Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

2b. BÍ TÍCH / SƠ KHẢO THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI


SƠ KHẢO MỘT SỐ THUẬT NGỮ ĐẠO CHÚA
TRONG ĐẠO CAO ĐÀI: BÍ TÍCH

Trong tập Sơ Khảo này, tôi nêu ra hai mươi lăm thuật ngữ đạo Chúa thường gặp trong đạo Cao Đài. Các thuật ngữ này được xếp theo thứ tự ABC, và đánh số thứ tự từ 1 tới 25. Mang tính gợi mở một hướng nghiên cứu về mối tương quan giữa đạo Chúa và đạo Cao Đài trên phương diện thuật ngữ, đây chỉ là khảo sát bước đầu, vì vậy ắt hãy còn lắm thiếu sót.

A. Khi khảo sát một thuật ngữ đạo Chúa, tôi chủ ý trích dẫn J.M.J. 1877 (916 trang), Petrus Ký 1884 (1209 trang), tiếp theo là Paulus Của 1895 (608 trang) và Paulus Của 1896 (596 trang). Tôi chép lại lời giảng giải như các bộ sách xưa đã in, nhưng bỏ hết các dấu gạch nối, sửa cách viết hoa nếu thấy cần. Thí dụ, Paulus Của viết Thiên-chúa, thì tôi sửa thành Thiên Chúa. Nhưng tôi không sửa chánh tả nếu thấy không cần. Thí dụ, vẫn giữ nguyên cách Paulus Của viết Gi-giu chứ không sửa thành Giêsu như cách viết hiện nay. Khi cần thêm vài chữ cho rõ nghĩa, tôi đặt các chữ viết thêm trong dấu […]. Chẳng hạn, Paulus Của viết ấy là những tiếng trong đạo, thì tôi chép ấy là những tiếng trong đạo [Thiên Chúa].

Bằng cách này, tôi hàm ý rằng thuật ngữ ấy đã được ba học giả Kitô hữu là J.M.J., Petrus Ký (1837-1898) và Paulus Của (1830-1908) thâu thập và in trong bốn quyển từ điển của ba vị xuất bản tại Sài Gòn vào các năm 1877, 1884, 1895, và 1896. Nói khác đi, có thể xem thuật ngữ ấy là từ Việt cổ (archaic), được dùng trong cộng đoàn dân Chúa (Christian community) trên đất Việt rất lâu trước khi đạo Cao Đài ra đời.

Kế đến, bằng cách trích dẫn TĐCG 2011, TĐCG 2016, tôi muốn bổ sung cách giảng giải đầy đủ hơn ba bộ từ điển cổ xưa nói trên, và có thể xem như mang tính thẩm quyền (authoritative) vì là giải thích của Ban Từ Vựng Công Giáo thuộc Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Khi trích dẫn các câu Kinh Thánh để minh họa một thuật ngữ đạo Chúa, tôi dùng bản tiếng Việt của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, được phổ biến tại:

http://www.chungnhanduckito.net/ kinhthanh/tan%20uoc.htm.

Tất cả những cứ liệu dẫn từ nguồn kinh sách Công Giáo như nói trên được gộp chung vào mục A. Các tiểu mục của A lần lượt được đánh số thứ tự là A.1. và A.2., vân vân.

B. Tương tự, tất cả những cứ liệu dẫn từ nguồn kinh sách Cao Đài được gộp chung vào mục B. Các tiểu mục của B lần lượt được đánh số thứ tự là B.1. và B.2., vân vân.

Như vậy, phần giải thích mỗi thuật ngữ gồm có hai mục A và B; mỗi mục chia ra ít hay nhiều tiểu mục.

