Tôi bùi
ngùi lần giở xấp thư cũ, giấy viết thư nhiều loại, nhiều cỡ, và còn có các
phong bì kèm theo mà nhiều cái vốn được dùng lại (recycled), nghĩa là phong bì cũ của người khác gởi tới thì thầy lộn
trái để dùng lần nữa. Tôi cũng bắt chước mà lộn trái phong bì cũ để gởi thầy. Đây là một kiểu tiết kiệm dường như khá phổ biến vào
thời bao cấp; thỉnh thoảng thư bà con ngoài Bắc gởi vào thăm ba má tôi cũng dùng
phong bì cũ lộn trái. Nhưng tôi nghĩ thầy làm thế có lẽ còn để cho khỏi khác lạ
với phần đông bá tánh bấy giờ. Một phong bì đẹp, mới tinh nằm lẫn trong số bì
thư thô xấu có khác chi con cừu trắng chen giữa đàn cừu đen, dễ gây chú ý không
cần thiết, dù nội dung lá thư đựng bên trong rất bình thường.
Ngoài các
thư đã dẫn trong bài Tấm Lòng Một Người
Thầy, tôi sắp xếp lại đây một số thư thầy gởi tôi, theo thứ tự thời gian, và
theo nội dung liên quan. Tôi giữ nguyên cách thầy viết ngày tháng, viết tắt, viết
hoa, gạch dưới các chữ cần lưu ý, v.v… Khi cần giải thích lời thư của thầy, tôi
dùng cước chú hoặc đặt ghi chú của tôi trong dấu ngoặc vuông [. . .].
Dẫn lại
thư thầy viết mấy năm xưa, tôi hy vọng quý bạn ái mộ Nguyễn Hiến Lê có thêm ít
nhiều dữ kiện khách quan để thấy rõ phong cách làm việc chu đáo và cẩn trọng, cảm
nhận được lòng nhân hậu kín đáo cũng như đức tín nghĩa sâu dày của một bậc hiền
nhân hiếm hoi giữa đời mạt pháp.
1. Thư về vài bản thảo tôi đang viết
1.1. Thứ Ba 03-6-1980, tôi
viết thư hỏi thầy một số thuật ngữ hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc, vì tôi
đang tập tễnh viết tiểu sử tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932), và muốn soạn
bản song ngữ Việt-Anh.([1])
Hồi âm cho tôi, thầy viết:
Saigòn 10.6.80
Cháu Dũng,
Tôi đã về ở hẳn Long
Xuyên từ 4/2/80, mặc dầu còn giữ hộ khẩu ở đây, mỗi năm chỉ lên Saigòn vài lần
thôi vì xe cộ khó khăn lắm.
Lúc này tôi lên đây trị
bệnh trĩ, trị xong rồi, ít bữa nữa tôi về L. Xuyên.
Cháu có viết thư cho tôi
thì đề:
Ô. N. H. Lê
92 đường 26 tháng 3
Thị xã Long Xuyên (An Giang)
Ở Bắc và Nam, viên quan
cai trị mỗi kì gọi là Résident supérieur.
Cơ quan gọi là Résidence
supérieure.
Tỉnh trưởng gọi là
Résident chef de province.
Cơ quan gọi là (Bureaux
de la) Résidence.
Chúc cháu mạnh.
Tự học tấn tới không?
(Chữ ký)
Tôi dùng mực xanh lá cây của nhà máy Hồng Hà sản xuất ở ngoài
Bắc,([2])
viết trên giấy pelure tái sinh. Thầy
hoàn lại thư, dùng mực bút bi đen ghi phần trả lời đè lên câu hỏi. Chẳng hạn,
tôi hỏi: “Tòa Bố” hồi ấy tiếng Pháp gọi là gì? Có tương đương với cơ quan
hành chánh tỉnh ngày nay không? Thì thầy gạch một lằn ngắn bên lề trái thư, sát cạnh câu
hỏi, và viết: Phải. Rồi thầy gạch
dưới hai chữ “Tòa Bố”, kéo một lằn dài xuống
chỗ trống cuối trang giấy, viết: Inspection.
Tiện cho tôi lắm, mà cũng đỡ công thầy chép lại các câu hỏi.
Bổ túc phần đã giải đáp, khi viết riêng một tờ cỡ A5 để
hồi âm, thầy còn chỉ thêm cho tôi bốn từ tiếng Pháp (Résident, Résidence, v.v…) ở cuối thư, như dẫn trên.
Trước khi giải thích mấy thuật ngữ hành chánh thời Pháp
thuộc, ở lá thư dẫn trên thầy dặn dò: Cháu
có viết thư cho tôi thì đề: Ô. N. H. Lê ... Tôi đoán chừng rằng thầy là người nổi tiếng, không muốn thư từ bị chú ý, nên bảo
tôi viết tắt.
Bởi vậy tôi không lạ khi vào những năm
1980-1984, tôi
nhận được ba, bốn phong bì mà ở góc người gởi,
thầy chỉ ghi vỏn vẹn: Nguyễn; rồi xuống dòng
ghi: Kỳ Đồng.
Thậm chí thư Long
Xuyên, Thứ Năm 18-8-1983, thầy còn dặn kỹ hơn:
Thư cho tôi đề:
Ông Năm – 92 T.Đ.T. L.X. và cháu đừng đề tên cháu ở ngoài bao thư thì có thể
mau tới hơn. Người ta tưởng là thư gởi cho một người bình dân quê mùa nào đó, ít
để ý tới.
Như để làm mẫu, chính trên phong bì đựng thư ấy
(và chẳng phải là lần duy nhất) thầy chỉ ghi họ tên và địa chỉ của tôi, không ghi
họ tên và địa chỉ người gởi. Con dấu của bưu điện Tân Định áp lên bì thư ấy ghi
ngày 27-8-83.
Thư Long Xuyên, Chủ Nhật 15-01-1984, thầy
xoay ngang tờ pelure khổ A5, viết vào
lề thêm hai dòng này:
T.B. Thư cho
tôi, cháu đề N. H. Lê 12/3C Kỳ Đồng (gởi về Long Xuyên hay mất lắm), rồi khi
nào ở đây có người lên trên đó thì đem về cho tôi. Trễ cả tháng, nhưng không sợ
mất.
1.2. Thứ Tư 15-02-1984, tôi
viết thư hỏi thầy một số từ ngữ vì đang biên soạn Tìm Hiểu Kinh Cúng Tứ Thời,([3]) và Truyền Thống Tam Giáo Việt Nam (tập I).
Từ Long Xuyên, Thứ Sáu 23-3-1984, thầy hồi âm, trả lời
hết các câu hỏi liên quan tới các câu kinh cúng tứ thời, ghi ý kiến ngay trên
thư tôi và hoàn lại. Chẳng hạn:
1.2.1. Về hai câu Vô vi cư Thái Cực chi tiền / Hữu thỉ siêu
quần chơn chi thượng, tôi hỏi: Hữu
thỉ nên dịch ra sao?
