Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

11. ÔNG BÀ ÔNG BÀ NGUYỄN THIỆN NIỆM ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY




Đây là chuyện tôi nghe:
Sinh năm 1898, người quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, ông Nguyễn Thiện Niệm làm thơ toán (tức thơ ký kế toán) cho Đông Pháp Ngân Hàng (Banque de l’Indochine française), chi nhánh tại Cần Thơ. Nhà ông nằm bên số lẻ trên đường Paul Bert (sau đổi tên là đường Nguyễn An Ninh, nay là đường Châu Văn Liêm, thuộc quận Ninh Kiều).
Bấy giờ nghe đồn rằng ở nhà ông Nguyễn Như Bích tuần nào cũng có lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên, rất linh ứng, ông Niệm hiếu kỳ, đợi một tối Thứ Bảy thì tìm đến để xem hư thiệt ra sao.
Tối Thứ Bảy đó, trong nhà ông Bích lập đàn cơ như thông lệ, có Đức Chí Tôn giáng và đang dạy đạo. Ông Niệm quỳ ngoài cửa, thầm cầu nguyện: “Nếu quả thiệt là Đức Thượng Đế giá lâm, thì xin Ngài kêu tên tôi và cho tôi phò cơ thì tôi mới tin.”
Bên trong đàn, đại ngọc cơ viết ba chữ lên mặt bàn, độc giả liền xướng:
- Nguyễn Thiện Niệm.
Những người hầu đàn đưa mắt nhìn quanh, thấy đều quen mặt, vậy nghĩa là không có ai tên Niệm. Ông Bích bèn hướng về bàn cơ sụp lạy xin phép rồi đứng dậy, bước nhẹ ra cửa. Thấy có người đàn ông đang quỳ bên ngoài, ông Bích hỏi khẽ:
- Anh tên Niệm, phải không? Xin mời vô. Đức Thượng Đế mới điểm danh tức thì.
Vừa mừng vừa hồi hộp, ông Niệm rón rén theo chân ông Bích bước vào trong, nhìn thấy ngay ngọn cơ đang quay quay phía trên đầu đồng tử như thể Ơn Trên còn đợi chờ ông. Đốm lửa ở đầu ngọn nhang cắm trên ngọn cơ vẽ thành những vòng sáng đỏ. Lật đật vén vạt áo the, ông Niệm cung kính quỳ mọp xuống và dập đầu lạy ba lạy.
Rồi đầu ngọn cơ hạ thấp xuống, gõ từng hồi xuống mặt bàn, tiếng vang nghe cộp cộp trong đêm thanh tĩnh mịch. Ông Niệm quỳ thẳng lưng, hai tay chắp trước ngực, đôi mắt chăm chú nhìn về phía đồng tử, và lắng nghe độc giả xướng rõ từng lời Đức Thượng Đế dạy ông. Tự dưng ông cảm thấy dường như có một luồng điển ấm áp chạy rần rần từ đỉnh đầu xuôi xuống sống lưng. Ông hơi rùng mình, nhưng lâng lâng khoan khoái.
Đức Chí Tôn giảng giải cho ông Niệm và những người hầu đàn về cơ Trời vận chuyển thời hạ nguơn mạt kiếp, chúng sanh khắp hoàn cầu đều phải chịu chung nghiệp quả vay trả, trả vay vô cùng khốc liệt. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế vì lòng đại từ đại bi thậm thâm vô lượng đã rời Ngọc Hư Cung xuống cõi trần mà dang tay cứu vớt những kẻ hữu căn hữu kiếp, và dạy dỗ con cái biết tỉnh ngộ, lo tu hành ngõ hầu kịp trở về ngôi xưa vị cũ. Ngài khuyên ông Niệm vốn có duyên lành, hãy mau dốc lòng tu luyện sẽ được Thầy độ. Rồi Đức Chí Tôn dạy xả đàn, cho phép khi tái cầu thì ông Niệm vào phò cơ cùng với cô Sáu Huê thành một cặp đồng tử âm dương.
Ông Niệm sợ toát mồ hôi nhưng bởi trước đó đã trót cầu nguyện xin thử xem đàn cơ thật hư ra sao nên đành phải ngồi vào ghế đồng tử, đối diện với cô Sáu Huê. Hai bàn tay của ông và hai bàn tay cô Sáu cùng nắm lấy vành giỏ đại ngọc cơ bọc lớp vải màu vàng tươi...
Đức Chí Tôn tái lâm, tiếp tục dạy đạo. Sau khi Ngài thăng, bãi đàn, ông Niệm rời khỏi ghế đồng tử, ra quỳ trước Thiên Bàn, thành kỉnh lạy tạ, hứa nguyện từ đây một dạ theo Thầy học đạo.
