Có vài quyển sách in giấy tái sinh, đen đủi, thô ráp, con
chữ lờ mờ nhỏ xíu, dấu tích một thời khó khăn xa cũ, nhưng bạn không hề muốn
thay thế bằng ấn bản mới mấy năm sau này, dù giấy trắng đẹp hơn, chữ in rõ ràng
sắc sảo hơn, bìa ngoài màu sắc bắt mắt hơn. Xếp trên kệ chung với những quyển
sách ấn loát mỹ thuật thời nay, quyển sách cũ kỹ năm xưa khác chi chú cừu đen
lạc lõng giữa đàn cừu trắng. Vậy mà bạn nhất định giữ gìn nó cẩn thận, cũng là
giữ một kỷ niệm trong đời. Với tôi, Ý Cao
Tình Đẹp của nhà văn Nguyễn Hiến Lê là trường hợp như thế.
Bản in đầu ở Sài Gòn trước 1975 tôi không có, chỉ mua
được bản do nhà xuất bản Trẻ in lại lần thứ nhất vào tháng 3-1989. Dòng mực
tươi xanh ghi đậm nét ở đầu lời Tựa
nơi trang 5 giúp tôi xác định ngày mua là 24 tháng đó. Nghĩa là sách vừa phát
hành không lâu. Sáng Thứ Sáu hôm ấy, sau giờ đứng lớp ở ngôi trường nằm trên
đường Phan Đình Phùng,([1])
lững thững ra hiệu sách nhỏ gần ngã tư Phú Nhuận, cách chỗ dạy học mấy căn nhà
và vài cửa tiệm, tôi tình cờ bắt gặp tập truyện dịch dày chưa tới 200 trang do
nhà văn Nguyễn Hiến Lê tuyển chọn trong non hai mươi năm.
Chỉ có ba mươi bốn câu chuyện ngắn gọn, những chuyện
người thật việc thật mà tác giả hầu hết không phải là nhà văn, không cùng quốc
tịch. Chuyện chủ yếu xoay quanh những vặt vãnh trong cuộc sống bình thường của
một em bé bán rong, một anh lính đi nuôi bệnh, một thầy tu lăn lóc với kẻ bần
cùng, một chàng trai sa cơ lỡ vận, một ông bố đắm tàu, một khách du lịch, một
thiếu nữ cụt tay, một chiến sĩ ngoài mặt trận, một trò trường tiểu học, v.v...
Vậy mà tất cả đều cùng toát lên một ý cao tình đẹp thâm trầm. Cả quyển truyện
là bản đồng ca truyền cảm đến rơi lệ của những tâm hồn nhân bản, làm ta vững
tin vào khả năng vô tận ở chính mỗi người chúng ta, vững tin vào giá trị bền bỉ
muôn thuở muôn phương của lòng nhân ái, của tính thiện bất kể tuổi tác ngành
nghề, màu da sắc tóc, văn hóa ngữ ngôn...
Đọc đi đọc lại Ý Cao
Tình Đẹp tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: Chuyện người thật việc thật như thế này
lẽ đâu chỉ có ngần ấy, sao mình không thử nối tiếp công việc của nhà văn Nguyễn
Hiến Lê đem hương sắc bốn phương góp phần hòa điệu văn hóa đạo đức truyền thống
nước nhà. Một bài luân lý khô khan nặng tính giáo điều chẳng ai thèm xem, nhưng
một câu chuyện đơn sơ chân thật lay động tận sâu thẳm lòng người thì ai cũng
muốn đọc, muốn nhớ, muốn truyền trao người khác.
Thế là tôi bắt đầu lưu ý tuyển dịch. Phạm vi phong phú
của Ý Cao Tình Đẹp trải rộng khá
nhiều mặt giữa đời thường, trái lại tôi tích lũy dần dần theo từng chủ điểm
riêng biệt. Trong khoảng mười năm (tính tới năm 2003), với định hướng ấy, lần
lượt từng mẩu chuyện nhỏ được đều đặn đăng trên tạp chí Yêu Trẻ; sau đó được gom lại gởi nhà xuất bản Trẻ và nhà xuất bản
Giáo Dục in thành tám tập mỏng, xoay quanh bốn mối quan hệ: cha và con, mẹ và
con, thầy và trò, người và người. Vài quyển trong số đó đã in lại khá đều đặn.
Ba quyển nằm trong danh mục hơn hai trăm nhan đề mà Bộ Giáo Dục có công văn
liệt kê cho học sinh trường phổ thông đọc. Nhờ sự đồng cảm của cô Nguyễn Hướng
Dương (1971-2018), Thư Viện Sách Nói Dành
Cho Người Mù đã tuyển lấy một số nhan đề rồi tổ chức đọc sách và ghi âm vào
băng cát-xét, dĩa CD để phục vụ miễn phí những người khiếm thị.
Nhờ những tập truyện dần dần hình thành từ nguồn cảm hứng
sau khi đọc Ý Cao Tình Đẹp, tôi vui
sướng có thêm các bạn quý gần xa, nhất là một vài bạn văn bậc đàn anh với những
lịch duyệt dày dặn từ trước năm 1975 (khi tôi hãy còn là chú học trò nhỏ). Quả
thật, nhờ vậy tôi được khích lệ, và thêm nhẫn nại với nỗi đam mê viết lách từ
thuở bé. Mối thiện duyên này khiến tôi nhớ lời thầy Tăng Tử (Luận Ngữ, 12:24): Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân. 以文會友, 以友輔仁. (Dùng văn chương họp bạn, dùng bạn giúp nuôi lớn đức nhân.)
Mỗi khi ai đó nói với tôi về hiệu ứng tốt đẹp mà các bản sách
tôi dịch đem đến cho họ, an ủi họ, và củng cố niềm tin của họ vào những giá trị
nhân bản bất biến giữa cuộc sống phù hoa, thật hư điên đảo, thì tôi không khỏi
chạnh nhớ Ý Cao Tình Đẹp của nhà văn
Nguyễn Hiến Lê.([2])
Phải, tôi mang ơn thầy, mang ơn thầy nhiều lắm.
Phú Nhuận,
30-10-2018
(Sau khi xem lại bản in
tháng 10-2003,
có chút sửa chữa, viết
thêm vài chi tiết nhỏ nhặt.)
HUỆ KHẢI
([2]) Khi chủ biên Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, tôi đã in trong Tủ Sách Văn Học Đại
Đạo bốn nhan đề: Sống Đẹp Là Sống Đạo,
Cao Cao Dáng Núi, Ai Đo Lòng Biển, Gởi Lại Cho Đời (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, 2018). Các sách này cũng là quả
ngọt gặt hái từ cái nhân lành năm nao: Ý
Cao Tình Đẹp.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.