Đây là chuyện tôi
nghe:
Vào nửa đầu thập
niên 1920, hai ông bà Nguyễn Văn Huỳnh (1875-1935) và Trần Thị Hường (1881-1958)
nức tiếng giàu có ở Cần Thơ. Nhà ông Huỳnh (thường gọi Tư Huỳnh) cất trên khu
đất rộng, một phía hướng ra đường De Lanoue (nay là đường Phan Đình Phùng, quận
Ninh Kiều), còn mặt tiền ngôi nhà nhìn ra đường Paul Bert (nay là đường Châu
Văn Liêm, quận Ninh Kiều) cặp theo một con rạch, thuận lợi cho ông Tư lập xưởng
Cẩm Vân chuyên sửa chữa ca nô (canot).
Theo bà Tư Huỳnh tự
thuật, bà mồ côi cha, sống với mẹ, cảnh nhà khó khăn. Kết hôn với ông Tư Huỳnh,
bà và chồng sống vất vả nhiều năm trước khi lập nên cơ nghiệp. Bà kể:
Nhắc tích cũ, lúc lưng vơi
Con côi, mẹ góa, thế đời linh đinh
Trao thân cùng ông Tư Huỳnh
Cùi thơm, cùi mít đồng tình tạo nên
Lập hãng, nhà lầu tấn lên
Tàu, xe, phố, ruộng, tuổi tên đàng hoàng
Thong thả, vàng cân, hột xoàn
Món ngon vật lạ bĩ bàng xuê xang.
Bà Hồ Thị Huê (tức
Sáu Huê, em bà Năm Hường) một hôm ghé thăm bà Tư Huỳnh và bảo bạn thân:
- Chị Tư à, ở Cần
Thơ mình bây giờ mới có đạo Cao Đài. Đầu đuôi là Quan Phủ Ngô Văn Chiêu trên Sài
Gòn sai anh Hồ Vinh Quy xuống lập đàn tại nhà anh chị Năm tôi. Mỗi tối
Thứ Bảy thường lập đàn cầu cơ. Có Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ
dạy đạo linh lắm. Cha tôi và ba chị em tôi cũng như anh Năm Bích đều tu theo
đạo Cao Đài rồi. Sao chị không tới hầu đàn một lần cho biết?
Tình cờ vừa đi ngang
chỗ hai bà ngồi trò chuyện, ông Tư Huỳnh đứng lại nghe. Bà Sáu Huê liền lên
tiếng chào ông và nói luôn:
- Tôi mời anh Tư
nữa. Anh chị tới một lần cho biết.
Ông bà Tư Huỳnh đồng
ý. Tối Thứ Bảy, trước khi tới nhà ông bà Năm Bích, ông Tư lấy tờ giấy để viết
câu hỏi riêng tư về chuyện làm ăn của mình rồi đốt đi. Ý ông muốn thử xem đàn
cầu cơ Cao Đài có linh ứng hay không.
Đàn hôm đó Đức
Thượng Đế giáng lâm. Ngài dạy:
- Huỳnh! Nay là
thời hạ nguơn mạt kiếp, sao không mau tu hành cho kịp Hội Long Hoa mà
lại hỏi Trời việc trần tục?
Liền sau đó, Đức
Thượng Đế ban cho vợ chồng ông Tư mỗi người một bài tứ tuyệt.
Năm ấy ông Tư Huỳnh đã
bước vào tuổi ngũ tuần, không còn trẻ nữa. Đức Thượng Đế khuyên ông sớm tỉnh
ngộ lo tu, kẻo sẽ phải như bông hoa tàn tạ khi mạng sống không còn. Bài thi vừa
điểm danh vừa dạy đạo cho ông Tư Huỳnh như sau:
HUỲNH Đình tụng niệm được thành Tiên
Sẽ thấy Như Lai Phật tại tiền
Chẳng sớm hồi đầu e rữa nhụy
Màng chi danh lợi buổi chinh nghiêng.
Bà Tư (Trần Thị Hường)
bấy giờ ngoại tứ tuần, được Đức Thượng Đế nhắn nhủ hãy cùng chung lòng chung
sức với chồng góp phần chăm lo mối Đạo Trời mới vừa nhen nhúm. Bài thi điểm
danh bà Hường hàm chứa lời khuyến tu như sau:
HƯỜNG hoa đua nở chốn trần gian
Tỉnh giấc chung lo mối Đạo vàng
Kịp hội Thầy Trời ban xuống thế
Ngày về Tiên cảnh được vinh quang.
