Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

123/2s. TÔNG ĐỒ / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI



SƠ KHẢO MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA
TRONG ĐẠO CAO ĐÀI: TÔNG ĐỒ

25. TÔNG ĐỒ - apostle (宗徒: tông đồ)
A. J.M.J. 1877 (tr. 792, mục từ tông) giải thích tông đồ là: Disciple, apôtre.
Petrus Ký 1884 (tr. 93) dùng thuật ngữ tông đồ giải thích một số từ tiếng Pháp như sau:
- Apostolat: Chức tông đồ.
- Apostolique: Thuộc về Thánh tông đồ.
- Doctrine apostolique: Đạo các Thánh tông đồ giảng truyền.
- Zèle apostolique: Lòng sốt sắng như các Thánh tông đồ.
Paulus Của 1895 (tr. 304b, mục từ đồ) giải thích tông đồ là: môn đệ Chúa cứu thế.
Theo TĐCG 2016, tr. 918, tông đồ có gốc Hy Lạp là apostolos (người được sai đi, sứ đồ). Theo Tân Ước, Tông Đồ (Apostles) là Nhóm Mười Hai người được Chúa Giêsu chọn ngay từ đầu để đi theo Chúa. Sau khi Chúa về trời, các vị này luôn được gọi là Tông Đồ.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956), khi giáng cơ dạy các vị hướng đạo Cao Đài miền Trung, Đức Hưng Đạo Đại Vương nhắc tới Nhóm Tông Đồ được Chúa chọn đầu tiên như sau:
Các hiền có thấy khi Đấng Cứu Thế lâm phàm, các Thánh tông đồ có phải cao quyền trọng chức đâu,([1]) mà Người cũng thâu nhận trong đám hàn vi làm thuê đánh cá,([2]) mà khi được thọ giáo thì phép lạ được truyền, khôn ngoan được mở, trí tuệ được thông, sau chịu lấy Thiên sứ của Người mà đi độ rỗi khắp mười phương, danh Thánh được nêu cao, Đạo lành ngày thêm sâu rộng. (TTTH 2017, tr. 309a)
Tông Đồ được nói tới trong Tân Ước như sau (tạm trích dẫn mười trường hợp):
A.1. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. (Mátthêu 10:2-4)
A.2. Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (Máccô 6:30)
A.3. Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. (Máccô 16:19-20)
A.4. Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (Luca 6:12-13)
A.5. Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm. (Luca 9:10)
A.6. Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: Chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. (Luca 11:49)
A.7. Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Luca 17:5)
A.8. Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.” (Luca 22:14-15)
A.9. Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện ấy [nộp Chúa cho quân dữ]. (Luca 22:23)
A.10. Khi từ mộ [Chúa] trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (Luca 24:9-11)
B. Ngày nay, theo từ điển Merriam-Webster, từ tông đồ (apostle) còn dùng để gọi:
(a) người đề xướng một đại cuộc nhằm cải cách về luân lý (a person who initiates a great moral reform), hoặc (b) người ủng hộ, tán thành trước tiên một tín ngưỡng hay hệ thống quan trọng (who first advocates an important belief or system), hoặc (c) người ủng hộ nhiệt thành một lý tưởng, chủ thuyết (an ardent supporter: adherent).([3])
Trong thánh giáo Cao Đài, từ tông đồ được dùng với ý nghĩa có phần nào tương tự như nghĩa (b) và nghĩa (c) giảng theo Merriam-Webster. Ngoài ra, một bậc hướng đạo Cao Đài vì hết lòng trung thành với đức tin của mình, chịu hy sinh thân mạng do cuộc đời bách hại, vị ấy được gọi là tông đồ; khi được Đức Chí Tôn phong Thánh thì vị ấy được gọi là Thánh tông đồ tử đạo.
Thánh giáo Cao Đài nói đến tông đồ như sau:
B.1. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Tam Nương dạy:
Chào chư Thiên sắc, chư đạo tâm. Mừng chư tông đồ hồng ân tiếp thọ. (TTTH 2014, tr. 249)
B.2. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Tứ Nương dạy:
Chào chư Thiên sắc, chư đạo hữu, đạo tâm. Mừng chư Thánh tông đồ chứng vị. (TTTH 2014, tr. 249)
B.3. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Bát Nương dạy:
Chào chư Thiên ân, chư đạo hữu. Mừng chư Thánh tử đạo thành đạo, chư tông đồ chứng vị, chư đạo hữu quá cố được đại ân xá siêu sanh. (TTTH 2014, tr. 250)
B.4. Tại Linh Tháp, ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm 17-5-1956), Đức Diêu Trì Cửu Nương dạy:
