NHỊP CẦU TƯƠNG TRI
GIAO CẢM
Dang
tay bắc những nhịp cầu
Ra
công lấp những hố sâu nhân tình
Đức Mẹ (Diêu Trì Kim Mẫu)
I
Phyllis Theroux (nữ sĩ Mỹ) viết rằng “Gởi đi một lá thư là cách xê dịch tốt mà
khỏi chuyển dịch bất kỳ cái gì hết ngoại trừ tấm lòng của bạn.” ([2])
Thật vậy, một số bạn đọc ở xa đã nhờ báo Công
Giáo và Dân Tộc chuyển tới tôi thư thăm và bày tỏ tình cảm quý hóa dành cho
mục Góc Nhà trên tờ báo thân quen.
Tấm lòng của quý bạn đọc quả thật đã thêm sức cho tôi bền bỉ với công việc hàng
tuần, để tôi đủ nhẫn nại, xoay xở, góp được bài thường xuyên với tờ báo đạo qua
hơn năm năm dài.
* Ngày 08-9-2008,
từ thôn Lục Thủy, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông Phạm Ngọc
Diên gởi tôi lá thư viết nắn nót, nét chữ nghiêng nghiêng, mềm mại và đẹp.
Khi nhờ tôi gởi vài quyển sách đạo Cao Đài, ông bày
tỏ:
“Là con dân Việt
Nam tuy không cùng tôn giáo nhưng ham hiểu biết, tôi ý thức được rằng đã là
giáo lý thì giáo lý đạo nào cũng dạy con người biết sống yêu thương nhau, biết
ăn ngay ở lành, biết xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, phù hợp với truyền thống đạo
lý dân tộc Việt Nam.”
* Ngày 19-4-2009, ông Diên gởi tôi thêm
ba trang thư dài, tự giới thiệu:
“Tôi là một Kitô
hữu, giáo xứ Lục Thủy, giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định. Quê tôi cách thủ đô Hà
Nội khoảng 125km về phía nam, cách nhà thờ đá Phát Diệm khoảng 60km.”
Thư cho biết
ông sinh năm 1946, hiện còn cha mẹ già đều ở cái tuổi gần ngưỡng chín mươi. Ông
thổ lộ:
“Ngay từ bây giờ
tôi muốn báo hiếu cha mẹ, không đợi đến tháng Cầu Hồn (2-11) hay mùa Vu Lan
(rằm tháng 7) mới báo hiếu. Báo hiếu cha mẹ là bổn phận của người con, nhưng
báo hiếu cha mẹ thế nào? Trong tâm tình yêu mến, tôn kính và biết ơn cha mẹ còn
phải có nghệ thuật.”
(…)
“Là người Kitô
hữu tôi cảm tạ hồng ân Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho tôi một người bạn (…). Nhờ
đọc những cuốn sách quý mà ông gửi biếu cũng như trang mục Góc Nhà trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc tôi đã học hỏi, hiểu biết và thực hành được
nhiều điều có ích. Đặc biệt có đời sống tâm linh ngày càng thăng tiến.”
“Tôi cũng cầu xin
Thiên Chúa ban muôn ơn lành và tràn đầy niềm vui nơi ông và gia đình, để ông có
nhiều sức khỏe, viết thật nhiều sách, báo để giúp con người ăn ngay ở lành,
biết sống luân thường đạo lý…”
* Thư gởi tôi ngày 04-6-2010, từ nhà thờ Đaguri, xã Đami, huyện Hàm
Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, của linh mục Phanxicô Átxidi Nguyễn Đức Quang
(nguyên giáo sư dạy Triết tại Đại Chủng Viện Sài Gòn). Linh mục cho biết ngài “hiện
đang phục vụ ở miền núi hoang sơ...” và “Tôi rất thích những bài viết
của bác trên báo Công Giáo và Dân Tộc. Tôi mong được kết bạn tri âm với bác.”
Thư cũng nói sơ qua tình trạng sức khỏe của ngài, và mong “có dịp tôi xin
ghé thăm”.
“Cầu cho nhau.” Ngài kết thư như
thế và tặng tôi tấm ảnh đẹp ngài đang mặc áo lễ. Ngoài ra còn có sáu bài thơ
dài gởi tặng tôi, với tấm lòng ngài muốn “chia sẻ với bác ít cảm nghiệm tâm
linh”.
