Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

123/2o. THÁNH THỂ / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI




SƠ KHẢO MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA
TRONG ĐẠO CAO ĐÀI: THÁNH TH

21. THÁNH THỂ - holy body (聖體: thánh thể)
A. J.M.J. 1877 (tr. 729, mục từ thánh) giải thích thánh thể là: la Sainte Eucharistie.
Petrus Ký 1884 (tr. 1047) giải thích le Saint Sacrement là: Phép thánh thể.
Paulus Của 1896 (mục từ thánh, tr. 371b) giải thích thánh thể là: Mình Đức Chúa Gi-giu.
TĐCG 2016 (tr. 809, mục từ chất liệu Thánh Thể) giải thích Thánh Thể là: Thân thể của thần linh.
TĐCG 2016 (tr. 808, mục từ Thánh Thể - Eucharist) giải thích Thánh Thể là: Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô hiện diện dưới hình bánh rượu sau khi truyền phép trong thánh lễ.
Trong thánh lễ, sau khi truyền phép, bản thể của bánh rượu biến thành bản thể Mình và Máu Chúa Giêsu. Hội Thánh Công Giáo gọi sự biến đổi này là sự biến đổi bản thể.
B. Khác hẳn cách giảng giải trong đạo Chúa, thánh thể trong đạo Cao Đài được hiểu là các thánh thất (hay thánh tịnh), Tòa Thánh, Hội Thánh.
Việc mượn một từ ở nguồn khác và dùng nói theo nghĩa mới là điều thường gặp trong ngôn ngữ. Chẳng hạn:
(a) Tiểu tâm 小心 trong chữ Hán có nghĩa là thận trọng, dè dặt. Thí dụ, tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-01 Nhâm Tuất (Thứ Hai 01-02-1982), Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long dạy:
Ai nấy cũng hết lòng vì Đạo
Phải tiểu tâm chu đáo mọi bề.
(TTTH 2017, tr. 912b)
Tuy nhiên, người Việt thường dùng tiểu tâm với nghĩa bụng dạ hẹp hòi, nhỏ nhen. Do đó, Petrus Ký 1884 (tr. 592) giải thích esprit étroit là: Tiểu tâm, mọn dạ. [Mọn dạ là bụng dạ nhỏ mọn, hẹp hòi.]
(b) Lịch sự 歷事 trong chữ Hán có nghĩa là từng trải, giàu kinh nghiệm. Thí dụ, Lục Vân Tiên có câu: Làm người chấp nhất sao đành / Hễ là lch sự có kinh có quyền.
Nhưng thời trước ở miền Nam, người Việt dùng lịch sự với nghĩa xinh đẹp. Thí dụ, trong tiểu thuyết Ông Cử (1935), Chương 1, Hồ Biểu Chánh (1884-1958) viết:
Ba Sang hỏi: “Cô đào thiệt là lch sự, chú hả?” Ông Cử không trả lời, ông cứ nhìn cái hình hồi lâu, rồi ông trả tấm bảng cho thằng nhỏ và ngồi thở ra.
Thằng nhỏ vác tấm bảng mà đi, tay lắc chuông leng keng. Ba Sang ngó theo, vừa cười vừa nói: “Cô đào đó tht là đẹp, (...)”
Nghĩa thông dụng của lịch sự mà người Việt quen dùng là khôn khéo, nhã nhặn, thanh lịch trong cách giao thiệp, tiếp xúc (polite, courteous). Thí dụ, trong tiểu thuyết Ái Tình Miếu (1941), Chương 9, Hồ Biểu Chánh viết:
Cô Lý lấy làm bất bình về mấy câu giễu cợt trái mùa đó, song cô vừa muốn dạy Huờn một bài học về cách lch sự ở đời, thì ông Thinh đã kéo Huờn lên xe, rồi xe tuốt chạy, làm cho cô Lý nói không kịp.
B.1. Tại thánh thất Kim Quang Minh Đài, ngày 10-12 Ất Mùi (Chủ Nhật 22-01-1956), Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy:
Vậy ai muốn sống và được sự thương yêu, là phải đứng trong thánh thể, mà thánh thể đó là Đạo, là Hội Thánh. (TTTH 2017, tr. 299a)
B.2. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 29-01 Bính Thân (Chủ Nhật 11-3-1956), Đức Tiếp Văn Pháp Quân (Cao Hữu Chí) dạy về Thánh Đền (tức là Trung Hưng Bửu Tòa):
Thánh Đền là thánh thể của Thầy, chơn thần của Đạo, là hồn của nhơn sanh.
(...)
Vậy Thánh Đền là điểm trọng yếu, là chốn hình thành thánh thể, là chốn giải thoát nợ trần, là con đường dắt người lầm lạc. (TTTH 2017, tr. 341a)
B.3. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 23-5 Bính Thân (Chủ Nhật 01-7-1956, Đức Chơn Khai Nguyễn Quang Châu dạy:
Xây dựng Trung Hưng Bửu Tòa với một công trình chung góp của toàn đạo. Hôm nay ngôi Thánh Đền đã được đương nhiên thị hiện một thánh thể uy nghi, có đủ Tam Đài [Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài] để hoằng dương chánh đạo. (TTTH 2017, tr. 388b)