Chư hiền hôm nay được hồng ân của Thầy. Chư tông đồ và đạo hữu tử đạo hoặc liễu đạo được Thiên ân. (TTTH 2014, tr. 252)
B.5. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 08-6 Bính Thân (Chủ Nhật 15-7-1956), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Bậc Thiên ân hướng đạo là tông đồ cứu thế, gieo ánh sáng khắp nhân gian, nên chi kẻ làm tôi cho lý tưởng không còn lo riêng nghĩ hẹp mà phải quên mình hiến thân cho đại cuộc để tròn câu Thiên mạng. (TTTH 2017, tr. 406a)
B.6. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 02-5 Đinh Dậu (Thứ năm 30-5-1957), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Dù cơ sở giáo lý của các tông đồ còn đương hoạt động nhưng không còn đủ uy lực trong thời buổi ác nghiệt nầy. (TTTH 2017, tr. 471a)
B.7. Tại Linh Tháp, ngày 16-12 Mậu Tuất (Thứ Bảy 24-01-1959), Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy:
Đứng trước ngôi Linh Tháp các Đấng tông đồ, chư đạo tâm quá cố, Lão bùi ngùi giọt lệ, hạ cố tỏ lòng quý mến. (TTTH 2017, tr. 657b)
B.8. Tại Huờn Cung Đàn, ngày 09-02 Tân Sửu (Thứ Bảy 25-3-1961), Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:
Vĩnh Nguyên sẵn chỗ tông đồ
Quả công đầy đủ bước vô điện vàng.
B.9. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tý thời, 10 rạng 11-5 Giáp Thìn (Thứ Sáu 19-6-1964), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Gương kim cổ con thừa hiểu rõ
Thánh tông đồ chịu khó gia công
Hy sinh vì lẽ đại đồng
Nên nay mới được ở lòng chúng sanh.
B.10. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, mùng 01 rạng 02-6 Giáp Thìn (Thứ Năm 09 rạng Thứ Sáu 10-7-1964), Đức Lý Giáo Tông dạy:
LÝ đạo cao siêu khá rõ tường
GIÁO truyền trần thế rạng muôn phương
TÔNG đồ hiệp nhứt cơ đời biến
GIÁNG điển khuyên chung vững bước đường.
B.11. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, mùng 01 rạng 02-6 Giáp Thìn (Thứ Năm 09 rạng Thứ Sáu 10-7-1964), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
GIÁO dục quần sanh trở lại nguồn
TÔNG đồ hiệp nhứt gióng hồi chuông
ĐẠI đồng tôn giáo nguyên nhân hội
ĐẠO pháp hoằng khai phải đúng khuôn.
B.12. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy Văn Phòng Vụ (sau này là Hành Chánh Vụ) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam như sau:
Thâu thập tất cả thánh giáo (những nơi có đàn cơ), và những giáo lý cùng những thành tích các tông đồ cũng như lịch sử địa phương.
B.13. Tại Thiên Lý Đàn, mùng 01-02 Kỷ Dậu (Thứ Ba 18-3-1969), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy tiền bối Minh Lý (Đỗ Vạn Lý) và tiền bối Chơn Tâm (Nguyễn Triệu Kha) về việc tổ chức Đại Hội Thường Niên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (rằm tháng 02 hằng năm):
Bần Đạo mời nhị hiền đệ đồng an tọa để nghe Bần Đạo phân đây mà lo sắp xếp chương trình cho ngày Đại Hội. Phần chi tiết của chương trình, Bần Đạo phó giao nhị hiền đệ tùy nghi mà sắp xếp, định liệu sao cho dễ điều hành Đại Hội là được rồi. Bần Đạo chỉ giúp những điểm đại cương quan trọng và cần thiết mà thôi. Như vậy để nhị hiền đệ thấy giá trị của mỗi một Thánh tông đồ trong tương lai của đạo Cao Đài, vì sau này sẽ có một Hội Thánh duy nhứt chánh đáng cho Đạo. Những Thánh tông đồ, các hàng giáo phẩm đều phải có thánh tâm, thánh ý để hành thánh sự.
B.14. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-10 Canh Tuất (Thứ Sáu 13-11-1970), Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy:
GIÁO lý đã phân chơn với giả
TÔNG đồ phải chọn đọa hay siêu
ĐẠI đồng thế giới, ôi cao cả
ĐẠO pháp nào tay đứng dắt dìu?
B.15. Tại Trúc Lâm Thiền Điện, mùng 07-7 Nhâm Tý (Thứ Ba 15-8-1972), Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy:
Đã trải qua bao nhiêu ngày gian khổ, đã trải qua bao lúc long đong, mà chư đệ muội vẫn không sờn lòng, mãi chặt gìn lèo lái. Đó cũng đủ chứng minh rằng nếu có tâm thành thì dù bao khó khăn gian khổ cũng không ngăn cản được bước tiến đạo đức của con người, nhất là tông đồ của Đại Đạo Kỳ Ba.