Như có sẵn tiền
duyên thiêng liêng huyền nhiệm từ thuở nào rồi, hôm ấy cõi lòng hai ông bà thấy
thơ thới, hân hoan, và cả hai đều vững tin vào đàn cơ, tuyệt nhiên không chút gì
vẩn vơ nghi hoặc.
Từ đó trở đi, hai
ông bà siêng chăm đến hầu đàn. Khi số đạo tâm thiện tín dần dần tăng lên, nhà
ông bà Nguyễn Như Bích không tiện lắm, đàn cơ lại thiết lập ở nhà ông bà Nguyễn
Thiện Niệm.
Ông bà Tư Huỳnh cất
được ngôi nhà lớn, một trệt, một lầu rộng rãi. Với đức tin ngày càng tăng
trưởng, ông bà phát tâm dành tầng lầu để làm nơi lập đàn. Lần hồi, nơi ấy
được gọi là Chiếu Minh Đàn Cần Thơ, và ông Tư Huỳnh làm chủ đàn.
Nhắc lại, vào trung
tuần tháng 11-1926 tại Sài Gòn, ngài Ngô bảo ông Phán Quý (Hồ Vinh Quy) thay
mặt ngài xuống Cần Thơ truyền đạo, còn ngài qua năm Đinh Mão (1927) mới đi. Thì
quả như vậy, ngài Ngô xuống Cần Thơ ngày 16-3 Đinh Mão (Chủ Nhật 17-4-1927)
và đi thẳng tới nhà ông bà Tư Huỳnh trên đường Paul Bert. Thấy khách lạ, ông
Tư không khỏi ngạc nhiên. Ngài Ngô tự giới thiệu:
- Tôi là Phủ Chiêu.
Ông ở trển sai tôi xuống đây chớ không phải tự ý tôi đi.
Nghe ngài Ngô nói Ông ở trển và thấy ngài giơ một ngón tay
chỉ lên trên, ông Tư hiểu ngài ngụ ý là Đức Thượng Đế sai đi. Bởi vậy, ông
Tư Huỳnh mừng quá, liền mời ngài ngồi, rồi gọi bà Tư ra chào và cùng hầu
chuyện.
Vốn đã nghe danh ngài
Ngô bấy lâu, đến chừng bất ngờ có bậc cao nhân đại đức đặt chân đến nhà, chẳng
cầu ước mà được hạnh ngộ như thế, ông bà Tư vô cùng sung sướng. Nhân đó, hai vị
xin ngài giảng dạy thêm về nguồn cội đạo Cao Đài, cách tu hành, v.v... Ông bà
cũng trình với ngài về việc dành tầng lầu làm nơi lập đàn và thỉnh ngài lên
xem.
Buổi tối lập đàn trên
lầu nhà ông bà Tư, Đức Thượng Đế giáng cơ dạy ngài Ngô (trích hai câu đầu
bài tứ tuyệt):
Mối Đạo gầy nên vốn bởi con
Trước sau,
sau trước gắng công tròn...
Hôm sau ngài Ngô rời
Cần Thơ về Sài Gòn.
Từ khi tu theo ngài
Ngô, ông bà Tư Huỳnh lúc nào cũng sẵn lòng xuất tiền nhà ra ủng hộ mạnh mẽ việc
đạo, nhất là các nơi tu hành cần tu bổ hay xây cất mới. Tên đạo của ông Tư là
Minh Huỳnh; bà Tư (Trần Thị Hường) được gọi là Minh Hồng.
Ngài Ngô quy thiên
năm 1932. Sau đó, trong một đàn cơ năm 1934, Đức Ngô giáng dạy ông Minh Huỳnh hãy xây dựng ngôi Thánh Đức
Tổ Đình:
Huỳnh con lãnh mạng Thầy Trời
Lập nền Thánh Đức kịp thời đó con
Chớ nệ tiếng nước non khó dễ
Đàn Hậu Giang bốn bể oai linh
Tá danh là hiệu Chiếu Minh
Thật thành vốn thiệt Thánh Đình Ngô Chiêu.
Chưa kịp thi hành
thánh lịnh, ông Minh Huỳnh ngã bệnh rồi quy thiên ngày 27-11 Giáp Tuất (Thứ Tư 02-11-1935).
Việc cất Tổ Đình được phó thác cho bà Minh Hồng đảm trách.
