Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

2. GIẢI NGHĨA BÀI KHAI KINH / CAO ĐÀI TỨ THỜI NHẬT TỤNG

 


2. GIẢI NGHĨA BÀI KHAI KINH

Biển trần khổ vơi vơi trời nước: Sự khổ ở đời quá lớn, vô cùng tận.

Ánh thái dương giọi trước phương Đông: Ánh mặt trời buổi bình minh (ám chỉ đạo pháp chơn chánh ra đời để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi biển khổ cuộc đời).

Trong Tam Giáo có lời khuyên dạy / Gốc bi lòng làm phi làm lành / Trung dung Khổng Thánh ch rành / Từ bi Pht dn lòng thành lòng nhơn / Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh: Nho dạy trung dung, Phật dạy từ bi, Lão dạy tu chơn dưỡng tánh, cả ba đạo đều không ngoài nền tảng căn bản là người tu phải lương thiện (làm phải làm lành).

Một cội sanh ba nhánh in nhau / Làm người rõ thấu lý sâu / Sửa lòng trong sạch tụng cầu thánh kinh: Hình thức ba tôn giáo (Nho, Lão, Phật) tuy khác nhau nhưng cốt tủy chỉ là một mối của Đạo, ví như ba nhánh nảy sanh từ một gốc. Hiểu rõ lý lẽ sâu xa này rồi thì hãy bỏ óc phân biệt tôn giáo, kỳ thị tín ngưỡng, và hãy giữ lòng ngay thẳng, trong sạch để tụng kinh, cầu nguyện.

TỔNG LUẬN VỀ BÀI KHAI KINH

Kinh cúng tứ thời là kinh của cả Tam Giáo, xưng tán Tam Giáo. Ai không biết kính trọng Tam Giáo như nhau thì không thể tụng kinh cúng tứ thời; thế nên Bài Khai Kinh dạy rõ lẽ Tam Giáo đồng nguyên. Hơn nữa, người nào biết trọng Tam Giáo, không hủy báng Tam Giáo, nhưng tụng kinh cúng tứ thời mà không lãnh hội được lẽ Tam Giáo đồng nguyên thì chẳng khác gì vô tình đã xa lìa Tam Giáo.

Khi mới mở đạo Cao Đài tại Việt Nam (1926), tùy theo trình độ nhơn sanh, Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng chỉ mới nhắc tới Tam Giáo (Nho Giáo, Lão Giáo, Thích Giáo) phát xuất ở Á Đông. Đến giữa thập niên 1960, dân trí phát triển hơn, trình độ đạo học cao hơn; bấy giờ, qua bộ phận thông công của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (quận 1, Sài Gòn), Đức Chí Tôn và các Đấng thiêng liêng mới mở rộng Tam Giáo thành Tam Giáo Đạo (gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo) để gộp luôn các tôn giáo đã hình thành bên ngoài Á Đông. Chẳng hạn, đạo Chúa phát xuất ở Do Thái được gộp với Tam Giáo để thành Tứ Giáo, và ba đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Islam là ba nhánh của Thánh Đạo. Lại thấy, Bà La Môn Giáo (ở Ấn Độ), Thích Ca Giáo (ở Ấn Độ), và Pythagore Giáo (ở Hy Lạp) được kể là ba nhánh của Phật Đạo.([1]) Như thế, Tam Giáo đồng nguyên (cùng nguồn gốc) được mở rộng thành vạn giáo nhứt lý (tất cả các tôn giáo đều cùng một lý lẽ).

Sau đó, Đức Đông Phương Chưởng Quản xác định hai chiều tán-tụ (oát triền) của mọi hệ thống giáo lý cổ kim trên hoàn vũ:

Từ nguồn gốc Đại Đạo phát sanh Tam Giáo Đạo (là chiều tán phân trong Nhất và Nhị Kỳ Phổ Độ), và

từ Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo (là chiều quy nguyên phản bổn trong Tam Kỳ Phổ Độ).([2])

*



([1]) Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên, thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4, Sài Gòn), 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966).

([2]) Thiên Lý Đàn (quận 3, Sài Gòn), 15-12 Giáp Thìn (Chủ Nhật 17-01-1965).