B.16. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 20-02 Quý Sửu (Thứ Bảy 24-3-1973), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Ngô Văn Chiêu là một Anh Cả trong thập nhị tông đồ đầu tiên.([4])




([1]) Thánh Mátthêu nguyên là nhân viên thu thuế.
([2]) Thánh Simon (Phêrô) và bào huynh là Thánh Anrê nguyên là hai người đánh cá.
([3]) https://www.merriam-webster.com/dictionary/apostle
([4]) Vào giờ Tý ngày mùng 09-01 Bính Dần (Thứ Bảy 20 rạng Chủ Nhật 21-02-1926), tại nhà tiền khai Vương Quan Kỳ ở số 80 đường La Grandière, Sài Gòn (nay là Lý Tự Trọng, quận 1), sau khi dâng thánh lễ mừng ngày vía Trời, các tiền khai Cao Đài lập đàn cầu cơ, có Đức Chí Tôn giáng lâm. Dịp này tiền khai Ngô Văn Chiêu xin Đức Thượng Đế ban cho bài thơ có ghép tên các môn đệ đang hầu đàn để lưu niệm. Đức Chí Tôn nhậm lời; bài thánh thi như sau:
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành
HẬU ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.
Câu chót ghép tên ba đạo hữu hầu đàn: Huờn, Minh, và Mân.
Ba câu trên ghép tên mười hai tông đồ đầu tiên của Đức Thượng Đế. Theo thứ tự trong bài thơ, các vị gồm có: Ngô Văn Chiêu (1878-1932), công chức; Vương Quan Kỳ (1880-1939), công chức; Lê Văn Trung (1875-1934), công chức nghỉ hưu; Nguyễn Văn Hoài (18…?-19…?), công chức; Đoàn Văn Bản (1876-1941), giáo chức; Cao Hoài Sang (1901-1971), công chức; Lý Trọng Quí (1872-1945), công chức; Lê Văn Giảng (1883-1932), tư chức; Nguyễn Trung Hậu (1892-1961), giáo chức; Trương Hữu Đức (1890-1976), công chức; Phạm Công Tắc (1890-1959), công chức; Cao Quỳnh Cư (1888-1929), công chức.
Huệ Khải, Phụ Lục 1: Mười Hai Tông Đồ Đầu Tiên, in trong Thiên Bàn Tại Nhà / The God’s Altar at Home. (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 29-30.)

HUỆ KHẢI





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.