Bông vải
CHUYỆN TRÊN ĐỒNG
CHUYỆN TRÊN ĐỒNG
Đây là chuyện tôi nghe:
Chú bé sinh ra trong một gia đình trồng bông vải bên Mỹ.([1]) Mới năm, sáu tuổi đầu, chú được mẹ đưa ra đồng để sớm làm quen với nghề
nghiệp gia truyền.
Chỉ cho chú thấy một hàng
cây bông vải trồng nối nhau dài chừng bảy tám trăm mét, và đưa cho chú con dao
nhỏ, mẹ bảo nhiệm vụ của chú là “chopping
cotton”.
Còn gì vui hơn với đứa bé con. Việc lao động nghe sao giống hệt
cuộc chơi có tính phá hoại. Thế là chú hăng hái vung dao lên, cứ nhè vào những thân
cây bông vải mỏng mảnh mà bụp mạnh. Khi chú đã hạ gục được hàng cây dài chừng
năm sáu mét thì mẹ chú hoảng hồn hoảng vía, nhảy bổ tới, giằng lấy con dao. Bấy
giờ, chú bé mới vỡ lẽ đã hiểu sai lời mẹ.
Nông dân thường phải dùng cuốc giãy cỏ quanh gốc cây bông
vải. Thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái, một người suốt ngày phơi lưng ngoài trời
nắng chang chang làm thuê việc này chỉ được trả công hai đô la.
Thay vì nói “hoeing
weeds” tức là dùng cuốc (hoe) để
giãy cỏ dại (weeds), người trồng bông
vải vẫn quen nói là “chopping cotton”,
mặc dù chopping có nghĩa là “đốn, chặt”. Thành thử, chú bé hiểu chữ đúng
theo nghĩa thông thường mà hóa ra sai bét với tập quán nghề trồng bông vải!
Sau
này chú bé trở thành giáo sĩ, vẫn luôn bị kỷ niệm ấu thơ ám ảnh. Ông thấy rằng hàng
ngày trong giao tiếp ngôn từ với nhau, chúng ta vẫn thường hiểu sai ý, diễn
dịch lầm lẫn ý tưởng người khác. Ý tưởng người khác mỗi khi truyền tới chúng ta
luôn luôn bị “lọc” qua tấm lưới trong não bộ chúng ta. Bởi thế, chúng ta chỉ hiểu
người khác theo những gì mà tấm lưới trong não bộ cho lọt qua! Tấm lưới gạn bỏ
lại nhiều chừng nào, chúng ta càng hiểu sai người khác chừng nấy.
Trong
đạo Cao Đài có nói tới hai chữ tâm điền,
nghĩa là ruộng lòng. Tâm con người như đất ruộng, bỏ hoang thì cỏ dại và gai
góc tha hồ mọc um tùm; nhưng chăm chỉ cày xới, gieo giống tốt, siêng năng tưới
nước, bón phân… thì ruộng đồng sẽ phì nhiêu, sinh sôi bông trái sai oằn, hạt
lúa trĩu ngọn.
Liên
hệ tới sứ vụ của mình trên cánh đồng truyền giáo, vị giáo sĩ ấy nghĩ rằng để
khỏi vô tình phá hủy những mùa màng tâm linh đang có cơ hội nảy nở, tăng trưởng
trong mảnh tâm điền của những người khác, nhà truyền giáo nên biết nhìn xa hơn
bản thân mình, và nên ghi nhớ lời giáo huấn của Thánh Phaolô: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.” (Philípphê
2:4). Hãy luôn cân nhắc xem điều gì thật sự tốt nhất cho những người khác,
những người mà nhà truyền giáo muốn chia sẻ ơn phước tâm linh. Đừng để chúng ta
giống như chú bé hồn nhiên xưa kia, cứ đinh ninh mình đang “giãy cỏ dại” cho cây bông vải khỏe mạnh mà chẳng ngờ mình đang vô
tình phá hoại tan nát mùa màng.
HUỆ KHẢI
14-8-2011
CGvDT số 1821, ngày
19-8-2011
([1]) Cây bông vải (cotton
plant) cao chừng một thước, là loại cây lấy sợi quan trọng nhất ở các nước
nhiệt đới. Sợi bông là nguyên liệu chủ yếu trong công nghiệp dệt.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.