Tháng 7-1999, Tp.HCM chánh
thức có thêm 142 đường mới.([1]) Trước đó hơn một
tháng, chỉ vài
dòng chữ ngắn gọn in ở trang
trong một tờ nhật báo, vậy mà tôi cứ phải đọc
đi đọc lại, với nhiều cảm xúc: Nhà
văn, học giả, viết hàng trăm bộ sách chủ yếu giáo dục thanh niên được nhiều người trân trọng.([2]) Đó là phần thân thế thật cô đọng in kèm theo tên một con đường nhỏ của thành phố, vừa được vinh dự mang tên một nhà
văn hóa:
Nguyễn Hiến Lê.
Rộng 12 mét, nằm ở phường 13, quận Tân Bình,
vị trí ấy có lẽ do một tiêu chuẩn chọn lựa nào đó, nên con đường không liên
quan gì đến mảnh đời của Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê khi xưa. Dẫu không phải nằm
trong quận 3, không phải ở vị trí thuộc đường Huỳnh Tịnh Của hay hẻm cụt bên
đường Kỳ Đồng, hai nơi mà Nguyễn Hiến Lê từng ở và để lại mấy nghìn trang văn
tâm huyết, nhưng con đường 340 mét này có lẽ vẫn rất dài trong tấm lòng của
nhiều lớp thanh niên hôm qua, hôm nay...
*
Ông sinh ngày Thứ Hai
08-01-1912, tuy nhiên giấy khai sinh ghi muộn hơn ba tháng. Theo âm lịch, ông
sinh ngày 20 tháng 11, nhằm năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quý Mùi, giờ Tân
Dậu.
Ông chào đời tại nhà số 4, ngõ Phất Lộc, Hà
Nội; trong ngõ có đền Phất Lộc. Cái ngõ cùng với ngôi đền này đã đi vào bộ
tranh Phố Phái bất hủ của danh họa
Bùi Xuân Phái (1921-1988), và Nguyễn Hiến Lê, con người cất tiếng khóc chào đời
ở khu phố cổ đó, cũng đã đi vào thế giới vĩnh hằng của những danh nhân bất hủ.
Sinh ở ngõ Phất Lộc nên ông lấy hiệu Lộc
Đình, và bác Ba của ông chỉ gọi ông bằng hiệu Lộc Đình. Người bác này hiệu
Phương Khê, lấy theo tên làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây, cũng là
quê nội, nơi ngôi mộ cụ tổ sáu đời của Hiến Lê đã kết theo kiểu “bút gối sau
đầu”. Các thầy địa lý bảo vì vậy con cháu tuy học giỏi nhưng thi cử lận đận. Hư
thực thế nào chẳng biết, có điều ông nội Hiến Lê chỉ đỗ tú tài.
Ông Tú có bốn con trai. Con thứ hai tên Cổn,
hiệu Đạo Quýnh, học giỏi, không đi thi, làm hương sư dạy học trong làng. Cũng
học giỏi mà ghét thi cử còn có người con cả, tên Nhuận, hiệu Tùng Hương, không
chịu lấy vợ, gia nhập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục,([3])
rồi trốn qua Trung Quốc theo nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940), bặt luôn
tin tức. Con thứ ba tên Côn, hiệu Phương Khê, văn chương thi phú giỏi, nhưng
rớt một khóa thi Hương thì bỏ luôn, gia nhập Đông Kinh Nghĩa Thục, cưới vợ là
cô Năm, con gái nhà cách mạng Lương Văn Can (1854-1927), thủ trưởng Nghĩa Thục.
Khi Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đàn áp ở Hà Nội, ông Phương Khê thoát vào Nam.
Sau này viết sách Đông Kinh Nghĩa Thục
(1956), Nguyễn Hiến Lê đã không giấu tình cảm của ông đối với hai người bác
đáng kính.
Thân phụ Hiến Lê là con út, tên Bí, hiệu Đặc
Như, có chút tính nghệ sĩ, ham chơi, học kém hơn các anh, dạy con rất nghiêm
khắc. Hiến Lê là trưởng nam, sau ông còn một em trai, hai em gái. Trước ngày
Hiến Lê chào đời, ông Đặc Như nằm mộng, thấy cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy
đến trao cho quả lê, vì thế đặt tên con là Hiến Lê (hiến tặng quả lê).