Thầy giảng: Hữu
thủy ([4]) là khi mới có vũ trụ, nói theo Lão thì từ vô sinh hữu,
nói theo Dịch thì là từ Vô cực sinh Thái cực. Tôi không tin thuyết đó.
1.2.2. Về câu Lưu sa tây độ, tôi hỏi: Có người giải Lưu Sa là tên đất. Con nghĩ rằng lưu sa là sa mạc, cát bị gió cuốn đi… Vậy
lưu sa tây độ là trỏ việc Lão tử đi về Tây Vức (có sách nói qua sa mạc Gobi)
băng qua miền sa mạc để khuyến giáo. Không hiểu có đúng chăng?
Thầy trả lời: Có
thể như vậy. Nhưng các học giả còn ngờ cái việc Lão tử có thật qua Tây Vực
không.
1.2.3. Về Pháp hóa tướng tông, tôi hỏi: “Pháp hóa tướng
tông” thì con chịu, không giải
ra! Pháp (Dharma) thì ám chỉ Đạo, nó vô vi… Phải chăng họ muốn nói Pháp (hay
Đạo) nhờ có Lão tử quảng truyền mà thị hiện ra đầy đủ có tông [chỉ], có [hình]
tướng để nhờ đó thiên hạ hiểu mà theo học?
Thầy trả lời: Từ
Nguyên không có 相宗 [tướng
tông], chắc là một danh từ về đạo. Chịu.
1.2.4. Tôi hỏi: Cửu Hoàng là những ai?
Thầy giảng: Từ
Nguyên: a/ 9 ông Nhân Hoàng thời 上古 [thượng cổ]; b/ Các ông Hoàng từ Thần Nông trở lên. Thần
Nông là ông Hoàng cuối cùng trong Cửu Hoàng.
1.2.5. Tôi hỏi về câu Chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố.
Thầy giảng: Trồng
những cây ăn quả ngon trong vườn thi thư. Câu này dễ hiểu, có gì đâu. Khen công
của Khổng tử với thi thư.
1.2.6. Về câu Chí như ý từ tường ư ngao trụ, tôi viết:
Ngao trụ có người giảng là núi Ngao Trụ
(!). Con hiểu ngao trụ là rùa (ba ba) chống chỏi, đỡ nâng; do điển Cộng Công
đánh nhau với Chúc Dung làm sập trời, sụt đất; Nữ Oa phải rèn đá ngũ sắc vá
trời, chặt bốn chân ngao chỏi đất.
Thầy đánh dấu đoạn tôi viết về Nữ Oa, và ghi bên cạnh: Tôi cho thuyết này đúng hơn.
1.2.7. Về câu Ứng mộng bảo sanh, thùy từ mẫn khổ, tôi
hỏi: Có người giảng “Ứng mộng bảo sanh” là do tích Khổng tử quá lo việc cứu
dân, đêm nằm ngủ mộng thấy Chu công hiện về mách kế, chỉ vẽ sách lược… Con
không biết sách đạo Nho quả có chuyện này không? Và có đáng tin không?
Thầy trả
lời: Luận ngữ có vài chỗ bảo Khổng tử
thường mộng thấy Chu công (vì ông muốn nối nghiệp Chu công, cứu vãn chế độ nhà
Chu) nhưng không có chỗ nào bảo Chu công mách kế cho Khổng cả. Không tin được,
bỏ đi.
1.2.8. Về câu Vương tân sách phụ, tôi hỏi: Có thể hiểu như vầy chăng: Khổng tử ở vị trí
là thượng khách của vua (vương tân), đem tài ra giúp rập cho vua (sách phụ),
tham mưu cho vua?
Thầy làm dấu ngay ở lề phải trọn đoạn tôi hỏi, rồi viết
bên cạnh: Tôi cũng nghĩ như cháu.
Các thư gởi tôi, thầy thường cho ý kiến dứt khoát, viết
ngay bên cạnh câu tôi hỏi: Chịu. Chịu
thôi. Hoặc: Tôi không biết. Chấp
nhận cách tôi giải, thầy viết: Đồng ý với
cháu. Hoặc: Tôi cũng nghĩ như cháu.
Lúc phủ nhận thì rất gọn: Không tin được,
bỏ đi. Hoặc: Tôi không tin thuyết đó.
Khi trả lời cho tôi như trích dẫn trên đây, thầy đang
bệnh nhiều, vậy mà thầy vẫn ân cần viết thêm một thư cho tôi, nói về bản thảo Truyền Thống Tam Giáo Việt Nam (tập I)([5]) tôi đang soạn, rồi chỉ dẫn cách tra từ điển chữ Hán. Thư
thầy như sau:
Long Xuyên 23.3.84
Cháu Dũng thân,
Tôi mới nhận được thư
15.2 của cháu. Đề tài cháu viết đó lí thú đấy: “Truyền thống tam
giáo V.N.” Tập II có lẽ lí thú nhất: Vô số tài liệu về Phật Thầy
Tây An, về các ông đạo, về Cao Đài, Hòa Hảo, đạo Hiếu Nghĩa ở Thất Sơn v.v… (Có
lẽ có cả đạo Minh Sư nữa).
Nhưng tôi tiếc rằng tôi không giúp gì cháu
được nhiều đâu. Thú thực tôi mù tịt về Tôn giáo, không hiểu các kinh kệ, lại
không biết những từ ngữ của họ. Ngành nào cũng có từ ngữ riêng, mà cháu đã biết
lịch sử T.H. là lịch sử một continent [lục địa, đại lục] trong
3.000 năm là ít, các bộ từ điển của T.H. bây giờ thiếu nhiều lắm, muốn cho đủ
phải dày bằng hai bộ Encyclopédie britannique en 24 volumes! ([6])
Và muốn tra cứu cho kĩ thì phải đọc cái
kho Tứ Khố toàn thư ([7]) của họ.
Về V.N., thế kỉ XX, cháu phải tìm mấy ông già
có học, theo đạo Cao Đài (tôi nhớ 1937-38, có một cuốn nhan đề là Đạo giáo của
một người theo Cao Đài viết, cháu thử tìm trong thư viện xem); tôi lại tiếc ông
bạn của tôi, Nguyễn Văn Hầu,([8]) lúc này
chưa thật bình thường, ông ấy có thể biết kha khá về các đạo ở miền Tây,
có thể giúp cháu được. Địa chỉ ông ấy ở Chợ Mới (An Giang), ở đó ai cũng biết
ông ấy.
Tôi nửa năm nay sức suy
nhiều, hay đau lưng: thận thủy và hỏa đều suy. Cháu uống toa nào trị thận thủy
suy đó? Phải toa địa hoàng lục vị không? Suốt ngày tôi nằm võng. (Thư này viết
trên võng đây.) Mắt lại bị cataracte: tra tự điển T.H. phải ra chỗ thật sáng và
dùng loupe,([9]) cho nên ngại lắm, và chỉ giúp cháu được tí ti thôi.