Đàn ngày 06-3 Ất Hợi
(Thứ Hai 08-4-1935), Đức Cao Đài Thượng Đế dạy môn đệ:
Đêm nay, Huỳnh, Thầy cho đắc lịnh giáng đàn. Đúng giữa Tý
thời các con tái cầu.
Đàn tái cầu, ngài Minh
Huỳnh giáng cơ và xưng quả vị Thiên Môn Đế Quân qua bài tứ tuyệt quán thủ:
THIÊN hạ nào ai có biết ai
MÔN không tu luyện đạo Cao Đài
ĐẾ vương hữu đức bền cơ nghiệp
QUÂN tử không phân đọa chẳng sai.
Tiếp theo đó, Đức Đế
Quân dạy:
Ngã Nguyễn Văn Huỳnh hồi gia. Mừng huynh đệ. Mừng đạo
Niệm. Mừng Hồng. Mừng các con. Nghe!
Từ lánh thế theo Thầy về Bạch Ngọc, lúc ấy thơ thới cảnh
Tiên, nhìn lại cõi trần rồi thêm chán ngán. Về Bạch Ngọc, vào làm lễ. Đại Từ
Phụ ơn ban trở lại phận sự nơi Thiên Môn. Nay đúng bá nhựt lai đàn thăm đạo hữu.
Trước khi thăng, Đức
Đế Quân lưu lại một bài phú lối văn dài ba mươi sáu câu. Thánh giáo của Đức Cao
Đài Thượng Đế và Đức Thiên Môn Đế Quân như trích dẫn trên đây có in đầy đủ ở
cuối quyển Đại Thừa Chơn Giáo (Chương
III: Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Người bạn đời cũng
là bạn đạo của ông Minh Huỳnh là bà Minh Hồng thuật lại giai đoạn cuối đời của
ông Tư qua những dòng lục bát mộc mạc như sau:
Hiếu của mẹ chưa mãn tang
Ơn Thầy đến nữa ruột gan gập ghình
Phán lịnh dạy lập Tổ Đình
Kế năm Giáp Tuất ông Huỳnh ốm đau
Cho mời đạo Hồng lẹ mau
Đến nơi tỏ nỗi lời trao tận tình
Rằng: “Tôi phải bỏ thân hình
Cậy bạn thay mặt Tổ Đình giúp anh.”
Phận sự của em vưng đành
Đạo huynh an tịnh dưỡng lành chơn linh
Lời huynh dặn,
muội giữ in
Ngày Hai Mươi Bảy
hồn Huỳnh quy Tây
Hiếu mẹ, nghĩa
bạn, ơn Thầy
Chiếu Minh Nghĩa
Địa nơi nầy táng an
Hết Đông vừa qua Xuân
sang,
Bá nhựt đã đến
Thiên ban giác hồn
Giáng cơ ĐẾ QUÂN
THIÊN MÔN
Thuở Thầy hứa
trước sanh tồn thế gian
Rằng Huỳnh chí
khí tánh cang
Công cao quả đậm
chủ đàn Chiếu Minh
Nên cho giữ cửa
Thiên Đình
Sống sao thác vậy
cũng in như lời.
Nói về bà Minh Hồng, sau khi gặp đạo Cao Đài, bà
quyết chí cùng chồng ăn chay trường, chăm lo tu hành, nhiệt thành lập công quả
nhờ vào gia sản nứt đố đổ vách. Bà kể lại:
Trước khổ mới vừa
thân an
Bính Dần Đạo mở
Cần Giang nhà Huỳnh
Cao Đài Tam Thanh Chiếu Minh
Vợ chồng công quả đồng tình cùng nhau
Tập rèn thủ phận tương chao
Bồi công bố thí tốn hao vui đành.
Tuy nhiên, lúc ấy
bà Tư mới ngoài tứ tuần, đang sống trong cảnh sang giàu. Bởi vậy, khi bà rời
Cần Thơ lên Sài Gòn xin thọ pháp tu, thì ngài Ngô vì từ bi đã mượn phương tiện
thử thách để rèn trui chí khí, tâm hạnh cho bà. Ban đầu bà không khỏi nản lòng,
lại thêm tự ái, nên toan bỏ cuộc. Bà Tư kể lể nỗi niềm buổi ấy như sau:
Khẩn cầu đạo pháp nam mô
Người rằng từ chối đuổi xô cực kỳ
Muốn tu nên phải chịu lỳ
Nghĩ mình giàu có phải chi bần cùng
Nỡ đành xô đuổi lung tung
Thôi đành trở lại gia trung hưởng nhàn
Canh chầy thổn
thức nào an
Tính toan, toan
tính lưỡng nan đôi đàng.