Mẹ Hiến Lê tên Sâm, sớm mồ côi cha; mẹ bà làm
lược nuôi con. Bà Sâm không biết chữ, rất đảm đang, khéo dạy con. Bà và người
anh chồng (ông Phương Khê) đã sớm ảnh hưởng tới sự nghiệp của Nguyễn Hiến Lê rất
nhiều.
Hiến Lê lên mười thì cha qua đời ở tuổi ba
mươi tư. Hiến Lê đang học lớp dự bị (préparatoire)
trường Yên Phụ, sức học trung bình. Cảnh nhà khó khăn, mẹ ông đầu tắt mặt tối
buôn bán trái cây ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), nhẫn nại nuôi bốn con nhỏ dại và mẹ
già. Trên tạp chí Mai số 29, ngày
10-9-1961, Nguyễn Hiến Lê không giấu giếm cái nghèo của mẹ con ông: Tôi sinh trong một gia đình nghèo, thường bị
họ hàng khinh rẻ, ức hiếp, lắm lúc chúng tôi tủi nhục đến rớt nước mắt.([4])
Thiếu người kèm cặp, Hiến Lê lêu lổng, lưu
ban hai năm rưỡi ở lớp dự bị mới lên nổi lớp sơ đẳng. Từ lớp nhì (cours moyen) bắt đầu chăm học, rồi đứng
đầu lớp nhất (cours supérieur). Cậu
học trò giỏi đó đã vượt qua những ngày đói lạnh ấu thơ như thế nào? Trên tạp
chí Mai, số 39, ngày 10-02-1962,
Nguyễn Hiến Lê tâm sự: Tôi đã qua cái
cảnh, buổi sáng rét căm căm, gió bấc thổi lồng lộng, bận có hai cái áo mỏng, đi
mua một củ khoai lang một trinh hoặc một khúc khoai mì một xu rồi đi chân đất
dưới mưa phùn để tới trường cách nhà trên hai cây số, ngồi học ba bốn giờ rồi
lại đi bộ về nhà. Có lúc đói quá, lạnh quá, không nghe được lời giảng của thầy
nữa. Giá hồi đó tôi có thêm một xu mỗi ngày để ăn và vài ba tháng có thêm được
vài hào để mua sách ... ([5])
Năm 1925, Nguyễn Hiến Lê thi vô trường Bưởi (collège du Protectorat: trường Bảo Hộ),
nhưng rớt; năm sau đậu. Học tới đệ tứ niên, thường nhất lớp. Ở trường Bưởi, ông
được học với các bậc thầy tên tuổi đáng kính như: Dương Quảng Hàm (1898-1946),
tác giả Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Việt Nam
Thi Văn Hợp Tuyển; Thẩm Quỳnh, dịch giả Kinh
Thư; Nguyễn Gia Tường, anh của danh họa Nguyễn Gia Trí...
Lần lượt, Nguyễn Hiến Lê thi đậu Cao Đẳng
Tiểu Học (Diplôme d’Etudes primaires
supérieures franco indigène); thi vào trường Cao Đẳng Công Chánh đậu thủ
khoa, được học nội trú và hàng tháng lãnh sáu đồng rưỡi học bổng. Thi tốt
nghiệp tháng 6-1934, đậu hạng sáu. Tháng 10, được bổ vào làm việc trong Nam.
Sau này, khoảng tháng 02-1944 (tháng Giêng Giáp Thân), ông có trở ra Bắc thi vô
ngạch kỹ sư công chánh, nhưng không đậu.
*
Sở Thủy Lợi ở Long Xuyên giao ông công tác đo
mực nước ở miền Tây. Làm xong việc, ông còn rất nhiều thì giờ rảnh. Không biết
làm chi cho hết ngày, ông phải tìm đủ mọi sách để đọc, chép nhật ký, viết hồi
ký cho đỡ nhớ quê nhà miền Bắc xa xôi. Ông kể:
Cầm bút lúc
nào là tâm hồn tôi rung động nhè nhẹ lúc ấy, như được nghe một bản nhạc êm đềm,
bản nhạc của cố hương và dĩ vãng.
Viết hồi ký
để ôn lại cái vui đã qua thì viết nhật ký để ghi lại cái vui hiện tại (...).