Cháu có bộ Từ Hải hoặc Từ
Nguyên không? Nếu không thì phải mua. Nếu có thì cháu đã có thể tra chữ 九皇 [Cửu Hoàng] được
rồi! Khi tra một chữ thì nên đọc hết cách đọc và nghĩa của nó (nó
có thể có nhiều cách đọc, nhiều nghĩa); khi tra 2, 3 từ đi liền nhau như Cửu
Hoàng thì sau khi tra chữ 九 [cửu] rồi, cháu lật
coi ở phía dưới, tìm những chữ 2 tiếng xem có Cửu Hoàng không. Có từ ngữ 3-4
tiếng.
Cháu lại nên có cuốn Hoa
Việt thông dụng tự điển của Lạc Thiện (người Hoa kiều) xuất bản ở Saigòn, 1972,
do Quốc Thái ấn quán 198 Lý Thái Tổ in. Cuốn đó chỉ có khoảng 5.500 chữ thôi
nhưng rất tốt, rất tiện, cháu coi thì sẽ biết.
Thân ái
(Chữ ký)
Thư này Thầy viết trên võng, dùng bút bi, đặc kín tờ A5,
nét chữ nhỏ mà đẹp, dễ đọc. Trên đầu thư, ở góc lề trái cạnh dòng ngày tháng,
Thầy dùng bút chì ghi chú: Thư này viết ở
LX, nhờ người đem lên SG bỏ thùng thư trên đó.
Đọc thư thầy rồi, chẳng nhớ vì duyên cớ gì khiến tôi quá
chậm trễ phúc đáp, quả thật rất đỗi sái quấy. Từ Long Xuyên, Thứ Hai 30-4-1984,
thầy gởi tiếp một thư viết trên mẩu giấy nhỏ khoảng non nửa tờ A5 (trích):
Cháu Dũng thân,
Cách đây hơn một tháng
tôi đã trả lời những câu hỏi về chữ Hán trong các sách cháu đọc về tôn giáo.
Cháu đã nhận được chưa? Tôi sợ lạc thì mất công cho cháu và cả cho tôi nữa.
Bưu điện ở đâu cũng vậy
làm việc lúc này lôi thôi lắm. Nếu chỉ tới trễ thì mình còn chịu được. Mất thư
thì thật là từ xưa chưa từng thấy! Họ làm ăn ra sao mà mỗi ngày mỗi bết hơn!
(Lại mới được biết họ đánh mất cả điện tín, cả đầu bài thi nữa!)
Mỗi lần nhớ lại lỗi này, tôi rất thẹn. May mà thầy luôn rộng
lòng độ lượng.
1.3. Thư Long Xuyên, Thứ Bảy
26-5-1984, khi trả lời chỗ tôi tồn nghi về ý nghĩa chữ trường 觴 (chén
uống rượu) dùng trong bài Dâng Trà
khi cúng tứ thời (Đông độ thanh trà mỹ vị
hương / Khấu đầu cung hiến chước hồ trường), thầy
viết trên hai mặt tờ pelure khổ A5
(trích):
Cháu Dũng thân,
Về chữ 觴 [trường] đó, từ
điển T.H. giải nghĩa là tên chỉ chung các đồ (chén) đựng rượu thời xưa.
Tiếng đó cổ quá rồi, tôi
chỉ gặp nó mỗi một lần trong 1 bài thơ đời Đường.
Trong bài kinh của cháu
(viết thời nào?) người ta không đựng rượu mà đựng trà thì cũng có thể dùng chữ
đó được vì nó là thơ, cần vần. Nhưng cháu muốn tồn nghi thì cứ tồn nghi.
2. Thư về thuật ngữ triết Trung
2.1. Cuối năm 1982, tôi viết
thư hỏi thầy về cách dịch một số thuật ngữ triết Trung thầy dùng trong bộ Đại Cương Triết Học
Trung Quốc, hai quyển, viết chung với cụ Giản Chi (Sài Gòn: Nxb Cảo Thơm, 1965). Thầy hồi
âm, dùng tờ giấy fort màu vàng chanh khổ
A5, ở góc trái phía trên có in sẵn họ tên và địa chỉ nhà ở Kỳ Đồng; thầy ghi đè
lên nó địa chỉ ở Long Xuyên dù viết ở Sài Gòn. Thư ấy viết kín hai mặt giấy.
Kỳ Đồng 16.1.83
Cháu Lê Anh Dũng thân,
Thư của cháu một tháng mới tới tôi. Nó đi lòng vòng: tới
Kỳ Đồng, người nhà gởi theo về Long Xuyên cho tôi, tới L.X. thì tôi đã lên
Saigon rồi; ở L.X. người nhà đợi có người quen đi Saigon, nhờ đem lên cho tôi,
và tôi nhận nó được ở đây 2 ngày nay. Tôi ở đây đã trên nửa tháng rồi, lại sắp
về L.X., trả lời ngay cho cháu; để tới L.X. rồi mới trả lời thì có khi cả
tháng sau cháu mới nhận được. Thư bây giờ đi kì cục lắm: lúc thì một tuần, lúc
thì cả tháng, cả 2 tháng mới tới L.X.
- Trung Triết, Ấn Triết với Tây Triết khác hẳn nhau, mỗi
Triết có những quan niệm, ý niệm riêng, từ ngữ riêng, không équivalent với
Triết khác, nên không thể dịch được.
Vũ trụ luận đúng là cosmologie như cháu nói. Bản căn luận
có sách dịch là ontologie. Đại hóa luận, Tây Triết hình như không có, tôi chưa
thấy người nào dịch. Cháu muốn dịch thì cứ theo nghĩa mà dịch: Grande
transformation dans l’univers.
Pháp tượng luận cũng vậy, không có équivalent trong tiếng
Anh, Pháp, cũng lại cứ theo nghĩa: sự vật và hiện tượng trong vũ trụ: éléments essentiels constituant les
êtres, choses et phénomènes dans l’univers.([10])
- Tôi cho luận nghĩa hơi khác quan.([11])
Quan = conception. Luận = essai,
dissertation, hypothèses…
Quan niệm = chỉ đưa ra một ý kiến thôi, không nhất định nó
phải đúng, mỗi người mỗi phái có một ý kiến.
- Thế giới ngày mai và tương lai nhân loại,([13]) tôi dịch theo bản
tiếng Pháp. Bản dịch của tôi để ở L.X. Cháu đã có bản tiếng Anh thì khỏi phải
coi bản tôi dịch. Muốn kiếm bản tôi dịch thì lại sạp sách cũ số 72, đường
Calmette rẽ vô (chợ sách cũ) nhờ người ta tìm cho, chỗ đó quen tôi.
Tôi không nhớ trong cuốn đó Russell có đề cập đến cái gọi
là bổ túc Đông Tây, kiểu tổng hợp Tâm-Vật không, chỉ nhớ Russell rất khen dân tộc
T.H. trọng triết lí hơn tôn giáo - (“dân tộc” đó phải hiểu là kẻ sĩ T.H. chứ không phải bình dân) - và trọng văn hơn võ.
Có lẽ vì vậy mà người ta cho T.H. là bổ túc được phương Tây chăng?
