Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

5. HỌC ĐẠO TIÊN / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY



Đây là chuyện tôi nghe:
Sau lần cầu cơ trong động Linh Tiêu, ngài Ngô còn tham dự nhóm thông công nhiều lần nữa. Cách dinh quận chừng nửa cây số có Quan Âm Phật Đường thuộc tông Hoằng Tế đạo Minh Sư, dân gian quen gọi là chùa Quan Âm cho gọn. Đây cũng là nơi ngài hay đến hầu đàn.
Thấm thoát ngài ở Phú Quốc được hơn hai tháng. Đảo này đất rộng người thưa, dân chúng mộc mạc chất phác, nhà không khóa cửa mà chẳng hề có kẻ trộm. Đã vậy thiên nhiên lại đẹp như chốn Bồng Lai, Phương Trượng tả trong truyện Tàu. Đất và người đều khiến ngài Ngô vừa ý. Cuộc sống thong thả, cái bôn ba tranh cạnh ở đất liền như bị biển xanh chặn lại cả rồi, ngài thấy nơi đây quả là chốn lý tưởng để di dưỡng tánh tình, để tu hành. Có điều, tu ra sao, tu với ai thì ngài chưa nghĩ tới.
Qua đầu năm 1921, có một đấng giáng cơ mà không xưng danh. Tiên Ông dạy rằng nếu ngài Ngô ưng làm đệ tử, ăn chay mỗi tháng mười ngày thì Tiên Ông sẽ vui lòng truyền đạo.
Bãi đàn, trở về dinh quận ngài không khỏi băn khoăn, lưỡng lự. Ngài nghĩ, nếu tu theo lời dạy đó mà được kết quả gì cho đáng thì cũng nên. Ngược lại, ăn chay một tháng mười ngày mà chết còn phải luân hồi thì tu như vậy vẫn chưa đúng. Đợi dịp có đàn cơ ngài sẽ bạch lại cho rõ.
Mùng một Tết Tân Dậu (Thứ Ba 08-02-1921), Tiên Ông giáng cơ tại chùa Quan Âm, ngài chưa kịp bộc bạch một lời thì Tiên Ông ra lịnh:
- Chiêu, tam niên trường trai.
Mặc dù không biết Tiên Ông là đấng nào, cũng không biết đạo của Tiên Ông ra sao, nhưng lạ thay trong lòng ngài chẳng hề gợn chút gì thắc mắc. Giữa ngài và đấng vô hình tự dưng như có nhịp cầu tâm linh bắc sẵn từ thuở nào. Chẳng khác chi xưa kia, Đức Giêsu đi qua trạm thu thuế, thấy nhân viên thu thuế đang ngồi làm việc, Chúa chỉ nói “Anh hãy theo tôi! ” thì người đó bèn bỏ hết tất cả, đứng phắt dậy mà rảo bước theo Chúa, rồi trở thành Thánh tông đồ Mátthêu.
Bởi vậy, vừa nghe lịnh truyền thì ngài Ngô cung kính bạch:
- Tiên Ông đã dạy thì đệ tử vâng lời, cầu xin Tiên Ông phù hộ. Nếu đệ tử làm y theo lời dạy thì có chứng quả chi?
- Cứ hành y lời dạy, sau sẽ rõ.
Kể từ hôm đó ngài bắt đầu ăn chay trường, thọ pháp và tu luyện chuyên cần, ít chịu giao du thù tạc như thường tình trong giới quan quyền.
Tiên Ông ẩn danh dạy ngài không được tiết lộ pháp môn tu luyện. Ngài cũng chưa biết một nghi thức nào để thờ sư phụ vô vi. Một hôm, Tiên Ông dạy:
- Chiêu, hãy tìm một biểu tượng cho đạo của ta.
- Bạch Tiên Ông, Đạo là một âm một dương. Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. Nét hoành là âm nằm ngang, nét tung là dương sổ thẳng xuống. Đệ tử nghĩ có thể lấy chữ Thập.
- Chữ Thập đạo Thiên Chúa dùng rồi. Hãy suy nghĩ thêm.
- Bạch Tiên Ông, xin cho đệ tử một tuần.
Lụi hụi mà hết hạn một tuần, ngài chưa nghĩ ra được ý gì. Thứ Tư 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc 8 giờ sáng, ngài ngồi trên võng mắc phía sau dinh quận, ngó mông ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động, hào quang chói lọi. Ngài sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, hé mắt nhìn, cảnh tượng vẫn còn, ngài chắp tay và khấn:
- Bạch Tiên Ông, đệ tử rõ biết huyền diệu của Tiên Ông rồi. Xin Tiên Ông đừng làm vậy, đệ tử sợ lắm. Nếu như Tiên Ông bảo phải thờ con mắt thì xin cho biến mất tức thì.
Lạ thay, sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn. Tuy vậy ngài vẫn do dự. Vài hôm sau, ngài lại thấy cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì cảnh ấy mới biến đi.
Khoảng vài ngày sau đó, ngài đến chùa Quan Âm hầu đàn. Tiên Ông dạy ngài vẽ lại Thiên Nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ. Tiên Ông còn xưng hồng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, và dạy ngài gọi Đức Cao Đài bằng Thầy. Ngài Ngô ngẫm nghĩ thấy cách xưng hô này hàm ngụ nghĩa sâu xa: Thầy là người giáo hóa, mở mang tâm trí cho mình; mà Thầy cũng là tiếng người Việt dùng gọi Cha mình. Thầy cho trí tuệ, hiểu biết; Cha cho thân xác.
Ngài Ngô tu được thời gian lâu thì Đức Cao Đài dạy:
- Thầy đã hứa với chư Tiên, chư Phật rằng sẽ đem đệ tử về. Ngày nay đệ tử gặp đặng chơn truyền cũng nên đền ơn chư Tiên, chư Phật đã dày công hộ độ.
- Bạch Thầy, đệ tử ở chốn phàm trần biết lấy chi xứng đáng đền ơn chư Tiên, chư Phật. Nếu đệ tử xin dưng các Đấng một tiệc champagne thì có đặng không?
- Tự nơi lòng đệ tử.
*
Một hôm Đức Cao Đài dạy:
- Chiêu, đệ tử tu kỹ, đạo phát, lắm công phu. Nếu muốn chi Thầy sẽ thưởng.
- Bạch Thầy, đệ tử nghe nói cảnh Bồng Lai xinh đẹp vô cùng, đệ tử có thể nhìn thấy cảnh ấy không?
Đầu ngọc cơ gõ một cái mạnh xuống mặt bàn rồi thôi.
Bẵng đi ít lâu, một buổi chiều cuối tháng Giêng năm Giáp Tý (cuối tháng 2, đầu tháng 3-1924), ngài ra hóng mát trên một ghềnh đá quay mặt ra biển, ở cửa sông Dương Đông. Dân gian gọi đấy là Dinh Cậu, chẳng biết có từ hồi nào.