* Thư gởi
ngày 15-4-2011 từ anh Nguyễn Quang Khanh, thuộc giáo xứ Vinh Hòa, giáo phận Ban
Mê Thuột. Thử vào Internet, tôi biết thêm nơi
anh Khanh cư ngụ là một trong mười tám thôn của xã Ea Ktur, huyện Cư
Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Xã này còn có năm buôn làng và người Ê Đê, người Tày, người
Nùng cộng cư với người Kinh. Giáo xứ Vinh Hòa thành lập ngày 27-9-1956, như thế
“trẻ” hơn anh Khanh ba, bốn tuổi. Thư anh đầy hai trang vở học trò:
“Giáo xứ Vinh
Hòa, mùa Chay Thánh 2011
… Cổ nhân đã nói
‘Hữu xạ tự nhiên hương’, chính vì thế không có gì phải ồn ào về trang viết Góc
Nhà cả, song cũng tranh thủ một chút ‘độc giả quyền’ để phê bình.
… Không dối lòng,
thật ưng lắm cách diễn đạt của anh, lối viết của anh!
Bởi một lẽ đơn
giản và thật quan trọng là không phải bài viết bao nhiêu trang, dài hay ngắn,
bài giảng bao nhiêu phút, mà sau khi đọc, sau khi nghe, ra khỏi Thánh đường,
rời khỏi sách, về lại nhà, ra xã hội, còn lại trong tôi những gì để tôi liên
tưởng mà đem ra áp dụng, thực thi, thực hành.”
* Một thư nữa viết ngày 08-6-2011, mở đầu như sau:
“Mỗi tờ báo, tôi
lật trang có Góc Nhà của ông đầu
tiên, và đọc đi đọc lại nhiều lần, bởi đơn giản mà thâm thúy, có tính giáo dục
cao. (…) Tôi lại mới biết ông là người đạo Cao Đài. Tôi cũng trân trọng những
bài của ông nhiều năm nay, có nhiều kiến thức, giải thích quan điểm đa chiều
của các tôn giáo để chúng tôi mở mang thêm hiểu biết. Vừa qua tôi đọc các bài
liên quan tới Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2011 của ông,([3]) tôi phải củng cố đức tin hơn, bởi cách đối
thoại của ông thật trong sáng, rõ ràng, triết lý, thực tế.”
Cuối thư người viết tự giới thiệu là “Vũ Thiện Ánh, xứ Bùi Chu, xã Xuân Ngọc,
huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, 63 tuổi, đạo Công Giáo.”
II
Tôi cảm kích biết bao tấm lòng bạn đọc phương xa,
chẳng nề hà viết thư chia sẻ tình cảm với Góc
Nhà, khiến tôi ấm lòng vì biết rằng những gì hơn năm năm qua có dịp giãi
bày đều đặn hàng tuần ở một góc trang báo đạo đã may mắn không trở thành viên
sỏi rơi vào lòng giếng sâu hun hút, lặng lẽ.
Thay vì viết thư cho tôi để châm thêm dầu, giúp nuôi
bền ngọn lửa nhỏ nhoi đang thắp ở Góc Nhà,
nhiều bạn đọc khác còn âm thầm đưa Góc
Nhà lên trang web của một số giáo xứ hay blog cá nhân của giáo dân.
Dĩ nhiên, nếu theo dõi báo Công Giáo và Dân Tộc từ năm 2002, hay ghé Góc Nhà bắt đầu từ ngày 30-12-2005 cho suốt tới nay, phần đông hẳn
đều biết rõ tôi đang ở phương vị nào trong khu vườn muôn hồng nghìn tía mà mỗi
tôn giáo là một loài hoa đẹp đang phô sắc tỏa hương nơi khu vườn chung đó.
Bởi vậy, khi quý bạn đọc Công Giáo đồng cảm và chấp
nhận những bài viết đa chiều ở Góc Nhà,
tức là đã giúp tôi thêm một lần nữa xác tín rằng bản chất truyền thống của dân
tộc chúng ta là hòa đồng tín ngưỡng. Trong sâu thẳm cõi lòng con người Hồng
Lạc, chúng ta sẵn có tố chất liên tôn. Hễ có được phương tiện để đối thoại (như
báo Công Giáo và Dân Tộc) thì chúng
ta đều có khả năng gợi mở, khơi dậy cho những tình cảm tâm linh nảy nở, thăng
hoa, vượt lên khỏi mọi buộc ràng của lớp vỏ bọc sắc tướng.
Hơn năm năm qua, cố gắng đồng hành đều đặn mỗi tuần
với tờ báo ở Góc Nhà, thú thật lắm
lúc không khỏi đuối sức, nhưng tôi chẳng thể bỏ cuộc, vì nhớ hoài buổi đầu
tiên, một bạn hiền ở tòa soạn bảo riêng tôi: “Báo đã nhất trí khoanh cho anh
một rẻo đất, anh muốn viết gì cứ viết.”