1. BÍ TÍCH - sacrament (聖事: thánh sự)
A. J.M.J. 1877 (tr. 41, mục từ ) giải thích phép bí tích là: Sacrement.
Petrus Ký 1884 giải thích:
- Sacremental: Thuộc về phép bí tích. (tr. 1046)
- Sacrement: Phép bí tích. (tr. 1047)
Paulus Của 1895 (tr. 51a, mục từ ) giải thích phép bí tích là: Phép nhiệm trong đạo Thiên Chúa. Paulus Của 1896 (tr. 130a, mục từ nhiệm) giải thích phép nhiệm là: Phép lạ lùng, phép Trời.
TĐCG 2016 (tr. 75-76, mục từ bí tích) giải thích:
Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng ([1]) do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh để trao ban sự sống thần linh cho con người.
Các bí tích diễn tả và cụ thể hóa biến cố cứu đ([2]) của Đức Kitô trong Hội Thánh, nguồn mạch ân sủng. Các bí tích làm phát sinh ân sủng ngay khi được cử hành - hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Kitô. (...) Bí tích có hai chiều kích: thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người.
Từ thế kỷ XIII, Giáo Hội xác định có bảy bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Giao Hòa, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối.
Ba bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể là các bí tích khai tâm Kitô Giáo.
Bí tích Giao Hòa và Xức Dầu Bệnh Nhân gọi là các bí tích chữa lành.
Bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối gọi là các bí tích phục vụ hay xây dựng cộng đoàn.
Các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh ghi một ấn tích vĩnh viễn nên chỉ nhận lãnh một lần trong đời.
B. Trong kinh sách Cao Đài, thuật ngữ bí tích được dùng như sau:
B.1. Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 05-7 Canh Tý (Thứ Sáu 26-8-1960), Đức Nam Cực Tiên Ông xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ ([3]) như sau:
NAM bang được chọn dựng nền Tiên
CỰC khổ rồi đây được có quyền
TIÊN Phật muốn thành phiền não đoạn
ÔNG ban bí tích để thăng thiên.
(TTTH 2017, tr. 790b)

Thăng thiên 升天 (ascending to heaven) trong bài thơ dẫn trên không có nghĩa là mang nguyên cả thân phàm xác thịt bay vút lên tận cõi trời, cỡi trên các tầng mây như Tôn Hành Giả (Tề Thiên Đại Thánh) trong tiểu thuyết Tây Du Diễn Nghĩa của Ngô Thừa Ân (1501-1582), hay trong bộ phim Tây Du Ký của nữ đạo diễn Dương Khiết (1929-2017).
Thăng thiên trong bài thơ dẫn trên có nghĩa là sau khi chết, linh hồn được lên cõi trời, không phải sa vào địa ngục. Thăng thiên còn có nghĩa là những hành giả (người tu thiền) đắc đạo tại thế gian có thể xuất thần ra khỏi xác, bay đến một nơi khác, như trường hợp ngài Ngô Văn Chiêu.([4])

B.2. TTTH 2017 (tr. ii) cho biết Tòa Nội Chánh của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bốn cơ quan là Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện, và Minh Tra. Ơn Trên ban cho bốn cơ quan này bốn pháp báu (Tứ Bửu Pháp) mà Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài còn gọi là bốn bí tích.

B.3. Thuật ngữ bí tích được dùng trong phần hướng dẫn chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài làm lễ Tắm Thánh như sau:
Trẻ con trong đạo sinh được một tháng trở lên, cha mẹ trình Ban Trị Sự, đem con đến thánh thất sở tại xin làm lễ Tắm Thánh.

(...)

Lễ Tắm Thánh do chức sắc từ Lễ Sanh trở lên chứng lễ. Lễ Sanh cúng Thầy có đủ tam bửu [hoa tươi, rượu trắng, nước trà] xin pháp bí tích Tắm Thánh.([5])



([1]) ân sủng (grace): Ơn huệ, sự ưu ái do bề trên ban cho. (TĐCG 2016, tr. 9, mục từ ân sủng bí tích)
([2]) biến cố cứu độ (saving events): Sự việc xảy ra trong lịch sử thể hiện hành động cứu độ của Thiên Chúa. (TĐCG 2011, tr. 81, mục từ biến cố cứu độ)
([3]) quán thủ 觀首: Lấy mỗi từ ở đầu từng câu thơ ráp lại thành tên riêng hay thành câu. Người Anh, Mỹ có cách làm thơ na ná, gọi là acrostic (người Hoa dịch là tàng đầu thi 藏頭詩), dùng chữ cái (letter) ở đầu mỗi câu ráp lại thành chữ. Thí dụ, năm câu này: Beaming, so joyful / Elegant, so graceful / Tantalizing, thrilling the senses / Thorough, attentive to details / Yearning, a drive to succeed. Ráp từng chữ cái ở đầu mỗi câu thì được chữ BETTY là tên riêng một phụ nữ.
([4]) Ngày 05-3 Canh Ngọ (Thứ Năm 03-4-1930), giờ Ngọ, ngài Ngô Văn Chiêu (1878-1932) ngồi tịnh ở trên lầu ngôi nhà số 110 đại lộ Bonard, Sài Gòn (nay là Lê Lợi); rồi ngài xuất thần cùng với Đại Tiên Vân Trung Tử đi tới đàn Hiệp Minh (Cái Khế, Cần Thơ). Hai vị đồng giáng đàn, ban chung một bài thơ thất ngôn bát cú, với câu mở đầu là: Xuân giao phưởng phất hạ phùng nhiên…
([5]) Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Kinh Tận Độ. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1995, tr. 37.

HUỆ KHẢI




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.