- Tôi không biết người T.H. gọi lối chú thích in làm 2 hàng
chữ nhỏ đó là gì. Doubled column có lẽ là do Liu-Tsun Yuan đặt ra
chứ không phải dịch.([14])
Từ khi bác sĩ Thọ qua Pháp,([15]) cháu có được tin tức
gì của ông không? Ở Paris? Vui vẻ, mạnh khỏe? Có làm nghề y sĩ nữa không?
Cũng gần Tết rồi, tôi chúc cháu mạnh khỏe, vui vẻ, biết
thêm được nhiều. Tôi còn lâu mới lại lên SG.
(Chữ ký)
2.2. Thứ Ba 12-7-1983, tôi viết
thư về Long Xuyên. Thứ Năm 18-8-1983, thầy hồi âm, viết hết hai mặt một tờ chiếc
giấy tập vở học trò, rồi xoay ngang viết kín luôn hai bên lề. Thứ Bảy
27-8-1983, thư Long Xuyên tới Bình Thạnh (trích):
Cháu Lê Anh Dũng,
Thư 12.7.83 của cháu mất
một tháng mới tới tôi (!) cùng một lúc với 6-7 thư khác. Hình như họ dồn thư lại,
một tháng chỉ phát một hai lần thôi, chứ không phát hằng ngày như trước. Vì vậy
tôi phải trả lời một lúc non chục bức thư.
Thời tiết mùa mưa này ở
Long Xuyên (miền ngập nước) không tốt đâu. Nhà nào cũng có người đau. Tôi một
tháng nay đau nhiều bệnh vặt, cứ vài ngày ăn cơm lại vài ngày ăn cháo và ngày
nào cũng uống thuốc.
Tôi trả lời ngay về 7 cuốn
sách cháu tìm để tham khảo: Tôi và các bạn tôi không ai có những cuốn đó đâu. May
ra thì ông Nguyễn Đăng Thục có được, mà tôi chỉ biết danh chứ không tiếp xúc
với ông ấy lần nào cả. Hình như lúc này ông ấy làm cho thư viện Phật học của trường
Đại học Vạn Hạnh cũ (đã dẹp rồi). Thư viện đó ở đâu miền Phú Nhuận.
(…)
Pháp trị thì người Pháp đã
dịch là légisme.([16]) Còn nhân trị (人治) thì chưa ai dịch. Đó cũng là một quan niệm
của phương Đông: trị nước thì con người (vua, quan) quan trọng hơn là hiến
pháp, pháp luật. Nhân trị cũng gần đồng nghĩa với 仁治 [nhân trị],
với 王道 [vương đạo]. Vương đạo đã có người dịch là voie royale rồi,
仁治 [nhân trị] tôi cũng chưa thấy ai dịch. Cứ theo lối cấu
tạo của từ légisme thì 人治 [nhân trị] có thể dịch là humanisme được, nhưng
humanisme đã có nghĩa khác rồi (chủ nghĩa nhân bản) nên phải bỏ. Dịch càn nó là
gouvernement par l’homme, par la vertu để đối với gouvernement par la loi (légisme)
thì tạm ổn.
Trong thư dẫn trên thầy nhắc tên cụ Nguyễn Đăng Thục (1909-1999).
Cụ Thục có mối giao tình nhiều năm với Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Tiền bối
Bạch Tuyết, thế danh Lê Ngọc Trang (1918-1986),([17])
ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam lại quen biết cả cụ ông và cụ
bà, do đó tôi cậy tiền bối Bạch Tuyết đưa tới nhà cụ trên đường Nguyễn Huỳnh Đức
ở Phú Nhuận ([18])
giới thiệu để tôi có thể thỉnh thoảng lui tới mượn sách.
Tôi biên thư kể vắn tắt việc đến nhà cụ Thục, nói sơ qua
tình trạng sức khỏe của cụ. Bởi thế, Thứ Ba 01-10-1983, từ Long Xuyên thầy hồi âm
(trích):
Mừng cho cháu đã được ông
Thục cho mượn 2 cuốn. Tôi không ngờ ông Thục đã rất yếu rồi. Năm nay ông bao
nhiêu tuổi? Mắt thấy lờ mờ thì không đọc sách được. Học giả mà không đọc sách được
thì không gì buồn bằng.
Mắt tôi năm nay cũng bắt đầu
kém. Sức khỏe thì kém từ mấy năm trước rồi, bây giờ suy hơn.
Chúc cháu bình an.
(Chữ ký)
Cũng từ đó, mỗi khi tôi
đến thăm thầy ở Kỳ Đồng vào buổi chiều, thầy hay hỏi thăm về cụ Thục và bác sĩ
Thọ, hai học giả thầy chưa từng tiếp xúc.
3. Thư về bộ Sử
Trung Quốc
3.1. Thứ Ba 12-7-1983, tôi
viết thư về Long Xuyên. Thứ Bảy 27-8-1983, thư thầy hồi âm tới Bình Thạnh
(trích):
Long Xuyên 18.8.83
Cháu Lê Anh Dũng,
(…)
Bộ Sử TQ của tôi là thông sử (từ thượng cổ tới giờ)
như cuốn của ô. Phan Khoang. Sử TQ dài lắm 3000 năm, TQ rộng lắm bằng cả châu
Âu, tín sử của họ có rất sớm từ 8 thế kỷ trước tây lịch. Như vậy mà nhét vào
500 trang như ông Ph Kh hoặc 700 trang như tôi, hoặc 1000-2000 trang như vài bộ
sử cho các trường đại học TQ dùng, thì cũng chỉ là rất sơ sài; cháu
không có thể dùng bộ của tôi để nghiên cứu được, may lắm là dùng được nó làm
points de repère ([19]) thôi. Phải đọc các bộ chuyên đề sử chẳng hạn của Marcel
Granet, Henri Maspéro thì mới hiểu thêm được vấn đề cháu muốn nghiên cứu. Tôi chưa được đọc Taoist
Movement và Historical Value… Cháu kiếm được nhiều sách quí đấy.
Bộ Sử TQ của tôi, vài bạn già đọc rồi, cũng thích. Tôi gởi lên đây
cho cháu. Tôi hỏi họ xem có ai muốn có 1 bản thì góp pelure và ruban với cháu,
nhờ cháu đánh cho một bản.
(…)
Thân ái
(Chữ ký)
Tái bút
Tôi gởi thêm cho cháu hai tập I và II Sử TQ của tôi (tập cuối III
về thời hiện đại từ cách mạng Tân Hợi 1911 tới nay,
không cần thiết cho cháu, nên tôi không gởi lên, nó dày 200 trang).
Cháu lại ông Lê Ngộ Châu 160 Nguyễn Đình Chiểu mà lấy với hai cuốn
Les religions chinois và Le Taoisme của H. Maspéro. Tôi đã
dặn ông ấy rồi.([20])
Nếu cháu đánh máy thì sẽ đánh
nhiều lắm là được mấy bản?
Cháu muốn giữ bản viết
tay của tôi thì giữ, rồi đánh bù cho tôi một bản bằng pelure.
