Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

10. ÔNG CẢ NHỰT ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY



Đây là chuyện tôi nghe:
Nhắc lại, ông Hương Cả Hồ Văn Nhựt ở Cần Thơ có ba cô con gái. Cô Năm là Hồ Thị Hường làm vợ ông Nguyễn Như Bích, riêng cô Tư là Hồ Thị Huế và cô Sáu là Hồ Thị Huê còn ở chung nhà, sống bên cạnh cha.
Phàm, trái cây cứ để tự nhiên cho chín muồi mới thơm tho, ngọt ngào. Trái cây mà vú ép thì không thể thơm ngọt được như thế. Chuyện tu hành cơ hồ chẳng khác. Duyên phần chưa tới thì cửa đạo sát bên nhà cũng chẳng thèm bước vô. Túc duyên đã đủ thì dưng không gặp đạo, rồi tức khắc say mê như đã hẹn ước tự buổi xa xưa nào.
Quả thật hai cô Tư Huế và Sáu Huê rất may mắn được ở trong số ít những người đầu tiên tại Cần Thơ sớm nếm mùi đạo Cao Đài. Đó cũng là thánh ý của Đức Tào Quốc Cữu (một vị trong Bát Tiên) khi ngài khuyên dạy bá tánh tại miếu Nổi (tức Phù Châu Miếu ở Bến Cát, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) trong một đàn cơ đêm Thứ Hai 30-7-1923 như sau:
Chư nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo mở kỳ nầy là kỳ thứ ba. Thiệt chư nhu có đại căn mới gặp trước thiên hạ đó. Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ.
Tuy nhiên, hồi năm 1923 đạo Cao Đài chưa trổ mặt, những vị hầu đàn buổi ấy nghe nói tới hai chữ Tam Kỳ thì mơ mơ hồ hồ, chẳng ai rõ Đức Đại Tiên Tào Quốc Cữu bảo ban điều gì.
Dĩ nhiên, hai cô Tư Huế và Sáu Huê chẳng hề biết tới lời dạy ấy ở tại miếu Nổi. Có điều, từ khi được hầu các đàn cơ lập tại nhà ông Bích, được mầu nhiệm thiêng liêng dần dần khai mở tâm linh, hai cô Tư Huế và Sáu Huê bắt đầu bén mùi đạo. Bấy giờ tâm trạng hai cô có lẽ chẳng khác hai câu thơ của danh tướng Nguyễn Hữu Chỉnh thời Lê Mạt ở Đàng Ngoài xưa kia, khoảng gần cuối thế kỷ 18:
Bén mùi đạo lý, bén càng say
Phải cơ, mới biết cơ Trời nhiệm...
Đức tin càng dày thêm, hai chị em bàn bạc riêng với nhau, rồi đồng thuận là sẽ thưa chuyện với cha để xin phép lập Thiên Bàn thờ Đức Cao Đài Thượng Đế trong nhà ông Cả Nhựt, vừa để mọi người được hưởng ơn phước thiêng liêng, vừa khỏi phải qua nhà ông Bích “tu ké”.
Thế là một hôm thừa dịp cha đang vui vui, hai cô bèn lựa lời bày tỏ nguyện vọng. Nào ngờ ông Cả Nhựt biến sắc mặt, giọng nói lạnh lùng, dứt khoát:
- Trong nhà lâu nay đã thờ Tam Giáo, có cả hai vị Quan Thánh, Quan Âm, vậy quá đủ rồi. Bây muốn thờ thêm một con mắt làm gì? Tao không chịu đâu!
Biết tánh cha, hai cô không dám nài nỉ, nhưng cứ làm gan mà lén cha, kín đáo lập Thiên Bàn ở bên chái nhà. Ông Cả Nhựt nhà cửa rộng rinh, mà ông hầu như ít khi bước chân tới nơi đó. Nhờ thế, cô Tư và cô Sáu âm thầm thờ Trời được lâu ngày không bị cha phát giác. Nhưng hai cô không khỏi sốt ruột vì thấy ông Bích được lập đàn cơ tại nhà mà hai cô thì...
Bởi vậy, một hôm kéo cô Sáu ngồi xuống bên cạnh, rồi cô Tư thấp giọng nói:
- Đời xưa người tu muốn cầu đạo phải lặn suối trèo non, lần mò vô tận thâm sơn cùng cốc, cực khổ gian nan, trăm bề rủi ro mà không chắc gì tìm thấy bóng Tiên dáng Phật. Còn đời nay, nhờ đàn cơ Kỳ Ba đại ân xá, được ngồi an ổn trong nhà, có Phật Trời giáng thế truyền đạo mà không quyết chí tu hành hay sao? Chị rất khao khát được lập đàn riêng tại nhà mình, ý em nghĩ sao, hả Sáu?
