Mẹ Teresa
ÍT MÀ NHIỀU
Chuyện xưa này rất nhiều người biết:
Tổ thứ hai mươi tám dòng thiền Ấn Độ và sơ tổ thiền
tông Trung Quốc là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, 470-543). Tới Trung Quốc năm 520, Tổ
gặp Lương Võ Đế trước khi lên núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách đá chín năm
trong động Thiếu Thất.
Lương
Võ Đế (464-549) trị vì bốn mươi bảy năm (502-549), rất sùng mộ đạo Phật. Tương
truyền vua đã cho cất được bảy mươi hai cảnh chùa. Khi gặp Tổ, vua hỏi:
-
Từ khi lên ngôi đến nay, trẫm xây chùa, in kinh, ủng hộ tăng ni nhiều không biết
bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
Tổ đáp:
- Không có công đức.
Câu chuyện này còn thêm một đoạn nữa, và xưa nay được nhiều
người bình luận khác nhau. Nhưng chúng ta tạm dừng ở câu trả lời “phũ phàng”
trên đây của Tổ.
Không thể phủ nhận rằng những của cải mà vua Lương dốc vào
làm công quả, phụng sự Phật pháp là rất lớn, rất nhiều. Vua quả là một đại thí
chủ khó có ai “cạnh tranh”. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng vua lấy của cải trong
quốc khố mà làm công quả, tức là lấy tiền thuế của dân chúng. Do đó, công quả
của vua Lương nhiều mà ít, lớn mà nhỏ.
Chuyện này cũng rất nhiều người biết:
A Xà Thế (Ajātaśatru)
làm vua nước Ma Kiệt Đà (Magadha) ở miền Bắc Ấn Độ. Trong tám năm cuối
cùng của Phật Tổ khi Đức Thế Tôn còn hoằng pháp giữa cõi ta bà, vua có duyên tu
theo Phật và rất nhiệt tâm phụng sự Phật pháp.
Một hôm,
vua tổ chức đại hội hoa đăng để kính dâng Như Lai và giáo hội tại tịnh xá Kỳ
Hoàn, với ý nghĩa ánh sáng đạo pháp tỏa rộng đến đâu thì bóng tối vô minh bị
xóa nhòa đến đó.
Xế chiều
ấy, một bà lão ăn xin biết tin rằng kinh thành sẽ mở đại hội hoa đăng. Xét phận
mình, thấy chưa từng làm được một công quả nhỏ nhít nào, bà phát tâm bồ đề,
liền đem hết số tiền ít ỏi xin được trong ngày để mua dầu thắp đèn cúng dường
Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Thấy bà
lão chỉ có vỏn vẹn hai đồng tiền mọn mà chịu nhịn đói để góp lòng thành vào đêm
hoa đăng, người bán cảm động, bèn tặng bà thêm ba đồng tiền dầu kèm cái đèn
nhỏ. Bà lão mang đèn đến tịnh xá, hướng về Đức Phật và lập đại nguyện kiếp sau
sẽ tu thành Phật.
Số đèn của
nhà vua được quân lính luân phiên châm dầu, thay tim cẩn thận, nhưng không
tránh khỏi nhiều ngọn bị gió thổi tắt, hoặc bén lửa cháy rụi...
Tuân lời
Đức Thế Tôn, sáng sớm hôm sau tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna) bước ra
ngoài tịnh xá, lần lượt đi tắt hết những ngọn đèn còn cháy.
Khi đến
trước cây đèn nhỏ của bà lão ăn xin, tôn giả quạt mạnh ba lần, đèn vẫn không
tắt. Tôn giả cầm vạt cà sa và dùng phép thần thông quạt thêm lần nữa, đèn càng
rực sáng hơn. Chúng ta nhớ, trong mười đại tông đồ của Đức Phật, tôn giả Mục
Kiền Liên là vị thần thông đệ nhất (phép thuật cao cường hơn hết).
Lúc ấy,
Đức Phật vừa đến bên cạnh và dạy:
- Dù đem
hết phép thần thông con vẫn không thể tắt được ngọn đèn này, vì đó là ánh sáng
công đức của một vị Phật sẽ thành.
Chúng ta thừa biết cây đèn bé nhỏ của bà lão ăn xin nghèo khổ chỉ có một
ít dầu, nhưng nó đã sáng bền suốt cả đêm dẫu không được ai châm thêm chất đốt.
Hơn thế nữa, gió không thể thổi tắt nó, kể cả cơn gió lớn từ phép mầu của vị
tông đồ nổi tiếng là thần thông đệ nhất.
Do tâm thành và đại nguyện, công quả của bà lão ít mà nhiều, nhỏ mà lớn.
Câu chuyện
thứ hai nhắc chúng ta liên tưởng tới một trường hợp được chép lại trong Phúc Âm
như sau:
“Ngước mắt lên nhìn, Ðức Giêsu thấy
những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy
một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: ‘Thầy
bảo thật anh em. Bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả
những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà bỏ vào dâng cúng; còn bà
này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để
nuôi sống mình.” (Luca
21:1-4)
Hai đồng tiền của bà góa nghèo ấy cũng to tát chẳng khác chi một xu bolivar được tặng cho Mẹ Teresa (giải thưởng
Nobel Hòa Bình năm 1979).
Lần nọ, Mẹ gặp một người ăn xin. Cả ngày
kẻ khốn khổ này chỉ xin được một đồng xu bolivar.([1]) Giúi đồng xu vào tay Mẹ, ông nói:
- Con tặng Mẹ hết những gì con có. Mẹ
hãy nhận lấy đem giúp người nghèo của Mẹ.
Mẹ thổ lộ:
- Trong thâm tâm tôi cảm thấy con người khốn khó kia đã
trao cho tôi còn nhiều hơn cả giải thưởng Nobel, bởi vì ông cho tôi tất cả
những gì ông có. Chắc hẳn tối hôm đó chẳng ai cho ông thêm tí gì nữa và ông
phải ôm bụng đói đi ngủ.([2])
HUỆ KHẢI
12-11-2011
CGvDT số 204, tháng 12-2011
([2]) In my heart I
felt that the poor man had given me more than the Nobel Prize because he gave
me all he had. In all probability, no one gave him anything else that night and
he went to bed hungry.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.