Có thể một hai người bạn
của tôi cũng muốn có, cháu đánh giúp họ được không? Điều kiện ra sao, cháu cho
họ biết: góp giấy pelure, carbone v.v...
3.2. Thư Long Xuyên, Thứ Ba
01-10-1983, thầy viết (trích):
Cháu Dũng,
Tôi mới được thư của
cháu, mất nửa tháng, mau đấy.
(…) Chừng hai tháng nữa
tôi lên.
Bộ Sử T.Q. tôi không cần
gấp, mà tôi cũng không cần thêm một bản, nếu cháu muốn giữ bản của tôi thì đánh
máy một bản (giấy pelure tốt) để đưa tôi; nếu không cần giữ bản của tôi thì
chẳng cần phải đánh thêm.
3.3. Bấy giờ trong nước chưa có máy photocopy tân tiến. Tôi nhận đánh máy Sử Trung Quốc (tập I và II) của thầy (không đánh tập III), vừa để
một vài thân hữu của thầy vừa để tôi có được bản thảo này. Trong lúc đánh máy, thỉnh
thoảng tôi nhặt ra một vài lỗi nhỏ nhặt hoặc mạo muội góp ý. Tôi ghi dần các
điều ấy vào từng mẩu giấy nhỏ, đợi thuận tiện thì viết thư gởi thầy, kèm theo
các mẩu ghi chép đó.
Thứ Bảy 28-01-1984, trả lời những nhận xét và ý kiến của
tôi về bản thảo Sử Trung Quốc, thầy viết (trích):
Những nhận xét và góp ý
của cháu về bộ Sử Trung Quốc đều đúng hết.
Tôi đã sơ suất, cháu sửa
giùm tôi (...). Tôi đã sửa ngay trên bản I của tôi rồi. Phải có người thân đọc
thật kĩ tác phẩm của mình mới vạch lỗi cho mình được. Chính mình đọc lại thì ít
khi thấy lắm; mà bạn thân đọc qua thì cũng khó nhận ra được. Công phu nhất là
những chỗ cháu muốn chú thích thêm cho rõ. Đều đúng cả, thú vị nữa, tôi sẽ ghim
tất cả những tờ giấy cháu viết vào bản I của tôi, chưa có thời giờ để thêm vô
được.
Thầy muốn khuyến khích tôi hơn nên lại viết:
Tôi sinh sau các cụ trong
Nam phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến... đọc được nhiều sách mới hơn các
cụ đó, nên viết về văn học, triết học Trung Quốc kỹ hơn các cụ. Cháu lại thuộc
lớp sau nữa, đọc được nhiều sách hơn nữa, có thể đi sâu vào một vài vấn đề nào
đó được. Cứ mỗi đời tiến hơn đời trước một chút.
3.4. Thư Long Xuyên, Thứ Hai
30-4-1984, thầy viết trên mẩu giấy nhỏ khoảng non nửa tờ A5 (trích):
Cháu Dũng thân,
(…)
Sử Trung Quốc cháu đánh
máy được bao nhiêu trang rồi? Bao giờ thì xong?
Khoảng 15.6 tôi sẽ lên
trên đó 1 tháng. Chắc lúc đó xong chứ?
Chúc cháu an khang.
(Chữ ký)
Tôi đánh
máy chậm vì còn phải đi dạy, và vì hay nghỉ tay, khi bản thảo cuốn hút, để đọc
luôn một mạch nhiều trang.
Bản thảo (21x27cm) thầy
viết bằng bút bi trên tờ pelure thứ
nhất (bản chánh), bản thứ hai cũng dùng
giấy pelure, bản thứ ba đặt dưới cùng
là tờ duplicateur dày, ở giữa lót hai
tờ giấy than. Khi viết thầy phải đè mạnh tay. Giấy không kẻ hàng mà dòng chữ luôn
ngay ngắn, nét chữ sắc sảo. Các bản đồ thầy vẽ tay nét rắn rỏi và đẹp. Bản thứ
ba (giấy duplicateur) thầy giao cho tôi
dùng đánh máy đọc vẫn rõ. Thỉnh thoảng gặp các chữ Hán, khi đánh máy tôi phải
nhắm chừng khoảng cách mà chừa chỗ trống trên giấy; đánh máy xong rồi thì dùng
bút bi viết chèn chữ Hán lần lượt vào từng tờ pelure.
Thầy dùng giấy than màu
xanh dương. Khi cần sửa chữa, bổ túc thì lấy bút bi viết đè lên; như thế thầy
phải sửa tất cả ba lần trên ba bản thảo.
Đọc các bản thảo viết
tay của thầy rất thích. Một, là vì các trang thủ bút đẹp mắt. Hai, quan trọng hơn,
là qua các bản thảo ấy tôi suy ra thầy không viết nháp, cứ nghĩ xong câu văn thì
viết ngay ra giấy, cho nên thỉnh thoảng lại gặp vài chữ bị gạch bỏ. Có khi là cả
một đoạn ngắn. Nếu viết xong rồi mà muốn thay hay bổ túc một đoạn dài, thầy viết
phần thay thế hay bổ khuyết ấy ra mẩu giấy khác rồi dán vào lề, ngang chỗ cần điều
chỉnh.
Đang đánh máy mà gặp những chỗ sửa chữa trên bản thảo tôi
thường dừng tay gõ phím, chú ý so sánh câu chữ thầy xóa với phần viết lại để
tìm hiểu lý do. Nhờ vậy tôi nhận ra được cách thầy chọn từ, hoặc thay đổi cách
diễn đạt ý tưởng. Lắm khi một chữ chưa viết trọn đủ thì thầy liền gạch bỏ, thay
chữ khác liền. Tôi đoán, khi viết thầy suy nghĩ rất nhanh nên mới đổi ý nửa
chừng mau như vậy.
Thư cho tôi thầy cũng hay gạch bỏ, thay chữ giống như
thế. Chẳng hạn, thư Sài Gòn, Thứ Ba 26-8-1975, thầy viết: Cứ tiếp tục, sau này cháu sẽ giúp được nhiều về loại đó. Rồi thầy
gạch loại, viết chệch lên trên
là khu vực.
Hoặc thư Long Xuyên, Thứ Năm 18-8-1983, mở đầu đoạn thứ
hai, thầy vừa viết Khí hậu thì liền
gạch Khí hậu và viết luôn câu:
Thời tiết mùa mưa này ở Long Xuyên (miền
ngập nước) không tốt đâu. Hoặc ở đoạn khác trong thư này, thầy đang viết Đó cũng là một từ ngữ thì liền gạch từ ngữ và viết tiếp: quan niệm của phương Đông: trị nước thì con
người (vua, quan) quan trọng hơn là hiến pháp, pháp luật. Hoặc ở đoạn khác
nữa, cũng vẫn thư này, thầy đã viết TQ
rộng lắm bằng cả châu Âu, tín sử của họ có rất sớm từ 800 năm trước tây lịch thì
lại gạch 800 năm, và viết chệch
lên trên đó hai chữ thế kỷ, tức sửa
lại là 8 thế kỷ.
