Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

4 BIS. ĐỨC VẠN HẠNH THIỀN SƯ GIẢNG NHIÊN ĐĂNG CỔ PHẬT LÀ GÌ / CAO ĐÀI TỨ THỜI NHẬT TỤNG



ĐỨC VẠN HẠNH THIỀN SƯ GIẢNG NHIÊN ĐĂNG CỔ PHẬT LÀ GÌ

Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 22-9 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 01-11-1969)

TIẾP ĐIỂN

THI

Đèn huệ ([1]) soi đường giữa tiết đông

Gióng chuông cảnh tỉnh giống Tiên Rồng

Đừng e tiếng gọi trong sa mạc

Vẫn có âm vang chốn bụi hồng.([2])

VẠN HẠNH THIỀN SƯ

Bần Tăng chào mừng chư Thiên mạng. Mừng chư đạo hữu đạo tràng.

Hôm nay Bần Tăng giáng đàn để tiếp tục phần vụ còn dang dở. Bần Tăng thỉnh chư liệt vị, chư đạo hữu đồng an tọa để giúp Bần Tăng hành tròn bổn phận.([3])

(...)

Chư đạo hữu ôi! Nhiên Đăng Cổ Phật là gì ([4]) mà từ xưa đến nay đã có nhiều vị đạo hữu từng niệm danh hiệu, đã niệm, đang niệm và sẽ niệm, nhưng có mấy ai hiểu nguồn gốc lịch sử danh từ Nhiên Đăng Cổ Phật.([5])

Thế gian lịch sử loài người phần đông đã hiểu tông tích lịch sử các Đấng cứu thế hoặc các bực giáo chủ như Thái Thượng Đạo Tổ, Lão Tử, Khổng Phu Tử, Quan Âm Bồ Tát, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, và Gia Tô Giáo Chủ Jesus Christ, v.v… Người ta chỉ biết rằng Nhiên Đăng Cổ Phật là một vị Phật rất xa xưa, không biết có tự bao giờ, có thể là có trước khi tạo thiên lập địa không chừng. Chỉ hiểu ngần ấy để kỉnh thành vái niệm là đủ rồi.

Hôm nay Bần Tăng muốn đem vấn đề này đặt ra đây để chư đạo hữu hiểu qua, tự đặt lấy cho mình một sứ mạng thế Thiên hành hóa ([6]) hay là một bậc vĩ nhân cho hậu thế trên phương diện đạo lý và nhơn sanh thế đạo.([7])

Nhiên Đăng là gì nếu không phải là ngọn đèn lưu ly ([8]) sáng tỏ không ngừng không dứt từ cổ chí kim, từ thượng thiên đến hạ địa, từ tam thập lục thiên, tam thiên thế giái, từ thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu, từ hàng giáo chủ đến hàng nhơn sanh tín hữu?

Nhiên Đăng có thể gọi là đèn Thái Cực. Chư đạo hữu hãy nhìn lên chánh điện, ngọn đèn lưu ly Thái Cực ngày đêm, năm tháng, giờ khắc nào cũng phải rực cháy luôn luôn.

Nhiên Đăng có thể gọi là ngôi Thái Cực, hoặc đèn Thái Cực soi sáng, đem lại sự ấm áp cho vũ trụ trước khi phân định âm dương và tạo thiên lập địa. Nhiên Đăng có thể gọi là linh hồn của vũ trụ.

Con người đã mang nhục thể,([9]) tứ đại cấu hợp,([10]) đương nhiên phải chịu màn bao bọc của cõi hồng trần. Màn ấy cũng có thể gọi là màn vô minh. Chính bức màn vô minh ấy đã che án ngọn Nhiên Đăng nơi nội tâm của mỗi con người. Vì vô minh mà con người dễ sa ngã, dễ bị quyến rũ, dễ đọa lạc, dễ gây tội lỗi trở thành nghiệp chướng oan khiên.([11])

Đối với con người thì hai tiếng Nhiên Đăng có thể gọi là tâm đăng.([12]) Tâm đăng luôn luôn bất diệt nơi trung tâm điểm của mỗi con người.([13]) Người nào đại căn đại kiếp, ít nghiệp chướng tiền khiên, sớm giác ngộ, lo tu thân lập hạnh, tạo âm chất, gầy dựng phước đức, đem đạo giúp đời, thì bức màn vô minh ấy càng sớm mỏng lần.