- Chị còn phải hỏi! Được cầu cơ ngay trong nhà mình, sẽ có Thần Thánh Tiên Phật giáng lâm, thì ôi thôi, điển lành bủa trùm! Đâu có tài sản thế gian nào xứng đáng mà đánh đổi lấy phước báu hy hữu đó? Ngặt nỗi cha khó tánh quá. Xưa nay hễ cha quyết định một điều gì rồi thì đố ai có thể làm cha đổi ý.
- Sáu à, chị tính kỹ rồi. Tối cha thường ngủ sớm, lại ở tuốt nhà dưới, cách biệt chỗ mình thờ Thầy. Mình chỉ mời rất ít đạo hữu, cốt yếu là bộ phận thông công. Dặn mọi người thông cảm, ráng giữ êm tịnh. Mình sẽ nhờ một người giúp việc đứng bên ngoài canh chừng, hễ thấy cha rục rịch gì đó thì làm ám hiệu cho mình biết liền. Sáu thấy sao?
Cô Sáu thấy cô Tư sắp đặt không ổn thỏa chút nào. Tỷ dụ như Ơn Trên đang lâm cơ dạy đạo, rồi chợt nghe ám hiệu báo động, đố ai dám vô lễ ngưng buổi cầu cơ ngang xương? Nhưng không còn cách nào khác, và cũng bởi tha thiết muốn được lập đàn tại nhà, cô bèn gật đầu đồng ý với cô Tư, nhưng cẩn thận nói thêm:
- Từ bữa nay trở đi, chị em mình phải siêng cầu nguyện Đức Cao Đài ban ơn chuyển tâm cho cha.
Vậy là hai cô bàn với ông Trọng Quý và ông Bích để chọn ngày lập đàn bên chái nhà ông Cả Nhựt.
Vào ngày đã định, buổi tối, trong lúc Đức Quan Thánh Đế Quân giáng cơ dạy đạo thì ở nhà dưới ông Cả nằm ngủ, chiêm bao thấy một vị râu dài mặt đỏ nạt: “Sao không mau lên lạy Thầy?”
Ông Cả giựt mình choàng dậy, lóng tai nghe kỹ thì dường như có tiếng chi khua động là lạ. Ông liền để chân không, rón rén bước lên nhà trên, đi về phía chái nhà.
Bấy giờ người giúp việc có phận sự đứng gác còn mải lo nhìn trộm theo ngọn cơ chuyển động. Ngọn nhang đang cháy cắm trên đầu cần cơ liên tục vẽ thành những đường cong uốn lượn đỏ hồng trong bóng tối lờ mờ vì cặp đèn cầy thắp trên Thiên Bàn và cây đèn dầu đặt ở bàn điển ký không đủ xua tan bóng đêm. Bởi vậy, ông Cả Nhựt tới sát bên cạnh y mới biết.
Chưa kịp mở miệng báo động thì y bị ông Cả lẹ tay bụm kín miệng. “Chớ làm ồn!” Ông nói nhỏ rồi bước liền vô đàn cho thỏa mãn óc tò mò.
Hôm ấy, Đức Quan Thánh ban cho ông Cả Nhựt bài tứ tuyệt điểm danh ông ở ngay đầu câu mở đề:
NHỰT chiếu rạng ngời khắp bốn phương
Đông, Tây, Nam, Bắc thấy tận tường
Gặp Trời mở Đạo mau thức tỉnh
Kịp Hội Long Hoa mở thí trường.
Câu chót ngụ ý khuyên ông tu hành để khỏi lỡ trường thi Long Hoa tuyển chọn người đắc phẩm vị thiêng liêng.
Sau bài tứ tuyệt đó Đức Quan Thánh liền quở ông Cả:
- Sao ngươi dám vô lễ? Ngươi để con gái thờ Thượng Đế bên chái nhà là mắc tội lớn. Tam Giáo cùng với Quan Âm và Ta đâu dám ngự ở gian nhà chánh nữa. Tất cả Phật Tiên Thánh Thần đều phải về hết bên chái nhà mà chầu Thượng Đế. Ngươi đã biết tội chưa?
Ông Cả hơi sợ, nhưng vẫn biện bạch:
- Thưa ngài, tôi thờ Tam Giáo noi theo cựu pháp, nên không dám mạo phạm mà sửa đổi bàn thờ.
Đức Quan Thánh dạy:
- Nay Thiên Đình đã truyền ra tân pháp, đổi cựu pháp rồi. Ngươi thờ Thượng Đế là chúa tể tất cả Thần Thánh Tiên Phật thì không phải sợ phạm lỗi với cựu pháp. Nhược bằng ngươi còn mê muội, Ta sẽ cho ngươi biết một chút huyền diệu.
