Hết bậc tiểu học ở trường
làng (xã Mỹ Luông, quận Chợ Mới), tôi trúng tuyển vào đệ thất (sau này là lớp sáu)
trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu bên Long Xuyên (tỉnh An Giang). Tôi
qua tỉnh lỵ, trọ học được mấy tháng đầu niên khóa 1966-1967 thì ba tôi xin đổi lên
Sài Gòn dạy học. Từ đó, không có dịp nào tôi trở lại Long Xuyên.
Đầu thập niên 1990 tôi
chuyển về làm việc ở trường Đại Học Kinh Tế (số 59C đường Nguyễn Đình Chiểu). Những
khi mỏi mệt, tôi hay rời văn phòng, lững thững đi tới chơi nhà bác Lê Ngộ Châu
(số 160 cùng đường). Một hôm bác cho biết sắp về Long Xuyên thăm bà Nguyễn Hiến
Lê (Nguyễn Thị Liệp), thế là tôi xin tháp tùng vì xe còn dư chỗ.
Cách mặt lâu ngày, được
gặp lại mấy người quen cũ, cô mừng. Lúc này cô đã là Thích Nữ Huệ Đức, thí phát
lâu rồi, tu tại gia nhưng vẫn mặc áo lam. Bữa trưa, người nhà cô thết đãi khách
Sài Gòn một mâm nhiều món mặn thịnh soạn. Phần tôi, cô bảo: Cháu ăn chay chung với cô. Thì ra, cô vẫn
nhớ tôi ăn chay trường.
Lần cuối tôi về Long
Xuyên là khi bác Lê Ngộ Châu gọi điện thoại cho tôi, báo tin cô tạ thế ngày Thứ
Sáu 09-7-1999 (26-5 Kỷ Mão). Cô sanh năm 1909 (Kỷ Dậu), thọ chín mươi mốt tuổi
ta. Tôi gọi điện thoại, bàn nhanh với anh Trần Văn Chánh, rồi sáng sớm hôm sau
hai chúng tôi cùng ra bến xe miền Tây. Viếng linh cữu cô xong, chúng tôi trở về
tới Sài Gòn trời đã khuya lơ.
Giữa hai lần đó, có một
lần tôi lên xe đò về Long Xuyên. Gần trưa ngày Thứ Sáu 17-02-1995, tôi bước vào
nhà cô, ghé thăm đột ngột, khiến cô vui bất ngờ. Cô hỏi: Cháu đi một mình à? Có công tác gì ở Long Xuyên sao?
Giữ chặt hai bàn tay
gầy của cô một lúc, tôi đáp: Con về thăm cô
một bữa. Sáng mai con trở lên Sài Gòn. Cô hoan hỷ nói ngay: Vậy thì ở đây ăn cơm với cô. Tối cháu qua ngủ
bên nhà cũ của ổng.
Hôm ấy cũng giống những
năm trước, sau ngày thầy khuất bóng, mỗi khi tới nhà ở đường Kỳ Đồng thăm cô,
trong lúc hàn huyên tôi hay gợi chuyện để cô nhắc về thầy. Cô nói chậm rãi, nhỏ
nhẹ, và tôi cảm nhận dường như các kỷ niệm êm đềm làm cô vui vui.
Tôi vẫn thích mấy mẩu
chuyện nho nhỏ cô kể, những lúc ở Sài Gòn, và một lần tại Long Xuyên (1995). Chúng
rời rạc, không xâu chuỗi được, nhưng giúp tôi biết thêm vài góc cạnh trong đời
thường của thầy mà Hồi Ký không ghi lại.
Chẳng hạn:
1. Tại Kỳ Đồng, cô từng
bảo tôi: Ở nhà này cô chỉ làm gác-dan [gardien]
cho ổng mà thôi. Ý cô là nhiều năm dài
cứ phải giữ cửa, không để những người ái mộ tìm đến nhà, làm mất thời gian đọc
sách, viết văn của thầy. Nghe cô nói vậy, tôi mỉm cười nhớ lại:
Lần đầu tiên hồi cuối
tháng 12-1974, tôi đứng ngoài cổng rào nhận chuông thì cô bước ra hỏi lý do. Tôi
trao phong bì lớn đựng tập sách quay ronéo,
nhờ cô chuyển đến thầy rồi cảm ơn cô, chào ra về, rất mau lẹ. Lần thứ nhì tới
nhà biếu sách vào tháng 5-1975 cũng diễn ra y như vậy.
