Đạo huynh mời tôi
đến uống trà. Bên cạnh ấm tích và hai cái chén con con là một dĩa nhỏ đựng mấy
miếng bánh ngọt tròn tròn đã cắt sẵn làm tư. Vừa rót trà ra chén, đạo huynh vừa
nói, giọng vui vẻ:
- Trà này là đặc sản
đất Tam Kỳ, Quảng Nam. Chắc hiền hữu từng thưởng thức?
Thay vì nói rõ tên
chỗ làm trà, tôi mỉm cười mà đọc luôn hai câu thơ của Tố Như: Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là bạn cũ,
hạc là người quen.
Đạo huynh cũng nở nụ
cười, gật đầu xác nhận:
- Phải rồi. Đây là
danh trà Mai Hạc miền Trung. Chúng mình thưởng thức kèm với bánh pía Sóc Trăng
mà hiền hữu tặng tôi hôm nọ. Cũng nên xem là Trung Nam hòa điệu, phải không
hiền hữu?
Thấy ý tứ của đạo
huynh như vậy, tôi cao hứng đọc luôn hai câu thánh thi của Đức Tổng Lý Trần
Hưng Đạo dạy tại thánh thất Nam Thành hồi năm Ất Mùi (1955): Nam Trung âu cũng một nhà / Một Thầy, một
Đạo, đâu là Nam Trung?
Đạo huynh tỏ vẻ
khoan khoái, nói quành lại hai câu lục bát của nhà thơ quê xứ Tiên Điền, Hà
Tĩnh:
- Thời bây giờ có lẽ
chẳng còn mấy ai hiểu thú yên hà là
gì đâu, hiền hữu nhỉ? Yên là khói, hà là ráng. Buổi thư nhàn ung dung ngắm hơi
nước bốc lên từ mặt sông như làn khói nhẹ tỏa, hay là chiêm ngưỡng ánh mặt trời
chiều tà hắt vào mấy đám mây, nhuộm vàng nhuộm đỏ rực rỡ một góc trời... Những
lúc đó mà thủng thẳng ngâm đôi câu của Thôi Hiệu Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu,([1]) hay ngân nga nhấn nhá mấy chữ của Vương Bột Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc,([2]) thì chao ôi, tiêu sái biết bao nhiêu! Cho nên thú yên hà chính là cái thú
tao nhã của người ẩn sĩ đã thoát khỏi lợi danh ràng buộc, tình tiền trói trăng.
Không khỏi ngạc
nhiên thú vị khi thấy đạo huynh là người ưa thích cổ thi, tôi bèn phụ họa:
- Thưa hiền huynh,
nếu nói về ẩn sĩ thì ngài Ngô quả là tấm gương một bậc đại ẩn. Tiểu ẩn ẩn ư lâm sơn; đại ẩn ẩn ư thị triền.([3]) Nhưng ẩn tu giữa đất Sài Gòn buổi ấy, chắc ngài Ngô khó có được cái thú
yên hà như lúc còn ở Dương Đông bốn bề mây nước bao la, phải không hiền huynh?
- Hậu bối chúng ta
không biết chắc việc đó. Có điều, khi trở về Sài Gòn làm việc, lúc rảnh rang ngài
Ngô hay ghé chùa Ngọc Hoàng ở Đất Hộ. Phải chăng không khí u tịch của cảnh chùa
Minh Sư thuở trước chính là một cách thay thế?
Câu chuyện ngẫu
hứng bên chén trà bỗng dưng lại nhắc tới ngài Ngô. Nhân đó, đạo huynh hỏi:
- Hiền hữu có lẽ
không cần nghe kể lại quãng thời gian khoảng ba tháng ngài Ngô hành đạo cùng
với các ngài Cao, ngài Phạm, ngài Lê... ở phố Hàng Dừa đâu nhỉ?
Tôi nâng chén trà
lên, mượn cớ thưởng thức trà thơm để thong thả suy nghĩ. Ngài Ngô tuân lời dạy
của Thầy, khởi sự hướng dẫn các vị tiền khai ở phố Hàng Dừa (quận 1, Sài Gòn) từ
cuối tháng 01-1926 với vị thế là Anh Cả. Đến hạ tuần tháng 4 năm ấy thì ngài từ
tạ phẩm vị Giáo Tông, và tách ra khỏi công cuộc phổ độ mới vừa gầy dựng. Chính
sử lẫn ngoại sử nhà Đạo đã chép nhiều về giai đoạn này với nhiều góc nhìn khác
nhau. Bởi thế, tôi gật đầu và đáp:
- Tệ đệ cũng nghĩ
như hiền huynh. Tình thật, tệ đệ rất muốn nghe huynh kể về việc ngài Ngô bắt
đầu truyền dạy pháp môn tu tịnh ở Sài Gòn để rồi dần dần phát triển thành một
cộng đồng nội tu ở Cần Thơ mà xưa nay chúng ta quen nghe gọi là phái Chiếu
Minh.
Đạo huynh rót thêm
trà vào chén của tôi rồi nhìn ra vuông sân hẹp bày lác đác vài chậu kiểng con
con trên nền gạch tàu mà sắc đỏ của đất nung trải qua biết bao trận nắng cơn
mưa đã bạc đi nhiều chỗ, phơi bày những vệt thâm đen lốm đốm như gương mặt
người già bắt đầu trổ đồi mồi. Vẻ mặt như mơ màng, có lẽ đạo huynh đang suy
nghĩ nên tiếp tục câu chuyện từ chỗ nào, bắt đầu với nhân vật nào.
Những nam nữ đệ tử
cấp một của ngài Ngô từ lâu đã lần lượt nối gót ngài trở về cõi thượng. Các bậc
cao đồ ấy đã làm chứng nhân sống động cho pháp môn giải thoát sanh tử luân hồi
trực truyền từ vị môn đồ đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế. Những cánh hạc trắng
bay vút tầng mây nào màng chi lưu lại dấu tích nơi chốn bụi hồng. Đành thế, biết
là thế, nhưng phận hậu bối nhà đạo không lẽ vô tình hờ hững để cho hành trạng lớp
lớp tiền nhân luống phôi pha rồi mai một. Không lẽ để cho những tập sử Đạo nhà phải
mỏng đi vì thiếu nhiều trang ghi chép hành trạng tiền nhân.
Nắng đã dịu đi ngoài
kia. Tôi bâng khuâng nghĩ tới người đang cùng mình đối ẩm, và nói thầm: Hiền
huynh ơi, hai ta đều xế chiều cả rồi; mỗi người dẫu một thiên hướng, nhưng vẫn ước
mong chúng ta đều hoàn thành sở chí sở nguyện bình sanh.
HUỆ KHẢI
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.