Tôi không có bản viết
tay Sử Trung Quốc. Trên đây là một tờ rời thầy loại ra; tôi thấy hay hay nên lưu
giữ bấy lâu nay.
3.5. Trả lời vài chỗ
thỉnh thoảng tôi bạo gan góp ý trong lúc đang đánh máy bản thảo Sử Trung Quốc, thư
Long Xuyên, Thứ Bảy 26-5-1984, thầy viết:
Cháu Dũng thân,
(…)
Lúc này sức tôi yếu nhiều
(huyết áp chỉ còn 11/6), ngại không muốn làm gì cả.
Những chỗ cháu bảo nên bổ
túc hay sửa, vì số trang chênh lệch nhau, nên không chắc tôi có sức sửa lại
đâu, cứ dán những ghi chú của cháu vào bản thảo rồi người sau có ai đọc, sửa
được thì sửa. Mệt rồi!
Bản thảo Sử Trung Quốc đánh máy xong vào đầu tháng
8-1984. Bác Lê Ngộ Châu viết thư, nhờ người mang đến nhà tôi ở Bình Thạnh.
Không hiểu sao trong phong bì lại là hai mẩu giấy nhỏ, ghi cùng một ngày:
4/8/84
Thân gửi: Anh Dũng
Rất mừng đã nhận được 2
bộ (4 tập) Sử T.Q. anh đánh máy công phu quá. Cảm ơn anh rất nhiều.
Tuần tới này nếu anh ghé
qua tôi được vào sáng hoặc 3 giờ chiều, để chúng ta hội ý với nhau thì hay lắm.
Chúc anh vui mạnh.
(Chữ ký)
Và mẩu dưới đây có nội dung chẳng mấy khác:
4/8/84
Thân gửi: Anh Dũng
Tôi đã nhận được hai bộ
(4 tập) Sử T.Q., anh đã đánh máy và đóng lại rất công phu. Cảm ơn anh rất
nhiều.
Mong sẽ gặp anh để nói
chuyện nhiều hơn. Nếu anh tới tôi, xin đến vào 9 giờ sáng hoặc 3 giờ chiều tôi
dễ có nhà hơn.
Chúc anh vui mạnh.
(Chữ ký)
L N Châu
Từ đó bác Châu tỏ lòng mến tôi. Khi thầy Hiến Lê tạ thế
rồi, những năm làm việc ở trường Đại Học Kinh Tế (gần nhà bác) tôi thường ghé
chơi, thỉnh thoảng được nghe bác nhắc mấy kỷ niệm với thầy, thời bác làm bán
nguyệt san Bách Khoa.
3.6. Thư Kỳ Đồng, Thứ Hai 20-8-1984,
thầy nhờ cô mang tới nhà tôi ở Bình Thạnh. Thư viết:
Cháu Dũng thân,
Tôi gởi theo đây 200đ ông
Lê Ngộ Châu nhờ tôi đưa cho cháu để trả tiền giấy và tiền bìa 2 bộ Sử T.Q. cháu
đánh máy giùm. Năm ngoái ông ấy đã đưa 200đ, nay thấy không đủ, đưa thêm.
Ông ấy đã nhờ một người
calquer những bản đồ trong bản viết tay của tôi, rồi vẽ lại làm 2 bản cho hai
bộ Sử đó rồi.([21]) Đẹp lắm, cháu đánh máy rất kĩ mà đóng rất có nghệ thuật, không luộm
thuộm như tôi.
Tôi đã viết thêm mươi
hàng để thêm vô cuối tr. 427. Tôi gởi cháu 3 bản để dán vào 3 bộ của cháu.
(Chữ ký)
Rồi thầy xoay ngang mẩu giấy pelure nhỏ viết thư ấy, viết ba dòng chen vào lề trái, ở góc trên
như sau:
Cháu cứ tính giá giấy
(900 trang) với giá bìa (4 cái) mà nhận tiền, đừng để cháu thiệt, như vậy là
được.
Nhờ đánh máy hai trong ba tập bản thảo Sử Trung Quốc, tôi được dịp xem kỹ thủ bản của thầy. Ngoài ra, tôi hữu duyên còn được
thầy cho mượn đọc Đời Viết Văn Của Tôi,
là một bản giấy pelure A4 lót giấy than, viết tay, đọc rất thích.
Thầy tặng tôi bản thảo Sử Trung Quốc (tập I và II) lót giấy than trên giấy duplicateur. Vì đã có bản đánh máy rồi
nên tôi từ tạ. Thầy chẳng nói gì, nhưng không nhận hai bản đánh máy tôi biếu. Ít
lâu sau thầy tặng tôi trọn bộ bản thảo Kinh
Dịch (hai tập) viết tay trên giấy pelure
A4, nét chữ giấy than hơi mờ nhưng vẫn đọc được. Tôi đoán là bản thứ ba.
Mỗi tập bản thảo Kinh
Dịch thầy lấy tờ giấy xanh xám làm bìa, loại giấy các văn phòng hay gấp đôi
để làm bìa đựng hồ sơ (dossier), nên cũng
gọi là giấy dossier. Loại giấy này
chẳng dày lắm, cũng không được dai bền. Rồi thầy dùi ba lỗ và khâu chỉ ôm lấy
gáy, trông khá giống kiểu sách Tàu ngày xưa.
Trên bìa tập I thầy dùng bút chì đen ghi ba dòng: NGUYỄN
HIẾN LÊ / KINH DỊCH / I. Trên bìa tập II cũng viết giống vậy. Riêng tập I, ở trang
ruột đầu tiên (page de garde),([22]) bên dưới tên NGUYỄN HIẾN
LÊ, thầy ghi ba dòng:
KINH DỊCH
TỔNG HỢP TRUNG TRIẾT THỜI TIÊN TẦN
Như vậy, thầy đã sửa nhan đề. Năm 1992, sách được in lần đầu,
không hiểu vì sao lại dùng năm chữ thầy gạch bỏ.
4. Thư về bộ Kinh Dịch
4.1. Thứ Ba 12-7-1983, tôi
viết thư về Long Xuyên. Thứ Năm 18-8-1983 thầy hồi âm. Chín ngày sau bưu điện
phát cho tôi tại Bình Thạnh. Vì đã viết hết cả hai mặt một tờ giấy chiếc cắt ra
từ tập vở học trò, thầy xoay ngang tờ giấy, viết kín luôn hai bên lề như sau:
Bộ Kinh Dịch
của tôi 400 trang, các bạn ấy [các bạn già] cũng thích, có người đã đánh máy 6 bản, và cho bạn hết rồi; nay lại có
người nữa muốn có 1 bản, nếu cháu muốn đánh máy thì tôi cũng cho mượn. Bản thảo
tôi đều để ở đây. Ngại đem lên Saigòn lắm vì nặng, mà tôi yếu rồi, để chờ cơ
hội mới được. Thân ái. (Chữ ký)
4.2. Thư Long Xuyên, Thứ Bảy
01-10-1983, thầy viết (trích):
Cháu Dũng,
(…)
Tôi lại hỏi cháu tôi còn
cuốn Kinh Dịch 400 trang, mấy bạn xin đánh máy để giữ lại, vì cuốn đó đầy đủ,
sáng sủa nhất. Nếu cháu muốn đánh máy thì tôi cũng sẽ cho mượn.