Lần thứ ba vào cuối
tháng 9 hay đầu tháng 10-1979. Chiều hôm ấy tôi đạp xe đến Kỳ Đồng nhận chuông.
Cô không nhớ mặt gã thanh niên hơn bốn năm trước từng đứng trước cổng nhà. Giọng
cô nhỏ nhẹ: Cậu là ai? Tìm ông nhà tôi có
việc gì? Tôi xưng tên và giải thích: Thưa
cô, thầy biên thơ, bảo con tới nhà. Cô nói liền: Cậu đứng ngoài này chờ. Để tôi hỏi lại ổng. Cô chậm rãi đi vào, hồi
lâu trở ra mở cổng, cô nói: Cậu vô phòng
khách ngồi chờ ông nhà tôi xuống.
Những lần sau tôi tới,
chỉ cần nói thầy bảo ghé nhà thì cô mời vào phòng khách ngồi, không có thủ tục:
Cậu đứng ngoài này chờ. Để tôi hỏi lại
ổng.
2. Bạn đọc và bạn văn
viết thư gởi thầy thường xuyên và nhiều. Cô bảo tôi: Cô còn làm thơ ký cho ổng nữa. Có lá thơ nào tới thì cô lấy kéo cắt sẵn
một đầu bao thơ, rồi xếp lên bàn làm việc cho ổng. Tôi nghĩ, ra bưu điện gởi
thư cũng là cô.
3. Cô là nhà giáo,
sinh trưởng ở miền Nam .
Cô kể rằng hồi đầu thầy viết văn, đều đưa cô đọc trước. Cô nhận xét thầy viết
theo giọng Bắc nên có những chữ sai chánh tả, hoặc dùng một số tiếng miền Bắc
thì trong Nam
đọc không hiểu. Nghe vậy, thầy vui vẻ sửa chữa và đưa cô đọc lại.
4. Nhà ở Kỳ Đồng có căn
phòng phía ngoài trổ cửa ăn thông với phòng khách bên trong. Trên vách phòng ấy
thầy đóng một tran thờ nhỏ, gọn, rất đơn giản, để hằng ngày cô cúng Phật. Cô nói
thầy theo đạo Nho, nhưng tôn trọng tín ngưỡng của cô. Tran thờ phải đóng cao hẳn
lên để thầy khỏi đụng đầu. Nhưng cô thấp, chỉ tới ngang vai thầy, nên vói tay không
chạm được bát nhang, kê thêm ghế thì sợ té. Do đó, chiều chiều thầy bảo: Tôi cắm nhang xong rồi, bà ra cúng Phật đi.
Chuyện cái tran thờ
khiến tôi nhớ một lần mang biếu thầy gói nho tươi. Thầy cảm ơn, liền chia ra làm
hai phần và bảo: Thứ này chua mà tôi đau
bao tử. Tôi tặng cháu phân nửa. Còn lại thì để nhà tôi cúng Phật. Hôm ấy tôi
học được cách thầy nhận quà: Tôi tặng
cháu phân nửa.
Tương tự, một mùa
trung thu thời bao cấp, tôi mang một hộp bánh đến Kỳ Đồng biếu thầy. Thầy vui vẻ
nói: Thứ này ăn nặng bụng, khó tiêu lắm.
Rồi lấy bớt ra hai cái, còn lại phân nửa trong hộp, thầy cười bảo: Tôi nhận quà của cháu rồi. Phần này tôi tặng
cháu.
5. Về cách thầy ăn uống,
cô kể: Gần xong bữa, còn một miếng cơm
trong chén, ổng chỉ lấy đầu đũa vét chỗ cá vụn trong dĩa để ăn nốt miếng cơm. Khứa
cá kho thì giữ còn nguyên, dành qua bữa sau.