Ngài ngồi ngó ra biển, thấy mênh mông trời nước, sóng dợn chập chùng. Bỗng dưng từ chỗ trời nước giáp mí nhau, lần lần lộ ra một cảnh tượng xinh đẹp lạ lùng. Cảnh ấy vừa khuất, lại lộ thêm cảnh khác, như cuộn phim chiếu chậm. Cuối cùng, ngài thấy Thiên Nhãn hiện trên bầu trời, bên dưới là ngôi sao, vầng trăng khuyết, và mặt trời giống như đã lặn xuống biển hết phân nửa; tất cả cùng thẳng một hàng, màu sắc huy hoàng rực rỡ. Ngài ngồi ngắm mê mẩn, quên lửng tấm thân đang còn ở chốn phàm trần. Tất cả những cảnh ấy diễn ra khoảng mười lăm phút rồi mờ dần và biến mất. Đến khi hầu đàn ở chùa Quan Âm, ngài được Đức Cao Đài dạy rằng đó chính là cảnh Bồng Lai.


*
Ngài Ngô tu hành kín đáo ở Phú Quốc trong ba năm (1921-1924). Dân chúng biết loáng thoáng là quan chủ quận ăn chay trường tu hành, nhưng tu đạo gì thì chẳng ai rõ. Đạo đức của ngài khiến bá tánh cảm mến. Gần Tết, họ cử đại diện mang bánh trái tới quận đường biếu. Ngài khuyên:
- Bà con có lòng tốt, coi như tôi đã hưởng rồi. Bây giờ đem hết lại đằng khám mà chia cho mấy người tù. Bà con ai muốn làm phước thì ngày 28 gom bánh trái tới đây rồi giao mấy ông kỳ lão có đạo đức đem chia đều một lượt cho tù nhơn.
Nhờ ngài khuyên vậy mà tạo thành lệ, hễ tới dịp Tết hoặc nhằm mấy ngày rằm lớn, dân chúng lại mang quà bánh tới khám đường nuôi những người tù.
Gần bốn năm ngài sống trên hòn đảo thơ mộng là ơn phước Thượng Đế ban trao, như câu thánh thi Đức Cao Đài dạy ngài: Đường xa phong cảnh thưởng lòng để vui. Nhưng rồi đến lúc Đức Cao Đài chuyển ngài về Sài Gòn. Cái cớ thế gian để ngài rời Phú Quốc là một vụ kiện về cách ngài cầm quyền chủ quận theo nhân trị chớ không theo pháp trị. Tức là lấy đạo đức giáo dục, cảm hóa thay vì dùng hình phạt trừng phạt, răn đe. Nhân trị tức là đường lối vương đạo của người xưa; pháp trị tức là đường lối bá đạo, đối nghịch với vương đạo.
Rời đảo Phú Quốc ngày Thứ Ba 29-7-1924, hôm sau ngài đặt chân lên đất Sài Gòn. Trở lại làm việc trong Phủ Thống Đốc Nam Kỳ ngài không mấy bỡ ngỡ vì đã từng là thơ ký ở đấy từ đầu năm 1903 cho tới cuối tháng 4-1909.


Ngài Ngô đến chào cấp trên. Bấy giờ Quyền Thống Đốc Nam Kỳ là Auguste Eugène Ludovic Tholance mới vừa nhậm chức được hai tháng. Ông ta thân mật trò chuyện:
- Ông làm quan thanh liêm chánh trực, xưa nay ít ai được vậy. Trong đơn kiện không nói ông mắc lỗi gì, chỉ than phiền rằng hễ có kiện tụng thì ông luôn giảng giải cho hai đàng nguyên cáo và bị cáo biết phải biết quấy rồi khuyên họ làm lành với nhau. Nhưng họ không bằng lòng cách ông xử nên làm đơn xin đổi ông đi chỗ khác. Có phải vậy không?
- Phải.
- Nghe nói trước kia hằng năm đều có tù nhơn tìm cách thả bè trốn mất. Từ khi ông ra đó thì cửa khám không đóng, cho tù đi làm tự do, không cần lính theo canh giữ mà không ai bỏ trốn. Làm sao được như vậy?
- Lấy đạo đức giáo hóa rồi nhơn tâm cảm phục, cần gì khóa cửa giữ gìn. Dân chúng lỗi lầm, mình nói để họ biết nhận lỗi, biết nghe điều phải thì sau này họ đâu còn lỗi lầm. Họ không hiểu chữ hòa nên không biết dùng nó. Rốt cuộc chịu khổ cũng bởi không biết hòa.
- Làm sao hòa hết cho được?
- Lấy đạo đức làm gốc.
Tholance tỏ vẻ trầm ngâm rồi gật đầu:
- Oui, c’est vrai. (Phải, đúng vậy.)
Đứng dậy bắt tay ngài Ngô, Tholance nhã nhặn nói:
- Vous êtes un sage. (Ông là một hiền nhân thánh triết.)
HUỆ KHẢI

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.