Hễ màn vô minh được mỏng, ngọn tâm đăng hiện lần lần ra. Hễ ngọn tâm đăng càng hiện lần lần, sáng tỏ chừng nào thì con người ấy sẽ được và đang được trở thành một người thuần hậu, thuần lương. Từ tướng đi cách đứng, khi nói lúc làm, luôn luôn tác phong người ấy rất nghiêm chỉnh, phúc hậu, đoan trang, dễ gây sự thiện cảm, kỉnh mến với tất cả mọi người chung quanh. Một lời người ấy nói ra sẽ đem lại sự thành công nên việc, an ủi và hạnh phúc cho kẻ khác.

Thế nên người đời thường nói Phật tức tâm, tâm tức Phật mà không hiểu tâm là gì, Phật là gì. Đó là tâm đăng hay là Nhiên Đăng đó, chư đạo hữu à! Người ta chỉ nói một chiều thuận là Phật tức tâm, tâm tức Phật chớ không ai nói ma quỷ tức tâm, tâm tức ma quỷ. Nếu có ai nêu được câu đó lên tức là đã đánh thức được cơn mê của lớp người muội tánh.([14])

Tại làm sao chỉ nói Phật tức tâm? Nghĩa là ai ai cũng có Phật ở nơi tâm. Thế mà tại sao trên thế gian này đã có lắm người có những ngôn ngữ, hành động còn tệ hơn ma quỷ hoặc ác thú chốn rừng sâu? Có phải chăng ngọn tâm đăng đã bị đắm chìm quá sâu nơi tâm khảm ([15]) của lớp người ấy vì tham sân si dục đã cấu thành bức màn vô minh càng ngày càng dày đặc, đã làm ngọn tâm đăng không một chỗ nào có thể rọi soi ra được? Rồi tất cả những hành động của lớp người ấy hoàn toàn do tham sân si dục và những vọng thức([16]) ngự trị làm chủ, dìu dắt họ ư? Đó là nói về lãnh vực của người học đạo, tu thân, hành đạo; còn phần sau đây nói về nhân sinh thế đạo.

Trong nhân sinh thế đạo thì ý nghĩa của Nhiên Đăng là gì, hỡi chư đạo hữu?

Như trên đã nói, Nhiên Đăng là ngọn đèn lưu ly soi sáng vũ trụ khi còn huyền bí, hỗn độn sơ khai trước ngày tạo thiên lập địa. Nói rằng lúc đó cả vũ trụ bao la tối tăm dày đặc, lạnh giá vô cùng; nhờ ngọn Nhiên Đăng rọi soi mà bầu vũ trụ lúc bấy giờ được u u minh minh, nửa tối nửa sáng, bao trùm Hồng Quân Lão Tổ đang ngồi trầm ngâm trong tịch mịch. Mãi đến khi phân định âm dương nhựt nguyệt rồi thì không còn ai để ý đến ngọn Nhiên Đăng, nhưng ngọn Nhiên Đăng vẫn ngấm ngầm soi sáng và sưởi ấm muôn loài vạn vật suốt cả ngày đêm hoặc từ các thượng từng không gian cho đến loài thủy tộc, côn trùng vẫn nhờ ánh sáng và sự sưởi ấm đó giúp muôn loài vạn vật được sanh hóa mãi mãi, trưởng dưỡng và bảo tồn.

Còn Nhiên Đăng, ngọn đèn sáng của nhơn sinh thế đạo là gì?

(...)

Bần Tăng muốn nói ánh sáng đó là Nhiên Đăng hay ngọn tâm đăng, hay khí thiêng anh linh vẫn trường tồn vĩnh cửu của đất nước dân tộc. Tuy bao phen u tối, lắm lúc đau buồn vì bức màn vô minh tham si dục của loài người đã che án ngọn tâm đăng khí thiêng ấy, nhưng nó vẫn ngấm ngầm cháy mãi, chỉ chờ khi nào có người biết vẹt bức màn vô minh ấy là có dịp cho ngọn tâm đăng khí thiêng bừng dậy, đánh thức cơn mê cho mọi người cùng đem lại vinh quang cho đất nước.