Lúc ấy tôi đánh máy bộ Sử Trung Quốc chưa xong, nên không
thể nhận lời đánh máy bộ Kinh Dịch.
Trước khi đánh máy bộ Sử, tôi cất công đi lùng được mấy rames giấy pelure tuy vẫn là thứ tái sinh, không dai lắm, nhưng được tẩy rất
trắng. Mừng hơn cả là mua chợ đen được vài hộp băng mực máy đánh chữ (ribbons) mới tinh của nước ngoài và
nguyên cả hộp giấy than hiệu Kores
danh tiếng của nước Áo, giấy đã mỏng mà còn dùng được nhiều lần hơn hàng nội.
Tất cả đều là hàng hiếm, sót lại sau năm 1975; bởi thế, giá cả không thành vấn
đề.
Tôi mượn máy chữ xách tay (portable) của ba tôi, kiểu chữ elite,
mỗi 2,54cm chứa được 12 ký tự (characters).
Giá như có máy chữ để bàn (desktop), kiểu
chữ pica, mỗi 2,54cm chứa được 10 ký
tự, thì cỡ chữ to hơn, bản giấy than dễ đọc hơn. Bởi dùng kiểu chữ elite,
muốn cho bản đầu tiên và các bản giấy than rõ nét, tôi phải siêng thay băng mực
(ribbons) cũng như thay giấy than, và
phải gõ rất mạnh tay. Càng gõ nhiều càng mau ran ngực, đau hết mấy ngón tay.
Đánh máy ra nhiều tờ thì tờ đầu tiên lại kém đẹp hơn tờ
thứ hai, vì gõ mạnh bàn phím, con chữ mổ vào giấy pelure dễ hằn qua mặt sau, có khi làm thủng cả tờ giấy. Do đó, với
bản thảo dày trang, khi xếp các tờ đầu tiên lại thành cuốn để đóng gáy thì các
tờ cộm lên, tập giấy chỗ phồng chỗ xẹp.
4.3. Thứ Hai 30-4-1984, từ
Long Xuyên thầy gởi mẩu giấy nhỏ khoảng non nửa tờ A5. Viết thư xong, thầy dán
vào đó mẩu giấy pelure nhỏ hơn, đủ
ghi mấy dòng bút bi đỏ:
Trên đó có bán thứ pelure
nội hóa này không? Bao nhiêu một rame?
Ở đây có người muốn xin
phép tôi đánh bộ Kinh Dịch làm 3 bản, mà giấy pelure ở đây đen quá.
Bấy giờ xã hội đang trong thời bao cấp. Trong ngôi trường
nơi tôi dạy học ở quận Phú Nhuận, mọi công văn giấy tờ đều dùng giấy tái sinh
vừa đen vừa thô ráp, lớp bột giấy thường xeo chỗ dày chỗ mỏng không đều.
Biết có người sắp đánh máy bộ Kinh Dịch, tôi viết thư ngỏ
ý xin được “ké” vào đó một bản. Thầy hồi âm (trích):
Long Xuyên 26.5.84
Cháu Dũng thân,
(…)
Người mượn Kinh Dịch của
tôi để đánh máy đã cho đánh non 2 tháng rồi, sắp xong 1 nửa bộ. Họ đánh 4 bản:
1 bản cho người đánh máy, 1 bản cho một người bạn của tôi, và 2 bản cho người
chủ (tức người thuê đánh), tất cả 4 bản.
Không thể nhờ họ đánh thêm
nữa được.
Như đã nói ở cuối mục 3.6., đầu tháng 8-1984, bộ Sử Trung
Quốc tôi đánh máy xong; sau đó thầy tặng tôi một bộ Kinh Dịch (bản viết tay,
giấy than, đóng thành hai tập). So với bản đánh máy, bản thảo này quý hơn biết
bao! Bào đệ tôi đặt kỷ vật của thầy vào một hộp các-tông để tiện bảo quản.
5. Thư về việc khác
5.1. Ngoài kỷ vật nói ở mục
4.3. trên đây tôi còn một kỷ vật rất đặc biệt nữa, là lời thầy giải lá số tử vi
của tôi vào Chủ Nhật 15-01-1984. Thầy viết cả hai mặt một tờ pelure khổ A5, rồi
từ Long Xuyên gởi về Bình Thạnh cho tôi (trích):
Tử vi không đúng hẳn đâu
(mà các môn khác: Tử Bình, Hà Lạc cũng vậy). Chỉ đúng về đại cương, những nét
chính, độ 6 phần 10 là nhiều; còn tiểu tiết thì sai nhiều hơn.
Vì vậy tôi chỉ đoán những
nét chính thôi.
Thầy dựa vào các sao để luận về tánh nết tôi, rồi viết
tiếp:
Tôi không rõ tính tình
cháu nên ngờ rằng như vậy không đúng.
Số phát văn cũng được mà
chuyên về kĩ thuật cũng được; có phần chắc là về văn hơn. Tốt ở điểm Mệnh có
Thiên Khôi, lại có Thiên Việt ở Tài Bạch chiếu về: học giỏi và ưa công trình
khảo cứu. Có Văn Xương ở Quan chiếu về, nhưng thiếu Văn Khúc, nên tài hoa một
chút thôi, nét đó không đáng kể. Có Tả Hữu [Tả Phù, Hữu Bật] chiếu mạng, được nhiều người giúp. Có Hồng Loan với Thiên Không, Cô Thần:
ít giao du, thích ở ẩn. Có nhiều phúc tinh: Thiên Quan, Thiên Đức, Phúc Đức,
Thiên Phúc: tính tình nhân từ, và có gặp tai nạn gì cũng qua được.
Thầy giải tiếp về cung phụ mẫu, cung vợ, cung con, rồi
kết luận:
Tóm lại, số như vậy là
khá tốt: ăn vào cách Khôi Việt, Đào Hồng [Đào Hoa, Hồng Loan], Tả Hữu, đó là cách tốt nhất của cháu.
Cách tốt thứ nhì là đại
hạn (mười năm là 1 đại hạn) của cháu, liên tiếp 30 năm (ba đại hạn), gặp tam
hóa liên châu (Hóa Quyền, Hóa Khoa, Hóa Lộc), như vậy là tốt một mạch từ 16
đến 45 tuổi. Hạn đầu: 16-25 tuổi, có Hóa Quyền: khá. Hiện nay cháu ở hạn giữa:
có Khoa, Xương, Khúc, phát về văn, tốt nhất; hạn sau 36-45 có Hóa Lộc, Lộc Tồn,
Cự Cơ, phong lưu; có Ân Quí nữa, được ân thưởng, trọng dụng, cũng rất tốt.
Trong hạn 26-35 có thể có
vợ, nếu có thì vào năm Dần 1986, vì năm đó có Thiên Hỉ, Đào Hồng, Tham Lang.