6. Thầy làm hôn thú bậc
nhì với cô năm 1956 tại Long Xuyên sau khi thân mẫu cô quy tiên. Trước đó hai mươi
năm, thầy từng cầu hôn nhưng cô từ tạ vì muốn báo hiếu mẹ cho trọn vẹn. Hai người
luôn quý trọng nhau, chuyện cầm sắt đổi thành duyên cầm kỳ. Cô kể: Ổng viết thơ cho cô nhiều lắm. Hễ gặp cảnh
nào đẹp, chuyện gì hay là viết thơ gởi cô, tả tình tả cảnh rất tài. Lá thơ nào
đọc cũng thích. Tất cả thơ từ cho cô, ổng không hề nói một lời yêu đương.
6. Tháng 12-1984, mấy
ngày cuối đời thầy nằm bệnh viện, cô ở bên cạnh chăm sóc nhưng chẳng có chỗ nghỉ
lưng. Thầy dịch người, nép vô sát tường, rồi lấy bàn tay vỗ vỗ xuống nệm giường
ra hiệu. Cô hỏi: Ông làm gì vậy? Thầy
cười: Biết rồi mà còn hỏi! Kể xong, cô lặng thinh. Ngồi cạnh cô, tôi cũng lặng thinh,
tôn trọng khoảnh khắc cô chìm vào nỗi nhớ. Tôi nghĩ đây là một kỷ niệm cuối
cùng rất đẹp, một hạnh phúc cô sẽ mang mể lâu dài trong tuổi về chiều.
7. Thầy tạ
thế rồi, nhân lễ bốn mươi chín ngày, tôi xin phép
cô cho tôi thỉnh hai vị trưởng thượng của tôi trong Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam là tiền bối Bạch Tuyết (Lê Ngọc Trang, 1918-1986)
và tiền bối Huệ Chơn (Nguyễn Thành Lũy, 1925?-2015), cùng một nhóm nhỏ thanh
thiếu niên đến tụng kinh ở Kỳ Đồng vào buổi tối. Theo nghi lễ Cao Đài, mọi người
đều mặc áo dài trắng, quần trắng, nam đội thêm khăn đóng đen.
Đêm đó, ban hành lễ
chia thành hai bên (nam tả nữ hữu) đứng trước bàn thờ thầy, còn tôi quỳ ở giữa;
tất cả cùng cất giọng nam ai đọc bài Kinh
Tụng Khi Thầy Quy Vị do Đức Giác Minh Thánh Đức (tiền kiếp là ngài Đoàn Thị
Điểm, tức Hồng Hà Nữ Sĩ) giáng cơ ban cho.
Ít lâu sau, cô cho tôi
biết ông Châu Hải Kỳ (1920-1993) nghe cô kể về buổi cúng ấy, muốn xin tôi bài kinh
mà cô tấm tắc với ông là lời lẽ rất cảm động. Thể theo ý cô, tôi chép trọn bài
kinh để cô gởi ra Nha Trang tặng ông Châu Hải Kỳ:
Đường công danh càng nhìn quảng đại
Nghĩa thầy trò nghĩ lại khó quên
Vái cùng sư phụ linh thiêng
Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa.
Dầu hoạn lộ chưa vừa sở nguyện
Dầu cửa quyền trọng tiếng chăn dân
Ơn cha sanh hóa ra
thân
Ơn thầy giáo huấn cũng
gần như nhau.
Khoa võ môn dầu nhào
qua khỏi
Trương vi rồng học hỏi
nơi ai
Đẹp mình với vẻ cân
đai
Công thầy tô điểm từ
ngày ấu xuân.
Cõi hư vô nay gần
phước Thánh
Xin châu toàn đường
hạnh môn sinh
Cõi Thiên xin gởi chút
tình
Rót chung ly hận gật
mình đưa thương.