Sau đàn cơ đó ông Cả vẫn không nhắc gì tới việc dời Thiên Bàn ra gian nhà chánh. Không dám thúc hối cha, cô Tư và cô Sáu chỉ còn biết âm thầm cầu nguyện Ơn Trên an bài giùm.
Ít hôm sau, ông Cả hễ nằm ngủ là gặp ác mộng, luôn miệng ú ớ, nghe như sợ hãi lắm. Giựt mình tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẵm, rồi ông mở mắt thao láo, cứ nằm nhìn trân trân lên nóc mùng mà trằn trọc luôn tới sáng.
Thấy cha hốc hác, hai cô con gái bèn hỏi han cớ sự, nhưng ông Cả lưỡng lự như có điều khó nói nên lời. Hai cô năn nỉ riết nên ông đành thổ lộ:
- Tao mất ngủ mấy đêm liền. Kỳ quái! Hễ mới ngủ say được một lát thì nằm mộng thấy giống như bị giam lỏng trong nhà. Muốn đi ra ngoài thì trờ tới cửa nào cũng thấy một ông tướng tá dữ dằn, mặt mũi đen sì, một tay chống nạnh, một tay dựng ngược cây đại đao lưỡi sáng quắc. Tao đòi ổng tránh đường để tao đi ra ngoài thì ổng chẳng nói chẳng rằng, cứ huơ huơ đại đao như muốn chém đầu; tao sợ hết hồn hết vía!
Cô Tư nói:
- Là ông Châu Thương vác Thanh Long đao đó, cha.
- Tao cũng nghĩ vậy. Chắc là Quan Thánh sai ổng tới hăm he tao chớ gì.
Cô Tư và cô Sáu mừng thầm, nhưng thương cha mất ngủ riết sẽ mắc bịnh thì nguy. Bởi vậy, cô Tư nói ngọt:
- Cha nên nghĩ lại. Đức Quan Thánh linh lắm. Ngài từ bi nên chưa ra lịnh cho ông Châu Thương xuống tay, chỉ mới hù dọa sơ sơ thôi. Mình người phàm biết lỗi thì sửa, sám hối; Thần Thánh ai cũng khoan dung độ lượng mà cha...
Ông Cả làm thinh. Cô Sáu rành tâm lý, biết bụng cha đã xiêu xiêu, nhưng còn chút tự ái vì khi trước trót đã cứng rắn với hai cô, ngăn cản việc lập Thiên Bàn. Bởi vậy, cô nắm chặt lấy bàn tay cha, nói như an ủi:
- Để con sắm sửa bông trái tươi tốt rồi mấy cha con mình ra trước bàn thờ cùng quỳ lạy cáo trình Tam Giáo, xin phép các Đấng sửa lại thành Thiên Bàn thờ Trời theo tân pháp Kỳ Ba. Đợi tối Thứ Bảy, bên nhà anh chị Năm con có lập đàn cơ, tụi con mời cha qua đó hầu đàn. Biết đâu Ơn Trên sẽ ban ơn cho cha.
“Anh chị Năm” tức là vợ chồng ông bà Nguyễn Như Bích và Hồ Thị Hường (Năm Hường). Cô Sáu nói thứ Năm, ấy là gọi theo bên nhà vợ.
Đang thời đại ân xá, Ơn Trên chẳng quản ngại trần gian trọng trược, nên hễ có lòng thành cầu cơ học đạo thì dễ ứng nghiệm. Bởi vậy, ông Cả qua nhà con rể hầu đàn thì được Đức Quan Thánh Đế Quân ban ơn lần nữa. Ngài khuyên ông hãy sớm giác ngộ tùng theo tân pháp Kỳ Ba, kẻo tuổi xế chiều rồi, sống chết không hẹn trước, nếu lỡ cơ hội tu hành thì rất uổng phí một kiếp được sanh làm người.
Sau đàn cơ ấy, ông Cả Nhựt như ngủ mê chợt tỉnh. Ông mừng nhà có phước, các con gái và rể đều biết tu nên ông được hưởng lây duyên lành. Tâm đạo nảy nở, ông muốn tạo một công đức để vững vàng tiến bước xa hơn trên đường tu. Do đó, ông hỏi ý các con nên làm thế nào.
Cô Tư đắn đo rồi nói:
- Cha à, mình tu theo tân pháp Kỳ Ba là tu giải thoát, phải tháo gỡ các ràng buộc phàm trần để khỏi bị luân hồi chuyển kiếp. Chẳng hạn, mấy người tá điền nào còn mắc nợ của cha, kiếp này họ không trả đặng, ắt phải luân hồi trả tiếp cho dứt. Vậy cha cũng phải đầu thai mà nhận phần họ trả. Khổ cho họ mà cũng kẹt cho cha lắm, phải không cha?
