Đây là chuyện tôi
nghe:
Ông Hồ Vinh Quy (có
sách viết Qui), pháp danh Từ Huệ, sinh năm 1872 (lớn hơn ngài Ngô sáu tuổi).
Ông tự Trọng Quý, thường được nhắc tới trong sử sách Cao Đài là Lý Trọng Quý,
hay Phán Quý (có sách viết Quí), vì làm thông phán ở Sài Gòn. Ông cao ráo, mảnh
khảnh, nói như dân Nam Kỳ là dong dải;
tánh tình nghiêm nghị, ôn hòa, ăn nói hoạt bát. Ông quy thiên ngày 01-4 Ất Dậu
(Thứ Bảy 12-5-1945) và được táng nằm tại nghĩa địa Chiếu Minh ở Cần Thơ.
Ban đầu ông Quý thọ
pháp với ngài Ngô, nhưng tới năm 1931 thì tách ra, thờ Tam Giáo, nên gọi là
Chiếu Minh Tam Giáo để phân biệt với Chiếu Minh Tam Thanh theo chánh thống truyền
lại từ ngài Ngô.
Ông Quý lập một đàn
Tiên ở xóm Chài (Cần Thơ). Bộ phận thông công tại đàn này tiếp được quyển kinh Tam Nguơn Giác Thế (1931). Tiền bối Cao
Triều Trực (quê Bạc Liêu) phát tâm ấn tống kinh này, đem sắp chữ tại nhà in
Phương Nam (Cần Thơ) vào năm 1953.
Trong kinh có một
thánh giáo của Đức Thần Oai Viễn Trấn Quan Thánh Đế Quân, giáng cơ ngày 02-11
Tân Mùi (Thứ Năm 10-12-1931), dạy tín hữu siêng làm pháp thí như sau:
Phàm người tu hành mà đặt đặng một bộ kinh sám khuyên
chúng làm lành thì người ấy đặng thành Tiên. Còn người văn chương quân tử mà
làm đặng một pho sách dạy chúng luân thường đạo lý thì người ấy đặng thành
Thánh.
Trong lá thơ ngày Chủ
Nhật 20-3-1960 gởi cho ông Minh Nhơn (cũng là môn sanh Chiếu Minh), ông Nguyễn
Minh Truyện cho biết khi tách ra lập Chiếu Minh Tam Giáo thì ông Quý thu hút
được chừng ba trăm đạo hữu ở Cần Thơ; đủ biết ảnh hưởng của ông không phải nhỏ.
Hệ quả là bên Chiếu Minh Tam Thanh hầu như trống vắng. Nhớ lại tình cảnh đó, bà
Minh Hồng (tức Trần Thị Hường, bạn đời ông Nguyễn Văn Huỳnh) có lần than thở:
Rủ nhau đi hết
chia ranh tan bành
Thảo Lư của Thầy [Ngài Ngô] tanh banh
Vô phương chống
vững tay khoanh chờ thời.
Bành là ghế bành, có
lưng dựa và hai tay vịn, khi nào buộc chặt trên lưng voi để ngồi vững vàng,
thoải mái thì gọi là bành voi. Ca dao
có câu:
Ru con con ngủ
cho lành
Để mẹ gánh nước
rửa bành cho voi.
Nhưng bành
cũng là cách dân Nam Kỳ gọi kiện hàng, do nói trệch chữ balle trong tiếng Pháp. Đóng hàng hóa thành kiện là “đóng bành” (emballer). Tháo dỡ kiện hàng rời ra là
“rả bành” (déballer). Bởi vậy, tan bành hay tanh bành hoặc tanh banh đều
diễn tả cái gì đang là một khối lớn mà trở thành manh mún, rã rời.
Bây giờ tạm gác lại mấy câu thơ mộc mạc của bà Minh
Hồng để nhắc lại chuyện ông Phán Quý trên Sài Gòn.
Khi ngài Ngô từ tạ phẩm Giáo Tông vào Thứ Bảy 24-4-1926,
có lẽ ông Quý cũng theo ngài mà tách khỏi các vị tiền khai bên phổ độ. Bởi vậy,
dò trong danh sách hai trăm bốn mươi lăm nam nữ già trẻ lớn bé họp tại nhà tiền
khai Nguyễn Văn Tường để khai tịch Đạo hồi đầu tháng 10-1926 thì không thấy họ
tên ông Quý.
Thoạt kỳ thủy phái
Chiếu Minh được gieo mầm ở Cần Thơ ra sao? Tương truyền vào trung tuần tháng 11-1926,
ngài Ngô vời ông Quý tới gặp và nói:
- Anh Quý nè, anh đại
phước mới được dịp lập công đầu với Đạo. Bây giờ đã tới lúc mở Đạo tại
Cần Thơ. Vậy anh thay mặt tôi xuống đó truyền đạo. Còn tôi qua sang năm mới
đi.