*
Quay lại ngày Thứ Sáu 17-02-1995. Hôm đó, xách ba lô qua
nhà cũ của thầy, tắm rửa xong, tôi cầm máy ảnh đi ra sân trước. Trời chiều nắng còn tốt. Bước loanh quanh trong khoảnh đất nhỏ trồng
rải rác một ít loại hoa kiểng, tôi đứng nhìn căn nhà cổ lợp ngói đỏ của cô, mà
trong Hồi Ký thầy nói là tài sản duy nhất của nhà tôi khi về hưu,
sau ba mươi bảy năm dạy học ở Long Xuyên.
Rồi tôi bước tới bên
dàn hoa xây thâm thấp, quét vôi trắng phủ ngoài lớp xi măng. Dàn hoa trống trải,
đứng gần ngôi tháp nhỏ sáu mặt lưu hũ cốt của thầy. Từ chỗ ấy tôi nhìn thẳng vào
mặt tiền ngôi nhà cũ của thầy, mà trong Hồi
Ký thầy kể: Trên mười năm trước, tôi
cất thêm một căn nhỏ bằng gạch ở bên nhà cũ,([1]) làm chỗ tôi viết lách và nghỉ ngơi, khoảng năm mươi thước vuông, cho nhà
tôi tụng niệm được yên tĩnh.
Tôi trở vào trong nhà
thầy, đứng cạnh cái bàn gỗ đơn sơ. Kê sát một đầu bàn là chiếc ghế trên lưng dựa
vắt cái võng thầy từng nằm nghỉ ngơi, đọc sách, hoặc viết thư. Chẳng hạn, thư
Long Xuyên, Thứ Sáu 23-3-1984, thầy bảo tôi: Suốt ngày tôi nằm võng. (Thư này viết trên võng đây.)
Bàn gỗ ấy kê sát tường,
giữa hai khung cửa. Phía trên khung cửa bên trái treo ảnh thầy, do danh gia nhiếp
ảnh Cao Lĩnh chụp. Phía trên khung cửa bên phải treo ảnh mẹ thầy (cụ Nguyễn Thị
Sâm). Cân đối giữa hai khung cửa ấy là đôi liễn chữ Nho và bức tranh thầy đồ dạy
học treo thay tấm hoành. Đôi liễn và bức tranh trước đây tôi đã thấy ở nhà thầy
trên Sài Gòn.
Sát bức tường thứ hai
thẳng góc với khung cửa bên phải là bàn thờ song thân thầy, đặt chánh vị. Có ba
bàn nhỏ hơn lồng vào nhau xếp gọn bên dưới gầm bàn thờ. Như vậy, khi cúng giỗ,
kéo tất cả ra bày thành ba bậc để sắp các món tế phẩm rất tiện và trang trọng.
Nép bên trái bàn thờ ấy là bàn thờ thầy, thấp hơn. Ảnh thờ thầy là bức do ông Lê
Thanh Thái (1927-2012) chụp.
Trong phòng ngủ của thầy
kê chiếc giường gỗ giản dị. Bốn cọc mùng được giằng với nhau bằng một khung gỗ
thanh mảnh, như cái nóc.
Tôi bâng khuâng nhìn
từng món đáng chú ý trong nhà cũ của thầy, và bấm máy ảnh lưu lại mấy dấu tích
người xưa.
Sau khi cô Huệ Đức chầu
Phật bốn năm, anh Trần Văn Chánh bàn với tôi rủ vài bạn văn cùng in hiệp tuyển Nguyễn Hiến Lê - Con Người Và Tác Phẩm
(Nxb Trẻ).
Tôi góp năm tấm ảnh hôm xưa chụp ở Long Xuyên để làm phụ bản, ký tên Nghê Dũ
Lan, tức là Lê Anh Dũng hoán vị chữ mà ra, theo cách anagram.
Giờ đây, in lại các ảnh
ấy trong bốn trang màu kèm theo tập hồi ức mỏng manh này, với tấc lòng hoài niệm,
tôi kỉnh thành vọng hướng giác linh thầy cô đang thong dong nơi non Bồng nước
Nhược.
Nhiêu Lộc, 14-11-2018
HUỆ KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.