Tôi cứ nhớ
đâu chép đó, viết bừa đi, chẳng cần bố cục, cũng chẳng sửa, viết có khi quên
giờ giấc, và đặt cây bút xuống, nhìn lên bờ thì làng xóm đã lờ mờ sau làn sương
mỏng.([6])
Đọc sách và viết say mê như vậy vẫn dư thời
gian, ông xoay ra tự học chữ Hán. Lúc nhỏ ông được cha dạy vỡ lòng một ít,
chừng năm rưỡi. Hè 1928, ông vừa học xong năm thứ nhất trường Bưởi, được mẹ đưa
về quê nội ở Phương Khê học chữ Hán với bác Hai. Ông học hai kỳ hè, mỗi kỳ
khoảng hai tháng, mỗi ngày được bác kèm cho chừng một giờ.
Cuối đời, khi đã nổi danh là dịch giả uy tín,
trong số trên một trăm hai mươi đầu sách, có trên hai mươi công trình giá trị
viết riêng về văn, triết, sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê không khỏi chạnh lòng
nghĩ nhớ đến bà mẹ quê mùa mù chữ của mình: Ngay
năm đầu tôi học trường Bưởi, mẹ tôi đã có một quyết định [cho con học chữ
Hán], khiến đời tôi sau này theo một
hướng mà chính người và các bác tôi không ai có thể ngờ được. Ngày nay càng
nghĩ lại tôi càng thấy cái công lớn của người và càng không hiểu đã có gì xui
khiến cho người nảy ra quyết định đó. (Hồi
Ký, tr. 73)
Tốt nghiệp Cao Đẳng Công Chánh (tháng
6-1934), trong suốt năm tháng chờ được bổ nhiệm công tác, ông tự học chữ Hán
chứ không về làng Phương Khê nữa vì bác Hai đã qua đời. Ông kể: Mỗi ngày, buổi chiều, tôi lại Thư Viện Trung
Ương ở đường Trường Thi, mượn bộ Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh mới xuất bản hai năm trước (1932) rồi bắt đầu từ chữ
A, tìm những từ và từ ngữ nào mà tôi đoán là thường dùng mà chưa biết thì tôi
chép lại trong một tập vở, mỗi ngày chép độ ba bốn chục từ; tôi lại mượn cuốn Grammaire
Chinoise của Cordier cũng chép lại những
điều quan trọng. Tôi ở thư viện từ ba đến năm, sáu giờ chiều. Tối hôm đó và
sáng hôm sau, tôi học hết những trang ghi đó; rồi chiều lại ra thư viện chép
bài học sau. Mỗi tuần tôi nghỉ một ngày để ôn lại những bài trong tuần... (Hồi Ký, tr. 123)
Sau ba tháng, học được chừng ba
ngàn từ, ông mượn được bộ Tam Quốc Chí
in thạch bản, có lời bình của Kim Thánh Thán (1608-1661). Vì đã biết cốt chuyện
rồi, ông đọc không quá khó, lúc đầu chậm, sau quen, và rất thích lời bình của
Kim. Đọc vừa xong Tam Quốc Chí ông nhận được giấy bổ vào Nam công tác.
Năm 1937 (hay 1938?), ông về Sài Gòn làm
việc. Mỗi ngày rảnh được buổi tối và mỗi tuần rảnh được cả ngày Chủ Nhật. Không
biết nhậu, ghét đánh bài, chẳng thích đánh cờ, học đàn vài tháng thì bỏ, không
ưa tụ tập bạn bè tán gẫu; làm sao cho qua hết giờ nhàn rỗi? Chỉ còn cách tự học
và đọc sách mà thôi. Ông luôn luôn đọc sách với cây viết chì. Chỗ nào hay, ông
đánh dấu + ở lề; chỗ dở, đánh dấu –. Các ý quan trọng thì ghi tóm tắt kèm với
số trang; mà ghi ngay ở các trang bỏ trắng ở đầu hay cuối sách (pages de garde), giống như làm index hay mục lục chi tiết cho riêng ông
tham khảo khi cần.
Sau tháng 8-1945, ông bỏ luôn nghề công chức,
về làng Tân Thạnh, ở khoảng giữa Hồng Ngự và Cao Lãnh, học đông y và chữ Hán
với bác Ba Phương Khê (tháng 10-1945).
*
Năm 1950, nể lời người bạn đã ba lần khẩn
khoản mời, ông ra dạy học tại trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu ở Long
Xuyên, dạy đủ các môn từ khoa học tới sinh ngữ. Lúc này ông bắt đầu viết sách.