Tôi gởi theo đây tr. 427
tôi mới viết lại để cháu thay vào trang 427 bộ Sử Trung Quốc.
Chúc cháu sang năm gặp
nhiều may mắn: sang năm tốt đấy.
Hồi hai mươi tuổi, nhân lúc bị “thất học” hơn một năm
rưỡi, tôi tới đường Cá Hấp mua một ít sách tử vi về tìm hiểu; nhờ vậy, đọc thư
thầy luận giải lá số tử vi, hầu như tên các sao đều nói tắt cho gọn mà tôi không
bỡ ngỡ. Tử vi là một trong mấy món tôi sớm bỏ dở.
5.2. Thầy có một bạn văn cao
niên, ở trong số ít người có thể ghé Kỳ Đồng không cần hẹn trước. Bấy giờ dù
đang bận đọc sách hay ngồi viết, thầy cũng bỏ hết qua một bên để tiếp bạn. Thư
Kỳ Đồng, Thứ Bảy 25-8-1984, thầy bảo:
Cháu Dũng thân,
Ông ___ 83 tuổi rồi mà
vẫn mạnh, viết vẫn hăng. Ông ấy hết giấy pelure rồi (ông ấy đánh máy chứ không
viết tay như tôi), nhờ cháu mua giùm cho 2 rames pelure thứ trắng, mỏng
120-130đ (giá có tăng thì cũng cứ mua).
Mua được rồi, cháu đem
lại ông Lê Ngộ Châu, ông Châu sẽ trả tiền cháu, rồi đưa ông ___ , ông ___ sẽ
hoàn tiền lại ông Châu.
Thân ái / (Chữ ký)
Tôi có đọc sách của cụ ấy, một học giả nổi tiếng, nhờ vậy
biết được ít nhiều sử liệu về Sài Gòn thời Pháp thuộc, có ích cho tôi soạn cuốn
Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn
(1920-1926).([23]) Vốn thích sách cụ viết,
tôi sốt sắng làm giúp chút việc nhỏ nhặt theo đúng lời thầy dặn.
5.3. Nào ngờ thư Kỳ Đồng, Thứ
Năm 30-8-1984, thầy cho biết:
Cháu Anh Dũng thân,
Hôm qua ông Lê Ngộ Châu lại
chơi tôi cho hay cháu đã mua cho ông ___ 2 rames giấy, nhưng ông ___ cũng đã
mua trước rồi 3 rames lận! Và cháu đành phải trả lại người bán giấy. May mà là
chỗ quen, họ không buồn.
Sáng hôm nay ông ___ lại
cho tôi hay đã mua 3 rames giấy rồi, và hỏi tôi cháu đã mua 2 rames chưa, nếu
mua rồi thì ông ấy sẽ lấy nữa. Tôi bảo cháu đã trả người bán giấy rồi. Ông ấy hơi
ân hận đã làm mất thì giờ của cháu, gởi tôi lời xin lỗi cháu.
83 tuổi, hoặc nóng tính vội
mua, hoặc quên mất rằng đã nhờ cháu mua. Tôi may mà chưa đến nỗi như vậy, rán
giữ lời hứa, lời nhờ, không để phiền cho người khác. Cháu đừng phiền nhé. Đây cũng
là một bài học nữa cho tôi: Đừng vội tin người.
Thân
(Chữ ký)
Tôi thật sự chẳng phiền lòng gì chuyện cỏn con ấy, nhưng
sự việc này khiến tôi càng kính trọng thầy nhiều hơn. Qua lời thư, tôi cảm nhận
được lòng thầy áy náy vì làm tôi mất công vô ích.
Lần duy nhất tôi gặp vị lão trượng ngoài bát tuần là buổi
sáng đưa linh cữu thầy đi Thủ Đức hỏa táng. Tôi bước bên cạnh cụ, chẳng hé răng
về vụ mua giấy bốn tháng trước. Thấy tôi chào hỏi lễ phép, mặt còn trẻ mà đầu sớm
bạc nhiều, cụ ân cần hỏi thăm danh tánh và tuổi, có liên hệ thế nào với thầy mà
đi đưa đám. Giọng cụ rất tình cảm. Trên đường đi có một cái rãnh hẹp chắn
ngang, tôi chưa kịp nhảy qua thì cụ tay vẫn cầm ba-toong, co chân phóng sang bờ
bên kia rất gọn. Râu tóc bạc phơ, da mặt hồng hào, cụ trông đẹp lắm.
*
Tại Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất Bình Hòa), ngày 28-8
Đinh Mùi (Chủ Nhật 01-10-1967), Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn giáng cơ dạy
môn sanh Cao Đài:
Một lần nữa, Mẹ lại nhắc
với các con, không ai đặt tất cả ngọc trai trên thế giới này vào một xâu chuỗi
bao giờ, cũng như không ai nạm tất cả kim cương trên thế giới này vào một chiếc
nhẫn bao giờ.
Tôi vin vào lời Mẹ để được an ủi với những vụng về của bản
thân, bởi tự biết không thể trong một bài viết, thậm chí là một tập sách, đủ sức
trình bày hết được, nói trọn vẹn được tất cả những đức tánh cao quý của thầy
Nguyễn Hiến Lê.
Nhiêu Lộc,
23-11-2018
HUỆ KHẢI
([5]) Bản thảo Truyền Thống Tam Giáo Việt Nam (tập I) đã
in với nhan đề Con Đường Tam Giáo Việt Nam Từ Khởi Nguyên Tới
Thế Kỷ XIX (Nxb
Tổng Hợp TpHCM, 1994). Thay vì soạn tập II, tôi viết lại
Con Đường Tam Giáo Việt Nam thành Tam
Giáo Việt Nam - Tiền Đề Tư Tưởng Mở Đạo Cao Đài / The Three Teachings
of Vietnam as an Ideological Precondition for the Foundation of Caodaism. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo,
2010, 2013; và California: Nxb Tam Giáo Đồng Nguyên, 2010. (Sách song ngữ Việt-Anh.)
T.H. tức là Từ Hải 辭海 (nghĩa là biển từ), tên một pho từ
điển chữ Hán nổi tiếng của Trung Quốc.
loupe: Kính lúp, kính hội tụ phóng đại
dùng để nhìn vật nhỏ.
([20]) Phần tái bút này thầy viết thêm trên tờ pelure cắt đôi, nên
lặp lại lời dặn dò đã ghi trên tờ giấy khác: Tôi đã gởi ông Lê Ngộ Châu - báo Bách Khoa cũ - ở 160 Nguyễn Đình Chiểu, 2 cuốn Les religions
chinois và Le Taoisme của H. Maspéro. Cháu đem thư này lại, khoảng 9 giờ sáng hoặc 15
giờ chiều, ông ấy đưa cho. Do nhân duyên này tôi
gặp bác Lê Ngộ Châu lần đầu tiên.
([23]) Đã in tại Nxb Thuận
Hóa (Huế, 1996); sau này sửa thành Lược
Sử Đạo Cao Đài: Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History: The Earliest
Beginnings 1920-1926. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017. (Sách song ngữ Việt-Anh.)
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.