Nhưng rồi bà đã vượt qua bài thi nhập môn của ngài
Ngô. Cuối cùng, vào tháng 8 Đinh Mão (1927) ngài Ngô chấp thuận truyền đạo. Bà hồi
tưởng:
Tháng Tám Đinh
Mão lập nguyền
Minh Hồng thọ
giáo khẩu truyền Ngô sư.
Thọ pháp với ngài Ngô rồi, bà vẫn còn nhiều dịp được ngài
Ngô thử thách, bởi lẽ ngài muốn giúp bà rèn tánh sửa nết cho đúng mực một người
chơn tu đạo đức. Chẳng hạn, vì nhà quá giàu, bà Minh Hồng không ngại lựa mua
những thứ hảo hạng, đắt tiền rồi khệ nệ mang từ Cần Thơ lên nhà ngài ở Sài Gòn.
Nhưng ngài vốn chủ trương nhất hào vô
phạm, không chịu nhận lãnh lễ vật của bá tánh, do đó ngài luôn luôn cấm ngặt
mọi sự biếu xén. Bà phải lựa lúc ngài đi làm vắng nhà thì lén mang vào; nếu như
ngài đang ở nhà thì tìm chỗ quen gần đó xin gởi tạm, chờ lúc thuận tiện.
Lần nọ, bà chở lên Sài Gòn mấy bao gạo lúa thơm
thật ngon. Hôm ấy ngài đi làm việc sáng Thứ Bảy, chiều được nghỉ. Thấy ngài
vắng nhà, bà mừng quá liền mướn người vác hết mấy bao gạo lên lầu. Ở nhà
ngài đang có mấy bà đạo hữu nữa, đến để ngài ôn tập pháp tu. Sợ ngài đi làm về
nhìn thấy mấy bao gạo sẽ quở, bà Minh Hồng phải đi qua nhà một đạo hữu gần đó
để lánh mặt.
Quả nhiên, khi về tới nhà, ngài Ngô cất tiếng nói
lớn cho mọi người đều nghe rõ:
- Bộ tôi ưa ăn của thập phương hay sao mà mấy
người cứ đem đút lót? Hễ ai đem món gì tới thì phải đem đi lập tức.
Khoảng 2 giờ chiều, ngài bảo:
- Chiều nay nấu cơm ăn cho sớm.
Các bà lật đật phân công nhau lo nấu nướng. Tới 3
giờ thì các món thức ăn đã xong hết. Ngặt nỗi nồi cơm trên bếp cứ sôi hoài,
mà hột gạo vẫn còn nguyên, không chịu nở. Chính là gạo thơm bà Minh Hồng vừa
mới mang ở Cần Thơ lên. Trong lúc các bà lúng ta lúng túng trong bếp thì ngài
Ngô ở phòng bên ngoài ung dung ngồi trên ghế, phe phẩy chiếc quạt.
Bà Minh Trình ([1]) thấy đã trễ,
phải hấp lại cơm nguội, rồi ra ngoài tiệm mua thêm bánh mì để mọi người ăn
cho đủ.
Khi vào bàn ăn, ngài Ngô hỏi:
- Sao không lấy gạo chị Tư Huỳnh mới đem lên mà nấu
để khỏi ăn cơm nguội với bánh mì?
Bà Minh Trình đáp:
- Thưa quan lớn, có nấu gạo của chị Tư chớ, mà nấu
hoài không chín.
Ngài cười:
- Gạo chị Tư nấu không chín thì nói với chỉ bận
sau đừng đem lên đây nữa.
*
Bà Minh Hồng tu hành rất chuyên cần cho tới khi quy
thiên ngày 23-4 Mậu Tuất (Thứ Ba 10-6-1958), quả vị Như Ý Nương Nương.
HUỆ
KHẢI
([1]) Bà Huỳnh Thị
Trình (sinh năm 1890) là bạn đời ông Hội Đồng Võ Văn Thơm ở Cần Thơ), quy thiên
ngày 28-11 Kỷ Dậu (Thứ Hai 05-01-1970), quả vị Diệu Pháp Nương Nương.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.