Ông Cả gật đầu tán thành. Thấy vậy, cô Tư gợi ý:
- Nếu như cha kêu họ lại mà liệu bề giảm nợ hay xóa nợ, rồi khuyên họ tu hành để giải nghiệp thì phước cho họ biết chừng nào. Phần cha, khi làm ơn cho họ thì cũng khấn nguyện với Đức Cao Đài hồi hướng hết công quả cho bá tánh, cầu cho quốc thái dân an và cửu huyền thất tổ siêu thăng...
Ông Cả ngạc nhiên, chặn lại hỏi:
- Sao phải hồi hướng công đức hết trọi vậy, Tư? Như thế tao còn chi làm vốn mà tu đây?
Cô Tư cười:
- Cha làm ơn lớn mà không biết hồi hướng thì cha sẽ hưởng phước lớn. Bởi vậy, biết đâu cha sẽ phải đầu thai thêm kiếp nữa để làm nhà giàu hay quan quyền hầu hưởng cho hết phước lớn tạo ra trong kiếp này. Như vậy đâu phải là giải thoát. Đáng sợ hơn nữa, khi đầu thai mà nhờ phước lớn tiền kiếp, cha sẽ giàu ơi là giàu, rất có thế lực, biết đâu vì vậy mà cha bị cám dỗ rồi lạm dụng tiền bạc hay thế lực để ức hiếp người khác, thì cha gây tội lỗi, sẽ phải lãnh quả báo xấu, chẳng đáng thương lắm sao?
Ông Cả gật gù:
- Bây nói về chỗ đầu thai thì tao hiểu rồi. Tỷ dụ như đứa con học giỏi, đậu cao, cha mẹ nó bèn thưởng nhiều tiền. Nó đem tiền đó đi đàn đúm với bạn xấu riết rồi hư thân mất nết, rốt cuộc phần thưởng đó gây hại chớ không có lợi cho nó. Nhưng tao vẫn chưa hiểu lắm về việc hồi hướng, Tư à.
Cô Tư lúng túng, nhưng vẫn quả quyết:
- Dù cha hồi hướng hết như vậy cũng không mất phần vô vi trợ duyên cho cha dễ tu đâu. Có điều con mới tu, chưa thể nói rành hết lẽ mầu nhiệm được, nhưng con tin như vậy.
Cô Sáu xen vô:
- Chị Tư con nói phải đó cha. Bữa hổm anh Phán Quý nói rằng Đức Cao Đài khuyên mỗi môn đệ phải ráng độ được mười hai người khác vô đạo. Cha nghĩ mà coi, mấy người mắc nợ được cha xù nợ, chắc chắn rất mang ơn và cảm phục cha. Họ thấy nhờ cha theo đạo Cao Đài mà biết tỏ lòng thương người, họ đâm ra mến lây đạo của cha, rồi họ cũng sẽ tu hành giống như cha thì có phải là cha đã độ cho họ tu rồi không? Có khi còn được hơn mười hai người nữa đó cha. Vậy chẳng phải là cha lập công lớn với đạo Thầy hay sao?
Ông Cả vốn có căn tu nên nghe hai cô con gái giải thích thì mau vỡ lẽ. Ông gục gặc đầu tỏ ý tán đồng và nói:
- Bây nói cũng phải, nhưng tao không ép buộc ai hết. Tùy tâm họ muốn tu hay không mà thôi. Đừng để bà con hiểu lầm là tao dùng tiền bạc lung lạc họ, dụ dỗ họ theo đạo, như vậy chẳng phải là quân tử, chẳng chánh đại quang minh.
Cô Tư, cô Sáu vui ra mặt khi nghe ông Cả nói ra những lời chơn chánh cao thượng đó. Phải, hai cô hoàn toàn đồng ý với cha. Nếu người ta vì tiền bạc, lợi lộc mà theo đạo thì họ cũng sẽ vì tiền bạc, lợi lộc mà dễ dàng bỏ đạo. Nếu sai lầm dùng tiền bạc, lợi lộc để truyền đạo như vậy ắt sẽ tạo thêm nghiệp chướng chớ không ích chi cho việc tu hành tìm cầu giải thoát.
Nhà ông Cả Nhựt từ đó giống như được tiếp một luồng sanh khí mới. Chòm xóm thêm nể nang gia đình ông. Tuy chẳng có ai giảng đạo, thuyết pháp chi hết, nhưng bà con quanh vùng từ chỗ mến mộ tư cách đạo đức của cha con ông Cả, lần hồi họ phát tâm cầu đạo, xin tu theo tân pháp Cao Đài, ngày một đông hơn.
HUỆ KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.