B.4. Tại thánh thất Minh Trung, ngày 23-3 Đinh Dậu (Thứ Hai 22-4-1957), Đức Hưng Đạo Tổng Lý dạy:
Thầy đến lần nầy không mượn xác phàm phu như các kỳ phổ độ trước, mà dùng điển quang quy tụ các đẳng lương sanh, dựng nên một Hội Thánh. Hội Thánh là thánh thể của Thầy. (TTTH 2017, tr. 456b)
B.5. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 29-12 Bính Ngọ (Thứ Tư 08-02-1967), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Hỡi các con! Toàn khắp trên mảnh đất Việt Nam đã hiện lên thánh thể của Thầy.
B.6. Tại thánh thất Bình Hòa, ngày 26-12 Đinh Mùi (Thứ Năm 25-01-1968), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc dạy:
Nhớ lại buổi sinh thời, từ khi được Thượng Đế Chí Tôn ân ban cho sứ mạng, Bần Đạo trong mấy mươi năm chỉ mới tạo được một thánh thể Chí Tôn là Tòa Thánh. Còn mọi sự khác đã sắp bày nhưng chưa kịp thực hiện.
B.7. Tại Tòa Thánh Châu Minh, mùng 09 rạng mùng 10-01 Canh Tuất (Thứ Bảy 14 rạng Chủ Nhật 15-02-1970), Đức Pháp Lực Kim Tiên dạy:
Tòa Thánh, Hội Thánh là tượng trưng cho thánh thể Đức Chí Tôn (...).
B.8. Tại Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (Thứ Ba 18 rạng Thứ Tư 19-8-1970), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Thánh thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một thánh thể chung. Thánh thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong càn khôn thế giới.
B.9. Tại thánh thất Nam Thành, ngày 14-02 Tân Hợi (Thứ Tư 10-3-1971), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc dạy:
Thấm thoát đã mấy mươi năm rồi, cơ đạo thăng trầm mấy lúc, tiến thì cũng tiến rất nhiều trên đường tạo lập thánh thể của Đức Chí Tôn ở khắp mọi nơi cũng như hóa hoằng chánh pháp.
B.10. Tại Vĩnh Nguyên Tự, mùng 03-01 Giáp Dần (Thứ Sáu 25-01-1974), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với mục đích tối thượng cứu cánh [cứu rỗi, cứu độ] nhơn sanh, chư hiền sĩ được làm những tế bào trong các thánh thể Đức Chí Tôn, hãy cố gắng làm sao cho xứng phận để thánh thể được phát huy mầu nhiệm, tế chúng độ nhơn trong thời hạ nguơn mạt kiếp.
B.11. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 15-01 Giáp Dần (Thứ Tư 06-02-1974), Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Chư hiền đệ, hiền muội là những người chức sắc, chức việc, tín đồ, đạo hữu trong các Hội Thánh, Giáo Hội, thánh thất, thánh tịnh, đoàn thể trong Đại Đạo thì đã có ít nhiều liên hệ, hãy hiến thân để phục vụ thánh thể của Đức Chí Tôn.
(...)
Hình thể Đạo là thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế.
(...)
Này chư hiền, Thượng Đế không ngự trị trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm hồn thánh thiện của nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện thánh thể Chí Tôn tại thế.
B.12. Tại thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo, ngày 27-9 Giáp Dần (Chủ Nhật 10-11-1974), Đức Hồng Đức Chơn Tiên dạy:
Tiên Huynh xin cảm ơn quý liệt vị chức sắc, chức việc, đạo tâm nam nữ đã đóng góp tài lực, nhơn lực vào việc trùng tu ngôi thánh tịnh nầy. Dầu chưa hoàn tất, nhưng tấm gương nhiệt thành hành đạo của quý vị đã chói sáng thì những gì nguội lạnh âm u sẽ lần lần tan biến và chí dũng mãnh đạo tâm để thu ngắn thời gian hoàn thành ngôi thánh thể.
B.13. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-01 Nhâm Tuất (Thứ Hai 01-02-1982), Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long dạy:
Sang Bính Dần [1926] công truyền mở rộng
Danh Cao Đài chấn động gần xa
Pháp quyền sứ mạng ban ra
Hình thành thánh thể Thánh Tòa Tây Ninh.

(TTTH 2017, tr. 911a)

HUỆ KHẢI





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.