Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

12. ÔNG ĐỐC THƯỢNG THỜ NGÀI NGÔ / VÚT MỘT ĐƯỜNG MÂY




Đây là chuyện tôi nghe:
Thời Pháp thuộc, ở Cần Thơ có trường trung học (collège) Võ Văn là một tư thục do ông Võ Văn Thơm (Hội Đồng Quản Hạt, Conseiller Colonial de Cochinchine) xây dựng trên đất nhà, mặt tiền nằm trên đường Paul Bert (nay là đường Nguyễn An Ninh). Trường khai giảng năm 1918.
Trong năm 1926, ông Hội Đồng Võ Văn Thơm lên Sài Gòn viếng tang một quan chức người Pháp. Có hai vị nữa cùng đi với ông Thơm. Vị thứ nhất là Đốc Phủ Sứ Trần Nguyên Lượng (1877-1968), tu theo Cao Đài và sau này đắc quả Chiêu Minh Chơn Thánh. Vị thứ hai là Hội Đồng Trần Trinh Trạch (1872-1942). Ông Trạch là cha ông Trần Trinh Huy (1900-1974), tức cậu Ba Huy, khét tiếng là công tử Bạc Liêu.
Viếng tang xong, ba ông bàn với nhau hãy tìm đến nhà ngài Ngô xin gặp, vì bấy lâu đã nghe danh tiếng ngài. Nhưng ngài Ngô không mở cửa, đứng trong nhà nói vọng ra:
- Các ông mới đi đám tang. Nên về tắm gội cho tinh khiết rồi nghỉ trưa cho khỏe. Buổi chiều hãy trở lại đây.
Buổi chiều chỉ có ông Thơm và ông Lượng tới nhà ngài Ngô, bởi vì ông Trạch than mệt, xin kiếu. Hôm ấy ông Thơm được ngài Ngô cho ngồi cầm cơ với đồng tử Lê Văn Ngưng (1906-1948). Ơn Trên giáng, ban cho ông Thơm bài tứ tuyệt:
TẶNG người nay gặp hội Chiêu Kỳ
VÕ lược ba giềng đủ lễ nghi
VĂN chất năm pho khuyên lũ trẻ
THƠM danh sớm vịn Đạo vô vi.
Bài thơ quán thủ là: TẶNG VÕ VĂN THƠM. Câu hai và câu ba bài thơ nhắc tới tên trường tư thục Võ Văn của ông.
Khi mở trường Võ Văn, ông Hội Đồng Thơm tuyển giáo chức Việt và Pháp dạy các môn, và tuyển ông Nguyễn Thiện Thượng (1896-1934), người tỉnh Bến Tre, làm đốc học (nay gọi là hiệu trưởng).
Vợ ông Đốc Thượng là bà Nguyễn Thị Nghiêm (1903-1933). Từ năm 1927 hai ông bà đều tu theo pháp môn do ngài Ngô truyền.
Thứ Tư 28-3-1934, ông Thượng quy thiên, rồi đắc quả Nhứt Bửu Chơn Nhơn. Trước đó một năm, Thứ Năm 13-4-1933, bà Nghiêm quy thiên rồi đắc quả Bạch Bửu Tiên Nương. Thứ Sáu 16-10-1936 (02-9 Bính Tý), Đức Tiên Nương giáng cơ, xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ:
BẠCH Ngọc đổ rền tỉnh giấc mê
BỬU linh luyện đắc cảnh Tiên kề
TIÊN bang thú lạ vui khôn xiết
NƯƠNG bóng Cao Đài ngoại cõi quê.
Thánh giáo hôm ấy gồm năm bài tứ tuyệt và một bài trường thiên ba mươi sáu câu lục bát có in đầy đủ trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, chương III (Ấn Chứng Thiêng Liêng).
Ban đầu Thiên Bàn theo pháp môn Chiếu Minh do ngài Ngô truyền ra chỉ gồm Thiên Nhãn ở trên hết, kế tiếp bên dưới là Thập Tự Tam Thanh. Nhưng về sau lại có thêm chân dung ngài Ngô đặt ngay bên dưới Thập Tự Tam Thanh. Vậy ngài Ngô được môn sanh Chiếu Minh thờ từ lúc nào?
Hiện nay chưa xác định được thời gian, chỉ biết rằng ông Đốc Thượng là người đầu tiên thờ ngài Ngô trong lúc ngài đang còn tại thế.
Tương truyền một hôm sau khi xong buổi công phu giờ Tý, hai ông bà Đốc Thượng cùng bước ra ngoài đơn phòng (phòng tịnh) để hít thở không khí trong lành giữa canh khuya tĩnh mịch đồng thời ngắm vầng trăng rằm sáng vằng vặc. Bất chợt, ông Thượng chú ý thấy trên mặt trăng tròn như cái dĩa treo lơ lửng giữa chốn hư không vòi vọi dường như hiện ra gương mặt ai đó quen quen. Ông đưa tay giụi mắt để nhìn cho rõ, và sửng sốt nhận ra gương mặt ngài Ngô. Ông liền quay sang hỏi vợ, và bà xác nhận cũng nhìn thấy gương mặt ngài Ngô.
Đêm hôm ấy ông Thượng cứ nằm thao thức, mải suy nghĩ về cảnh tượng khác thường đã tận mắt chứng kiến. Rồi ông chợt nhớ ra vào trung tuần tháng 4-1921, khoảng 8 giờ sáng, Đức Chí Tôn đã hiện Thiên Nhãn trên bầu trời Dương Đông (Phú Quốc) để qua đó dạy ngài Ngô thờ con mắt. Vậy thì phải chăng ông hữu duyên nên được ngài Ngô chọn để mật truyền thánh ý? Sáng hôm sau, ông liền đặt làm một khung ảnh ngài Ngô, thành tâm an vị trang trọng trên Thiên Bàn.
Một bạn đạo Cao Đài của ông Đốc Thượng là Đặng Khắc Kỷ cũng gọi Đốc Kỷ vì làm đốc học một trường tiểu học công lập. Khi thấy bạn mình đặt chân dung ngài Ngô lên bàn thờ, ông Đốc Kỷ không bằng lòng, nghĩ bụng: “Quan Phủ còn sống trên Sài Gòn mà lại đưa ảnh lên bàn thờ thắp nhang. Muốn trù ẻo ngài hay sao?!” 
Thế rồi có dịp lên Sài Gòn, ông Đốc Kỷ ghé nhà ngài Ngô, ngẫu nhiên gặp một số đạo hữu khác cũng đang có mặt tại đó. Đợi lúc thuận tiện, ông Kỷ dè dặt bạch với ngài Ngô về sự thêm thắt, vẽ vời của ông Đốc Thượng ở Cần Thơ, tức là làm sái chơn truyền cách bài trí Thiên Bàn.
Nghe xong chuyện lạ đời, mọi người có mặt đều hồi hộp chờ xem ngài Ngô dạy bảo thế nào. Nhưng ai nấy không khỏi chưng hửng khi thấy ngài chỉ lặng thinh và thản nhiên.
HUỆ KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.