Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

42/5. BÍ NHIỆM HUMAITA (b) / Nhịp Cầu Tương Tri




BÍ NHIỆM HUMAITA (b)
Đây là chuyện tôi nghe:
Tiến sĩ, luật sư Mario Ottoboni là người Công Giáo Brazil. Vào thập niên 1970, ông và một nhóm Kitô hữu làm đơn xin tiếp nhận nhà tù Humaita ở thành phố São José dos Campos, bang São Paulo, khi nghe tin chính phủ muốn đóng cửa nó.
Thỉnh nguyện được chấp thuận, các Kitô hữu Brazil bắt đầu điều hành nhà tù Humaita theo phương châm APAC. Đây là bốn chữ tắt rút gọn từ câu tiếng Bồ:
“Amando al Preso, Amando el Christo.”
Nghĩa là:
Yêu thương tù nhân, yêu thương Chúa Kitô.”
Triết lý của nhà tù Humaita là “Hãy diệt kẻ phạm tội và cứu lấy con người.” Phương pháp hành động là tình thương.
Một trong những người có công thành lập nhà tù Humaita theo phương châm APAC giải thích:
- Tội ác là sự chối bỏ tình thương một cách bạo liệt và bi đát. Chúng ta được tạo ra để thương yêu. Thiên Chúa tạo ra chúng ta vì Ngài thương yêu chúng ta và như thế chúng ta có thể yêu thương Ngài và yêu thương nhau. Nếu chúng ta được tạo ra vì tình thương và để thương yêu, thì tại sao chúng ta lại yêu thương nhau khó khăn đến thế?
Mỗi khi tiếp nhận một tù nhân mới, việc đầu tiên là người ta tháo còng ra khỏi tay anh ta và bảo:
- Trong nhà tù này anh không còn bị xiềng bằng sắt thép nữa; anh sẽ được xiềng bằng tình thương của Chúa Kitô.
Sau đó, người tù mới sẽ được đặt trong sự chăm nom của một bạn tù đã thấm nhuần tình yêu thương Chúa. Bởi thế, dù việc trốn khỏi nhà tù Humaita không hề khó khăn, tù nhân vẫn không bỏ trốn.
Trước mỗi bữa ăn, các tù nhân đứng quanh bàn ăn và đọc kinh bằng tiếng Bồ. Trong căn phòng biệt giam mà nhiều năm liền chỉ “nhốt” duy nhất thánh tượng Chúa, người ta gắn lên tường ở phía trên thập giá một tấm biển viết bằng tiếng Bồ: “Chúng ta ở cùng bên nhau.” Các tù nhân hiểu rằng họ đang gắn liền với Chúa Kitô, Đấng vì họ mà thọ khổ.
Chúa “ở tù chung thân” trong phòng biệt giam của Humaita không phải là huyền thoại hay dụ ngôn. Chúa “ở tù” để con người tội lỗi được làm người tự do bằng sự cảm hóa chân thành trong tình thương yêu. Không biết ai đã có ý tưởng độc đáo ấy, nhưng việc làm đó gợi nhớ đến đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát:
“Địa ngục mà còn tội nhân thì ta chẳng thành Phật.”
Và Bồ Tát mãi chẳng lìa địa ngục để luôn gần gũi những vong hồn trầm luân hầu cứu rỗi họ.
23-10-2007
Huệ Khải
CGvDT số 1630, ngày 26-10-2007
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 23-24.