYỆT CHỦNG

Sheldon [Allan] Silverstein (người Mỹ, 1930-1999) là nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ biếm, viết kịch bản. Khi viết truyện thiếu nhi ông dùng bút danh Chú Shelby (Uncle Shelby). Sách ông được dịch ra hai mươi ngôn ngữ, bán ra trên hai mươi triệu bản. Con người tài hoa này có viết một bài thơ bốn mươi bốn câu nhan đề Con Kỳ Lân (The Unicorn).
Kỳ lân là con vật huyền thoại ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Nó chỉ xuất hiện trong văn học, truyền thuyết, hội họa, điêu khắc... Chưa một nhà khảo cổ nào tìm thấy di tích chứng minh sự hiện hữu của nó trên trái đất. Nó đã tuyệt chủng trước khi được đưa vào sách đỏ chăng?
Mở đầu bài thơ, Sheldon Silverstein nhắc lại thuở tạo thiên lập địa xa xưa, trái đất còn xanh tươi, chưa ô nhiễm cả về tinh thần lẫn vật chất. Thượng Đế tạo ra đủ loại chim loại thú và chúng tự do vui chơi thỏa thích trên không, trên bờ dưới nước. Nhưng, xinh đẹp nhất trong muôn thú ấy duy chỉ có loài kỳ lân.
Thế rồi đến ngày Thượng Đế nhìn thấy thế gian đã thoái hóa cùng cực. Ngài muốn làm trận đại hồng thủy để rửa sạch thế gian trước khi tạo dựng cõi đời mới. Thượng Đế sai ông Nôê làm một vườn bách thú có thể nổi trên nước, và lệnh cho ông phải chuyển vào đó từng cặp trống mái, đực cái của mỗi loài, để nòi giống chúng khỏi tuyệt chủng. Và Thượng Đế nhắc nhở ông Nôê không được quên loài kỳ lân.
Ông Nôê vâng lịnh thực thi nhiệm vụ thiêng liêng này rất tốt đẹp. Chỉ trừ một việc không như Thượng Đế muốn, đó là dù kêu gọi, tìm kiếm đủ mọi cách vẫn bặt dạng đàn kỳ lân. Bởi lẽ đàn kỳ lân mải rong chơi khắp chốn, chúng phớt lờ mọi lời khẩn trương cảnh báo hãy lên thuyền thoát khỏi cơn đại hồng thủy sắp diễn ra kinh hoàng.
Khi những cơn bão táp và sóng thần bắt đầu đổ tới, muôn thú sợ hãi cùng nháo nhào giục giã ông Nôê phải nhổ neo giong tàu đi thật gấp để khỏi chết chùm cả đám. Cũng lúc đó, mấy con kỳ lân cuống cuồng cầu cứu thì đã quá trễ rồi. Chúng bị bỏ lại. Đó là lý do loài kỳ lân tuyệt chủng. Bài thơ kết thúc như thế.
*
Đọc câu chuyện bằng thơ Sheldon Silverstein viết cho thiếu nhi, chúng ta nhận ra nó hàm tàng một dụ ngôn dành cho người lớn.
Thật vậy, những tôn giáo như Cao Đài và Hòa Hảo thường dạy về Hội Long Hoa, nói rằng đời hạ nguơn mạt kiếp sẽ tận diệt thế gian (tận thế). Những ai biết tu hành chân chánh sẽ được Trời Phật chuyển qua thời thượng nguơn thánh đức sống cảnh thiên đàng trên cõi thế. Đó là thời hoàng kim (golden age) mới mẻ của nhân loại, mà phương Tây còn gọi là millennium. Chính vì chủ trương có Hội Long Hoa như lược kể đây mà đạo Cao Đài và Hòa Hảo được các học giả phương tây mệnh danh là các tôn giáo thiên niên kỷ (millenarian religions). Gốc chữ millenarian millennium. Các thuyết nói về thời hoàng kim thánh đức sắp tới của nhân loại được gọi chung là millenarianism (hay millenarism).
Cũng theo giáo lý dạy về Hội Long Hoa, những ai quá ham vui, mải chạy theo dục vọng (như đàn kỳ lân của Silverstein), họ cứ tiếp tục làm ngơ trước những hồi chuông thức tỉnh của Trời Phật, hậu quả tất yếu là họ sẽ bị bỏ lại, không được đi sang thế giới mới.
Đàn kỳ lân ham chơi trong dụ ngôn của Silverstein cũng ví như những người mê ngủ không chịu tỉnh thức (Phật gọi là vô minh, không giác ngộ), vì thế họ bưng tai trước tiếng gọi cứu rỗi của Thiên Chúa, nên rốt cuộc họ sẽ bỏ lỡ cơ hội để đón Chúa bước vào nhà mình.
Đạo lý tương đồng này chúng ta học được trong Kinh Thánh Tân Ước:
“Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Ðã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến.” (Rôma 13:11-12)
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Khải Huyền 3:20)
29-12-2010
Huệ Khải
CGvDT số 1789, ngày 01-01-2011
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 57-58.