Được giao phó trọng
trách, ông Quý thừ người ra, lòng bối rối. Rất nhanh, trong đầu ông cả một khúc
phim quá khứ chợt hiện về, rõ nét từng chi tiết như mới vừa hôm qua.
Trong khoảng ba
tháng ngắn ngủi hợp tác giữa ngài Ngô và các vị tiền khai Cao-Phạm ở phố Hàng
Dừa, quận 1, Sài Gòn, đã sớm có mặt ông Quý rồi. Ông nhớ lại, buổi chiều ba
mươi tết (Thứ Sáu 12-02-1926), ngài Ngô cùng các vị tiền khai đi một tua ghé
nhà từng bạn đạo. Bắt đầu từ nhà ông Võ Văn Sang, rồi lần lượt tới các nhà
khác. Cuối cùng cả đoàn mới vô nhà ông Quý, sau đó quay trở lại Quai Testard
trong Chợ Lớn, ghé nhà tiền khai Lê Văn Trung lần nữa để làm lễ đón giao thừa
Bính Dần.
Tại từng nhà, ngài
Ngô làm pháp đàn, song đồng là hai ngài Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư. Mỗi vị chủ
nhà đều được Đức Cao Đài Tiên Ông lâm đàn ban cho một bài tứ tuyệt. Phần ông Quý,
Đức Chí Tôn dạy:
Lỡ một bước, lướt một ngày
Một lòng thành thật chớ đơn sai
Lôi thôi buổi trước nhiều ân xá
Lấp lửng đừng làm tội bữa nay.
Đơn sai là tiếng Việt cổ,
có nghĩa giả trá, không trung thực. Đã vậy, trong bài thơ Thầy còn nói ông Lôi thôi buổi trước bởi vì trước khi đi
tu, ông từng làm môi giới giữa các trạng sư (avocats) ở tòa án và những người có việc kiện tụng. Khi được Thầy
từ bi khuyên răn Lấp lửng đừng làm tội
bữa nay, ông Phán Quý giựt mình, thấm thía lắm.
Thành thử, thoạt nghe
ngài Ngô sắp giao cho việc lớn thì ông Quý không khỏi lưỡng lự một lúc rồi thú
thiệt:
- Thưa quan lớn, lúc
trước ở Cần Thơ tôi kiếm ăn bằng cách đưa đường dắt lối cho mấy thầy kiện, phần
đông bà con đã nghe tên biết mặt. Nay trở về đó truyền đạo tôi e bà con không
phục.
Ngài Ngô thông cảm, an ủi:
- Không hề gì, anh Quý à. Ông Matthieu vốn là tay
thu thuế khét tiếng dưới trướng quân La Mã xâm lược, nên bị đồng bào ông là dân
Do Thái ghét lắm. Vậy mà ông Matthieu theo Chúa Jésus học đạo, trở thành một vị
Thánh tông đồ, có công chép nên Kinh Thánh. Nhớ lại hồi còn học ở collège
Chasseloup-Laubat, tôi có nghe nhắc tới văn sĩ Oscar Wilde bên xứ Ái Nhĩ Lan. Ông ta nói như vầy: Chaque
Saint a un passé et chaque pécheur a un futur. Câu ấy đúng với Thánh
Matthieu mà cũng đúng với anh nữa. Trước kia anh chưa biết tu nên làm quấy,
nay biết tu ăn năn làm phải thì có chỗ chuộc lỗi, đền bù. Chỉ sợ trước
làm phải, sau làm quấy mới thiệt đáng trách. Anh cứ làm theo
lời tôi thì có Thánh Thần phò hộ, việc gì cũng sẽ xuôi rót.
Nghe lời giảng giải cặn kẽ, ông Phán Quý cảm động, bèn
nhẩm trong đầu cho nhớ câu nói bất hủ của Oscar Wilde vừa được ngài Ngô truyền
lại: Mỗi vị Thánh đều có một dĩ vãng và mỗi
tội nhân đều có một tương lai.
Rồi ông hỏi:
- Nếu vậy tôi phải
làm sao? Biết căn cứ chỗ nào mà khởi sự truyền đạo ở Cần Thơ? Xin quan lớn
chỉ dạy.
Lấy một bức thánh
tượng Thiên Nhãn cuộn lại và một cây đại ngọc cơ trao cho ông Phán Quý, ngài
Ngô dặn dò:
- Anh cầm hai
món này xuống Cần Thơ. Trước hết phải tìm nhà Nguyễn Như Bích. Người
này thuộc dòng dõi kẻ sĩ; ông thân của Bích là bực anh hùng tiết tháo.