Tổ tiên ông hai bên nội ngoại đều không ai viết văn. Bản thân ông lúc đầu lại
vào ngành kỹ thuật. Trước năm 1950 ông không có ý định viết sách, không tính
tới chuyện sống hoàn toàn bằng nghề văn. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản là Tổ Chức Công Việc Theo Khoa Học (1950). Dạy
ba niên khóa, ông xin thôi và đơn được chấp thuận (tháng 9-1953). Sau này về
Sài Gòn, được một số trường mời đến dạy, ông cương quyết từ chối, vì muốn dành
hết thời giờ cho việc tự học, biên khảo, dịch thuật, nghiên cứu...
Không làm nhà giáo trên bục giảng, ông vẫn là
nhà giáo dục có tâm huyết và lương tri. Một số sách do ông soạn hoặc dịch đã
hướng dẫn nhiều người trên đường học vấn, như: Kim Chỉ Nam Của Học Sinh (1951);
Luyện Văn I (1953); Luyện Văn II và Luyện Văn III (1957); Tự Học
Để Thành Công (1954); Bí Quyết Thi
Đậu Các Bằng Cấp Trung Học (1956); Muốn
Giỏi Toán Hình Học Phẳng (1956); Muốn
Giỏi Toán Đại Số (1958); Muốn Giỏi Toán Hình Học Không Gian (1959),
v.v...
Nặng lòng
với giáo dục, năm 1962 ông viết loạt năm bài Cải Tổ Nền Giáo Dục Việt Nam. Năm 1972, ba bài Nguy Cơ Xuất Não bàn biện
pháp giữ nhân tài du học nước ngoài về. Tất cả đều đăng tạp chí Bách Khoa. Năm 1961 trên Bách Khoa, và năm 1966 trên Tin Văn, ông kịch liệt đả kích Bộ Giáo Dục
và Viện Đại Học Sài Gòn không chịu dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học.
Ngoài ra, ông còn hàng trăm đề tài giáo dục khác mà từ đầu những năm 1950 cho
tới 1975, đã đăng các tạp chí: Bách Khoa;
Đại Học; Giáo Dục Phổ Thông; Mai; Tân Văn; Tin Văn; Văn; Văn Hóa Nguyệt San,
v.v...
Nguyễn Hiến Lê dịch nhiều thể loại sách,
nghiên cứu, khoa học, văn chương... tiếng Pháp, tiếng Anh, và đặc biệt là chữ
Hán. Bản dịch tiếng Pháp đầu tay của ông là Huấn
Luyện Tình Cảm (1951), nguyên tác của P. Félix Thomas (1853-1920); bản dịch
tiếng Anh đầu tay là Đắc Nhân Tâm (1951),
nguyên tác của Dale Carnegie (1888-1955).
Yêu mến và sành tiếng Việt, giỏi cả Hán,
Pháp, Anh, ở cương vị một người dịch, ông quan niệm: (T)ôi nghĩ rằng văn thơ cũng như nhạc, dịch một bài văn, một bài thơ,
cũng như diễn một bản nhạc, cũng là làm công việc sáng tạo mặc dầu dịch rất sát
không thêm bớt. Dịch giả – nếu có tài – cũng là một nghệ sĩ, và mỗi bản dịch cũng
là một nghệ phẩm. Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch nào
cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ
người dịch, cũng để lộ tâm tư của người dịch, cái không khí của thời đại người
dịch. (Hồi Ký, tr. 407)
Đầu năm 1971, nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) hỏi xem ông đã định
gác bút nghỉ viết chưa. Thư ông trả lời: Viết
đều đều trên hai chục năm rồi, tôi muốn nghỉ lắm chứ, nhưng còn chiến tranh thì
không thể nghỉ được (...) Còn chiến tranh thì làm sao vui được? Chẳng những
việc nước không yên mà việc nhà của chúng ta cũng không yên, không thể quyết
định một chút gì trong tương lai cả, ngay đến đời sống của mình cũng không có
gì bảo đảm. Sở dĩ tôi phải cặm cụi viết một phần lớn là để tạm quên những ưu tư
đó đi. (Hồi Ký, tr. 376-377)
*
Đối với Nguyễn Hiến Lê, ngoài ý chí miệt mài
học để viết và viết không mệt mỏi để học, thì độc giả là quan trọng, kỳ dư danh
vọng hay thế quyền không hề có chỗ trong tâm tưởng. Chánh quyền Sài Gòn, Ngô
Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu, ba lần mời ông làm giám khảo cuộc thi văn
chương toàn quốc, mời vào Ủy Ban Dịch Thuật, và Ủy Ban Điển Chế Văn Tự của Bộ
Văn Hóa, vào Hội Đồng Giáo Dục Toàn Quốc, ông đều nhất quyết từ khước. Năm
1973, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa muốn trao tặng ông Giải Tuyên Dương
Sự Nghiệp Văn Chương – Học Thuật – Mỹ Thuật, ông cũng từ chối. Mãi mãi ông vẫn
giữ đúng vị trí một nhà giáo dục, một nhà văn hóa độc lập, thanh cao, tự trọng.