(...)

Nói trở lại thực tại, hiện giờ chư đạo hữu là con dân của đất nước này. Hãy đem đạo lý tình thương, đem ngọn tâm đăng soi sáng cho mọi người và gia công hành đạo giúp đời bằng cách khêu ngọn tâm đăng cho tất cả mọi người.

Bần Tăng tạm mượn lời sau đây để kết thúc vấn đề này: Không tiệc vui nào mà chẳng tàn, không màn hát nào mà chẳng vãn, không cơn mưa nào mà chẳng tạnh, không có đêm trường nào mà chẳng sáng, và cũng không có cuộc loạn ly nào mà không trị.([17])

Vậy là bực tín hữu hay hướng đạo ([18]) cũng thế. Hãy chuẩn bị mọi điều kiện, mọi mặt cho ngọn tâm đăng soi rọi đêm trường đang dày đặc cho mọi người sớm hưởng ánh sáng vinh quang, thanh bình an lạc trong nếp sống đạo lý.

THI

Tâm đăng soi sáng giúp cho mình

Tâm đạo trau dồi được tuệ minh ([19])

Cầm đuốc rọi đường cho đại chúng

Phổ truyền giáo lý độ nhơn sinh.

(...)

Bần Tăng chào chung tất cả chư đạo hữu lưỡng phái. Thăng.

*


Huệ Khải chú thích:

([1]) đèn huệ: Huệ đăng, trí sáng suốt của người tu chứng, đắc đạo.

([2]) chốn bụi hồng: Hồng trần, cõi trần gian.

([3]) Ôi! Đức Vạn Hạnh Thiền Sư khiêm tốn tột cùng.

([4]) Nhiên Đăng Cổ Phật là gì?: Đức Thiền Sư không hỏi là ai? vì Ngài không nhằm mục đích giảng về lai lịch, tiểu sử Đức Phật Nhiên Đăng. Ngài hỏi là gì? vì muốn nói tới ý nghĩa biểu tượng của hồng danh Nhiên Đăng Cổ Phật.

([5]) nhiên đăng: 1/ Thắp đèn, đốt đèn. 2/ Ám chỉ đèn Thái Cực, ánh sáng tâm linh bất hoại trong con người. 3/ Tên vị Phật xưa (thời Nhất Kỳ Phổ Độ). Ngài có trước Phật Thích Ca (thời Nhị Kỳ Phổ Độ), hồng danh đầy đủ là Nhiên Ðăng Cổ Phật, cũng là Định Quang Phật.

([6]) thế Thiên hành hóa: Thay Trời hành đạo để giáo hóa dân chúng tu hành.

([7]) nhơn sanh thế đạo: Ðạo ở đời của con người; con đường mà phận làm người phải noi theo để sống đúng đạo lý hay lẽ phải. Nhơn sanh thế đạo cũng là nhân đạo (đạo làm người, đạo người).

([8]) lưu ly: Pha lê. đèn lưu ly: Đèn pha lê.

([9]) nhục thể: Tấm thân xác thịt, thể xác.

([10]) tứ đại cấu hợp: Bốn chất kết hợp tạo thành. Thân xác con người do bốn chất căn bản tạo thành là đất (da thịt…), nước (máu, các chất lỏng…), lửa (hơi ấm, thân nhiệt), gió (hơi thở).

([11]) oan khiên: Tội lỗi gây ra kiếp này sẽ phải tiếp tục gánh chịu hậu quả để đền trả thêm nữa trong kiếp sau.

([12]) tâm đăng: Đèn lòng; óc sáng suốt (minh triết) của người dày công tu học, không bị tham dục, vô minh che mờ lương tri (thiên lương).

([13]) trung tâm điểm của mỗi con người: Theo bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014), trong đầu não con người có trung tâm điểm, y học gọi là Não Thất Ba.

([14]) muội tánh: Tánh phàm tăm tối, u mê.

([15]) tâm khảm: Đáy lòng, chỗ sâu kín nhất trong lòng.

([16]) vọng thức: Cái biết sai trái; nhận thức sai lầm.

([17]) không trị: Không trở lại thái bình, yên ổn.

([18]) hướng đạo: Người dẫn dắt đạo hữu.

([19]) tuệ minh: Sáng suốt, minh triết.