- Sao quan lớn
biết rõ người đó vậy?
- Hồi năm 1920 tôi làm
việc tại tỉnh Hà Tiên bảy tháng có quen một ông tai mắt sở tại là Hữu Lân Lâm
Tấn Đức nên được nghe kể về ông thân của Nguyễn Như Bích. Trong mười ba năm
1888-1901, ông thân của Bích là Nguyễn Thần Hiến hợp tác với các ông Lâm Tấn
Đức, Huỳnh Đăng Khoa, La Thành Đầm, v.v... để chấn hưng việc học tại Hà Tiên nên
họ biết nhau khá rành.
Ông Quý suy nghĩ: “Mình
sắp đi xa tìm kiếm một người lạ, mà chưa có manh mối gì, chẳng khác mò kim đáy
biển. Nếu biết chút ít gia thế hay lai lịch của họ thì cũng nên lắm.” Bởi vậy,
ông nài nỉ:
- Thưa, quan lớn làm
phước kể cho tôi biết với...
Ngài Ngô làm thinh. Sợ
rằng vô tình mà thất lễ, ông Quý chột dạ, bèn hỏi về công việc được ngài giao
phó:
- Thưa, quan lớn tính
cho tôi ngày nào lên đường?
- Lấy ngày 12 ta mà
xuất hành thì hạp lắm, nhưng qua ngày rằm phải tới được nhà Nguyễn Như
Bích đặng khai đàn độ thế giúp chúng sanh nơi đó sớm biết đạo tu hành.
Nghe vậy ông Quý ráng
nín cười. Từ Sài Gòn đi xe đò xuống Cần Thơ nội trong một buổi thì
tới rồi, vậy mà ngài Ngô lại dặn lên đường ngày 12 sao cho bữa rằm phải
tới nơi. Tức là mất hết ba ngày, chẳng khác chi kẻ cuốc bộ. Tuy nhiên, nghĩ
vậy chớ ông chẳng dám nói gì, chỉ xin phép kiếu về để kịp gói ghém đồ đạc. Tối
đó, ông xách hành lý tới ngủ tại nhà ngài Ngô đặng sáng ngày 12 âm lịch
tiện bề leo lên chuyến xe sớm.
Sáng hôm ấy, công phu và cúng thời Mẹo xong, ngài
Ngô sớt chén nước trên Thiên Bàn ra cái chén khác, trao tận tay ông Quý, ân
cần dặn dò:
- Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ đại ân xá nầy không
có gì quý bằng một chén bạch thủy chứa chan ơn điển Đức Cao Đài Tiên Ông.
Ai đủ đức tin thọ dụng thì bịnh gì cũng hết. Ông bà mình từ xưa có nói Linh tại ngã, bất linh tại ngã. Linh ứng
hay không đều do mình thôi. Anh khấn nguyện với Thầy rồi uống đi, cho tinh
thần sáng suốt, làm tròn phận sự khó nhọc phương xa.
Ông Quý chào ngài Ngô rồi lên đường. Xuống bến xe đò
Cần Thơ nằm trên đường thuộc địa (route
Colonial, nay là đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều), ông liền hỏi thăm nhà
ông Nguyễn Như Bích. Lần dò hỏi hoài mà không ai biết. Sụp tối, thấy ngặt
quá, ông đành tìm nhà bạn cũ là đốc công Hiếu xin tá túc. Nhân lúc hàn
huyên, ông đem chuyện tu hành ra ướm thử, nhưng chủ nhà lơ là, cứ nói lảng qua
chuyện khác.
Đêm đó ông Quý thao thức hoài, chẳng ngủ được,
không rõ vì lạ chỗ hay vì lo lắng. Sáng ra, ông xin gởi hành lý lại nhà bạn
để rảnh tay mà cuốc bộ tìm nhà ông Bích. Nhưng ngày lại ngày qua, chẳng chút
tăm hơi chi hết. Mãi tới ngày rằm, thời may có người biết nhà chỉ rõ chỗ. Bấy
giờ ông Quý mới giựt mình, vỡ lẽ rằng ngài Ngô tiên tri hết mọi việc, nhưng cứ
để ông phải cực nhọc, lo lắng luôn ba ngày liền như vậy có lẽ là để ông thêm
vững đức tin nơi ngài mà thôi.
Mừng quá, bao nhiêu mệt nhọc liền tan biến, ông Quý
quày quả trở về nhà đốc công Hiếu, cảm ơn bạn, và xin phép lấy hành lý rồi lật
đật đi riết tới nhà ông Bích.
HUỆ
KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.