Ông thổ lộ: Soạn sách, tôi chỉ nhắm mục
đích: tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước
hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi
tiếng (...). Có thích vấn đề nào thì tôi mới viết.([7])
Thấy vui trong khi viết, bấy nhiêu đủ cho
tôi rồi. (Hồi Ký, tr. 399)
Ông viết và dịch đủ loại: giáo dục, quản trị,
kinh tế, chánh trị, sách học làm người, ngữ học, văn học và lịch sử thế giới,
tiểu truyện danh nhân, du ký, hồi ký, bình văn điểm sách... Chẳng riêng những
sách và bài báo chuyên khảo về tiếng Việt, đọc văn ông, người ta cảm thấy toát
ra lòng yêu mến tiếng Việt thiết tha, và sự trân trọng chăm chút để gìn giữ và
phát huy tính nhuần nhụy, trong sáng của tiếng Việt.
Có lẽ bên cạnh những thể loại đa dạng thì
quan trọng hơn hết vẫn là Trung Quốc học (văn chương, lịch sử, triết học). Đây
là lãnh vực mà Nguyễn Hiến Lê có nhiều đóng góp ý nghĩa cho nền tảng nghiên cứu
Trung Quốc học ở Việt Nam qua hai mươi hai công trình tiêu biểu đã xuất bản như
sau: Chiến Quốc Sách, dịch chung với
Giản Chi (1968); Cổ Văn Trung Quốc (1966); Đại Cương Triết Học Trung Quốc, hai
quyển, viết chung với Giản Chi (1965); Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, ba
quyển (1955); Hàn Phi Tử (1994); Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử (1990); Khổng Tử (1992); Lão Tử Đạo Đức Kinh (1994);
Lịch Sử Văn Minh Trung Quốc, dịch Will Durant (1997); Liệt Tử Và Dương Tử (1972);
Luận Ngữ (1995); Mạnh Tử (1975); Mặc Học (1995); Nhà Giáo Họ Khổng (1972);
Nhân Sinh Quan Và Thơ Văn Trung Hoa, dịch Lâm Ngữ Đường (1970); Nho Giáo: Một Triết
Lý Chính Trị (1958); Sử Ký Tư Mã
Thiên, dịch chung với Giản Chi (1970);
Sử Trung Quốc (1982); Tô Đông Pha (1970); Trang Tử Nam Hoa Kinh (1994);
Tuân Tử (1994); Văn Học Trung Quốc Hiện
Đại (1969).
Cho tới năm 1975, ông xuất bản được một trăm
tác phẩm. Từ 1975 tới ngày mất, hoàn thành thêm hai mươi hai công trình nữa.
Viết khoảng hai trăm năm mươi bài báo, mà khoảng một nửa trong số đó vẫn chưa
gom lại in thành sách. Đề tựa cho hai mươi ba tác phẩm về biên khảo, thơ, tùy
bút... mà hầu như bài tựa nào cũng được khen là tài tình. Mười chín người vinh
dự được ông đề tựa tác phẩm là: Bàng Bá Lân (1912-1988), Châu Hải Kỳ (1920-1993), Cung Duy Độ, Đỗ
Hồng Ngọc, Đông Hồ (1906-1969), ba lần cho Đông Xuyên (1903-1994), Hoàng Xuân
Việt (1928-2014), Huy Lực, Huỳnh Phan, Lam Giang, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Huy
Khánh, Nguyễn Hữu Ngư tức Nguiễn Ngu Í (1921-1979), hai lần cho Nguyễn Hữu
Phiếm, Nguyễn Văn Hầu (1922-1995), Phạm Phú Hoài Mai, Toan Ánh (1916-2009), hai
lần cho Trần Thúc Linh (1915-1987), Võ Phiến (1925-2015).
*
Dường như thần thoại kể rằng, xưa kia có một
loài linh điểu, khi sắp giã từ thế gian này, những tiếng hót sau cùng của chim
lại là tiếng hót ngọt nhất, hay nhất mà chim dồn hết tinh huyết và thần lực ra
thi thố, để tận hiến cuộc đời lần cuối. Những tác phẩm cuối đời của Nguyễn Hiến
Lê có lẽ chẳng khác gì tiếng chim linh thần thoại lãng mạn ấy. Thực vậy, trong
mười năm sau cùng (1975-1984), sức khỏe ông càng cạn kiệt vì tuổi tác và tật
bệnh, thì ngược lại, sách ông viết càng sâu sắc, càng phong phú và giá trị hơn.
