Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

54/7. CHUYỆN CHÉP Ở BỆNH VIỆN / BẮC CẦU TÂM LINH



CHUYỆN CHÉP Ở BỆNH VIỆN

Ông bạn đồng nghiệp mời anh ngồi xuống cái ghế nhựa kê sát bên giường rồi nhăn mặt:
- Tôi đã cố giấu nhưng cũng không tránh khỏi làm phiền mọi người phải mất công ghé thăm.
Bạn anh nằm đây đã vài hôm, chung với ba người nữa. Phòng dịch vụ, trả giá cao nên tiện nghi hơn và dễ chịu hơn. Thấy anh đảo mắt nhìn quanh, bạn nói như phân trần:
- Mấy cháu cứ khăng khăng buộc tôi nằm ở đây. Rất tốn kém, tôi ngại lắm. So với đồng lương giáo chức ba cọc ba đồng của bọn mình thì quá sức!
Anh cười:
- Các cháu có khả năng chi trả và muốn được báo hiếu, anh chớ nên phụ lòng.
Bên cạnh gối bạn anh là cuốn sách đọc dở, để mở, nằm úp xuống nệm, phơi bày trọn bìa mặt và bìa lưng: The Analects of Confucius. Bạn vốn là mọt sách. Anh trêu:
- Không có cái gì dễ đọc hơn sao? Đang bệnh mà!
- Tôi thích Luận Ngữ. Nhưng chuộng bản dịch của học giả phương Tây, nó dễ hiểu hơn cổ văn Trung Hoa. Vả lại, cũng để trau giồi thêm tí tiếng Anh. Nhiều khi mình thấy họ dịch rất lạ. Không dám nghĩ rằng dịch sai, đành cố suy gẫm và cuối cùng thì vỡ ra họ dịch tới cái thần của Khổng học.
Anh lắc đầu, cười:
- Tôi chịu bác. Chia sẻ thằng em chút kinh nghiệm đi.
- Ai chả biết Ngũ Đức của Khổng là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Họ dịch Nhân là Benevolence thì tôi hiểu, nhưng dịch Tín là Sincerity thì tôi cứ thắc mắc mãi. Tín là tin, còn Sincerity là thành thật, sao lại xa nghĩa đến thế? Tôi tra nhiều sách khác nhau, thấy đều dịch cùng một kiểu.
- Thiên hạ há chẳng bảo Dịch là diệt đấy ư?
- Đã đành Traduttore, traditore; nhưng ở đây té ra chẳng phản hay diệt chi hết! Anh thấy đó, Nhân đứng đầu Ngũ Đức như là một khởi phát. Nếu con người không có lòng Nhân thì họ chẳng cần quan tâm tu dưỡng để rèn luyện cho mình Nghĩa, Lễ, Trí. Tức là học làm Người. Nhưng làm Người thì khó, làm chó thì dễ. Muốn rèn luyện để trở nên người hiền đức gian nan trắc trở lắm. Vì anh phải luôn đấu tranh để đi ngược lại bản năng ích kỷ và dục vọng cá nhân. Có kẻ chỉ học làm Người được một chốc rồi buông xuôi, bại trận, thành ngợm. Thế nên Ngũ Đức phải đặt Tín đứng dưới cùng để làm nền tảng cho việc rèn luyện nhân cách. Tín theo Khổng không phải là tin như cách ta hiểu. Tín là trước sau như một, chẳng đổi dạ thay lòng. Đó là Chí Thành, tức là Sincerity.
Bạn anh thở dài, nói tiếp:
- Anh thấy đó, các nhà chính trị trên thế giới đều lớn tiếng hứa chăm lo lợi ích người nghèo, đó là Nhân. Nhưng chính sách thi hành hầu như ngược lại 180 độ! Tại sao vậy? Có lẽ họ thiếu chữ Tín, tức là thiếu cái lòng Chí Thành thương dân, thương những người còng lưng đóng thuế cho họ huênh hoang những lời nhân nghĩa.

HUỆ KHẢI
09-01-2008
CGvDT số 1640, ngày 11-01-2008


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.