Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

7. ÔNG LÊ VĂN HUẤN ĐƯỢC HÓA ĐỘ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY




Đây là chuyện tôi nghe:
Về Sài Gòn ngài Ngô ở nhà thuê. Thoạt đầu, ngài trọ tại Bá Huê Lầu trên đường Pellerin (nay là Pasteur, quận 1). Đây là khách sạn danh tiếng của doanh nhân Huỳnh Đình Điển, người Gò Công, cũng là chí sĩ hoạt động cho phong trào yêu nước Minh Tân. Sau đó ngài Ngô thay đổi chỗ trọ nhiều lần, có lúc dời về đường Paul Bert (nay là đường Trần Quang Khải, Đa Kao, quận 1). Khi dời về đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn), gần chợ Bến Thành, ngài mướn nhà trên lầu một, phía dưới là một phòng răng. Nơi cuối cùng ngài trú ngụ trong thời gian sống tại Sài Gòn là lầu hai nhà số 110 đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), tầng trệt là tiệm buôn của một Hoa kiều.
Người đầu tiên được ngài Ngô truyền pháp tu vào năm 1926 là ông Lê Văn Huấn.
Ông Huấn sinh năm 1899 (có tài liệu ghi 1900), là con thứ bảy của ông Lê Văn Tuấn. Quê ông nay thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Năm 1926 ông Huấn mắc bịnh lao, lúc đang làm công chức tại Sài Gòn. Vài lần ông nhìn thấy ngài Ngô từ xa nhưng chưa có dịp nào trò chuyện. Ông nghe nói ngài Ngô tu hành lâu năm, ăn chay trường chớ không biết đích xác ngài tu đạo gì. Có điều, dường như túc duyên đã sẵn, phong thái của ngài Ngô khiến ông Huấn vừa nhìn thấy đã tự dưng sanh lòng tôn kính. Ông định bụng có dịp thuận tiện thì thử đến hỏi chuyện làm quen. Lạ một nỗi, hễ tình cờ gặp ngài Ngô thì ông Huấn cứ nhìn miết, lòng muốn hỏi han nhưng đầu óc chợt lơ mơ không xác định là sẽ hỏi việc chi, chừng về tới nhà mới nhớ ra việc muốn hỏi. Đôi ba phen cứ bị như vậy, khiến ông không khỏi nghĩ rằng dường như có ai khuất mặt cản trở.
Thuở ấy ở rạch Cái Khế, thuộc làng Thới Bình, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ, có đàn Hiệp Minh (ban đầu tên là Chánh Minh, dân gian quen gọi là đàn Tiên Cái Khế). Đàn nằm trên đường Paul Emery (nay trở thành chùa Hiệp Minh ở số 97 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Đàn này do ông Phan Thông Lý (tức Cả Lý) cất bằng cây ván, lợp lá, sàn gỗ cao hai thước, có thang lên xuống, trên thửa đất sáu ngàn thước vuông của gia đình ông. Ông cất đàn để tạ ơn Trời Phật ban thuốc Tiên cứu con trai út của ông là Phan Thông Sung (Chín Sung) dứt trọng bệnh và hết á khẩu. Thứ Ba 08-8-1916, ông Cả Lý làm đơn xin phép chánh quyền cất đàn và sinh hoạt tu hành. Khai đàn vào Thứ Sáu 15-12-1911. Để thỉnh Thần Tiên ban thuốc trị bệnh bá tánh, đàn Hiệp Minh dùng quy cơ (cơ hình rùa), vì “giỏ” đại ngọc cơ đan nhuyễn bằng những sợi mây tạo hình như mai rùa (mặt trên dài 32cm, rộng 27cm; phần “bụng” dài 24cm, rộng 20cm, mỗi bên hông chừa ba lỗ để bàn tay đồng tử dễ nắm).


Năm 1917 (Đinh Tỵ), ngài Ngô tới đàn Hiệp Minh lần đầu tiên để xin thuốc cho thân mẫu là bà Lâm Thị Quý (1858-1919) đang đau nhiều. Hai năm sau (1919, Kỷ Mùi), ngài Ngô trở lại đàn Hiệp Minh lần nữa nhưng không thỉnh được thuốc cho thân mẫu khi bà trở bệnh nặng, bởi lẽ phần số bà đã an bài theo mệnh Trời.