Và rồi ông bệnh, mất lúc 9 giờ đêm Thứ Bảy 22-12-1984
tại Sài Gòn, hỏa táng tại Thủ Đức.
Đến nay, hai mươi hai di cảo đã in được hết.
Những sách đã in trước 1975 vẫn tiếp tục in lại đều đặn. Một năm có khi hai hay
ba nhan đề cùng được ấn hành. Nguyễn Hiến Lê có cái vinh dự được là tác gia của
ba thế hệ: thế hệ những người đồng tuổi ông; thế hệ con cái những người đó, kể
cả lớp học trò cũ của ông; và thế hệ trẻ hôm nay đang cắp sách ở trung học, đại
học, hay vừa rời ghế giảng đường, tập tễnh bước chân vào chốn trường đời.
Khoảng trước năm 1945, sau khi đọc xong vài
bản thảo của ông, bác Ba Phương Khê khen ông có tài viết văn, và hơi chịu ảnh
hưởng cổ văn Trung Quốc, rồi tặng ông câu đối:
學 本 修 身 , 身 即 國 ;
人 能 拔 俗 , 俗 而 仙 .
Học bản tu
thân, thân tức quốc;
Nhân năng bạt tục, tục nhi tiên.
(Học gốc ở tu thân, thân là nước;
Người tư cách bạt tục, tục mà tiên.)
Bản thân Nguyễn Hiến Lê vào khoảng năm 1946
hay 1947 cũng làm câu đối:
治 愛 書 亂 愛 書 , 書 中 有 有 ;
貧 以 道 富 以 道 , 道 外 空 空 .
Trị ái thư,
loạn ái thư, thư trung hữu hữu;
Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại
không không.
(Trị yêu sách, loạn yêu sách,
trong sách chi
chi cũng có;
Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo,
ngoài đạo thảy thảy đều không.)
Cả hai câu đối đó, gẫm cho cùng, đều phản ánh
rất đúng cốt cách Nho phong, chí hướng bạt tục, cuộc đời giản dị, và sự nghiệp
văn hóa không nhỏ của Nguyễn Hiến Lê đối với dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời
cầm bút trong sáng như viên ngọc không chút tì vết, Nguyễn Hiến Lê chưa một lần
tự gán cho bản thân bốn chữ văn dĩ tải
đạo 文以載道, nhưng đến nay những ai đọc ông có lẽ đều tâm phục và
ngưỡng kính nhìn nhận rằng con người ấy quả thực đã hiến trọn đời mình để chở
chuyên đạo lý qua từng trang sách.
Đời ông
bảy mươi ba năm (tuổi ta), từ ấu thơ cho đến khi quay lưng đi vào cõi vĩnh
hằng, đã kinh qua biết bao nỗi thăng trầm bi tráng của lịch sử một đất nước
chiến tranh ly loạn triền miên. Nhưng ông đã tự chọn cho mình một con đường tu
thân, tu đức, trau giồi học vấn không ngừng. Ông miệt mài đem trí tuệ mẫn tiệp,
sức học uyên bác, lương tri và tâm huyết... để bằng nghị lực phi thường lướt
qua những bệnh tật đeo đẳng tấm thân mảnh khảnh, và đã vượt lên khỏi mọi bả lợi
danh câu nhử, để cho những dòng chữ lời văn của ông mãi mãi chỉ tinh tuyền là
hương thơm vị ngọt và vẻ mỹ miều của một tình yêu quê hương đằm thắm và một
lòng nhân ái kín đáo.
Phú Nhuận, 26-10-2018
(Sau
khi xem lại bản in tháng 10-2003,
có chút
sửa chữa, thêm vài chi tiết nhỏ nhặt,
và
chèn vài ảnh minh họa.)
HUỆ
KHẢI
([7]) Bác
Lê Ngộ Châu có hôm bảo tôi: Anh Lê không
viết thì thôi, mà đã viết thì vấn đề gì cũng rõ ràng, sáng sủa. Tôi rất muốn
tìm hiểu đạo Phật, cứ nài anh Lê viết sách về Phật Giáo nhưng anh ấy không
thích.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi
nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.