Tòa soạn để cho tôi tự do định hướng mẩu viết ngắn,
nhưng tôi nào dám lạm dụng để biến tôi thành cái “thanh la phèng phèng, hay chũm chọe xoang xoảng” ([4])
như lời răn của Thánh Phaolô.
Vì Góc Nhà
nằm ở Trang Gia Đình, nên ban sơ tôi
thử nghiệm với mảng viết về gia đình, học đường, bằng hữu. Khi chủ đề này với
tôi đã cạn, tôi dè dặt mở rộng sang mảng tín ngưỡng, vì nghĩ rằng trong đời
sống gia đình của người đạo, không thể không nói tới góc cạnh tâm linh. Tôi
thận trọng chia sẻ với bạn đọc Công Giáo cái nhìn đa chiều, trong tinh thần đối
thoại trân trọng với các đức tin khác nhau.
Tôi tin mình lựa chọn đúng, nên thật sự hoan hỷ, thấy
niềm tin của mình được củng cố khi gần đây biết thêm ý kiến của Đức Tổng Giám
Mục Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Truyền Thông Xã Hội.([5])
Đầu tháng 10 năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục đã định hướng cho người viết báo Công
Giáo trên thế giới hãy “thiết lập một
cuộc đối thoại đầy lòng tôn trọng; một cuộc đối thoại tôn trọng chân lý của
những người khác”.([6])
Cuộc đối thoại tín ngưỡng đa chiều đang mở ra ở Góc Nhà nhiều năm nay và được bạn đọc
Công Giáo chấp thuận, thì tự thâm tâm tôi luôn thấu hiểu và nhận thức sâu sắc
rằng đây chính là Ơn Chúa ban cho tôi. Thế nên tôi càng giữ gìn, càng thận
trọng với rẻo đất nhỏ Góc Nhà. Những
khi cảm thấy đuối sức, tôi lại tự khuyên mình bằng tư tưởng của Mẹ Teresa:
“Tôi biết Chúa sẽ
chẳng cho tôi bất kỳ thứ gì tôi không thể nắm giữ. Tôi chỉ ước mong Chúa đừng
tin cậy tôi nhiều quá.”-([7])
III
Thư Chung Hậu Đại
Hội Dân Chúa 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam , Chương IV, mục 39, viết:
“Trong
bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội
cần đối thoại với các tôn giáo, với
người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là
cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và
phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn
cứu độ.”
Tôi hiểu, khi đặt ra mục đích “xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau”,
Thư Chung 2011 đã mong muốn có được sự tương tri và lòng tương kính giữa các
tôn giáo thông qua “cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim”. Tôi
thấy mình thật sự rất gần gũi, rất mặn mà với Thư Chung ngay từ định hướng cao
đẹp này, nhất là sự khẳng định: “Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với
các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người.”
(mục 40).
Cho nên, khi chọn lại trong số khoảng hai trăm bảy
mươi bài viết đã đăng ở Góc Nhà, kết
tập thành sách theo gợi ý của thân hữu, tôi ưu tiên lựa lấy tám mươi mốt bài
mang tính đối thoại đa chiều, để xây dựng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau
giữa các chân lý thuộc các tín ngưỡng khác nhau.
Với nhan đề NHỊP
CẦU TƯƠNG TRI,([8]) tôi mong ước
rằng trong một chừng mức nào đó, những mẩu viết ngắn này hân hạnh được làm
những thanh ván, những con bù-loong… góp phần bắc được một nhịp cầu nối những
con tim, nối những tấm lòng cùng tin vào Lẽ Một chung nhất giữa các dòng tư
tưởng chánh giáo vẫn đang tràn chảy bất tận trên quê hương yêu dấu chúng ta.
Và đó cũng là tâm nguyện mà tôi được soi sáng từ lời
dạy năm xưa của Đức Cao Đài Thượng Đế:
Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài
Không còn chia biệt Đông Tây
Không còn phái nọ chi này, Phật Tiên
Đây là đường quy nguyên Tam Giáo
Cũng là giềng trọng bảo nước non
Là mong cứu kiếp sống còn
Tôi xin trân trọng bày tỏ lòng chân thành biết ơn quý
vị Mạnh Thường Quân đáng kính đã góp công quả giúp tôi phương tiện ấn tống hiệp
tuyển này, gọi là lưu niệm một chặng đường bắc cầu tương tri giữa một người
viết Cao Đài với đông đảo bạn đạo và bạn đọc trong cộng đồng Dân Chúa.
Xin cầu nguyện Đức Chí Tôn và Đức Chúa Giêsu ban ơn
lành đến toàn thể Quý vị và cửu huyền thất tổ.
Bà Chiểu, tháng 7-2011
Huệ Khải