Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

9. ÔNG BÀ NGUYỄN NHƯ BÍCH ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY



Đây là chuyện tôi nghe:
Cuối cùng ông Phán Quý tìm được nhà ông Nguyễn Như Bích. Tuy là khách không mời, ông vẫn được chủ nhà niềm nở tiếp. Hai người ngồi đối diện, cách nhau một mặt bàn đóng bằng danh mộc, lên nước đen bóng theo năm tháng. Ông Quý than:
- Tôi xuống ba hôm rày, kiếm nhà anh đỏ con mắt, đi rã cặp giò!
Nghe thuật lại đầu đuôi cớ sự, chủ nhà cười thông cảm và nói như an ủi:
- Phải chi anh hỏi nhà ông Cả Nhựt thì bà con chỉ cái một.
Té ra nhà ông Bích cách nhà cha vợ là Hương Cả Hồ Văn Nhựt không xa, cất trên đất ông Cả. Ông Cả có ba cô con gái. Cô Tư là Hồ Thị Huế, cô Sáu là Hồ Thị Huê, còn cô Năm là Hồ Thị Hường thì gả cho ông Bích nguyên quán tận Hà Tiên. Con trai ông bà Bích là bác sĩ Nguyễn Như Giu (1910-2000) từng làm trưởng Khoa Lao bệnh viện Cần Thơ trước năm 1975.
Ông Quý lờ mờ đoán rằng ông Bích náu nương bên vợ, sống kín đáo như muốn che giấu thân phận, để khỏi bị chú ý; bởi vậy, khi hỏi nhà Nguyễn Như Bích thì hầu như không ai biết. Nhưng tại sao ông Bích phải “ẩn thân”, ông Quý thắc mắc mà không tiện hỏi.
Hôm ấy ông Quý chưa biết rằng hai cha con ông Bích vốn là những người từng làm quốc sự, bị chánh quyền thuộc địa coi là thành phần nguy hiểm, nên luôn luôn bị lính kín của Pháp để mắt theo dõi.
Thân phụ của ông Bích là Nguyễn Như Khuê, tự Phác Đình, hiệu Chương Chu, là con ông Nguyễn Như Nguơn và bà Huỳnh Thị Chu. Ông Khuê tuổi Tỵ, sanh năm 1857 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Ông rất thông minh, học giỏi, rành nghề xem mạch bốc thuốc bắc. Hồi mười bảy tuổi ông cưới vợ, năm sau vợ vắn số, ông bèn đổi tên là Nguyễn Thần Hiến. Ông Bích là con của bà vợ sau (nhũ danh Huỳnh Thị Đắt). Bởi ông Hiến có chân trong Hội Đồng Địa Hạt (conseiller provincial), ăn lương của tỉnh Hà Tiên, nên bà con quen gọi ông là Hội Đồng Hiến, và ông “chết tên” này luôn, dù đã nghỉ làm Hội Đồng, dọn về Cần Thơ vào năm 1902, sau khi thân mẫu mãn phần.
Ông Hiến tích cực ủng hộ phong trào Đông Du do chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu khởi xướng năm 1905. Là nhà giàu trọng nghĩa khinh tài, năm 1907 ông góp cho quỹ Đông Du hai chục ngàn đồng (nghe nói tương đương hàng trăm lượng vàng thời đó) để tổ chức đưa thanh niên qua Nhựt Bổn học. Sang tháng 3-1908, ông gởi con trai độc nhứt là Nguyễn Như Bích qua xứ đảo Phù Tang. Nhưng cuối năm đó Pháp với Nhựt câu kết với nhau nên ông Bích cùng các du học sinh khác đều bị trục xuất về Việt Nam.
Phần ông Hiến thì mải bôn ba lo việc nước. Năm 1908, từ Cần Thơ ông lẻn qua Xiêm (Thái Lan), cuối năm 1910 từ Xiêm sang Hương Cảng, bị cảnh sát Anh bắt rồi thả. Giữa năm 1913 khi vừa tới Quảng Châu Loan (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), ông bị Pháp bắt giải về giam tại Hà Nội, tra tấn dã man. Trước ngày bị đày qua Guyane là thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ, ông nhịn đói và hy sinh trong phòng giam vào đêm giao thừa Giáp Dần (Chủ Nhật 25-01-1914).
Trở lại chuyện ông Phán Quý. Ông Bích hỏi người khách bất ngờ ghé nhà:
- Anh mất công kiếm tôi có việc chi?