Thứ Sáu 24-9-1926 (18-8 Bính Dần), ngài Ngô rời Sài Gòn đi xuống tỉnh Cần Thơ hầu đàn Hiệp Minh. Sau đó, trên đường đi làm việc trở về nhà, ngài gặp ông Lê Văn Huấn. Ông Huấn liền chắp tay chào ngài, nhưng chưa kịp nói gì thì ngài hỏi:
- Ông Phán Huấn đau bịnh gì mà ốm vậy?
- Thưa quan lớn, tôi bị bịnh lao, thuốc men đã nhiều mà không dứt.
- Tu thì hết chớ gì. Nay tới ngày tới giờ tu rồi, tôi nói giùm cho ông biết. Chịu tu hay không tự ý ông.
- Thưa quan lớn, nếu được như lời ngài thì tôi xin theo quan lớn tu hành.
- Muốn tu thì chiều tới nhà tôi.
 Rồi ngài Ngô cho ông Huấn số nhà và chỉ đường.
Ông Huấn về nhà sửa soạn xong, buổi chiều liền tìm đến nhà ngài Ngô. Ông hỏi:
- Bẩm quan lớn, ngài biểu tôi tu mà cách tu làm sao? Đạo của ngài tên gì, gốc tích ở đâu?
Ngài Ngô giảng giải:
- Gốc tích ở nơi Đức Thượng Đế truyền cho tôi hồi năm Tân Dậu (1921) tại Dương Đông, Phú Quốc. Tên gọi là đạo Cao Đài, ở nước Việt Nam mới có lần đầu tiên. Ai tu theo tôi là bực tối thượng thừa, phải trường trai, thủ giới, quy luật giữ nghiêm, thực hành cho đúng, công phu luyện đạo mỗi ngày bốn thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu) cho đủ. Lúc nào cũng khép mình giữ hạnh học trò Tiên. Tình cảm tục trần phải dứt tuyệt. Phải xét lỗi mình mà sửa sai hằng bữa để làm gương lành cho đời nhìn thấy noi theo. Siêng thực hành âm chất mà chẳng chuộng tiếng khen. Mọi thứ hữu hình sắc tướng đều dẹp hết. Vậy mới là người tu Tiên học pháp vô vi Đại Đạo.
Ngài Ngô càng nói thì tâm ông Huấn càng sáng ra, lãnh hội mau lẹ. Cũng bởi cơ duyên đã chín muồi mới khiến ông thông suốt như vậy. Ông mừng lắm, chắp tay xá ngài Ngô và nói:
- Xin thưa, vừa nghe quan lớn phân giải rạch ròi, tôi thấy thiệt là chí lý. Thà tu cho kỹ như vậy mới đáng một kiếp tu hành. Từ lâu tôi cũng nhận biết cuộc đời vốn giả tạm, cứ lẩn quẩn cơm áo với nghèo giàu, bịnh khổ đeo đẳng tấm thân, sống được ít lâu rồi cũng phải dứt hơi mà chết, rất uổng phí một kiếp sanh đặng làm người mà cả đời rốt cuộc chỉ là phù phiếm. Cho nên bấy lâu tôi có ý muốn tu mà bởi chưa ngộ chánh pháp nên chưa quyết định. Nay may duyên gặp quan lớn từ bi chỉ dạy, tôi nguyện thọ giáo, theo quan lớn tu hành.
- Nếu muốn tu thì trước phải cầu xin nơi Đức Thượng Đế, như được thì tôi chỉ cho tu.
Ông Huấn trở về thu xếp gia đình. Ít ngày sau, ông quay lại nhà ngài Ngô, mang theo nhang đèn, hoa quả dâng lên Thiên Bàn. Theo chỉ dẫn của ngài Ngô, ông Huấn kính thành quỳ lạy trước Thiên Nhãn, tha thiết cầu nguyện Đức Chí Tôn rồi bắt đầu xin keo sau khi đã xông trầm hai bàn tay và hai đồng xu cho tinh khiết.
Ông mở lòng bàn tay trái ngửa ra để đựng hai đồng xu, còn lòng bàn tay mặt khum khum úp xuống bàn tay trái cho kín. Khi đưa hai bàn tay lên xuống nhịp nhàng để xóc xóc vài lần, ông nghe được tiếng kim loại va chạm nhau khua nhẹ. Sau đó ông mở hai bàn tay, thả cho hai đồng xu rớt nhẹ xuống giữa lòng cái dĩa kiểu. Ông chú tâm trong từng động tác, cẩn thận sao cho không một đồng xu nào bị văng ra ngoài dĩa.
