Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác
AI THẬT SỰ CẦN ĐẠO?
AI THẬT SỰ CẦN ĐẠO?
Các con ơi! Nếu thế gian này là cõi toàn thiện thì Thầy không đến đây mở Đạo làm gì. Các con thử nghĩ: Nếu nhơn sanh không bị thiên tai hạn hán, bão lụt chiến tranh tàn phá, hỏa hoạn thiêu đốt, thì họ đâu cần chi tới đoàn người cứu trợ ủy lạo. Nếu nhơn sanh không đau ốm bịnh tật thì họ đâu cần gì đến đoàn bác sĩ lương y. Nếu nhơn sanh học giỏi, văn hay chữ tốt thì họ đâu cần gì đến đoàn người giáo dục mở lớp khai trường. Nếu nhơn sanh thuần chơn đạo đức, không đi trong hố sâu tội lỗi, khổ sở tinh thần thì họ đâu cần gì đến đoàn người hướng đạo đem giáo lý đến cho họ.
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Thiên Nguyệt Lâm Huyền Châu
(Hội Thánh Hậu
Giang Minh Chơn Đạo)
ngày 26-8-1969.
*
Trong lịch
sử Phật Giáo Nhật Bản, thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác 盤珪永琢 (Bankei Yōtaku, 1622-1693), tông Lâm
Tế, là một vị rất danh tiếng. Sư có công đưa thiền học đến với quần chúng. Rất đông
người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau dễ dàng tìm đến tu viện của sư để
tập làm quen với thiền. Nhưng cửa thiền càng rộng mở càng khó tránh khỏi phần
tử xấu trà trộn.
Đây là chuyện tôi nghe:
Trong một khóa
tu tập nọ, các thiền sinh không thể nào giữ lòng thanh tịnh để tập trung tu
hành vì thường xuyên bị mất cắp. Các nạn nhân kín đáo hội ý với nhau bố trí
người luân phiên theo dõi. Họ dễ dàng bắt quả tang kẻ trộm, là một thiền sinh
giả hiệu.
Vụ việc
lập tức được trình lên thiền sư Bàn Khuê. Họ xin thầy phải trục xuất kẻ gian,
giữ cho cửa thiền trong sạch. Sư chỉ làm thinh.
Kẻ trộm nghỉ
“xả hơi” được vài hôm thì ngứa ngáy tay chân, bèn tái phạm. Y lập tức bị tóm cổ,
và bị lôi xềnh xệch đến trước mặt thiền sư. Nhưng chẳng khác chi lần trước, sư chỉ
làm thinh.
Lần thứ ba
tóm được kẻ trộm, vì quá bất mãn trước việc “bao che” của thầy, các thiền sinh quyết
liệt yêu cầu thầy chọn lựa: Nếu kẻ trộm vẫn tiếp tục được dung túng, tất cả môn
sinh sẽ đồng lòng cuốn gói ra khỏi chùa!
Bấy giờ Sư
Bàn Khuê mới ôn tồn bảo:
- Các anh
là những người khôn ngoan, có lý trí và hiểu biết. Các anh đã đủ khả năng phân biện
đúng sai, phải quấy. Do đó, các anh có thể tìm chỗ nào khác tu học cũng được,
chẳng sao cả. Nhưng kẻ đáng thương này chưa hề biết phân biệt đúng sai, thiện
ác, nếu thầy không giáo hóa anh ta thành người lương thiện thì ai sẽ dạy anh ta
đây?! Thôi, các anh muốn đi đâu tùy ý, cứ để người này lại cho thầy dạy dỗ.
Sư vừa dứt
lời, kẻ cắp liền quỳ sụp xuống chân thầy, khóc nức nở.
HUỆ KHẢI
03-7-2012
CGvDT số 1865-1866,
ngày 06-7-2012► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.