- Không giấu gì anh, quan phủ Ngô Văn Chiêu trên Sài Gòn biểu sao thì tôi y lời làm vậy.
- Ủa? Trước giờ tôi chưa gặp quan phủ lần nào mà sao ngài biết tôi?
Ông Quý cười, tỏ vẻ thích chí:
- Ậy, vậy mới là thần thông, đắc đạo tại thế, biết hết mọi điều. Như chuyện ba hôm nay tôi đi lòng vòng kiếm nhà anh là một bằng cớ nhãn tiền.
Rồi ông Quý kể lại đầu đuôi việc tìm nhà ông Bích từ ngày 12 tới ngày rằm mới gặp.
Nãy giờ bà Năm Hường (vợ ông Bích) đã ra ngồi bên cạnh chồng, tỏ ý chăm chú lắng nghe. Thấy vậy, ông Quý được trớn, bèn nói thêm về đạo Cao Đài đã được Đức Thượng Đế truyền cho ngài Ngô ở trên núi Dương Đông, đảo Phú Quốc từ năm 1921. Ông vốn có duyên ăn nói hoạt bát nên dễ thu hút hai vợ chồng chủ nhà.
Kết thúc câu chuyện, Ông Quý hỏi:
- Quan phủ dạy tôi thay mặt ngài xuống đây truyền đạo, mà anh chị có phước lớn mới được ngài chọn là người đầu tiên ở đất Cần Thơ này. Vậy ý anh chị ra sao, xin cho tôi biết?
Ông Bích không khỏi phân vân. Bởi lẽ thân phụ ông vốn là nhà Nho có giao du với nhóm tu Tiên ở Hà Tiên (Lâm Tấn Đức, Huỳnh Đăng Khoa, La Thành Đầm, v.v...); ông nhạc hiện nay lại đang thờ Tam Giáo trong nhà. Bây giờ đạo Cao Đài mới mẻ quá, nghe lạ lẫm quá, chưa biết hư thực thế nào, không lẽ lại bỏ nếp nhà sẵn có bấy lâu?
Nghe ông Bích thổ lộ nỗi băn khoăn, tự dưng ông Quý như được Thần Minh ám trợ, liền mở miệng thao thao giảng giải cho vợ chồng chủ nhà hiểu rằng Đức Cao Đài chính là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hạ trần Kỳ Ba. Nếu hai ông bà Bích thờ Đức Cao Đài thì cũng có nghĩa là thờ đấng chúa tể của tất cả Thần Thánh Tiên Phật, như kinh nhựt tụng xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thiên Tôn có câu vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ (làm chúa tể tất cả Thánh Thần Tiên Phật). Vậy thì ông bà Bích đâu cần phải sợ sệt sẽ bị Phật Tiên bắt tội...
Xưa nay chuyện tu hành vốn là đại sự nhân duyên. Trường hợp thứ nhứt, phần tu nếu chưa tới thì dẫu có cưỡng cầu vô chùa vô thất, ép mình sống một thời gian, rốt cuộc cũng đành bật văng ra đời. Trường hợp thứ hai, khi duyên phận tu học đã đủ đầy thì dù đang mải miết bôn ba chợ đời chăng nữa, Trời Phật cũng phái sứ giả tìm tới dắt dẫn vào cửa đạo. Vợ chồng ông Bích thuộc trường hợp thứ hai nên mới được ngài Ngô phái “sứ giả” là ông Quý từ Sài Gòn tìm tới tận nhà mà hóa độ để làm những hạt giống sơ khởi cho đạo Cao Đài tại vùng đất lành mà ca dao từng khen tặng: Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Rốt cuộc, nhiều câu hỏi mang tính chất vấn lần lượt được trả lời suôn sẻ, vợ chồng ông Bích cảm thấy an lòng. Nói như bên nhà Phật là sau khi đã xong phần quyết nghi, ông Bích vui vẻ hỏi:
- Nay được ơn quan phủ phái anh tới khải ngộ phá mê, vợ chồng tôi nguyện tu theo đạo Cao Đài thì phải làm sao?