Ngay sáng hôm sau, ông lập tức dọn một nơi trang trọng trong nhà để lập Thiên Bàn. Ông và vợ là bà Nguyễn Thị Luôn[g] (1900-1972) đều giữ trường trai, tu luyện theo pháp môn do ngài Ngô truyền dạy. Rồi nhà ông cũng là nơi thiết đàn cơ để cầu thỉnh Ơn Trên giáng lâm giáo hóa thiện nam tín nữ địa phương.
Ông Nguyễn Thiện Niệm quy thiên ngày 18-5 Ất Hợi (Thứ Ba 18-6-1935).
Hơn ba năm sau, tại Thảo Lư (Cần Thơ), vào đêm 30 rạng 01 tháng 11 Mậu Dần (Thứ Tư 21 rạng Thứ Năm 22-12-1938), Đức Chí Tôn giáng lâm, xưng danh:
NGỌC chiếu Nam phương lố ánh hồng
HOÀNG minh Đại Đạo điểm thâm công
THƯỢNG căn giác đắc truyền tâm pháp
ĐẾ bổn quy hồi sắc tứ đông.
Sau đó, Thầy dạy: Đàn nay, Thầy ân phong cho Niệm là Giác Minh Kim Tiên. Các con tiếp cầu. THẦY thượng ỷ.
Thầy vừa thăng, thì có Đức Giác Minh Kim Tiên giáng cơ và xưng danh qua bốn câu quán thủ:
GIÁC khai chơn lý Đạo
MINH tánh thức cơ huyền
KIM đơn tu phản chiếu
TIÊN thể phản huờn nguyên.
Mừng chư hiền hữu.
Đã cùng nhau chia cách bấy chầy
Nay trở lại vui vầy hỷ hạ
Về Tiên cảnh muôn ngàn thú lạ
Nhớ tình xưa bươn bả xin về
Đường đạo đức dễ bề điều độ.
Trước khi phản hồi Tiên cảnh, Đức Kim Tiên còn lưu lại một bài phú lối văn.
Thánh giáo của Thầy và của Đức Giác Minh Kim Tiên có in ở cuối quyển Đại Thừa Chơn Giáo, nơi Chương III (Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Sau này, bà Minh Hồng (Trần Thị Hường là bạn đời ông Nguyễn Văn Huỳnh, tức Tư Huỳnh) có nhắc tới người bạn đạo Nguyễn Thiện Niệm qua mấy vần lục bát mộc mạc sau đây:
Nhắc người giúp việc nhà băng
Nhứt hào vô phạm ở ăn từ hòa
Hai mươi ngoài tuổi xuất gia
Họ NGUYỄN THIỆN NIỆM thiệt là tu chơn
Trường trai, tuyệt dục, luyện đơn
Hoàn toàn nhơn đạo, chánh chơn độ đời
Phò loan công quả Đạo Trời
Cẩn ngôn cẩn hạnh từ lời đạo tâm
Tu hành ngồi hoài không nằm
Qua năm Ất Hợi [1935] thậm thâm bịnh trầm
Liễu đạo Mười Tám tháng Năm [18-5]
Thiên Đình ân tứ giáng lâm đàn tiền
Quả vị GIÁC MINH KIM TIÊN
Giáng trần giáo đạo nhơn hiền nơi nơi
Thỏa chí cảnh lạc thảnh thơi.
Vợ ông Niệm, bà Nguyễn Thị Luông (có sách chép là Luôn) vì còn bận bịu việc nhà nên chưa có thể tu hành cùng lượt với chồng. Đến chừng thu xếp được mọi bề yên ả, bà quyết định sẽ rời Cần Thơ lên Sài Gòn xin thọ giáo với ngài Ngô.
Muốn cho chắc chắn, ngày 14 bà sửa soạn hoa quả sẵn trên Thiên Bàn ở nhà, đến giờ Tý thì thắp hương, dâng tam bửu (hoa tươi, rượu trắng, nước trà), thành tâm cầu nguyện. Khi xin keo được rồi thì bà đốt hồng thệ. Sau đó, bà liền ra bến xe Cần Thơ mua vé đi Sài Gòn, và tới cửa nhà ngài Ngô lúc 6 giờ sáng. Bấy giờ Ngài Ngô đứng trên lầu nhìn xuống, cất tiếng hỏi:
- Madame [bà] Niệm hồi khuya này đốt hồng thệ rồi, phải không?
Hết hồn, ngước lên thấy ngài, ngỡ bị quở, bà Niệm lật đật nói như phân trần:
- Thưa quan lớn, bởi cửa nhà quá đơn chiếc, tôi tính hễ xin lịnh Ơn Trên được rồi thì mới lên đây cho tiện.
Ngài Ngô cười, ôn tồn nói cho bà an lòng:
- Được. Đã tới ngày tới giờ tu rồi.
Thế là ngày rằm đó bà Luôn(g) được ngài Ngô truyền pháp tu. Tên trong đạo của bà là Minh Luôn[g]. Bà quy thiên ngày 26-5 Nhâm Tý (Thứ Năm 06-7-1972), đắc quả Thanh Lọc Nương Nương.
(Các sách đều chép là Thanh Lọc. Nhưng Lọc là tiếng Việt; xét theo âm Hán Việt của đạo quả thì phải chăng nên viết là Thanh Lộc? Xin nêu ra để suy gẫm.)
HUỆ KHẢI
 
 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.