Theo lệ chỉ được xin keo một lần. Nếu hai đồng xu úp sấp hết (phô bày hai mặt lưng), đó là toàn âm, hoặc đều ngửa hết, đó là toàn dương, có nghĩa là Ơn Trên không chấp thuận. Hôm ấy ông Huấn xin keo được một sấp một ngửa (có âm có dương), tức là ông được Đức Thượng Đế ban ơn chấp nhận cho thọ pháp.
Ngài Ngô chứng cho ông Huấn lập hồng thệ rồi truyền pháp cho ông. Đạo hiệu của ông là Minh Huấn, nên cũng gọi Lê Minh Huấn.
Cũng nên biết thêm, ngoài câu chuyện như trên, có lời kể rằng vào khoảng tháng 6 Bính Dần ông Huấn đến hầu đàn Cầu Kho tại nhà tiền khai Đoàn Văn Bản (đốc học), ở số 42 đường Général Leman (nay là đường Cao Bá Nhạ), quận Nhứt, Sài Gòn. Hôm ấy Ơn Trên điểm danh ông và dạy ông tìm tới ngài Ngô thọ pháp.
Năm 1931, khi ngài Ngô rời Sài Gòn về Cần Thơ, gian lầu hai ngài thuê ở số 110 đường Bonard lẽ ra trả lại cho chủ nhà thì ông Minh Huấn xin tiếp tục mướn và dọn về đó ở luôn cho tới khoảng năm 1935, là lúc ông được lệnh thuyên chuyển về làm việc tại Cần Thơ.
Về Cần Thơ, ông Huấn cư ngụ ở một căn nhà gần bên nhà ông Nguyễn Thiện Niệm, là một trong bốn căn liền nhau nằm bên số lẻ đường Paul Bert (sau đổi thành đường Nguyễn An Ninh, nay là đường Châu Văn Liêm, trong quận Ninh Kiều). Đối diện nhà ông Niệm là nhà ông Hội Đồng Võ Văn Thơm (nằm bên số chẵn đường Paul Bert, sau đổi thành đường Nguyễn An Ninh, rồi đổi thành đường Châu Văn Liêm, nay trở lại là đường Nguyễn An Ninh trong quận Ninh Kiều).
Thứ Ba 02-5-1939, ông Minh Huấn liễu đạo tại Cần Thơ, nhằm ngày 13-3 Kỷ Mão (có tài liệu ghi 14-3). Ngót hai tháng sau, tại Trước Tiết Tàng Thơ, đêm 14 rạng 15-5 Kỷ Mão (30-6 rạng 01-7-1939), Đức Cao Đài Tiên Ông giáng dạy (trích):
Ngày nay chứng vị liên đài
Tên đề Minh Huấn là ngày Thiên phong
Chi hơn nhuần gội ân hồng
Thầy truyền dụng phép huyền công giáng đàn.
Liền sau đó, Thầy dạy: Ngày nay là ngày Thầy ân phong cho Minh Huấn là Đạo Đức Kim Tiên. Vậy các con nên hiểu. Thăng.
Thầy thăng rồi thì Đạo Đức Kim Tiên giáng, xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ:
ĐẠO thành nhờ giữ đúng chơn truyền
ĐỨC tốt không làm sái bổn nguyên
KIM thạch hằng gìn câu chánh niệm
TIÊN đài nay đặng tọa kim liên.
Sau khi để lời khuyên nhủ môn sanh Chiếu Minh, Ngài lưu lại bài bát cú trước lúc giã từ:
Nỗi Đạo vì đời phải đắn đo
Thì sao cho đáng phận làm trò
Thà nương ngọn phướn vô vi nhỏ
Hơn phất cây cờ dục vọng to
Ông Tạo sẵn gầy đường sáng suốt
Xe trầm nên tránh nẻo cong co
Vui buồn méc thót đôi câu chuyện
Hay dở đừng phê chí gắng dò.
Thánh giáo của Thầy và của Đạo Đức Kim Tiên có in trong Đại Thừa Chơn Giáo, Chương III (Ấn Chứng Thiêng Liêng).
HUỆ KHẢI
 
 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.