- Anh chị muốn thờ Thượng Đế thì hãy chọn chỗ nào trong nhà cho thanh khiết, lập bàn thờ rồi đợi giờ Tý lập đàn cầu cơ coi Ơn Trên dạy ra sao. Quan phủ có trao bức Thiên Nhãn và cây đại ngọc cơ để tôi mang theo đi Cần Thơ. Vậy là ngài cho phép anh chị được hầu đàn hưởng ơn phước thiêng liêng đó. Ngài có cho thì mình cầu mới linh ứng, mới được Tiên Thánh, Phật Trời giáng lâm. Nhưng anh chị chớ nên trì huỡn. Bữa nay đúng rằm hạ nguơn giải ách Thủy Quan xá tội, là ngày rất tốt để khởi sự tu hành. Vậy nội khuya nay mình phải lập đàn.
Ông Bích nói:
- Cũng may, bên nhà vợ thờ Tam Giáo. Hai bữa nay chúng tôi có ăn chay, cũng tạm gọi là dọn mình thanh tịnh. Nhưng cách thức cầu cơ ra sao thì chúng tôi phải nhờ anh chỉ dẫn.
- Anh chị và tôi chỉ mới có ba. Trong nhà còn ai thích hợp thì anh chị mời tham gia cho được ít nhứt là bốn người. Tôi và anh Bích ngồi phò cơ. Thêm một người làm độc giả, một người làm điển ký để ghi chép lời độc giả đọc thánh ngôn do cơ viết ra.
Nhà ông Cả Nhựt gần đó, ông Bích đi vô nhà nhạc phụ thì gặp đủ cả cô Tư Huế và cô Sáu Huê. Ông Bích kể lại rành mạch cớ sự thì hai cô vui vẻ chịu hầu đàn. Riêng ông Cả không ngăn cản mà cũng không tỏ ý ủng hộ.
Thành phần nhơn sự để lập đàn cầu cơ coi như tạm ổn thì ông Bích sực nhớ bản thân có chút trở ngại, bèn thú thiệt với ông Quý:
- Tôi có cái bịnh ngặt lắm! Ban đêm đi tiểu lắt nhắt tới ba bốn lần. Hễ cầm cơ ắt phải ngồi lâu, tôi e bất tiện.
Ông Quý trấn an:
- Trước khi lập đàn mình phải cúng Thầy và cầu nguyện Thầy ban ơn hộ trì cho anh. Trên Sài Gòn nhiều người mắc bịnh đã được quan phủ thỉnh bạch thủy độ cho lành mạnh để tiện bề tu hành. Anh có đức tin thì cầu Thầy sẽ cảm ứng. Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Anh là con nhà Nho ắt cũng dư biết mà.
Vốn đã quen hầu đàn khi tu theo ngài Ngô, ông Quý lẹ làng hướng dẫn mọi người bắt tay thiết lập đàn cơ, nghi thức bày biện, phận sự cắt đặt từng người đâu ra đó.
Giờ Tý cầu cơ thì có Đức Cao Đài giáng lâm dạy đạo. Đến chừng bãi đàn, sực nhớ là đã ngồi cầm cơ kéo dài cả giờ đồng hồ liền mà không bị gián đoạn vì lý do sức khỏe giống như mọi đêm, ông Bích ngạc nhiên và mừng lắm.
Đức tin được củng cố, từ đó mỗi ngày ông Bích siêng cúng Thầy theo hướng dẫn của ông Quý, cầu nguyện xong rồi lại thỉnh bạch thủy uống trị bịnh. Chẳng cần dùng thuốc men chi cả mà chứng tiểu đêm lắt nhắt bỗng dứt sạch hồi nào không biết.
Kể từ đó, nhà ông Nguyễn Như Bích tối Thứ Bảy nào cũng cầu cơ. Người lân cận biết tin lần lần tìm đến xin hầu đàn. Khi số người hầu đàn tăng thêm nhiều, đàn cơ được thiết lập tại nhà ông Nguyễn Thiện Niệm, về sau lại được thiết lập trên lầu một nhà ông Nguyễn Văn Huỳnh.
Nhà ông Niệm là một trong bốn căn liền nhau nằm bên số lẻ đường Paul Bert, về sau đổi thành đường Nguyễn An Ninh, trong quận Ninh Kiều (ngày nay bên số lẻ gọi là đường Châu Văn Liêm, bên số chẵn trở lại tên cũ là đường Nguyễn An Ninh). Khi lưu lại Cần Thơ hành đạo, ông Quý ngụ trong một căn sát bên nhà ông Niệm. Hồi còn mang tên đường Nguyễn An Ninh (trước năm 1975), căn nhà ông Quý trọ được đánh số 39, nhà ông Niệm số 37.
HUỆ KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.